Khi bị trúng đạn, cảm giác sẽ như thế nào? Người rất béo có thể sống sót nếu bị bắn không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn cho rằng một khi trúng đạn sẽ rất đau đớn và chết gần như lập tức, nhưng điều đó không nhất định đúng. Liệu một viên đạn sẽ gây tổn thương cho cơ thể như thế nào? Hãy xem người trong cuộc nói gì về cảm giác sau khi bị trúng đạn.

Các bộ phim hành động mô tả khá chính xác và rất sát với thực tế, rằng khi một người bị trúng đạn, họ thường cảm thấy sốc trước khi nhìn vào vết thương và gục xuống.

Nhưng vị trí trúng đạn và cỡ đạn sẽ quyết định đến mức độ tổn thương của các mô và cơ quan trong cơ thể, cũng như mức độ đau đớn và khả năng tử vong của nạn nhân.

Vậy khi một người bị trúng đạn, họ sẽ có cảm nhận như thế nào?

Cảm giác như thế nào khi bị bắn?

Nhà văn New Orleans và nhà vận động văn hóa Deborah Cotton, người bị trúng đạn trong Cuộc diễu hành Ngày của Mẹ vào năm 2013, cho biết khi bị bắn, cô không cảm thấy đau đớn chút nào, nó giống như ai đó vừa ném một viên sỏi nhỏ vào người.

Today I Found Out cho hay, viên đạn sau khi găm vào hông của Deborah, nó đi lên trên, cuối cùng dừng lại quanh khung xương sườn bên trái. Trải qua 36 cuộc phẫu thuật, cô phải cắt bỏ đại tràng, túi mật, một quả thận, một phần tuyến tụy, hai phần ba dạ dày và tá tràng.

Mặc dù cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng và gần như phải trả giá bằng cả mạng sống, nhưng Deborah cho hay, sau khoảng 90 giây kể từ thời điểm bị bắn, cô nhận ra bản thân có lẽ không thể chết.

Deborah thử động ngón chân, mắt cá chân để kiểm tra xem liệu có khả năng bị liệt hay không. Cô nói rằng, thay vì cảm thấy nhiều mảnh kim loại xé toạc cơ thể, tất cả những gì cảm nhận được đều tương đối trái ngược.

Thực ra, cảm giác ít đau buốt mà Deborah cảm thấy là nhờ viên đạn cỡ 9mm, khi găm vào cơ thể vẫn còn nguyên vẹn, chứ không phải loại nổ thành nhiều mảnh nhỏ. Nó lý giải vì sao cô không thấy cơ thể bị xé toạc bởi những mảnh kim loại.

Khi Deborah tiếp tục kiểm tra, cảm giác nóng rát trong dạ dày nơi viên đạn xuyên qua bắt đầu chiếm lấy tâm trí.

Sau bốn năm chống chọi với các tổn thương do viên đạn gây ra, Deborah đã qua đời tại bệnh viện khi bước sang tuổi 52. (Ảnh qua nola.com)
Sau bốn năm chống chọi với các tổn thương do viên đạn gây ra, Deborah đã qua đời tại bệnh viện khi bước sang tuổi 52. (Ảnh qua nola.com)

Tuy nhiên, cỡ đạn và vị trí trúng đạn sẽ quyết định đến cảm giác khác nhau ở giây phút đầu tiên. Trong khi Deborah cảm thấy như thể bị ai đó ném sỏi vào lưng, thì có người lại cảm thấy như bị ong đốt, hoặc giống như bị đánh bởi gậy bóng chày.

Ngoại trừ đau, một cảm giác gần như phổ biến là bỏng rát cực độ và dai dẳng.

Tài khoản Reddit có tên Tia_Jamon cho biết: “Tôi thậm chí không biết mình đã bị bắn”. Anh cho rằng mình đã bị ngoại cảnh phân tâm nên không nhận thấy tác động tức thì này.

Nhưng cảm giác đầu tiên sau khi ý thức được là tê rần khắp chỗ bị trúng đạn. Sau đó, nó trở nên bỏng rát kinh khủng. Jamon nói, nó rất “nóng”, giống như một vết phồng rộp, nhưng dữ dội và đau đớn.

Một luật sư bị bắn vào đầu gối cho hay, trong khoảng hai giây đầu tiên, anh đã quá sốc nên không hề thấy đau đớn. Nhưng cũng rất nhanh sau đó, nỗi đau ập tới và nó thậm chí còn lớn hơn bất kỳ nỗi đau nào khác.

Cũng có người lại cảm thấy không đau lắm khi đạn trúng vào bắp chân. Người này còn hóm hỉnh nói thêm: “Tôi hy vọng việc bị bắn bởi một loại đạn có cỡ nòng nhỏ sẽ giúp tôi tăng cường khả năng miễn dịch với những viên đạn lớn hơn”.

Ngoài những cơn đau về thể chất, các nạn nhân cho biết họ cũng chịu đựng các chấn thương tinh thần trong một thời gian tương đối dài sau đó.

Cỡ đạn và vị trí trúng đạn sẽ quyết định đến cảm giác khác nhau ở giây phút đầu tiên.
Cỡ đạn và vị trí trúng đạn sẽ quyết định đến cảm giác khác nhau ở giây phút đầu tiên. (Unsplash)

Dựa vào lời kể của các nạn nhân sống sót, có vẻ như cảm giác trúng đạn sẽ không gây đau đớn ngay từ đầu.

Có lẽ họ sẽ cảm thấy nhức nhối, sau đó là bỏng rát cực độ, tiếp theo là đau đớn, rồi tới đau mãn tính trong suốt quá trình hồi phục và có thể kéo dài hơn, cuối cùng là các chấn thương về tâm lý.

Tất nhiên, trường hợp nói trên sẽ không xảy ra nếu viên đạn găm trúng vào các bộ phận quan trọng và nạn nhân tử vong ngay sau đó.

Quay lại trường hợp của Deborah, sau bốn năm chống chọi với các tổn thương do viên đạn gây ra, cô đã qua đời tại bệnh viện khi bước sang tuổi 52.

Trúng đạn vào đầu có thể sống sót không?

Trong hầu hết các trường hợp, một khi viên đạn trúng đầu thì khả năng tử vong là rất cao. Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ.

Michael Moylan nói rằng anh thậm chí không biết mình đã bị bắn. Hóa ra vợ anh đã “vô tình” bắn vào đầu anh khi anh đang… ngủ.

Moylan thức dậy, cảm thấy đầu đau nhức dữ dội và nhờ vợ chở tới bệnh viện khẩn cấp. Sự việc chỉ vỡ lẽ khi một y tá nhìn qua và thông báo rằng anh đã bị bắn vào đầu.

Ngoài triệu chứng đau đầu, những người sống sót sau khi bị bắn còn cho biết một biểu hiện khác, đó là tiếng chuông.

Gary Meliuse bị bắn vào đầu nhưng không nhận ra chuyện gì cho tới khi nhập viện. Anh thuật lại: “Có một tiếng chuông trong đầu tôi. Tôi chưa bao giờ nghe nó trước đây. Tôi thấy âm thanh phát ra như lắc một vật trong chiếc lon, chỉ ồn ào vậy thôi”.

Trong khi đó, Joab Hodge kể lại trải nghiệm rằng, tiếng vo ve rất lớn như hai con ong đang ở trong tai, khiến tai bị ù đi.

Nó giống như ai đó dùng kim loại đánh vào kim loại, nhưng nó có âm vực cao. Sau đó, tiếng chuông rất lớn và đáng sợ bắt đầu, nhưng không có cảm giác đau đớn nào tại thời điểm đó.

Trong hầu hết các trường hợp, một khi viên đạn trúng đầu thì khả năng tử vong là rất cao. Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ.
Trong hầu hết các trường hợp, một khi viên đạn trúng đầu thì khả năng tử vong là rất cao. Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ. (Unsplash)

Viên đạn phá hủy cơ thể con người bằng cách nào?

Theo PBS, viên đạn sau khi đâm xuyên lớp da, các vật cản trên đường đi của nó đều sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Nếu trúng xương, viên đạn có thể làm vỡ xương, nó cũng có thể làm trật khớp chân tay. Nếu trúng ruột, thì nạn nhân phải bị cắt bỏ một túi đại tràng suốt đời.

Đối với trẻ em, một chấn thương ở đĩa tăng trưởng (đầu sụn của xương) có thể dẫn đến sự chênh lệch vĩnh viễn về độ dài của hai chân.

Bill Smock, một bác sĩ phẫu thuật của cảnh sát tại Sở Cảnh sát Louisville Metro cho biết: “Nếu viên đạn xé toạc tủy sống và nạn nhân vẫn sống sót, thì họ sẽ bị liệt nửa người hoặc tứ chi. Nếu viên đạn găm vào não, thì cuộc đời nạn nhân sẽ thay đổi vĩnh viễn”.

Các vết thương do súng bắn vào đầu khó đoán định hơn. Bộ não bị hộp sọ cố định vị trí, do đó khi trúng đạn, sóng xung kích tạo ra thường gây tổn thương không thể phục hồi.

Nếu viên đạn bay với tốc độ cao, không tạo ra các dao động lớn và đi qua các bộ phận không quan trọng của não, thì khả năng tổn thương sẽ thấp hơn một chút và nạn nhân có thể sống sót.

Nói chung, khi một viên đạn bắn vào cơ thể, tất cả năng lượng sẽ chuyển sang các mô xung quanh, từ đó gây ra tổn thương. Viên đạn càng nặng và di chuyển càng nhanh thì càng có khả năng gây sát thương lớn.

Có sự khác biệt lớn về năng lượng giữa một viên đạn bắn ra từ súng trường AR-15 và từ một khẩu súng ngắn.

Nếu một viên đạn từ súng ngắn bắn vào gan, nó sẽ chọc một lỗ lên nội tạng và phá vỡ các mô xung quanh. Cụ thể hơn, một khẩu súng ngắn 9mm tạo ra một lỗ và phá vỡ 3/4 inch các mô xung quanh, bác sĩ Smock nói.

Ông nói thêm: “Nhưng với một viên đạn súng trường, thay vì ba phần tư inch xung quanh vết thương, thì gan sẽ bị đứt khoảng ba đến bốn inch".

Theo PBS, viên đạn sau khi đâm xuyên lớp da, các vật cản trên đường đi của nó đều sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. 
Theo PBS, viên đạn sau khi đâm xuyên lớp da, các vật cản trên đường đi của nó đều sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. (Picryl)

Cơ thể càng béo thì càng tăng tỷ lệ sống sót sau khi bị trúng đạn?

Theo Science Focus, các thử nghiệm trên cơ thể mô phỏng cho thấy, một viên đạn có kích cỡ 9mm, được bắn từ một khẩu súng ngắn có thể xuyên qua mô mỡ khoảng 60cm.

Trong khi đó, bắn một viên đạn bọc giáp hoàn toàn từ súng trường tấn công, chẳng hạn như AK-47 có thể xuyên qua tường gạch. Nói cách khác, mức độ đâm xuyên mô mỡ sẽ lớn hơn nhiều.

Vì vậy, xét trên khía cạnh lý thuyết, một người rất béo vẫn có khả năng sống sót nếu loại đạn bắn ra có độ xuyên thấu thấp.

Dựa vào thí nghiệm trên, chúng ta tạm xem 60cm là mức tối thiểu để viên đạn thông thường không thể xuyên qua. Tuy nhiên, một người béo phì nặng trên 125kg không thể có lượng mỡ dày 60cm trên khắp cơ thể. Thông thường, nơi mà mỡ tập trung nhiều nhất chỉ là bụng.

Do đó, khả năng sống sót của người béo vẫn rất thấp, và nó còn tùy thuộc vào vị trí viên đạn bắn vào.

 

Một viên đạn có thể chết người, nhưng đôi lúc… 20 viên thì không

Vào năm 1995, Kenny Vaughan, một người đàn ông ở North Carolina đã bị bắn khoảng 20 phát tại Rougemount, theo New York Times.

Ông Vaughan kể lại, khi vừa tấp xe vào lề đường, một người đàn ông trên xe van (đỗ phía sau) lao ra với khẩu súng trường trên tay. Hung thủ là hàng xóm cũ của ông.

Lúc đó, ông Vaughan cố chạy đi nhưng bị vấp ngã. Ông bị gã hàng xóm nã đạn vào cơ thể. Trong khi bị bắn, ông liên tục cầu xin Chúa che chở và bảo vệ, để đạn không trúng vào tim và đầu.

Mặc dù cảm nhận nỗi đau đớn khi từng viên đạn xé vào thân, nhưng ông Vaughan cho biết, dường như adrenaline hoặc ý chí sống đã khiến ông phải cố gắng tìm lối thoát.

Khi tay súng dừng lại để nạp đạn, ông đứng dậy và trèo lên mui xe tải nhỏ của mình. Nhưng hung thủ lại bắn tiếp vào lưng và bụng.

Ông Vaughan mô tả, phát súng cuối cùng đi vào vùng háng, thoát ra ngoài qua trực tràng, khiến ông nằm trong vũng máu và phân. Nhưng vì không muốn chết, ông quyết không nhắm mắt bởi có thể bị sốc và tử vong.

Một điều kỳ diệu xảy ra trong quá trình này, ông Vaughan đã có một trải nghiệm cận tử, cảm thấy như thể ông đang là một người khác, đứng xem vụ bắn súng cách đó gần 5m. Ông tin rằng Chúa có một an bài khác cho ông, giúp ông sống sót.

Bác sĩ phẫu thuật cho ông Vaughan cho biết, các viên đạn găm vào cơ thể nạn nhân hầu như không trúng các cơ quan quan trọng. Trong số này, chỉ có hai viên cách tim chưa đầy một inch (1 inch = 2.54cm).

Dựa vào đặc điểm viên đạn, hung thủ đã sử dụng súng trường cỡ nòng 22, vốn là loại ít gây chết người hơn nhiều so với súng ngắn 9mm.

Nhìn chung, ông Vaughan đã rất may mắn khi có thể sống sót. Bác sĩ phẫu thuật cho hay: “Làm thế nào bạn có thể lấy được nhiều viên đạn ở ngực, bẹn, bụng và tứ chi mà không gây thương tích chết người là điều khá đáng chú ý”.

Vị bác sĩ cũng nói thêm, sau khi bị bắn và nhập viện, nếu tim của nạn nhân vẫn còn đập thì tỷ lệ sống sót có thể lên tới 95%.

Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

Khi bị trúng đạn, cảm giác sẽ như thế nào? Người rất béo có thể sống sót nếu bị bắn không?