Các ngân hàng đầu tư Phố Wall thất vọng với giấc mộng Trung Hoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối mặt với nhiều khó khăn, kết quả hoạt động của các ngân hàng đầu tư Phố Wall tại Trung Quốc là không tốt. Trong khi đó, các ông trùm Phố Wall vốn đã rất tích cực ủng hộ Bắc Kinh trong quá khứ.

Dữ liệu gần đây từ Dealogic cho thấy các ngân hàng đầu tư Phố Wall đang phải đối mặt với một triển vọng ảm đạm tại thị trường Trung Quốc. Bà Lucia Dunn, giáo sư kinh tế tại Đại học Bang Ohio, nói rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không bao giờ đối xử với họ theo tiêu chuẩn công bằng của phương Tây.

Sau khi vận động chính quyền Trump ký thỏa thuận ngừng chiến tranh thương mại với ĐCSTQ, Phố Wall đã được ĐCSTQ ném cho một chiếc bánh ngọt. Bắc Kinh đã cho phép các ngân hàng nước ngoài vận hành các công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn ở Trung Quốc. Theo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc, chính quyền ĐCSTQ đã dỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong quỹ tương hỗ và ngành chứng khoán vào ngày 01/04/2020.

Tuy nhiên, sau hơn ba năm tham gia vào thị trường tài chính Trung Quốc, các đại gia Phố Wall giờ đây nhận thấy rằng bằng cách học hỏi từ các đối tác liên doanh, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã có những vị trí vững chắc trong lĩnh vực tài chính và các công ty nước ngoài đơn giản là không thể cạnh tranh được.

Theo dữ liệu từ Dealogic, 10 công ty bảo lãnh phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hàng đầu tại Trung Quốc trong năm nay và năm ngoái không bao gồm bất kỳ ngân hàng nước ngoài nào. Năm 2018, một nửa trong số 10 vị trí hàng đầu là ngân hàng nước ngoài, bao gồm Goldman Sachs và Morgan Stanley.

Tính đến ngày 16/06 năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả những nhà đầu tư từ Hong Kong, nắm giữ khoảng 364 tỷ USD giá trị cổ phiếu ở Thượng Hải và Thâm Quyến, chiếm chưa đến 3% toàn bộ thị trường, theo dữ liệu của Wind.

Trong số bảy ngân hàng đầu tư của Phố Wall và châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs và HSBC đã báo cáo khoản lỗ tại các công ty con ở Trung Quốc vào năm 2022, trong khi Morgan Stanley có lợi nhuận giảm. JPMorgan và UBS là những ngân hàng duy nhất có lợi nhuận tăng trưởng.

Các ngân hàng đầu tư Phố Wall thất vọng với giấc mộng Trung Hoa
Trụ sở chính của JPMorgan Chase & Co. vào ngày 17/04/2019 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Năm ngoái, tổng doanh thu của 140 ngân hàng đầu tư ở Trung Quốc là 395 tỷ CNY (nhân dân tệ) (56 tỷ USD), trong đó tổng doanh thu của 7 ngân hàng đầu tư châu Âu và Mỹ này chỉ chiếm 0,1%, Financial Times đưa tin.

Vào tháng 5, Morgan Stanley đã công bố một đợt cắt giảm khác sẽ dẫn đến việc loại bỏ 7% nhân sự trong bộ phận ngân hàng đầu tư châu Á - Thái Bình Dương, khiến nhiều nhân viên ngân hàng thất nghiệp. Kể từ tháng 9 năm ngoái, ít nhất 100 vị trí tập trung vào thị trường Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư nước ngoài đã bị loại bỏ. Chỉ riêng Goldman Sachs đã cắt giảm hơn 10% nhân viên của mình tại Trung Quốc, tức là hơn 60 người.

Vào ngày 11/06, bà Lucia Dunn, giáo sư kinh tế tại Đại học Bang Ohio, nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ ĐCSTQ sẽ loại bỏ ngày càng nhiều hoạt động kinh doanh cho đến khi các công ty phương Tây cuối cùng phải thức tỉnh và nhìn thấy trước tương lai tồi tệ”.

Bà Dunn nói: “Trong lĩnh vực của riêng tôi - giáo dục đại học - trong nhiều năm, Trung Quốc đã lôi kéo các học giả phương Tây đến dạy bằng cách đưa ra những khoản thù lao hậu hĩnh. Sau đó, khi họ nghĩ rằng họ đã có được tất cả những gì họ có thể chiếm đoạt từ các học giả phương Tây, họ đã loại bỏ nhiều người trong chúng tôi. Tôi nghĩ điều tương tự cũng sẽ xảy ra với các ngành công nghiệp khác. Cuối cùng, nhiều công ty phương Tây sẽ tự nguyện rời đi vì các điều kiện mà ĐCSTQ đang áp đặt khiến họ không còn có thể kiếm được lợi nhuận tương xứng. Tôi nghĩ ĐCSTQ sẽ vắt kiệt họ đến cùng cực”.

Ngoài việc hoạt động kém hiệu quả trên thị trường, các ngân hàng đầu tư nước ngoài cũng phải đối mặt với các vấn đề pháp lý ở Trung Quốc. Ví dụ: các quy tắc dữ liệu nghiêm ngặt của ĐCSTQ khiến các công ty con của họ ở Trung Quốc khó chia sẻ thông tin quan trọng với trụ sở chính, bao gồm cả tình hình hoạt động thực tế của quỹ và danh tính của khách hàng.

Các ngân hàng đầu tư nước ngoài này cũng đã nhận được yêu cầu từ các cơ quan quản lý của ĐCSTQ để kiểm soát việc chi trả lương thưởng cho giám đốc điều hành và trì hoãn tiền thưởng để tuân thủ cái gọi là mục tiêu “thịnh vượng chung” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bà Dunn khẳng định rằng, các khoản đầu tư lớn của các công ty Mỹ và châu Âu vào Trung Quốc là thiển cận.

“Tôi nghĩ có quá nhiều điều không chắc chắn và tôi nghĩ ĐCSTQ sẽ không bao giờ đối xử với họ theo cách không vi phạm các tiêu chuẩn công bằng của phương Tây. ĐCSTQ không cung cấp khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh công bằng và cân bằng. Tôi nghĩ rằng nó sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian khi ĐCSTQ phải đối mặt với những thách thức nội bộ của chính mình”.

Ngoại giao con thoi

Vào tháng 02/2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đặt chính quyền Trung Quốc vào thế khó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tới Washington D.C. để tìm kiếm thỏa thuận đình chiến và đã nhờ cậy sự giúp đỡ của một nhóm các ông trùm Phố Wall.

Ông Lưu đã kêu gọi sự tập hợp của các giám đốc điều hành Phố Wall tại một khách sạn gần Tòa Bạch Ốc, nói rằng, "Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn". Trong số những cá nhân này có ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock; ông David Solomon, khi đó là đồng chủ tịch của Goldman Sachs; và ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase. Vào thời điểm đó, ông Dimon là Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc của Business Roundtable.

Các ngân hàng đầu tư Phố Wall thất vọng với giấc mộng Trung Hoa
Giám đốc điều hành BlackRock, ông Larry Fink, tham dự một phiên họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 23/01/2020. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)

Ông Lưu đã đưa ra một lời hứa. Ông cho biết, chính quyền Trung Quốc sẽ tạo ra các cơ hội mới để các công ty tài chính Mỹ có thể mở rộng hoạt động ở Trung Quốc.

Vào tháng 11 năm đó, ông Peter Navarro, cựu cố vấn kinh tế của chính quyền Trump, đã chỉ trích hành vi của các ông trùm Phố Wall trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Ông Navarro nói rằng: “Hãy nghĩ về điều này ngay bây giờ. Hãy xem xét ngoại giao con thoi hiện đang được thực hiện bởi một nhóm tự bổ nhiệm gồm các chủ ngân hàng Phố Wall và các nhà quản lý quỹ phòng hộ giữa Mỹ và Trung Quốc. Là một phần của hoạt động gây ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc, những tỷ phú theo chủ nghĩa toàn cầu này đang gây sức ép toàn diện lên Tòa Bạch Ốc trước thềm G-20 ở Argentina”.

Ngoại giao con thoi đề cập đến một loại hình ngoại giao trong đó một hòa giải viên di chuyển qua lại giữa hai hoặc nhiều bên [vốn không thể liên hệ với nhau trực tiếp] để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán và giải quyết tranh chấp.

Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics và là nhà xuất bản của “Tạp chí Rủi ro Chính trị”, nói với The Epoch Times vào ngày 11/06 rằng, các ông trùm Phố Wall “đương nhiên muốn tránh xung đột quân sự và kinh tế, thứ có thể ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của công ty, bao gồm cả ở Trung Quốc. Bằng cách vận động Washington giảm rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc thay vì tách rời, thứ sẽ khiến chế độ ở Bắc Kinh phải gánh chịu nhiều tổn thất hơn, Bắc Kinh có thể sẵn sàng cung cấp một thỏa thuận ngọt ngào cho các ngân hàng để tăng lợi nhuận và tiền thưởng mà CEO nhận được theo thời gian”.

Được thúc đẩy bởi lợi ích của chính họ, các ông trùm Phố Wall đã hơn một lần giúp đỡ Trung Quốc.

Trợ giúp Trung Quốc

Vào cuối những năm 1990, khi các ngân hàng Trung Quốc đang vật lộn với hàng núi nợ xấu, Thủ tướng Chu Dung Cơ khi đó đã yêu cầu các chủ ngân hàng đầu tư Mỹ, trong đó có ông Hank Paulson, Chủ tịch Goldman Sachs và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, giúp dọn dẹp mớ hỗn độn đó.

Sau cuộc họp tháng 02/2018, ông Lưu Hạc đã tiếp cận ông Larry Fink và BlackRock để được hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống lương hưu của Trung Quốc. Ông Lưu Hạc khẳng định rằng, dân số già đi nhanh chóng có thể dẫn đến sự thiếu hụt đáng kể quỹ hưu trí của Trung Quốc trong những năm tới. Sau đó, ông Fink bày tỏ rằng, BlackRock có thể giúp chính quyền Trung Quốc giải quyết vấn đề này.

BlackRock đã tuân theo các mệnh lệnh của Bắc Kinh, kể cả vào năm 2017 khi họ đề xuất sửa đổi các điều lệ của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong, chẳng hạn như Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (một gã khổng lồ về dầu và khí đốt). Những thay đổi được đề xuất yêu cầu ban giám đốc của các công ty này phải xin ý kiến của chi bộ ĐCSTQ đối với các quyết định quan trọng. BlackRock đã bỏ phiếu ủng hộ những sửa đổi này, thậm chí còn tuyên bố một cách nịnh bợ: “Chi bộ đảng đã đóng một vai trò trong quản trị… làm cho việc quản trị trở nên rõ ràng và minh bạch hơn”. Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng, những sửa đổi này sẽ làm giảm ảnh hưởng của các cổ đông và củng cố vai trò của ĐCSTQ trong quản trị doanh nghiệp.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các ngân hàng đầu tư Phố Wall thất vọng với giấc mộng Trung Hoa