Cách dùng 12 loại củ quả phổ biến trong mùa hè hỗ trợ điều trị bệnh.

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưa hấu có thể dùng khi mùa hè trời nóng, mồ hôi ra nhiều, tâm phiền miệng khát, có tác dụng ngất định đối với các chứng nhiệt răng đau, tăng huyết áp. Vậy các loại hoa quả khác thì sao?

Dưới đây là cách dùng 12 loại củ quả phổ biến trong mùa hè để hỗ trợ cho sức khoẻ và điều trị bệnh.

1. Điều trị bệnh bằng quả Dưa hấu

Còn gọi là Tây qua, là thứ quả phổ biến nhất vào mùa hè. Đông y thường lấy vỏ dưa hấu (Tây qua bì, còn gọi là Tây qua thúy y), ruột dưa hấu (Tây qua nhương) và Tây qua sương (lấy mang tiêu cho vào trong quả dưa hấu, chất kết tinh hình thành từ chất dịch thấm ra) làm thuốc.

Dưa hấu vị ngọt tính lạnh; nhập kinh Tâm, Vị, Bàng quang; có công dụng giải thử trừ phiền, sinh tân chỉ khát, lợi niệu giáng áp; có thể dùng khi mùa hè nhiệt thịnh, mồ hôi ra nhiều làm tổn thương tân dịch, Tâm phiền miệng khát, tiểu tiện ngắn đỏ, có tác dụng ngất định đối với các chứng Vị nhiệt răng đau, tăng huyết áp.

Cách dùng:

  • Mùa hè cảm mạo hiệp thấp (cảm mạo vào mùa hè do nhiệt kết hợp cùng thấp khí, thường gặp khi gặp trời mưa sau khi nắng nóng, hoặc cảm do quần áo bị ướt bởi mồ hôi): Vỏ xanh dưa hấu 20g, gừng sống 12g, Tiên lô căn (rễ lau sậy tươi) 20g, hành hoa 3 nhánh, sắc nước uống.
  • Trẻ nhỏ mùa hè nóng sốt: Vỏ xanh dưa hấu 15g, Kim ngân hoa 10g, Phục linh 12g, Thái tử sâm 10g, Biển đậu hoa 6g, Lá sen nửa lá, sắc nước uống.
  • Bệnh nhiệt tổn thương tân dịch: Nước ép dưa hấu lượng vừa đủ, uống luôn luôn.
  • Tăng huyết áp: Vỏ xanh dưa hấu 15g, Quyết minh tử 10g, sắc nước uống thay trà.

2. Điều trị bệnh bằng quả Dưa bở

Còn gọi là Điềm qua, Hương qua, Lê qua. Đông y thường dùng hạt và cuống dưa bở làm thuốc. Dưa bở vị ngọt tính mát; nhập kinh Vị, Đại trường, Bàng quang.

Công dụng thanh thử nhiệt, giải phiền khát, lợi tiểu tiện, thông đại tiện, có thể dùng khi thử nhiệt tâm phiền, miệng khát, tiểu tiện không thông lợi, đại tiện bí kết.

Cách dùng:

  • Đại trường táo, đại tiện bí: Dưa bở tươi 20g, ăn.
  • Viêm ruột thừa mạn tính: Hạt dưa bở rửa sạch phơi khô, sao vàng nghiền nhỏ, mỗi lần uống 3-5g, mỗi ngày uống 2 lần.

3. Điều trị bệnh bằng Dưa chuột

Còn gọi là hoàng qua. Quả, dây lá, rễ của cây dưa chuột đều có thể làm thuốc. Dưa chuột vị ngọt tính mát; nhập kinh Tiểu trường, Vị.

Công dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy; có thể dùng khi trong ngực thấy phiền nóng, miệng khát, tiểu tiện ít, rôm sảy.

Cách dùng:

  • Rôm sảy, bỏng: Dưa chuột tươi rửa sạch, nghiền nát, đắp vào chỗ bị bệnh.
  • Trong ngực thấy phiền nóng: Dưa chuột tươi bỏ vỏ, cắt thành lát mỏng, cho vào bát, cho thêm dấm ăn, đường phèn lượng vừa đủ, trộn đều sau đó đợi 1 lát là có thể ăn được.

4. Nhót tây

Còn gọi là Tỳ bà, quả và lá của Nhót tây đều có thể làm thuốc. Nhót tây vị đắng tính bình; nhập kinh Tỳ, Phế, Can.

Công dụng hóa đàm chỉ khái, hòa vị giáng nghịch. Có thể dùng khi ho hắng đờm dính, không dễ khạc ra và các chứng Vị nhiệt miệng khát, nôn ọe.

Cách dùng:

  • Ho hắng do Phế nhiệt: Lá nhót tây (Tỳ bà diệp) 12g, Tiên lô căn (rễ lau sậy tươi) 25g, sắc nước uống.
  • Viêm Phế quản mạn tính: Lá nhót tây 100g, đường nâu 250g. Lấy lá nhót tây rửa sạch, sắc nước; sắc 1-2 lần trộn lại, cho thêm đường, cô thành cao. Mỗi lần uống 1 thìa, 1 ngày uống 3 lần.
  • Vị nhiệt miệng khát: Lá nhót tây 15g, Thạch hộc 15g, sắc nước uống.

5. Điều trị bệnh bằng Mía

Vị ngọt, tính mát; nhập kinh Phế, Vị; có công dụng thanh nhiệt sinh tân, hạ khí, nhuận táo.

Có thể dùng trong các bệnh nhiệt làm tổn thương tân dịch, miệng khát, tiểu tiện ngắn, đỏ, đại tiện bí và các chứng ho hắng do Phế táo.

Cách dùng:

  • Bệnh nhiệt tổn thương tân dịch: Mía bỏ vỏ ép lấy nước. Quả lê 50g, rửa sạch, bỏ vỏ, hạt, lấy nước. Hai thứ nước trộn đều, cho thêm nước đun sôi để nguội lượng vừa đủ, uống.
  • Nôn mửa do Vị nhiệt: Nước mía nửa cốc, nước gừng 3-5 giọt, trộn đều, uống hằng ngày.
  • Say rượu: uống nước mía.

6. Chuối tiêu

Vỏ và quả đều có thể làm thuốc. Vị ngọt, tính lạnh; nhập kinh Phế, Vị, có công dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông tiện, lương huyết an thai… Có thể dùng trong các chứng ung nhọt do nắng nóng, nhiệt kết đại tiện bí.

Cách dùng:

  • Ung nhọt sưng: Vỏ chuối tiêu 30g, Bồ công anh tươi 30g, trộn nát, đắp vào chỗ bệnh.
  • Đại tiện khô táo: Lúc bụng không ăn 1-2 quả chuối tiêu, sau đó uống nước muối loãng, có tác dụng hỗ trợ nhuận tràng thông tiện.
  • Tăng huyết áp: Vỏ chuối tiêu 30g, Quất lạc (màng trắng quả quýt) 5g, hãm trà uống thường xuyên.

7. Điều trị bệnh bằng quả Lê

Vị ngọt, tính hơi lạnh; nhập kinh Phế, Vị, có công dụng sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt hóa đàm. Có thể dùng trong các chứng miệng khát do bệnh nhiệt làm tổn thương tân dịch, ho hắng do nhiệt đàm, đại tiện bí.

Cách dùng:

  • Miệng khát do nhiệt bệnh làm tổn thương tân dịch: Quả lê tươi bỏ hạt, giã lấy nước, ngậm nuốt từ từ.
  • Viêm phế quản (loại tân dịch hao tổn làm Phế táo): Lê 60g, Xuyên bối mẫu 5g, gia 1 chút nước, hầm ăn, mỗi ngày 1 lần.
  • Ho có đờm do Phế nhiệt: Lê tươi 100g, củ cải trắng tươi 100g, rửa sạch, ép lấy nước, trộn đều 2 loại nước để uống, mỗi ngày uống 2 lần.

8. Điều trị bệnh bằng quả Đào

Vị ngọt, chua, tính ấm; nhập kinh Can, Đại trường. Có công dụng sinh tân, nhuận trường, hoạt huyết, tiêu tích, giáng áp. Quả đào chưa chín khô gọi là Bích đào can.

Có thể dùng để làm dừng mồ hôi, hết đau; nhân hạt đào bỏ vỏ chính là vị thuốc Đào nhân trong Đông y, có thể hoạt huyết hóa ứ, nhuận trường thông đại tiện.

Cách dùng:

  • Đại trường táo, đại tiện bí: Ăn 150g quả đào tươi, mỗi ngày 1 lần. Hoặc dùng Đào nhân 12g, sắc nước, thêm mật để uống.
  • Mồ hôi trộm, đổ mồ hôi do hư nhược: Bích đào can 10g, sắc nước uống, mỗi tối uống 1 lần, thông thường 1-3 lần là có thể hết mồ hôi.
  • Huyết ứ kinh nguyệt bế: Đào nhân 9g, Hồng hoa 9g, Đương quy 18g, sắc nước uống.
  • Tăng huyết áp: Buổi sáng hằng ngày ăn quả đào tươi, mỗi lần ăn 1-2 quả.

9. Kiwi

Kiwi vị ngọt, chua, tính lạnh; nhập kinh Tỳ, Vị; có công dụng thanh nhiệt chỉ khát, tiêu thũng thông lâm. Có thể dùng trong các chứng bệnh nhiệt làm tổn thương tân dịch, phiền nhiệt miệng khát, phụ nữ viêm tuyến vú, sa trực tràng, vàng da do thấp nhiệt, tiểu khó đau, nước tiểu đục, khí hư ở phụ nữ.

Cách dùng:

  • Bệnh nhiệt làm tổn thương tân dịch: Ăn quả kiwi tươi lượng thích hợp.
  • Phụ nữ khí hư do thấp nhiệt: Rễ cây Kiwi 30-60g, Xuân căn bì 15g, thêm nước sắc, mỗi ngày uống 2 lần.

10. Điều trị bệnh bằng quả Nho

Quả, rễ, dây, lá của cây nho đều có thể làm thuốc. Nho vị chua, ngọt, tính lạnh; nhập kinh Phế, Thận, Tỳ;

Công dụng sinh tân chỉ khát, khai vị tiêu thực, bổ huyết an thai. Có thể dùng trong các chứng tân dịch bị tổn thương khiến miệng khát, tâm phiền, nước tiểu đỏ, ăn uống không tốt, huyết hư tim hay hồi hộp.

Cách dùng:

  • Trong vị có nhiệt, tân dịch bị tổn thương: ăn quả nho tươi.
  • Bong gân: Rễ nho tươi lượng thích hợp, rửa sạch, nghiền nát, đắp vào chỗ bệnh.

11. Củ năng

Củ năng rửa sạch, bỏ vỏ, cuống có thể dùng làm thuốc. Củ năng vị ngọt tính bình; quy kinh Phế, Vị. Công dụng thanh nhiệt chỉ khát, lợi thấp hóa đàm, hạ huyết áp.

Có thể dùng trong các chứng bệnh nhiệt làm tổn thương tân dịch, miệng khát ăn ít, đại tiện sắc đỏ, đại tiện bí, ho hắng do Phế có nhiệt; ngoài ra đối với chứng vàng da do thấp nhiệt, phù thũng do viêm thận, một số bệnh về mắt cũng có tác dụng nhất định.

Cách dùng:

  • Bệnh nhiệt làm tổn thương tân dịch: Củ năng tươi 150g, quả Lê 100g, múa 1 đoạn (50cm), rửa sạch, ép lấy nước uống.
  • Ho hắng do phế có nhiệt: Củ năng tươi 60g, sứa đỏ 30g, thêm 1 chút nước hầm ăn.
  • Tiểu tiện ít do thấp nhiệt: Củ năng 30g, Xa tiền thảo 20g, Nhân trần cao 15g, sắc nước uống.
  • Giảm thị lực: Củ năng 100g, gan dê 100g, thêm 1 chút gia vị và lượng nước thích hợp, hầm ăn.
  • Yết hầu sưng đau: Củ năng ép nước uống, mỗi lần 120g.

12. Quả ô liu

Vị ngọt, chua, tính bình; nhập kinh Phế, Vị; có công dụng thanh nhiệt giải độc, hóa đàm tiêu tích. Có thể dùng trong các chứng cảm cúm dẫn đến đau họng, ho có đờm.

Cách dùng:

  • Đau họng (viêm họng mạn tính): Dùng quả ô liu để trong miệng, sau khi nhai nuốt từ từ.
  • Thức ăn đình trệ không tiêu hóa: Ô liu 15g, Thần khúc 12g, sắc nước uống.
  • Say rượu: Quả ô liu tươi lượng thích hợp, ăn sống hoặc pha trà uống.
  • Viêm da dị ứng: Quả ô liu tươi nghiền nát vắt lấy nước bôi vào chỗ bệnh (chỗ vỡ mủ lở loét có thể dùng bã đắp vào), mỗi ngày vài lần. Hoặc lá ô liu tươi lượng thích hợp, rửa sạch, đun nước rửa chỗ bệnh.

Nhạc Phong (dịch).

Ghi chú:
Tân dịch: Thể dịch trong cơ thể. Chất lỏng có nguồn gốc là thức ăn uống, được Tỳ Vị tiêu hóa và chuyển hóa thành.



BÀI CHỌN LỌC

Cách dùng 12 loại củ quả phổ biến trong mùa hè hỗ trợ điều trị bệnh.