Cơm thừa không bảo quản đúng cách, nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơm thừa thường là thủ phạm gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, do chứa các vi khuẩn có hại. Nếu ăn phải cơm thừa bị nhiễm khuẩn, bạn có thể bị nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng… trong vòng 30 phút đến 15 tiếng, thậm chí các triệu chứng có thể kéo dài đến 24 tiếng.

Trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm, cơm thừa thường là thủ phạm chính. Việc ăn cơm thừa nhiễm khuẩn có thể ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hoá, do đó, điều then chốt là bảo quản đúng cách các loại thực phẩm đã được nấu chín, từ đó bảo vệ sức khoẻ.

Theo trang web ẩm thực The Spruce Eats, gạo chưa nấu chín có chứa bào tử Bacillus cereus, một loại vi khuẩn phổ biến, có thể tồn tại sau khi nấu chín. Nếu để gạo nấu chín ở nhiệt độ phòng (từ 4 - 60 độ C), bào tử sẽ biến thành vi khuẩn. Vi khuẩn này sau khi sinh sản sẽ tạo ra độc tố, gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

Ăn cơm bị nhiễm Bacillus cereus có thể gây nôn mửa và tiêu chảy trong vòng 30 phút đến 15 tiếng và các triệu chứng có thể kéo dài trong 24 tiếng.

Để tránh những rủi ro về sức khỏe do cơm thừa gây ra, cách bạn bảo quản cơm thừa là rất quan trọng. Vì vi khuẩn phát triển mạnh ở nhiệt độ phòng nên hãy làm nguội hoàn toàn cơm thừa trước khi cho vào tủ lạnh. Nếu cho cơm vào tủ lạnh khi còn quá nóng, đặc biệt là trong hộp kín, sẽ khiến cơm giữ nhiệt lâu hơn. Ngoài ra, cơm nóng sẽ làm tăng nhiệt độ tổng thể của tủ lạnh, khiến các thực phẩm khác dễ bị hư hỏng.

Carla Contreras, một đầu bếp kiêm nhà phát triển công thức nấu ăn, cho biết cơm chín nên được làm nguội hoàn toàn trong vòng vài giờ (tốt nhất là một giờ). Nếu để quá thời gian này, vi khuẩn sẽ sinh sôi nhanh chóng. Tuy nhiên, cần xử lý cẩn thận khi làm nguội cơm, vì không nên cho cơm vào tủ lạnh khi còn quá nóng, nhưng cũng không nên để nó trên mặt bàn quá lâu.

Contreras cho biết cách đơn giản nhất để làm nguội cơm nhanh chóng là cho vào hộp thủy tinh, mở nắp cho đến khi nguội đến nhiệt độ phòng. Cô nói rằng việc mở nắp rất quan trọng, giúp cơm nguội nhanh hơn.

Tại nhà, Contreras đặt một chiếc quạt nhỏ cạnh bàn bếp. Khi bật quạt, thức ăn nóng sẽ nhanh chóng nguội đi. Cô cũng cho biết một cách khác để làm nguội cơm là trải cơm ra khay có thành. Khi cơm tiếp xúc với không khí trên diện tích lớn hơn, sẽ nguội nhanh hơn so với khi nhồi trong hộp.

Carla Contreras cho biết cơm sau khi làm nguội cần được ăn hết trong vòng một ngày, và chỉ được hâm nóng một lần. Nếu hâm nóng nhiều lần, vi khuẩn sẽ sinh sôi nhiều hơn. Nếu không chắc chắn sẽ ăn hết cơm thừa, hãy hâm nóng một phần mỗi lần, khi cần thì hâm nóng tiếp.

Để kéo dài thời hạn bảo quản cơm thừa, Contreras khuyên nên cho cơm vào tủ lạnh, khi ăn thì lấy ra hâm nóng. Khi hâm nóng, chỉ cần dùng khăn giấy ướt phủ lên cơm rồi cho vào lò vi sóng, hâm nóng 30 giây một lần cho đến khi cơm nóng đều.

Theo Wang He - Aboluowang
Nhật Duy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cơm thừa không bảo quản đúng cách, nguy cơ ngộ độc thực phẩm