Các đường ống sắt 150.000 năm tuổi ở Trung Quốc do ai tạo ra? Các nhà khoa học chia rẽ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một khu vực được cho là giống như kim tự tháp bị hư hỏng nặng ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc gần núi Baigong, có ba hang động chứa đầy đường ống bằng sắt dẫn nước đến một hồ nước mặn gần đó. Ngoài ra còn có các đường ống dưới lòng hồ và trên bờ. Các ống sắt này có kích thước đa dạng, một số nhỏ hơn que tăm. Kỳ lạ nhất là chúng có độ tuổi khoảng 150.000 năm.

Theo Brian Dunning của Skeptoid.com, Viện Địa chất Bắc Kinh đã xác định niên đại những ống sắt này và phát hiện ra chúng được nấu chảy cách đây khoảng 150.000 năm.

Và nếu chúng được tạo ra bởi con người, thì lịch sử mà chúng ta đang biết sẽ cần phải được viết lại.

Việc xác định niên đại được thực hiện bằng nhiệt phát quang, một kỹ thuật xác định khoảng thời gian mà khoáng chất kết tinh được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc bị nung nóng.

Con người được cho là đã sinh sống tại khu vực này chỉ khoảng 30.000 năm qua. Ngay cả với lịch sử đang được biết đến của khu vực này, những người duy nhất sinh sống tại đây là những người có lối sống du mục. Do đó, họ không thể để lại bất kỳ công trình kiến trúc nào như vậy.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã ở Trung Quốc đã đưa tin về khu vực kim tự tháp, các đường ống nước và cuộc nghiên cứu bắt đầu bởi một nhóm các nhà khoa học được cử đến điều tra vào năm 2002.

Mặc dù một số người đã cố gắng giải thích các đường ống sắt là một hiện tượng tự nhiên, Yang Ji, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Tân Hoa xã rằng kim tự tháp có thể được xây dựng bởi những sinh vật có trí tuệ giống như con người. Ông không bác bỏ giả thuyết cho rằng những người ngoài Trái đất có thể đã tạo nên chúng và cho rằng giả thuyết này "dễ hiểu và đáng xem xét ... nhưng các phương tiện khoa học phải được sử dụng để chứng minh nó có đúng hay không”.

Một giả thuyết khác cho rằng khu vực được xây dựng bởi con người thuộc nền văn minh tiền sử với những kỹ thuật không thua gì con người ngày nay.

Các đường ống dẫn vào một hồ nước mặn, mặc dù một hồ nước đôi gần đó chứa nước ngọt. Cảnh quan xung quanh được hãng Tân Hoa Xã mô tả là "những viên đá có hình dạng kỳ lạ” - những tảng đá nhô lên khỏi mặt đất trông như những cây cột gãy.

Người đứng đầu bộ phận công chúng của chính quyền địa phương nói với Tân Hoa xã rằng các đường ống được phân tích tại một lò luyện kim tại đây và 8% vật liệu không thể xác định được. Phần còn lại được tạo thành từ sắt oxit, silic đioxit và canxi oxit. Điôxít silic và canxi oxit là sản phẩm của sự tương tác lâu dài giữa sắt và đá sa thạch xung quanh, cho thấy các đường ống đã có từ rất lâu.

Liu Shaolin, kỹ sư thực hiện phân tích, nói với Tân Hoa xã: “Kết quả này khiến địa điểm càng trở nên bí ẩn hơn”.

Ông Shaolin nói thêm: “Thiên nhiên ở đây rất khắc nghiệt. Không có cư dân sinh sống chứ chưa nói đến ngành công nghiệp hiện đại trong khu vực, chỉ có một số người chăn gia súc di cư đến phía bắc của ngọn núi.”

Phát hiện này càng trở nên bí ẩn hơn khi Zheng Jiandong, một nhà nghiên cứu địa chất từ Cục Quản lý Động đất Trung Quốc nói với tờ Nhân dân Nhật báo vào năm 2007 rằng một số đường ống được tìm thấy có tính phóng xạ cao.

Các giả thuyết khác

Jiandong cho biết magma giàu sắt có thể đã trồi lên từ sâu trong Trái đất, đưa sắt vào các khe nứt, nơi nó sẽ đông đặc lại thành ống. Mặc dù ông thừa nhận, "Thực sự có điều gì đó bí ẩn về những đường ống này”. Ông viện dẫn sự phóng xạ như một ví dụ về tính chất kỳ lạ của các đường ống.

Những người khác cho rằng trầm tích sắt có thể đã trôi vào các khe nứt, mang theo nước trong thời kỳ lũ lụt.

Mặc dù Tân Hoa Xã và các ấn phẩm khác ở Trung Quốc thậm chí đã đề cập đến giả thuyết về một kim tự tháp bí ẩn mà trong đó các đường ống được tìm thấy, một số người vẫn cho rằng đó là một cấu trúc tự nhiên có hình dạng kim tự tháp.

Một giả thuyết khác cho rằng các đường ống là rễ cây đã hóa thạch. Tờ Xinmin Weekly đưa tin vào năm 2003 rằng các nhà khoa học đã tìm thấy các thành phần thực vật trong một cuộc phân tích các đường ống, và họ cũng tìm thấy thứ trông giống như những chiếc vòng cây. Bài báo cố gắng kết nối phát hiện này với một giả thuyết địa chất rằng trong những nhiệt độ và điều kiện hóa học nhất định, rễ cây có thể trải qua các quá trình có thể tạo ra sắt.

Các báo cáo sử dụng cách giải thích về gốc cây cũng thường dẫn lại bài báo trên Xinmin Weekly này hoặc thiếu trích dẫn. Trước đó, từng có một bài báo đăng trên Journal of Sedimentary Research năm 1993 cũng mô tả về những rễ cây đã hóa thạch ở Nam Louisiana, Hoa Kỳ.

Văn Thiện

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các đường ống sắt 150.000 năm tuổi ở Trung Quốc do ai tạo ra? Các nhà khoa học chia rẽ