Có phải thành phần tạo ra con người đến từ các vì sao trong vũ trụ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà thiên văn học Carl Sagan từng đưa ra một tuyên bố nổi tiếng rằng vật liệu tạo ra con người đến từ các ngôi sao. Liệu phát biểu này có đúng không?

Vào đầu những năm 1980, nhà thiên văn học Carl Sagan đã tổ chức và dẫn chương trình một bộ phim truyền hình gồm 13 phần có tên "Vũ trụ" (Cosmos) được phát sóng trên PBS. Trong chương trình, Sagan đã giải thích cặn kẽ nhiều chủ đề liên quan đến khoa học, bao gồm lịch sử Trái đất, quá trình tiến hóa, nguồn gốc sự sống và hệ Mặt trời.

"Chúng ta là một cách để vũ trụ tự hiểu về chính nó. Một phần trong con người chúng ta biết đó là nơi chúng ta đã đến. Chúng ta khao khát được quay trở về. Và chúng ta có thể, bởi vì vũ trụ cũng ở trong chúng ta. Chúng ta được tạo thành từ vật liệu của những ngôi sao”, Sagan đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng này trong một tập phim.

Tuyên bố của ông tóm lược lại thực tế rằng các nguyên tử carbon, nitơ và oxy trong cơ thể chúng ta, cũng như các nguyên tử của tất cả các nguyên tố nặng khác, được tạo ra trong các thế hệ các ngôi sao trước đây có niên đại hơn 4,5 tỷ năm. Chris Impey, giáo sư thiên văn học tại Đại học Arizona, cho biết, vì con người và mọi loài động vật khác (cũng như hầu hết vật chất trên Trái đất) đều chứa những nguyên tố này, nên chúng ta thực sự được tạo ra từ vật liệu của các ngôi sao .

Impey nói với Live Science: “Tất cả các chất hữu cơ chứa carbon ban đầu đều được tạo ra trong các ngôi sao. Vũ trụ ban đầu chỉ có hydro và heli, carbon được tạo ra sau đó, trong hàng tỷ năm”.

Nhưng làm thế nào để vật liệu từ các ngôi sao đến được Trái đất?

Khi một ngôi sao cạn kiệt nguồn cung cấp hydro, nó có thể chết trong một vụ nổ dữ dội, được gọi là tân tinh. Vụ nổ của một ngôi sao lớn, được gọi là siêu tân tinh, có thể sáng gấp hàng tỷ lần Mặt trời. Một vụ nổ sao kiểu như vậy sẽ ném vào không gian một đám mây bụi và khí khổng lồ có khối lượng và thành phần của vật chất khác nhau tùy thuộc vào loại siêu tân tinh.

Vài ngày sau khi nổ, một siêu tân tinh đạt đến độ sáng cực đại của nó. Trong thời gian này, nó có thể tỏa sáng hơn cả một thiên hà đầy sao. Ngôi sao chết sau đó tiếp tục tỏa sáng mạnh mẽ trong vài tuần trước khi dần mờ đi.

Vật liệu từ ​​siêu tân tinh cuối cùng sẽ được phân tán ra khắp không gian giữa các vì sao. Theo cuốn sách "Cosmic Collisions: The Hubble Atlas of Merging Galaxies”, các ngôi sao cổ nhất hầu như chỉ bao gồm hydro và heli, với oxy và các nguyên tố nặng còn lại trong vũ trụ được tạo ra sau này từ các vụ nổ siêu tân tinh. Thật vậy, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra tàn dư siêu tân tinh chứa dấu vết của các nguyên tố nặng như vàng, bạc và bạch kim trên khắp khu vực vũ trụ gần chúng ta, cũng như các thiên hà cổ xưa từ buổi bình minh của vũ trụ chỉ chứa các nguyên tố nhẹ nhất.

Impey nói: "Đó là một lý thuyết đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Chúng tôi biết rằng các ngôi sao tạo ra các nguyên tố nặng và trong giai đoạn cuối đời, chúng giải phóng bụi khí vào môi trường giữa các vì sao để nó có thể trở thành một phần của các ngôi sao và hành tinh tiếp theo (có cả con người trong đó)”.

Vì vậy, có vẻ như Carl đã đúng, tất cả sự sống trên Trái đất và các nguyên tử trong cơ thể chúng ta được tạo ra trong lò đốt của những ngôi sao đã chết từ lâu, theo Impey.

Theo Livescience

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Có phải thành phần tạo ra con người đến từ các vì sao trong vũ trụ?