Bình luận: Ông Tập thăm Trung Á, hội ngộ Putin, tương lai chắc chắn có chiến sự

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyến thăm Trung Á, dự hội nghị SCO và hội ngộ với ông Putin của ông Tập Cận Bình được cho là tìm kiếm sự ủng hộ về vấn đề Đài Loan và một trật tự mới. Nhà bình luận Hong Kong cho rằng, chắc chắn sẽ có chiến tranh ở eo biển Đài Loan, Trung - Mỹ sẽ khai chiến, Trung Á sẽ trở thành hậu phương quan trọng của Trung Quốc.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) có 9 quốc gia thành viên gồm: Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan, Tanzania, Ấn Độ, Pakistan, Iran. Trong đó có 4 quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan.

Tổng dân số của các nước thành viên là khoảng 3,4 tỷ người, chiếm 43% dân số thế giới. Các nước Trung Á có diện tích tương đương với 3/5 tổng diện tích của Châu Á và Châu Âu, gần như chiếm phần lớn diện tích Đông bán cầu.

Ông Tập tìm kiếm trật tự mới

Theo báo chí nước ngoài, ngày 15/9, ông Tập Cận Bình đã hội đàm song phương với Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev. Trung Quốc và Uzbekistan đã ký các hiệp ước và thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD cùng 15 tài liệu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, khai thác, số hóa và văn hóa.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik đưa tin, ngày 15/9, ông Putin đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nguyên tắc "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh trong cuộc hội kiến; Nga cũng "coi trọng lập trường cân bằng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng Ukraine""những lo ngại [của Trung Quốc] về vấn đề Ukraine là điều dễ hiểu".

Ông Tập Cận Bình nói, "Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực cùng Nga để thể hiện trách nhiệm của một nước lớn, phát huy vai trò dẫn dắt và đưa sự ổn định vào một thế giới đầy rối loạn".

Vào ngày 4/2 năm nay, nguyên thủ hai nước Trung - Nga đã gặp nhau trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và cùng nhấn mạnh rằng "tình hữu nghị Trung - Nga không có giới hạn, hợp tác Trung - Nga không có vùng cấm".

Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận chính trị người Hoa ở nước ngoài, nhận xét rằng, điểm cốt lõi trong cuộc hội ngộ giữa ông Putin và ông Tập là ba từ "trật tự mới". Ông Tập Cận Bình muốn mở ra một liên minh mới ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với Trung - Nga là trục chính và các nước thuộc nhóm SCO là trung tâm, để cạnh tranh với các nước tự do ở Âu - Mỹ.

Tại sao ông Tập lại phải đích thân đến Trung Á trước Đại hội 20?

Nhà bình luận Hong Kong Nhan Thuần Câu (Yan Chungou) đã dự đoán về 3 khả năng của ông Tập sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 20:

  • Một là giữ nguyên hiện trạng quyền lực, ông Tập vẫn nắm giữ quyền tối cao trong đảng, chính phủ và quân đội;
  • Hai là giữ nguyên chức Chủ tịch nước và Chủ tịch quân ủy, bàn giao chức Tổng bí thư, đồng nghĩa với việc ông Tập sẽ tiếp tục kiểm soát quân đội, việc đối nội và đối ngoại sẽ có sự điều chỉnh lớn;
  • Ba là chỉ giữ lại chức Chủ tịch nước, có nghĩa là con đường đối nội, đối ngoại của ông Tập sẽ bị chặt đứt, thực tế là sẽ bị gạt ra ngoài lề.

Ông Nhan Thuần Câu cho rằng, tới nay, sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một xu thế không thể đảo ngược. Hoa Kỳ không chừa không gian cho Bắc Kinh trong các dịp quốc tế, trong lĩnh vực công nghệ cao và vấn đề Đài Loan. "Đạo luật Chính sách Đài Loan" sắp được thông qua sẽ khiến mối quan hệ Mỹ - Trung càng khó phục hồi hơn. "Sớm muộn gì cũng có xung đột vũ trang, tranh cao thấp trên chiến trường", ông nói.

Theo ông, chiến trường của Trung - Mỹ chỉ có thể là ở eo biển Đài Loan. Khi đó, Bắc Kinh cần đảm bảo an ninh cho hậu phương, và cần có một vùng nội địa đủ lớn để đối phó. Các quốc gia thành viên của SCO lại có đất đai rộng và dân số lớn.

Thông thường, chiến tranh chính là đốt tiền. Ông Nhan Thuần Câu chỉ ra rằng, chiến tranh sẽ cắt đứt ngoại thương của Trung Quốc với Âu - Mỹ, cũng không thể mong đợi vào Nam Mỹ, Mỹ Latinh và Châu Phi, do đó không gian xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị hạn chế, vì vậy chỉ còn lại các nước SCO.

Ông nói: "Mặc dù, các nước này, bao gồm cả Nga, đều tự lo thân mình chưa xong, nhưng xét cho cùng, về mặt cung cấp năng lượng, lương thực và các vật tư khan hiếm khác, họ vẫn có thể giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp. Dù [Bắc Kinh] không thể trông cậy vào đám anh em nhỏ bé này, những cũng không thể đắc tội họ".

Nhà bình luận này kết luận: "Eo biển Đài Loan là chiến trường trong tương lai, và ĐCSTQ không thể không cân nhắc đến an ninh của hậu phương. Chắc chắn sẽ có chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đối với ĐCSTQ là lành ít dữ nhiều. Hiện tại [ĐCSTQ] chỉ có thể dồn sức thu xếp cho chu toàn để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai”. Đây là lý do khiến ông Tập Cận Bình phải ra khỏi biên giới và đến thăm Trung Á 3 năm sau đại dịch.

Đông Phương

Theo Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Ông Tập thăm Trung Á, hội ngộ Putin, tương lai chắc chắn có chiến sự