Bình luận: Thế giới cần có thêm nhiều tỷ phú

Giúp NTDVN sửa lỗi

Doanh nhân là nhân tố then chốt trong việc tạo ra của cải mới và nâng cao mức sống. Mọi thành viên trong xã hội chúng ta nên biết ơn nhóm người quý hiếm đó thay vì ủng hộ cho sự tuyệt chủng của họ. Sẽ là nhân văn và lý tính khi mong muốn có thêm nhiều tỷ phú chứ không phải ít hơn hoặc không có.

Bài bình luận

Gần đây, ông Shawn Fain, người đứng đầu công đoàn United Auto Workers, phát ngôn có vẻ giống Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Dân biểu Alexandria Ocasio Cortez khi nói: “Theo quan điểm của tôi, các tỷ phú không có quyền tồn tại. Sự tồn tại của các tỷ phú cho chúng ta thấy rằng chúng ta có một nền kinh tế đang hoạt động vì lợi ích của một số ít người chứ không phải cho nhiều người”.

Trong một thế giới mà sự thiếu hiểu biết về kinh tế lan rộng và ăn sâu vào tâm trí mọi người, việc khẳng định rằng các tỷ phú là một tai họa hoặc một bệnh dịch đối với xã hội hẳn là một trong những niềm tin thiếu hiểu biết nhất về kinh tế trong tất cả. Suy nghĩ đó chỉ tồn tại ở những người chịu ảnh hưởng của giáo điều Montaigne xưa cũ - một di tích lý thuyết từ quá khứ thừa nhận một thế giới có tổng bằng 0, trong đó người ta chỉ có thể thu lợi từ tổn thất của người khác. Niềm tin như vậy có thể hiểu được trong các thế kỷ trước thời chủ nghĩa tư bản (tức là trước thời điểm cuối thế kỷ 18). Vào thời đó, các chính phủ của cái mà người Mỹ gọi là “Thế giới cũ” đã thao túng hệ thống chính trị để chiếm lấy quyền kiểm soát phần lớn tài sản của xã hội, thứ bị tập trung vào tay một nhóm tinh hoa nhỏ bé. Quần chúng bị áp bức phải vật lộn với cuộc sống bấp bênh, nhặt nhạnh những mảnh vụn trên bàn ăn kinh tế mà giới tinh hoa để lại cho họ.

Tài sản các tỷ phú ngày nay có bản chất hoàn toàn khác. Chúng không xuất phát từ quyền lực chính trị và đặc quyền. (Tuy nhiên, có một số triệu phú tích luỹ được tài sản nhờ chủ nghĩa thân hữu chính trị, và điều này là bất công). Trong trật tự thị trường tự do, dựa trên sở hữu tư nhân, các doanh nhân tỷ phú kiếm được khối tài sản khổng lồ từ lợi nhuận thu được bằng cách trở nên xuất sắc trong việc cung cấp thứ gì đó có giá trị cho người tiêu dùng. Trong thị trường tự do, trao đổi có là một mô hình có tổng dương chứ không phải tổng bằng 0. Cả hai bên đều có lợi từ giao dịch. Nếu không, giao dịch sẽ không diễn ra, vì không có cá nhân có lý trí nào tự nguyện từ bỏ thứ mà anh ta coi trọng hơn để đổi lấy thứ mà anh ta ít coi trọng hơn. Trong hệ thống sở hữu tư nhân và trao đổi tự nguyện, cả hai bên đều thu được lợi ích từ việc trao đổi.

Thật không may, lợi nhuận đã trở thành một từ ngữ bẩn thỉu đối với một số người. Họ không hiểu được vai trò cần thiết và tính chất tốt đẹp của lợi nhuận. Chúng ta hãy xem lại khái niệm kinh tế cơ bản về “lợi nhuận”.

Lợi nhuận là điều tốt đẹp

Khi một doanh nhân mua các yếu tố sản xuất khác nhau (lao động, tài nguyên, máy móc…) để sản xuất ra hàng hóa hoặc dịch vụ, nếu anh ta có thể bán nó cho người tiêu dùng với giá cao hơn tổng giá trị thị trường của những yếu tố đầu vào đó thì anh ta đã kiếm được lợi nhuận. Ngược lại, nếu anh ta không thể bù đắp được những chi phí đã đổ vào doanh nghiệp của mình thì anh ta sẽ bị thua lỗ. Thành công là thứ không chắc chắn. Người tiêu dùng có quyền quyết định doanh nhân nào thành công (tức là thu được lợi nhuận) và doanh nhân nào thất bại (tức là chịu thua lỗ). Trường hợp đầu tiên tạo ra của cải; trường hợp sau hủy hoại tài sản. Rõ ràng là nếu một xã hội muốn trở nên giàu có hơn thì cần phải có sự gia tăng của cải được tạo ra. Lợi nhuận đại diện cho lượng của cải mới, thứ làm cho xã hội trở nên giàu có hơn; mặt khác, tổn thất làm giảm sự giàu có của xã hội.

Điều quan trọng là phải hiểu rằng lợi nhuận - tức là giá trị mới tạo ra và sự giàu có - không chỉ bị giới hạn ở người bán. Trong các giao dịch có tổng là dương, người mua cũng được hưởng lợi. Xin nhắc lại: Lý do duy nhất khiến người mua mua hàng là vì anh ta đánh giá cao những gì anh ta mua hơn những gì anh ta phải trả cho nó. Và đó không phải là điểm kết thúc. Các nhà kinh tế học có một khái niệm được gọi là “thặng dư tiêu dùng”. Nó đề cập đến giá trị vượt quá mà người tiêu dùng đạt được khi mua một thứ gì đó với giá thấp hơn mức mà họ sẵn sàng trả. Không thể đo lường thặng dư tiêu dùng bằng toán học, nhưng mỗi người mua đều “được hưởng lợi” ở bất kỳ mức độ giá trị gia tăng nào mà họ nhận được từ việc mua hàng, cho dù giá trị đó là nâng cao năng suất trong hoạt động kinh doanh của chính họ hay một số lợi ích tinh thần không thể định lượng được.

Bình luận: Thế giới cần có thêm nhiều tỷ phú
(Ảnh: Shutterstock)

Điểm mấu chốt: Sự giàu có mới tạo ra mà lợi nhuận kinh doanh thể hiện được tương ứng bằng lợi nhuận không đo đếm được nhưng rất thực tế và rất đáng kể từ phía người tiêu dùng. Người tiêu dùng đã làm tăng thêm sự giàu có của mình, cũng giống như doanh nhân. Xã hội trở nên giàu có hơn vì các cá nhân trong xã hội – cả người mua và người bán – trở nên giàu có hơn từ những trao đổi tự nguyện. Các doanh nhân là động cơ tạo ra giá trị này và các tỷ phú là những người đã làm giàu cho người khác (và từ đó làm giàu cho chính họ) nhiều nhất. Tóm lại, họ là những nhà hảo tâm và anh hùng kinh tế của xã hội.

Thế còn những lời phàn nàn của đám đông có tư tưởng chống lại tỷ phú rằng những doanh nhân đó không cần số tiền đó thì sao? Điều đó chắc chắn đúng, nhưng nó bỏ sót ý nghĩa kinh tế đối với xã hội từ những nguồn tài sản đó. Đúng vậy, doanh nhân tỷ phú thực sự có thể mua một biệt thự, một dàn ô tô sang trọng và những tiện nghi đắt tiền nhất mà con người từng biết đến mà vẫn không gây ảnh hưởng nhiều đến khối tài sản trị giá hàng tỷ USD của mình. Vậy rốt cuộc phải làm gì với số tiền đó?

“Sự giàu có dư thừa” đó - nếu đó là cách bạn gọi - chính là vốn. Vốn là một điều tốt đẹp. Vốn là thứ tài trợ cho các doanh nghiệp mới nhằm cung cấp việc làm cho những nam giới và phụ nữ đang tìm kiếm cách thức để hỗ trợ bản thân và gia đình họ. Lợi nhuận, được hình thành từ việc làm giàu cho người tiêu dùng trước tiên, sẽ tiếp tục cải thiện tình trạng kinh tế của người lao động.

Ông Samuel Gompers, người sáng lập một trong những công đoàn có lịch sử đáng chú ý nhất nước Mỹ, Liên đoàn Lao động Mỹ (AFL), đã từng bảo vệ khái niệm lợi nhuận khi nói: “Tội ác tồi tệ nhất đối với người lao động là một công ty không hoạt động có lãi”. (Các công nhân UAW đình công ngày nay nên hy vọng và cầu nguyện rằng bất kỳ khoản tăng lương nào họ nhận được từ người sử dụng lao động sẽ không làm tê liệt khả năng kiếm lợi nhuận của các công ty đó.)

Chúng ta nên có thêm nhiều tỷ phú

Với tư cách là một xã hội, chúng ta cần phải vượt qua những điều vô nghĩa ngớ ngẩn và sự thiếu hiểu biết về kinh tế khiến ai đó vẽ tranh biếm họa về các tỷ phú bằng cách tuyên bố rằng họ ngồi “trên một chiếc ghế sofa trong khi hàng nghìn người [được] trả lương như nô lệ thời hiện đại… [và] đang chết đi theo đúng nghĩa đen vì họ không đủ khả năng sinh sống”.

Đầu tiên, nếu kiếm được một tỷ USD chỉ đơn giản như ngồi trên một chiếc ghế sofa thì tại sao hầu hết chúng ta lại không phải là tỷ phú? Trên thực tế, tài năng kinh doanh vượt trội của Bill Gates hay Elon Musk cũng hiếm như tài năng thể thao của Patrick Mahomes hay Coco Gauff. Thứ hai, nhân viên của các công ty do các tỷ phú thành lập không hề chết đói mà thường kiếm được mức lương cao hơn nhiều so với mức trung bình.

Doanh nhân là nhân tố then chốt trong việc tạo ra của cải mới và nâng cao mức sống. Mọi thành viên trong xã hội chúng ta nên biết ơn nhóm người quý hiếm đó thay vì ủng hộ cho sự tuyệt chủng của họ. Sẽ là nhân văn và lý tính khi mong muốn có thêm nhiều tỷ phú chứ không phải ít hơn hoặc không có.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Mark Hendrickson là một nhà kinh tế học đã nghỉ hưu tại trường Đại học Grove City ở Pennsylvania, nơi ông vẫn là thành viên về chính sách kinh tế và xã hội tại Viện Đức tin và Tự do. Ông là tác giả của một số cuốn sách về các chủ đề đa dạng như lịch sử kinh tế Hoa Kỳ, các nhân vật ẩn danh trong Kinh thánh, vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo và biến đổi khí hậu, cùng nhiều vấn đề khác.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Thế giới cần có thêm nhiều tỷ phú