Chúng ta hiện đang bị theo dõi mọi nơi mọi lúc, theo chuyên gia về công nghệ giám sát 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện nay các công nghệ giám sát đã thâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Họ thu thập rất nhiều dữ liệu từ chúng ta, dưới nhiều hình thức khác nhau và thường chúng ta không hề hay biết.

Vào năm 2013, một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu di chuyển của 1,5 triệu người trong 15 tháng và kết luận rằng: chỉ cần biết được bốn điểm trong lịch trình di chuyển là đủ để xác định được người đó là ai, với độ chính xác đến 95%, mặc dù dữ liệu thời đó chưa thật hoàn chỉnh.

Gần mười năm đã trôi qua kể từ khi đó, và công nghệ giám sát đã có nhiều bước tiến rất lớn. Đây là tổng hợp của một nhà nghiên cứu quản trị công nghệ của các hệ thống giám sát mà bà nghĩ mọi người nên biết.

Camera giám sát và camera truy cập mở

Mặc dù Trung Quốc có hơn 50% tổng số camera giám sát (Closed Circuit Television - CCTV) được lắp đặt trên khắp thế giới (khoảng 34 camera trên 1.000 người dân), nhưng các thành phố của Úc cũng đang trên con đường đó. Vào năm 2021, Sydney có 4,67 camera trên 1.000 người dân và Melbourne là 2,13.

Mặc dù camera giám sát có thể được sử dụng cho các mục đích hợp pháp, chẳng hạn như tăng cường an toàn trong thành phố và hỗ trợ cảnh sát điều tra tội phạm, nhưng việc sử dụng chúng cũng gây ra những lo ngại nghiêm trọng.

Vào năm 2021, cảnh sát New South Wales bị nghi ngờ đã sử dụng đoạn ghi hình trên CCTV kết hợp với tính năng nhận dạng khuôn mặt để truy tìm những người tham gia các cuộc biểu tình chống phong tỏa xã hội. Khi được hỏi, họ không xác nhận hay phủ nhận việc đã làm, thậm chí cả việc họ sẽ làm trong tương lai.

Vào tháng 8 năm 2022, Liên Hợp Quốc xác nhận CCTV đang được sử dụng để thực hiện “các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác ở khu vực Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc.

Các camera giám sát ở Trung Quốc không chỉ ghi lại cảnh quay theo thời gian thực. Nhiều camera còn được trang bị tính năng nhận dạng khuôn mặt, để theo dõi việc đi lại của các nhóm dân tộc thiểu số. Và có một số báo cáo cho biết rằng họ đã thử nghiệm camera giám sát để phát hiện cảm xúc của người dân.

Hoa Kỳ cũng có lịch sử sử dụng camera giám sát từ rất sớm để hỗ trợ cảnh sát trong việc xử lý các hành vi phân biệt chủng tộc. Vào năm 2021, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã báo cáo rằng các khu vực có tỷ lệ cư dân không phải da trắng cao hơn sẽ có nhiều camera giám sát hơn.

Một vấn đề khác đối với camera giám sát là an ninh. Nhiều camera trong số này là sử dụng tính năng truy cập mở, nghĩa là chúng không có mật khẩu bảo vệ và thường có thể dễ dàng truy cập trực tuyến. Vì vậy, tác giả bài viết này có thể dành cả ngày để truy cập trực tiếp vào bất cứ camera nào lắp đặt tại hiên nhà của ai đó, miễn là camera đó đang mở.

Dự án nghiên cứu camera giám sát gần đây của Dries Depoorter có tên là The Follower (tạm dịch: Người theo dõi) đã khéo léo giới thiệu các lỗ hổng của camera mở. Bằng cách kết hợp cảnh quay của camera truy cập mở với AI và các bức ảnh trên Instagram, Depoorter có thể khớp ảnh của mọi người với các cảnh quay về địa điểm và thời điểm họ đã chụp.

Dự án đã nhận được phản hồi, với một trong những người được xác định nói rằng: “Sử dụng hình ảnh của một người nào đó mà không được phép là một tội ác”.

Việc đó có vi phạm pháp luật hay không sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và nơi bạn sinh sống. Dù bằng cách nào, vấn đề ở đây là Depoorter đã có thể làm điều này dễ dàng.

Thiết bị Internet vạn vật (Internet of Things - IoT)

Thiết bị IoT (“Internet vạn vật”) là bất kỳ thiết bị nào kết nối với mạng không dây để hoạt động – đó có thể là các thiết bị nhà thông minh như Amazon Echo hoặc Google Dot, màn hình trẻ em hoặc thậm chí là đèn giao thông thông minh.

Xem tin tặc người Canada nói chuyện với Phoenix Man qua Camera an ninh của Nest trong clip sau:

Ước tính chi tiêu toàn cầu cho các thiết bị IoT sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ đô la Mỹ vào một thời điểm nào đó trong năm 2022. Khoảng 18 tỷ thiết bị được kết nối tạo thành mạng IoT. Giống như các camera giám sát không bảo mật, các thiết bị IoT rất dễ bị xâm nhập nếu họ sử dụng mật khẩu mặc định hoặc mật khẩu đã bị rò rỉ.

Trong một số ví dụ, tin tặc đã chiếm quyền điều khiển camera giám sát trẻ em để theo dõi các bà mẹ đang cho con bú, đe dọa các bậc cha mẹ rằng con họ đang bị bắt cóc và nói những điều rùng rợn như “Mẹ yêu con” với trẻ em…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể bị hack dữ liệu thông qua các thiết bị IoT để tiếp cận khách hàng mục tiêu với các sản phẩm và dịch vụ cụ thể.

Các chuyên gia về quyền riêng tư đã đưa ra cảnh báo vào tháng 9 về thỏa thuận sáp nhập của Amazon với công ty sản xuất robot hút bụi iRobot. Một lá thư gửi tới Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ được ký bởi 26 nhóm vận động quyền công dân và quyền riêng tư cho biết:

“Việc liên kết các thiết bị iRobot với hệ thống gia đình Amazon vốn đã bị xâm nhập sẽ tạo điều kiện cho tin tặc thu thập nhiều dữ liệu hơn từ các thiết bị gia đình có kết nối IoT; có khả năng bao gồm các chi tiết riêng tư về thói quen và sức khỏe của chúng ta, những thứ sẽ gây nguy hiểm cho quyền, lợi ích và sự an toàn của con người”.

Dữ liệu do IoT thu thập cũng có thể được trao đổi với bên thứ ba thông qua quan hệ đối tác dữ liệu (rất phổ biến) và điều này cũng không có sự đồng ý rõ ràng của khách hàng.

Công ty công nghệ lớn và dữ liệu lớn

Năm 2017, giá trị của dữ liệu lớn vượt quá giá trị của dầu mỏ. (Ảnh minh hoạ: Firmbee/Pixabay)

Năm 2017, giá trị của dữ liệu lớn vượt quá giá trị của dầu mỏ. Các công ty tư nhân công nghệ lớn là lực lượng chủ yếu tạo nên phần lớn sự tăng trưởng này.

Đối với các nền tảng công nghệ, việc mở rộng thu thập thông tin cá nhân của người dùng là hoạt động bình thường, theo đúng nghĩa đen, bởi vì nhiều dữ liệu hơn có nghĩa là phân tích chính xác hơn, quảng cáo được nhắm mục tiêu hiệu quả hơn và có nhiều doanh thu hơn.

Logic về việc kiếm lợi nhuận thông qua quảng cáo này được mệnh danh là "chủ nghĩa tư bản giám sát". Như người xưa vẫn nói, nếu bạn không phải trả tiền mà được hưởng lợi, thì bạn chính là sản phẩm.

Meta (công ty sở hữu cả Facebook và Instagram) đã tạo ra gần 23 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong quý 3 năm 2022.

Cỗ máy khổng lồ đằng sau điều này được minh họa rõ nét trong bộ phim tài liệu The Social Dilemma (tạm dịch: Song Đề Xã Hội) năm 2021. Nó cho chúng ta thấy các nền tảng truyền thông xã hội dựa vào điểm yếu tâm lý của chúng ta như thế nào; để giữ chúng ta trực tuyến càng lâu càng tốt; họ đo lường hành động của chúng ta đến từng giây chúng ta dành cho việc lướt qua một quảng cáo.

Các chương trình khách hàng thân thiết

Mặc dù nhiều người không nhận ra, nhưng các chương trình khách hàng thân thiết là một trong những mánh lới thu thập dữ liệu cá nhân lớn nhất hiện có.

Trong một ví dụ đặc biệt khó chịu, vào năm 2012, một nhà bán lẻ ở Hoa Kỳ đã gửi cho một cô gái tuổi teen một danh mục có nhiều hình ảnh trẻ em đang cười và đồ chơi cho trẻ em. Người cha của cô bé đã tức giận đến gặp những người quản lý tại cửa hàng địa phương; và biết được rằng các công cụ phân tích dự đoán biết về con gái ông nhiều hơn chính ông.

Ước tính 88% người tiêu dùng ở Úc trên 16 tuổi là thành viên của các chương trình khách hàng thân thiết. Các kế hoạch này xây dựng hồ sơ người tiêu dùng của bạn để bán cho bạn nhiều thứ hơn. Một số thậm chí có thể tính phí lén lút cho bạn và thu hút bạn bằng các đặc quyền trong tương lai để bán cho bạn với giá cao.

Như nhà báo công nghệ Ros Page lưu ý: “Dữ liệu mà bạn cung cấp khi thanh toán có thể được chia sẻ và bán cho các doanh nghiệp mà bạn chưa từng tham gia”.

Như một bước đi táo bạo, bạn có thể huỷ ngay lập tức tất cả các thẻ khách hàng thân thiết của mình, nếu bạn thực sự muốn bảo vệ thông tin cá nhân của mình.

Theo The Conversation

Ánh Dương biên dịch

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Chúng ta hiện đang bị theo dõi mọi nơi mọi lúc, theo chuyên gia về công nghệ giám sát