Bình luận: Tiền miễn phí làm bại hoại con người và bài học từ nước Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiền miễn phí là một thứ nguy hiểm. Thực tế thì, những đức tính gắn liền với nhân phẩm tốt và một cuộc sống tốt đẹp – làm việc chăm chỉ, kỷ luật, trung thực, giữ đúng cam kết, điềm tĩnh, sáng tạo, đồng cảm – không phải lúc nào cũng sinh ra từ sự thịnh vượng mà thường là từ sự thiếu thốn.

Bài bình luận

Tiền là thứ mà bất kỳ ai cũng mong muốn, và ham muốn đó dường như không có giới hạn. Tuy nhiên, việc có được tiền mà không phải mất công sức để kiếm ra nó có thể biến một người tốt trở thành quái vật.

Và đây là một vấn đề nghiêm trọng. Tiền như một phần thưởng cho một công việc được hoàn thành tốt là dấu ấn của một cuộc sống tốt đẹp. Trong khi đó, việc rót tiền cho bất kỳ ai do họ vô tình giành được đặc quyền hoặc khả năng tiếp cận có thể dẫn đến thảm họa cho cá nhân và xã hội.

Nhưng vì những lý do kỳ lạ, con người bị cuốn vào thảm họa. Xã hội vẫn cứ tiếp tục làm điều đó.

Một trong những bộ phim hay của thế kỷ 20 là “Kho báu của Sierra Madre” từ năm 1948 với sự tham gia của diễn viên Humphrey Bogart. Hai người Mỹ kiệt sức và nghèo khó sống ở Mexico cùng một nhà thám hiểm vàng đã lớn tuổi đi săn. Câu chuyện xoay quanh vấn đề tâm lý: việc phát hiện ra vàng sẽ tác động như thế nào đến tâm trí, lòng tin, đạo đức và cuộc sống của họ.

Người xem sẽ được chứng kiến việc những người bình thường thực sự có thể mất đi mọi ý thức về sự cân bằng và sự rõ ràng về mặt đạo đức khi đối mặt với viễn cảnh giàu có vô hạn. Một khi niềm tin vào nhau không còn thì mọi thứ kể cả giấc ngủ đều sẽ biến mất.

Bình luận: Tiền miễn phí làm bại hoại con người - bài học từ Mỹ
Một cảnh trong phim “Kho báu của Sierra Madre” (1948). (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Hãy hỏi bất kỳ người giàu có thực sự nào mà bạn biết. Họ sẽ nói với bạn rằng họ học cách nghi ngờ mọi lời xu nịnh, mọi tình bạn mới, mọi lời nói tử tế. Rất thường xuyên, thực ra người khác chỉ đang theo đuổi tiền của họ. Những kẻ lợi dụng không muốn làm việc để kiếm tiền. Họ muốn dùng âm mưu để chiếm lấy nó. Viễn cảnh về việc có được thứ gì đó mà không tốn nhiều công sức khiến người ta phát điên.

Chủ đề này hiện lên trong đầu tôi khi các bài báo nói rằng ông Mick Jagger không có ý định truyền lại nửa tỷ USD từ danh mục tài sản của mình cho các con. Tại sao ông không làm vậy? Chắc chắn cha mẹ nào cũng mong muốn mang lại sự thoải mái, giàu có và an toàn cho con cái. Tại sao cha mẹ lại từ chối chúng điều đó?

Lý do là rất rõ ràng đối với những người khôn ngoan: đặc quyền và khả năng tiếp cận tài chính vô tận không xây dựng nên nhân cách tốt. Cuối cùng, con người không thể có được hạnh phúc bằng cách sống thoải mái mà không phải đổ mồ hôi nước mắt để kiếm được cuộc sống đó. Chúng ta cần trải nghiệm mối quan hệ giữa công việc và phần thưởng. Chúng ta là những con người có tư duy, sáng tạo và thích sự năng suất.

Lấy đi nó, thay thế nó bằng phần thưởng tài chính vô hạn, và chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta trở nên hư hỏng, ỷ lại vào đặc quyền, lười biếng và thiếu cảm thông. Chúng ta coi mình cao hơn người khác và cuối cùng đối xử tệ với người khác. Đạo đức và nhân tính của chúng ta bị suy giảm. Và nó cũng không mang lại một cuộc sống hạnh phúc. Bức tranh biếm họa về những đứa trẻ với quỹ tín thác là có thật (những đứa trẻ giàu có do bố mẹ của chúng đã chu cấp tiền thông qua việc thành lập một quỹ tín thác cho chúng). Chúng hiếm khi phấn đấu vì chúng không cần phải làm vậy. Chúng coi cuộc sống dễ dàng của mình là điều dĩ nhiên và cứ thế hưởng thụ cho đến khi vấp phải kết cục cay đắng.

Một vấn đề lớn đối với mọi bậc cha mẹ

Đây là một vấn đề lớn đối với mọi bậc cha mẹ, ngay cả những bậc cha mẹ có thu nhập trung bình khiêm tốn. Ngay từ khi còn là trẻ sơ sinh, cha mẹ đã muốn cung cấp cho con họ: nơi ở, thức ăn, sức khỏe, sự an toàn, hạnh phúc, trải nghiệm. Đây là công việc của cha mẹ và họ làm rất tốt. Họ hy sinh mọi thứ để con cái họ không phải chịu đựng những khó khăn mà được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn so với chính bố mẹ của chúng hồi còn nhỏ.

Nhưng đến một thời điểm khó nhận biết nào đó trong cuộc đời của đứa trẻ, cha mẹ phải rút lui và để đứa trẻ tự tìm ra con đường hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng thường thì, đứa trẻ không muốn điều này.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ vẫn phải bị lấy đi. Tất cả trẻ em tại một thời điểm nào đó đều phải bị đẩy ra khỏi tổ ấm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải hạ cánh khó khăn xuống đất trước khi chúng thực sự học cách bay.

Đối với cha mẹ, đây có thể là khoảnh khắc khó khăn nhất trong cuộc đời họ. Bạn đang ở vị thế có thể tiếp tục mang đến sự thoải mái và an toàn, tuy nhiên bạn biết rằng đây không phải là điều tốt nhất cho đứa trẻ. Điều tốt nhất là rút lại sự hỗ trợ đó, khi biết rõ rằng sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp trong đó con họ sẽ trải qua thất bại và thậm chí là thiếu thốn.

Để vượt qua giai đoạn này, chúng ta cần có sự sáng suốt, trí tuệ và suy nghĩ dài hạn đáng kinh ngạc. Việc tiếp tục cung cấp vật chất mãi mãi và giúp những đứa con đang vào tuổi thanh niên tránh khỏi những điều kinh khủng của thế giới luôn là một điều dễ dàng hơn. Nhưng sự lựa chọn đó không bồi đắp nhân phẩm cho chúng. Tất cả chúng ta đều biết những bậc cha mẹ không thể giải quyết tốt vấn đề này và cuối cùng họ phải đối mặt với những đứa con ở độ tuổi 30 sống dưới tầng hầm và lừa đảo văn phòng người khuyết tật.

Mâu thuẫn Samari

Các nhà kinh tế gọi đây là mâu thuẫn của người Samari. Giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn - dù là một thành viên trong gia đình hay một người lạ - là điều có đạo đức và đúng đắn. Một người thương nhân có thể giúp đỡ một người đàn ông nghèo bên đường. Đáng buồn thay, việc tiếp tục và thường xuyên thực hiện hoạt động từ thiện như vậy sẽ tạo ra mối nguy hiểm về mặt đạo đức. Người đàn ông nghèo có thể xuất hiện vào tuần tới và mang theo nhiều người hơn nữa, những người chờ đợi vào sự từ thiện của người thương nhân. Đến một lúc nào đó, người thương nhân phải nói không, vì lợi ích của những kẻ đang muốn lợi dụng mình.

Nếu một sự giúp đỡ như vậy cản trở việc mọi người tìm ra cách sống tự lập, thì đó là điều không khôn ngoan, thậm chí là tàn nhẫn. Hãy nhìn vào các thành phố quyết định xây dựng những trại lớn cho người vô gia cư để giúp đỡ họ. Các thành phố đó rất nhanh chóng nhận ra rằng họ phải đối mặt với nhiều người vô gia cư hơn bao giờ hết.

Bình luận: Tiền miễn phí làm bại hoại con người - bài học từ Mỹ
Một người đàn ông vô gia cư tìm nơi trú ẩn ở Tampa, Florida, Mỹ, vào ngày 30/8/2023, sau khi Bão Idalia đổ bộ. (Ảnh: MIGUEL J. RODRIGUEZ CARRILLO/AFP qua Getty Images)

Nghịch lý về sự nỗ lực và thịnh vượng

Điều này nói lên một nghịch lý thú vị về sự nỗ lực và sự thịnh vượng mà nó tạo ra. Những đức tính được gắn liền với nhân phẩm tốt và một cuộc sống tốt đẹp – làm việc chăm chỉ, kỷ luật, trung thực, giữ đúng cam kết, điềm tĩnh, sáng tạo, đồng cảm – không phải lúc nào cũng sinh ra từ sự thịnh vượng mà thường là từ sự thiếu thốn.

Nếu chúng ta không bao giờ gặp phải cảnh thiếu thốn, chúng ta sẽ không phát triển được những giá trị vững chắc hoặc trở thành người tốt. Chúng ta không bao giờ gặp phải những tình huống thử thách ý chí và trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề của mình. Thật vậy, hãy nói chuyện với bất kỳ ai ở một độ tuổi nhất định và hỏi về những khoảnh khắc mang tính quyết định trong cuộc đời họ. Họ thường sẽ kể một câu chuyện về một thời điểm mà họ không biết làm sao có được bữa ăn kế tiếp, hoặc khi họ bị đuổi việc, hoặc phải sống ở một nơi tồi tàn, hoặc điều gì đó vô cùng đáng tiếc. Cuộc hành trình của người anh hùng là chiến đấu xuyên qua nơi tối tăm và xuất hiện khi thành công.

Nhưng đây chính là nghịch lý. Sự nỗ lực và những thói quen tốt mà nó nuôi dưỡng mang lại sự giàu có, thứ làm giảm nhu cầu và động lực đối với các cá nhân để trở thành những người tốt hơn. Chúng ta trải nghiệm điều này trong chính gia đình mình nhưng chúng ta cũng trải nghiệm điều này trong xã hội.

Chính quyền Mỹ đã huỷ hoại người dân

Ba năm trước, nước Mỹ hoàn toàn chìm ngập trong các khoản thanh toán kích thích kinh tế cho các cá nhân, gia đình và doanh nghiệp. Người dân Mỹ bị phong tỏa và đã làm ngược lại với các yêu cầu về đạo đức làm việc. Họ bị buộc phải trở nên lười biếng. Sau đó họ đã được thưởng tiền cho điều đó. Điều này diễn ra hết lượt này đến lượt khác, đến mức nhiều người bị cám dỗ nghĩ rằng nó sẽ kéo dài mãi mãi.

Mọi người đã đúng khi lo lắng về những tác động tài chính. Nó thổi bay ngân sách và phá hủy tài chính liên bang. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã hỗ trợ chương trình này bằng hàng nghìn tỷ USD để mua nợ Kho bạc mới. Đây chính là thứ gần nhất với “tiền trực thăng”. Kết quả là lạm phát khủng khiếp, thứ đã xóa sạch lợi ích tài chính thu được từ các khoản thanh toán kích thích kinh tế. Nói cách khác, nó đã trở thành một trò lừa đảo.

Nhưng bỏ tất cả những điều đó sang một bên, còn có một vấn đề khác sâu sắc hơn với các khoản thanh toán kích thích kinh tế. Chúng đã phá hủy đạo đức làm việc, thói quen và kỳ vọng của cả một thế hệ. Tiền rơi từ trên trời xuống, hoàn toàn không liên quan tới bất cứ việc gì phải làm để kiếm được nó, phá vỡ mối quan hệ giữa công việc và phần thưởng. Đó là thứ ăn mòn trái tim và tâm hồn con người. Nó giống như biến cả một quốc gia thành những đứa trẻ khốn nạn sống bám vào quỹ tín thác mà cha mẹ lập cho.

Cha mẹ biết hoặc nên biết rằng đây không phải là cách tốt để quản lý trẻ khi chúng lớn lên. Cách tiếp cận đó khiến trẻ rơi vào cuộc sống phụ thuộc, phá vỡ tính tiết kiệm, sự thận trọng, năng suất và nhân cách tốt. Chính phủ Mỹ đã áp dụng mô hình nuôi dạy con cái tồi tệ nhất và áp dụng cho cả một quốc gia.

Và hãy nghĩ về điều này: ít nhất những đứa trẻ sống bám vào quỹ tín thác cũng vẫn phải đối mặt với bố mẹ mình và cảm thấy xấu hổ. Những người được hưởng lợi từ khoản thanh toán kích thích trị giá hàng nghìn tỷ không phải làm điều này. Họ chỉ đơn giản là vui mừng khi thấy tiền miễn phí đến tài khoản ngân hàng của họ. Họ không có trách nhiệm phải giải trình.

Giờ đây, cả nước Mỹ bị tàn phá bởi sức khỏe suy sụp, hứng thú làm việc thấp, tình trạng nghiện ngập chất gây nghiện, bất an về tài chính và nỗi bất hạnh sâu sắc. Lượng tiền tiết kiệm đang thấp vì tiền đã hết và tương lai thật ảm đạm. Nợ cao vì người dân đã đưa ra quyết định tài chính mà không nghĩ đến tương lai. Một số lượng lớn chỉ kiếm đủ sống, họ nhận ra một cách quá muộn màng rằng họ cần hạn chế tiêu dùng. Trên hết, người dân hiện đang tức giận và bối rối về những điều cơ bản trong cuộc sống.

Phần lớn điều này là do chính sách tồi tệ xuất phát từ những nhầm lẫn sâu sắc về đạo đức. Viễn cảnh về khoản tiền miễn phí vô tận gần như luôn là ảo tưởng và là một điều gây bại hoại một cách sâu sắc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Tiền miễn phí làm bại hoại con người và bài học từ nước Mỹ