Các nhà khảo cổ tìm thấy xương người 86.000 năm tuổi trong hang động ở Lào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một mảnh xương ống chân của người tinh khôn (Homo sapiens), được tìm thấy sâu trong một hang động ở Lào, tiết lộ rằng con người có mặt ở Đông Nam Á cách đây ít nhất 86.000 năm trước.

Các mảnh xương này được tìm thấy từ hang Tam Pà Ling, hay Hang Khỉ, nằm ở độ cao khoảng 1.170 mét so với mực nước biển trên một ngọn núi ở phía bắc Lào.

Trước đây, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy những mảnh xương người trong hang động này, nhưng chúng có niên đại 70.000 năm tuổi và là một trong những bằng chứng sớm nhất về con người ở khu vực này trên thế giới. Phát hiện đó đã thôi thúc các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật khu vực này.

Và các nhà khảo cổ trong nghiên cứu này đã làm điều đó. Kết quả là họ đã tìm thấy hai mảnh xương, và báo cáo về chúng trong một công trình đăng trên tạp chí Nature Communications. Những mảnh xương này, gồm một mảnh vỡ của phần trước hộp sọ và một mảnh xương ống chân, có khả năng đã được các trận mưa lũ xưa kia cuốn vào hang Tam Pà Ling. Tuy những mảnh xương này bị vỡ và không hoàn chỉnh, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn có thể so sánh kích thước và hình dạng của chúng với các xương của người tiền sử khác, và nhận thấy chúng gần giống với người tinh khôn.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp định tuổi bằng ánh sáng phát quang của các lớp trầm tích gần đó và phương pháp định tuổi theo chuỗi uranium của răng động vật có vú từ cùng lớp đất để xác định độ tuổi của các mảnh xương. Phương pháp định tuổi bằng ánh sáng phát quang là một kỹ thuật đo thời điểm cuối cùng các vật liệu kết tinh, chẳng hạn như đá, được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc nhiệt. Trong khi đó, phương pháp định tuổi theo chuỗi uranium là một kỹ thuật đo phóng xạ, tương tự như phương pháp định tuổi bằng carbon-14, đo sự phân rã của uranium theo thời gian thành thorium, radium và chì.

Cuối cùng, các nhà khảo cổ ước tính mảnh xương sọ có niên đại lên đến 73.000 năm và mảnh xương ống chân có niên đại 86.000 năm. Đây là một kết quả đáng chú ý, đặc biệt trong hoàn cảnh mà các nhà nghiên cứu lâu nay vẫn tranh luận về thời điểm người hiện đại đến châu Á.

Tác giả chính của nghiên cứu Fabrice Demeter, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Copenhagen, nói với Live Science trong một email: “Có rất ít hoặc không có nghiên cứu nhân chủng học nào được tiến hành ở Lào kể từ sau Thế chiến thứ hai”. Các cuộc tranh luận về việc di cư của con người vào Đông Nam Á đã diễn ra trong nhiều thập kỷ khi các nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu cách thức và thời điểm con người vượt qua các eo biển và biển để cuối cùng đến Úc. Tam Pà Ling là "địa điểm lý tưởng để đặt ra một số câu hỏi về việc di cư này, vì lục địa Đông Nam Á thực sự nằm ở ngã tư của Đông Á và Đông Nam Á/Úc”.

Trong khi bằng chứng về gen và công cụ bằng đá mà các nhà khảo cổ thu thập được cho đến nay hỗ trợ mạnh mẽ giả thuyết về sự phân tán nhanh chóng, đơn lẻ của người tinh khôn từ Châu Phi vào khoảng thời gian sau 60.000 năm trước, thì những phát hiện như trong nghiên cứu này cho thấy bằng chứng về các cuộc di cư sớm hơn, nhiều trong số đó có thể đã kết thúc một cách bí hiểm.

Michael BC Rivera, một nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Hồng Kông, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với Live Science trong một email rằng "có lẽ đây là một nhóm đã phân tán đến Đông Nam Á và tuyệt chủng trước khi họ có thể đóng góp gen cho nguồn gen của con người ngày nay. Tôi thấy việc biết thêm những câu chuyện kể về những quần thể 'thất bại' này rất thú vị, để chúng ta không chỉ nhìn vào những quần thể 'thành công' đã 'đạt được' điều họ muốn”.

Không có công cụ bằng đá hoặc manh mối nào về lối sống của những người tình khôn này được tìm thấy ở Tam Pà Ling. Nhưng các nhà khảo cổ nghiên cứu về thời tiền sử của châu Á từ lâu đã nghi ngờ rằng, thậm chí cách đây hơn 65.000 năm, có khả năng con người cổ đại đã đến các hòn đảo và vượt biển để định cư ở những vùng đất xa xôi trên thế giới, Rivera nhấn mạnh.

Rivera nói: “Các tuyên bố về việc người tinh khôn đã đến khu vực này cách đây hơn 60.000 năm không phải là mới, nhưng thật tốt khi có thêm xác nhận trong nỗ lực của chúng tôi để lấp đầy các khoảng trống trong hồ sơ khảo cổ học”.

Theo Livescience

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà khảo cổ tìm thấy xương người 86.000 năm tuổi trong hang động ở Lào