Bình luận: Ngành công nghiệp hàng xa xỉ đang thoái trào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã đến lúc mọi người chuẩn bị cho khó khăn, và điều này bao gồm cả những người rất giàu. Tủ đồ đầy đồ Louis Vuitton hào nhoáng không thể mang tới thức ăn hay trả tiền thế chấp. Quá khứ đẹp đẽ cũng chỉ là quá khứ.

Bài bình luận

Trong nhiều năm nay, lĩnh vực hàng xa xỉ đã phát triển mạnh. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Đã có một nền hòa bình tương đối, một số ít người dường như đã được hưởng sự thịnh vượng, trong khi sống hoàn toàn tách biệt với sự nghèo khó trên thế giới. Bạn có thể thấy điều đó trong các sự kiện xa hoa và được quảng cáo rộng rãi như Met Gala hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Sức tiêu dùng của những người khá giả là rất đáng chú ý.

Điều này đặc biệt đúng với lãi suất 0%, kéo dài ít nhiều từ năm 2008 đến năm 2021 tại Mỹ. Chính sách này là một khoản trợ cấp khổng lồ cho các doanh nghiệp lớn nhất và đã tạo ra mọi điều phi lý có thể tưởng tượng được với những lý thuyết điên rồ như DEI và ESG. Giống như việc nó lấy đi phần thưởng của sự tiết kiệm, nó cũng tạo điều kiện cho mọi sự phung phí. Nó làm cho chi phí vốn vay về cơ bản là miễn phí, đồng thời gây tổn hại cho những người tiết kiệm.

Nhưng sự suy giảm kinh tế cuối cùng cũng đến với tất cả mọi người, ngay cả những người cho rằng mình sống trong sự tách biệt. Gần đây, người Mỹ đã chứng kiến cổ phiếu các thương hiệu xa xỉ bị ảnh hưởng nặng nề. Tờ Wall Street Journal viết: “LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton công bố doanh số bán hàng quý III thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích”, “khi ngành công nghiệp xa xỉ vật lộn với lạm phát và lãi suất cao, thứ đang siết chặt chi tiêu của người tiêu dùng”.

“Chủ sở hữu thương hiệu Louis Vuitton và Dior đã phải vật lộn để thu hút những người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu nhiều quay trở lại khi ngành du lịch Trung Quốc chậm phục hồi kể từ sau đại dịch. Trung Quốc là thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới trước khi Covid-19 tấn công”.

Quả thực, cổ phiếu của doanh nghiệp này đã lao dốc hoàn toàn, chạm mức thấp nhất trong năm sau một thời gian dài tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ.

Mọi thứ đang diễn ra không thực sự tốt đẹp trong nền kinh tế thế giới, ngay cả ở Trung Quốc, và vì vậy giờ đây chúng ta thấy các thương hiệu xa xỉ đang gặp khó khăn. Lạm phát và lãi suất cao là thủ phạm. Vốn vay cuối cùng đã có chi phí dương lần đầu tiên sau một thập kỷ rưỡi. Điều này tạo ra một áp lực chậm rãi nhưng liên tục đối với tất cả các tài khoản ngân hàng, ngay cả đối với những tài khoản tốt nhất.

Bình luận: Ngành công nghiệp hàng xa xỉ đang thoái trào
Một người đàn ông đi ngang qua cửa hàng Louis Vuitton ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 29/6/2023. (Ảnh: PEDRO PARDO/AFP qua Getty Images)

Tại sao người ta lại mua hàng xa xỉ?

Bạn chắc chắn đã từng gặp những thương hiệu này trong quá khứ. Đi bộ qua những sân bay tốt nhất, bạn sẽ thấy những người bán đồ trang sức, người bán túi xách và các thương hiệu thiết kế thời trang với những món đồ lạ mắt đang được giảm giá. Bạn quan tâm và sau đó mắt bạn sẽ nhận ra mức giá của chúng. Thật đáng kinh ngạc và bạn gần như không thể tin được rằng lại có người mua chúng. Nhưng vẫn có người mua. Câu hỏi là tại sao.

Những mặt hàng xa xỉ như thế này từ lâu đã mê hoặc các nhà kinh tế vì chúng nêu bật các quy luật của nhu cầu. Thông thường với một hàng hóa duy nhất, nếu tất cả các điều kiện khác vẫn giữ nguyên, giá càng thấp thì nhu cầu đối với cùng một hàng hóa càng lớn. Nhưng đôi khi, điều ngược lại lại xảy ra. Giá càng cao thì càng có nhiều người bị thuyết phục về giá trị của việc mua hàng.

Chúng được chia thành hai loại: hàng hóa Veblen và hàng hóa Giffen. Hàng hóa Veblen là mặt hàng có nhu cầu cao hơn do sự cao cấp của nó tạo ra cảm giác rằng nó có giá trị hơn. Hàng hóa Giffen là hàng hóa trong đó bản thân việc tăng giá báo hiệu một nhu cầu lớn trên diện rộng bất kể địa vị xã hội. Rượu vang Pháp có thể là hàng Veblen trong khi Bitcoin có thể là hàng Giffen, được mua vì người ta sợ bỏ lỡ cơ hội.

Dù vậy, cả hai đều đi ngược lại với hiểu biết thông thường về mối quan hệ giữa nhu cầu và giá cả. Tôi thường tự hỏi tại sao trên thế giới có người lại chi 3.000 USD cho một chiếc túi xách trong khi bạn có thể mua được một thứ rất gần với nó từ eBay với mức giá chỉ bằng 1/100. Nguyên nhân nằm ở sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Nếu có người đặt câu hỏi "Bạn mua nó từ đâu?" bạn có thể trả lời một cách tự tin và cảm thấy tuyệt vời về điều đó.

Đối với một số người, điều đó đáng giá rất nhiều tiền.

Tôi cũng suy nghĩ như vậy về nhiều loại rượu vang. Đúng, tôi có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa rượu vang 12 USD và rượu vang 120 USD nhưng điều đó không quan trọng đối với tôi. Nhưng đối với một số người, giá cao ngất ngưởng báo hiệu chất lượng (“Tiền nào của nấy”) và do đó, việc chi tiêu nhiều hơn sẽ mang lại những lợi ích to lớn.

Nhưng tất cả những điều này cần có tiền đề là bạn có đủ khả năng chi trả. Chúng ta có thể nghiền ngẫm về nhãn hàng và sự cao cấp chừng nào chúng phù hợp với ngân sách. Về phía cung cũng vậy. Khi vốn đi vay có giá bằng 0, dường như không có giới hạn nào.

Trong nhiều năm, các công ty bị cám dỗ bởi ý tưởng rằng miễn là có một số nguồn doanh thu thì quy mô đòn bẩy của công ty là không quan trọng. Chừng nào còn có người cho vay thì còn có người đi vay. Miễn là vẫn còn có người tiêu dùng thì các công ty vẫn tiếp tục tăng đòn bẩy.

Những giấc mơ về sự thịnh vượng vô tận dưới sự điều hành của một ngân hàng trung ương sẵn sàng gánh chịu chi phí mãi mãi, chỉ để giữ cho khu vực tài chính tiếp tục tồn tại, tất cả có vẻ ổn. Nó diễn ra đủ lâu để khiến toàn bộ nền văn hóa tài chính tin rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi.

Bình luận: Ngành công nghiệp hàng xa xỉ đang thoái trào
Một người đi ngang qua một cửa hàng Dior đóng cửa do virus Covid-19 vào ngày 19/3/2020 tại Paris, Pháp. (Ảnh: FRANCOIS GUILLOT/AFP qua Getty Images)

Quá khứ đẹp đẽ không còn

Nhưng khi chạm tới thời điểm khó khăn, những món hàng xa xỉ này thường là những thứ phải ra đi đầu tiên. Bạn tìm ra cách để hài lòng với chiếc túi xách đã qua sử dụng trên eBay hoặc loại rượu giá thấp hơn. Khi quá trình cắt giảm bắt đầu, đây là nơi đầu tiên bạn cắt giảm.

Đó là điều không thể tránh khỏi trong những thời điểm kinh tế khó khăn này - và bất chấp những tuyên bố của chính quyền Biden, tình hình đang ngày càng ảm đạm - khi mọi loại hàng hóa xa xỉ sẽ cuối cùng sẽ bị đưa lên thớt. Giá cổ phiếu của các thương hiệu xa xỉ là một yếu tố dự báo rõ ràng về những gì sắp xảy ra. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, chúng ta có thể thấy một đợt bán tháo trên diện rộng, cùng với việc đóng cửa các cửa hàng bán lẻ cao cấp vốn từ lâu đã sống dựa vào việc vung tiền của người tiêu dùng.

Chúng ta có thể xem xét những mặt hàng xa xỉ khác của nước Mỹ. Một nhà nước phúc lợi khổng lồ, các trụ sở ở các quốc gia trên toàn thế giới, các gói cứu trợ cho bất kỳ ai và tất cả mọi người, chăm sóc y tế miễn phí cho bất kỳ ai có nhu cầu... Đây chỉ là những thứ cơ bản. Chúng là những điều xa hoa của sự thịnh vượng.

Đã đến lúc mọi người chuẩn bị cho khó khăn, và điều này bao gồm cả những người rất giàu. Tủ đồ đầy đồ Louis Vuitton hào nhoáng không thể mang tới đồ ăn hay trả tiền thế chấp. Quá khứ đẹp đẽ cũng chỉ là quá khứ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Ngành công nghiệp hàng xa xỉ đang thoái trào