3 yếu tố khiến đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu tư nước ngoài đã đổ trở lại vào Trung Quốc trong vài tháng đầu năm nay, nhưng xu hướng này đã nhanh chóng mất đà. Có 3 yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư xa lánh thị trường Trung Quốc.

Đầu tư nước ngoài đã tiếp tục tháo chạy khỏi Trung Quốc khi nền kinh tế của nước này vẫn còn trì trệ. Các chuyên gia đã chỉ ra ba yếu tố chính gây ra sự tháo chạy này.

Tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh từ bỏ chính sách hạn chế “zero-COVID”. Các nhà đầu tư nước ngoài đã trở nên lạc quan về thị trường Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài đổ trở lại Trung Quốc trong vài tháng đầu năm nay, tuy nhiên, sự phục hồi này nhanh chóng mất đà.

Căng thẳng địa chính trị

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia dân chủ ngày càng xấu đi do sự gây hấn của Bắc Kinh trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trên eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hợp tác với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines nhằm cải thiện sự phối hợp thông qua các cuộc tập trận và huấn luyện quân sự chung nhằm kiềm chế Trung Quốc. Các tàu Hải quân Mỹ cũng đã tăng cường sự hiện diện của họ ở eo biển Đài Loan để duy trì hòa bình và cung cấp hỗ trợ cho các đồng minh của Mỹ.

Các nhà đầu tư Bắc Mỹ đang ngày càng cảnh giác khi bỏ tiền vào thị trường Trung Quốc trong lúc Washington đang thảo luận về chính sách sàng lọc đầu tư mới chống lại Bắc Kinh. Chương trình hưu trí Giáo viên Ontario của Canada đã dừng đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc vào tháng 1. Ông Warren Buffett đã bán hơn một nửa số cổ phần của mình trong tập đoàn ô tô điện Trung Quốc BYD trong năm qua và có kế hoạch tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu Nhật Bản.

3 yếu tố khiến đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc
Ông Warren Buffet (trái), CEO của Berkshire Hathaway, và ông Bill Gates, người sáng lập Microsoft, phát biểu tại cơ sở của nhà sản xuất ô tô BYD ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/09/2010. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)

Một số ngân hàng đã bắt đầu gác lại kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.

Người đứng đầu bộ phận Vốn Tư nhân và Tăng trưởng của Goldman Sachs tại Châu Á Thái Bình Dương, bà Stephanie Hui, cho biết bà đã tạm dừng các nỗ lực huy động vốn tại Mỹ vì căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh.

Sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào các đợt IPO của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Theo Financial Times, vào năm 2023, tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, không một ngân hàng Mỹ nào tham gia vào 109 đợt IPO mới.

Các tổ chức tài chính và nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện các bước để cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc trong khi tăng tỷ lệ nắm giữ của họ ở các nước châu Á.

Trong khi đó, việc niêm yết của các công ty Trung Quốc ở New York, từng là ngành kinh doanh béo bở, đã suy giảm do sự kiểm soát dữ liệu của Bắc Kinh và sự kiểm toán chặt chẽ hơn của Mỹ.

Kiểm soát dữ liệu, chính sách độc tài

Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát chặt chẽ việc chia sẻ dữ liệu đã khiến các giám đốc điều hành nước ngoài gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nắm bắt các điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc.

Một số giám đốc điều hành ngân hàng toàn cầu nói với Financial Times rằng họ do dự với thị trường Trung Quốc vì rất khó thực hiện các đánh giá theo yêu cầu của thủ tục ngân hàng nội bộ. Và họ đang tìm kiếm một môi trường đầu tư thuận lợi hơn để thay thế Trung Quốc.

Ông Chen Songhsing, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Mới của Đại học Donghua ở Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, Trung Quốc thiếu minh bạch trong dữ liệu kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp.

“Gần đây, họ cũng đưa ra luật chống gián điệp mới, chính sách bảo vệ bí mật, v.v. Các công ty thu thập thông tin của nước ngoài đã bị chính quyền Trung Quốc nhắm đến, và bốn văn phòng của các công ty kiểm toán quốc tế lớn ở Trung Quốc đã bị lục soát. Độ tin cậy của các báo cáo tài chính của các công ty Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ hơn và kiểm toán là không được phép, vì vậy không có đủ sự bảo vệ cho các nhà đầu tư”, ông nói.

4 công ty kế toán - kiểm toán “Big Four” là PricewaterhouseCoopers (PwC), Ernst & Young, KPMG và Deloitte.

Ông Chen giải thích: “Nguyên tắc đầu tư đầu tiên là cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác. Nếu dữ liệu cung cấp không đầy đủ, về cơ bản nó khiến nhà đầu tư không còn được bảo vệ. Do đó, từ góc độ bảo vệ nhà đầu tư, các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall không có cách nào thuyết phục các nhà đầu tư của họ rằng khoản đầu tư của họ [ở Trung Quốc] được bảo vệ”.

Nhà kinh tế Davy J. Wong làm việc tại Mỹ nói với The Epoch Times rằng, “thị trường chứng khoán Trung Quốc thường bị chi phối bởi việc lợi dụng và gài bẫy những người mua nhỏ lẻ trong một môi trường khép kín. Và nó có nhiều kênh ngầm khác nhau trong môi trường để lan truyền nhiều thông tin chưa được xác minh nhằm lừa đảo các nhà đầu tư chứng khoán. Vì vậy, ngay cả khi thiếu nguồn đầu tư nước ngoài, họ [ĐCSTQ] vẫn có thể kiếm tiền từ các nhà đầu tư chứng khoán trong nước và họ không nhất thiết phải cần các ngân hàng nước ngoài đầu tư”.

Ông Chen cho biết, ĐCSTQ đã đưa ra những quyết định tồi tệ, chẳng hạn như chính sách “zero-COVID” hay việc đàn áp các doanh nghiệp tư nhân, và chế độ này ngày càng trở nên toàn trị hơn.

Kinh tế suy yếu

Các ngân hàng Phố Wall đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay. Ví dụ, các nhà phân tích của Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Trung Quốc từ 6% xuống 5,4%. Họ cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc từ 4,6% xuống 4,5%.

Theo dữ liệu công khai, ngành bất động sản của Trung Quốc, lĩnh vực chiếm khoảng 20 - 30% GDP của Trung Quốc, và các ngành liên quan tiếp tục suy yếu. Trong tháng 4, diện tích sàn bán được cho nhà mới của Trung Quốc đã giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh hơn so với mức giảm 3,5% trong tháng 3.

Ông Chen nói rằng bất động sản là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm gần 30% nền kinh tế. “Khi [lĩnh vực bất động sản] suy thoái, nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó cải thiện”.

3 yếu tố khiến đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đã lên đến mức báo động. Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi đã vượt quá mốc 20%. Ông Chen tin rằng, tỷ lệ thất nghiệp chính thức đang được báo cáo không đầy đủ và con số thực tế phải cao hơn.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã hạ lãi suất để thúc đẩy tiêu dùng, nhưng lãi suất thấp có nghĩa là đồng nhân dân tệ (CNY) yếu hơn. Đồng tiền Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng tâm lý 7 CNY so với 1 USD vào ngày 17/05. Điều này cũng sẽ mở rộng khoảng cách lãi suất vốn của Trung Quốc và Mỹ, khiến các nhà đầu tư tránh xa thị trường Trung Quốc.

“Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang thiếu động lực, bởi vì người dân không có niềm tin cùng với niềm tin yếu đối với tiêu dùng. Do đó, trong hoàn cảnh như vậy, triển vọng tương lai của nền kinh tế Trung Quốc về mặt lý thuyết sẽ quay trở lại điểm ban đầu là đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sắt và công cộng. Tuy nhiên, gánh nặng nợ nần của chính quyền địa phương khiến việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng trở nên rất khó khăn, gần như không thể tiếp tục”, ông Chen nói.

Ông nói thêm: “Khó có khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ đề xuất các chính sách mới ngay bây giờ. Rất khó để Trung Quốc thu hồi vốn nước ngoài đã rút hoặc thu hút thêm đầu tư vào Trung Quốc”.

“Bây giờ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang trong xu hướng giảm và đó là xu hướng dài hạn. Đồng CNY được dự đoán là sẽ mất giá và đang bị phá giá. Nếu bạn đầu tư vào nó [thị trường Trung Quốc], bạn có thể mất tiền. Tôi nghĩ mọi người phải chờ đợi và quan sát”, ông Chen nói.

Nhà kinh tế Wong nói rằng, trong quá khứ, các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall đã mang một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ và các dự án kinh doanh đến Trung Quốc. Giờ đây, với dự đoán tăng trưởng thấp hơn, “họ có thể xem xét chuyển tất cả những thứ đó sang Đông Nam Á và giảm quy mô đầu tư vào Trung Quốc”, ông nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

3 yếu tố khiến đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc