Chuối vàng bị chuyển sang nâu nếu ăn vào có tốt không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn thích quả chuối màu gì nhất? Vàng, nâu, hoặc thậm chí xanh lá cây? Julie Upton, một chuyên gia dinh dưỡng ở Mỹ, nói rằng chuối có thể mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, nhưng giá trị dinh dưỡng sẽ giảm sau khi màu sắc thay đổi.

Chuối rất giàu chất dinh dưỡng, một quả chuối dài 20cm chứa 110 calo, 30 gram carbohydrate và 3 gram chất xơ. Nó cũng rất giàu kali, có thể điều chỉnh chuyển động của cơ bắp, còn có folate và tryptophan giúp điều chỉnh tâm trạng.

Ngoài ra, chuối không chứa chất béo, cholesterol và natri, là một loại trái cây rất được khuyến khích trong cuộc sống hàng ngày.

Trong quá trình chín, chuối chuyển dần từ xanh sang vàng, sau đó bắt đầu hình thành và phát triển các đốm nâu, cuối cùng chuyển sang nâu.

Mỗi giai đoạn đều có những ưu nhược điểm riêng, trong đó giá trị dinh dưỡng của chuối nâu thấp hơn các giai đoạn khác.

Theo phân tích của Upton, chuối nâu đã chín có vị rất ngọt. Hàm lượng monosaccharid (đường đơn) trong một quả chuối vàng cỡ trung bình khoảng 14.4 gram. Sau khi chuyển sang màu nâu, nó sẽ tăng lên 17.4 gram.

3 gram đường được thêm vào là do quá trình phân hủy của tinh bột, lượng tinh bột trong chuối vàng là khoảng 6.35 gram, trong khi chuối nâu thấp nhất chỉ 0.45 gram.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, chuối vàng ít làm tăng lượng đường trong máu hơn so với chuối nâu, do đó biến động đường huyết cũng nhỏ hơn.

Tất nhiên, sự dao động lượng đường trong máu do chuối nâu gây ra ít hơn một mẩu bánh mì trắng, vậy nên bệnh nhân tiểu đường cũng có thể ăn chúng.

Sau khi chuối đổi màu, hàm lượng chất xơ trong khẩu phần ăn cũng giảm đi đáng kể. Một quả chuối nâu chứa 1.9 gram chất xơ, trong khi một quả chuối vàng chứa 3.1 gram.

Hàm lượng các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin B6 và vitamin K trong chuối nâu cũng giảm nhưng mức độ thay đổi không đáng kể.

Chuối vàng là loại được bày bán nhiều nhất trong các cửa hàng trái cây và siêu thị, trông ngon miệng và bắt mắt hơn so với chuối nâu hoặc xanh, bên cạnh đó, nó cũng có giá trị dinh dưỡng phong phú hơn.

Một số nghiên cứu cho rằng, chuối vàng cũng có thể giúp điều chỉnh huyết áp và có một số đặc tính kháng khuẩn và kháng virus nhất định.

Điều thú vị nhất là hương thơm độc đáo của chuối chín vàng có thể đánh lừa não bộ, khiến nó nghĩ rằng cơ thể con người đã ăn thứ gì đó, giúp ức chế sự thèm ăn và giúp giảm cân.

Chuối xanh còn non, ít đường và nhiều tinh bột kháng. Loại tinh bột kháng này không thể bị các enzym trong dạ dày phân hủy, cần thời gian tiêu hóa lâu hơn, do đó giúp bạn cảm thấy no lâu.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh cho thấy, tinh bột kháng trong chuối có thể làm tăng sản xuất axit béo chuỗi ngắn, từ đó giúp tạo ra một môi trường tốt cho sức khỏe đường ruột.

Tuy nhiên, chuối xanh thường khó ăn, chúng ta cần kết hợp với các loại thực phẩm khác để hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng.

Ví dụ, chuối xanh có thể được làm thành bánh ngọt hoặc trộn với các loại trái cây khác để làm sinh tố. Nhìn chung, kết hợp các thực phẩm với chuối xanh hoàn toàn tùy thuộc vào sự sáng tạo và khéo léo của người chế biến.

Tóm lại, các loại chuối khác nhau có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau. Chuối xanh rất giàu tinh bột kháng và hàm lượng đường thấp hơn, là lựa chọn tốt nhất cho người giảm cân.

Trong khi đó, chuối vàng lại được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều nhất, có hương vị và bề ngoài đẹp hơn.

Chuối nâu có hàm lượng đường cao; bạn có thể kết hợp với một số loại thực phẩm giàu chất xơ, tiêu hóa chậm như các loại hạt, bánh mì nguyên cám, bột protein, yến mạch… để tạo thành một chế độ ăn uống lành mạnh.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Chuối vàng bị chuyển sang nâu nếu ăn vào có tốt không?