Cưới nhầm chồng, sai hay đúng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có thể bạn từng mua nhầm món đồ nào đó, nhưng chuyện hôn nhân đại sự có thể nhầm lẫn được không? Đây là một câu chuyện có thật trong lịch sử. Câu trả lời là “đúng” hay “sai”? Đều không thể qua mắt được ông Trời.

Vào mùa đông năm Khang Hy thứ bốn mươi tám, có hai gia đình ở Sùng Nhân kết hôn trong cùng một ngày. Gia đình họ Giả giàu có còn bên kia nhà họ Tạ là dòng dõi thư hương. Một trong hai cô dâu người họ Vương tên Thúy Phương, xuất thân từ một gia đình giàu có, người kia họ Ngô, xuất thân từ một gia đình nghèo. Ngày lành tháng tốt, hai gia đình đã tổ chức hôn lễ. Chuyện cũng không có gì đáng nói nếu như mọi thứ đúng như sắp xếp của hai gia đình, đôi lứa thành thân là điều thuận Trời đất. Nhưng một chi tiết nhỏ xảy ra đã xoay chuyển toàn bộ sự việc.

Chiều hôm ấy mây mù dày đặc, tuyết bay lất phất, một lát sau tuyết đã phủ trắng các cánh đồng và thung lũng. Hai chiếc xe đưa dâu tình cờ gặp nhau trên cùng một đoạn đường, tuy xe được sơn và trang trí khác nhau nhưng tuyết đã phủ trên nóc xe dày tới một hai phân, nhìn đại khái thì không phân biệt rõ được.

Đoàn xe đi được hai, ba dặm thì trời đã tối. Ở nơi hoang vắng người và ngựa đều mệt mỏi, lạnh cóng, hai gia đình cùng nhau gom củi khô tìm một gian nhà bỏ hoang đốt lửa để sưởi ấm. Tuyết rơi càng nặng hạt, những người ngồi trong nhà càng lo lắng tới thời gian cử hành hôn lễ.

Sau đám cưới

Đêm đó, khi Vương Thúy Phương chuẩn bị đi ngủ, cô nhìn quanh phòng ngủ và phát hiện của hồi môn không phải của mình, đều là đồ rẻ tiền. Cô nghi ngờ gia đình chồng đã thế chấp của hồi môn của cô, rồi đánh tráo những đồ khác vào. Nỗi uất hận trong lòng không sao nguôi được.

Vì vậy, cô đã đánh tiếng hỏi chồng: “Chiếc rương đựng quần áo bằng gỗ đàn hương màu đỏ của tôi ở đâu? Hãy bảo gia nhân mang đến đây để tôi thay quần áo”.

Người chồng cười đáp: “Phu nhân không mang theo chiếc rương đó, tôi biết tìm ở đâu bây giờ?”

Thúy Phương nói: “Tại sao Giả lang lại nói dối thiếp?”

Người chồng lại cười nói: “Tôi là Tạ lang, không phải Giả lang”.

Khi Thúy Phương nghe thấy điều này, cô đã thốt lên: “Kẻ trộm đã lừa tôi rồi!”.

Tân lang cũng bất ngờ và choáng ngợp, cả nhà cùng chạy tới hỏi nguyên do. Cô dâu chỉ tiếp tục khóc.

Tạ phu nhân tức giận nói: “Tạ gia chúng ta vốn xuất thân gia giáo, không có ai là kẻ trộm. Ai cũng không hại con đâu!”

Thúy Phương nói: “Họ của chồng tôi là Giả, giờ lại nói là họ Tạ. Nghĩa là làm sao?”

Tạ phu nhân nói: “Con gái ơi, khi kết hôn có ai đổi họ không? Nếu vậy thì nhà con không còn họ Ngô nữa sao?”

Lúc này, Thúy Phương chợt nhận ra, cô nói: “Tôi hiểu rồi, con dâu của các vị họ Ngô, còn tôi họ Vương. Trên đường đi, tôi đã gặp một cô dâu họ Ngô. Chúng tôi cùng trú tuyết trong một gian nhà, và tôi loáng thoáng nghe có người gọi cô dâu họ Ngô. Tôi không nhớ họ của chồng cô ấy. Có lẽ người đó là con dâu của Tạ gia. Còn tôi là con dâu nhà họ Giả. Khi đó tuyết rơi dày, thời tiết quá lạnh, hai chiếc xe trong lúc vội vã nên chắc đã xảy ra nhầm lẫn. Mau đến nhà họ Giả, chắc chắn các vị sẽ tìm được con dâu của mình”.

Lúc này nhà họ Tạ mới biết mình đã cưới nhầm con dâu.

Nhà họ Giả và họ Tạ cách nhau ba mươi dặm, hôm sau người của nhà họ Tạ mới đến, vợ chồng mới cưới nhà họ Giả đã làm lễ động phòng, gạo đã nấu thành cơm.

Sự thật

Thì ra con gái nhà họ Ngô đã đến nhà họ Giả, cô nhìn tư trang quần áo và của hồi môn liền biết đã bị nhầm với cô dâu khi nãy gặp trên đường, nhưng vì thèm muốn sự giàu có của nhà họ Giả, nên cô đã đẩy thuyền theo dòng, im lặng thuận theo sự việc. Đến khi sự việc sáng tỏ, cô giả vờ bực bội và tức giận. Bát nước đã hất đi không lấy lại được nữa, ngay cả tân lang họ Giả cũng không muốn để người phụ nữ đã thành thân với mình trở thành vợ người khác.

Sau khi họ Tạ trở về báo tin, Thúy Phương đã muốn tự tử. Có người đã khuyên can: “Hôn nhân giữa hai nhà Vương Tạ phải do Trời định mới có chuyện đảo lộn như vậy. Bây giờ nhà họ Giả đã kết thông gia với nhà họ Ngô, thì cô đương nhiên nên làm dâu nhà họ Tạ”.

Thúy Phương kiên quyết không đồng ý nên Tạ gia đã cử người đến thăm cha của Thúy Phương và kể cho ông nghe chuyện xảy ra. Vương công nghe xong hết sức ngạc nhiên, nhưng ông kiên quyết nói: “Đây không phải là ngẫu nhiên”.

Vương công liền sai người mai mối đến nói với nhà họ Tạ, sẵn sàng chuẩn bị cưới hỏi hai gia đình. Thúy Phương theo lệnh cha mẹ cuối cùng đã thành thân với Tạ lang.

Thăng trầm của cuộc sống

Sau đó, gia đình họ Giả giàu có trở nên sa sút, người con dâu năm nào níu kéo “cuộc hôn nhân tốt đẹp” đã chết vì trầm cảm. Hai vợ chồng Tạ gia thì sống đến bạch đầu giai lão, con cháu đầy đàn, con trai đều là người đọc sách. Thúy Phương được gọi là người con dâu hiền dịu. Câu chuyện này, người ta nói rằng khi đó "Tuyết" đã là người mai mối.

Qua câu chuyện này có thể thấy, chuyện trọng đại như hôn nhân cũng có thể xảy ra sai sót, nếu không phải ý Trời thì làm sao giải thích được? Vì vậy, những người lớn tuổi và có kinh nghiệm đều biết, giống như cha của Thúy Phương đã nói: “Đây không phải là ngẫu nhiên”.

Con gái nhà họ Vương tưởng lầm phải gả cho một chàng thư sinh nghèo khó, nhưng sau này lại viên mãn hạnh phúc. Con gái nhà họ Ngô vì tham tiền mà từ bỏ lương tâm, gia đình chồng về sau sa sút, bản thân chết trong trầm cảm. Câu chuyện này đã minh chứng một điều, những chuyện như cưới xin, duyên số…đều do ông Trời định trước, đều có an bài không có ngẫu nhiên.

Vì vậy, trong sách “Tích Thiên Tủy” có chép: “Xưa nay vợ chồng đều là do duyên phận, Hỷ Thần theo ý Trời ban của cải”. Điều này có nghĩa là hôn nhân vợ chồng là có cơ duyên. Chẳng hạn, kiếp trước có người được nhận ân huệ to lớn, nên trong lòng thề rằng kiếp sau nhất định báo đáp. Nó thực sự sẽ thúc đẩy thành duyên phận ở đời sau. Dĩ nhiên, trong đó cũng có những mối quan hệ xấu, ví dụ kiếp trước có người lừa người kia rất nhiều tiền, người bị lừa tiền sẽ trở thành vợ của anh ta ở kiếp sau, để đòi lại số tiền đã bị lừa trong kiếp trước.

Có thể thấy rằng việc tác hợp hôn nhân không chỉ là ngẫu nhiên. Kết hôn là việc cần làm trong cuộc đời mỗi người. “Xích thừng hệ túc” - sợi dây đỏ đã buộc vào hai con người, nhân duyên chính là được định ra từ trước. “Hồng diệp đề thi” - bài thơ viết trên lá đỏ ắt có mối tơ vương.

Có câu nói rằng: "Cưới xin không cầu tiền tài, an táng không cầu phúc phần" - Điều này nói lên rằng, nếu hôn nhân chỉ coi trọng tiền tài thì đạo vợ chồng sẽ mất đi, nếu đám tang chỉ mưu cầu phúc lộc cho mình thì ân nghĩa cha con sẽ bị cắt đứt. Vương Thông ở thời nhà Tùy đã từng nói: “Phong tục kết hôn của các dân tộc thiểu số vùng biên cương họ chỉ đơn giản là nhìn vào của cải. Một người quân tử đoan chính không nên bị ô nhiễm bởi những thói thường ô nhiễm thô tục này”.

Người xưa đã có mấy câu thơ:

“Hôn nhân ký kiến đẩu xa hoa
Vương ốc ngân bình chúng khẩu khoa
Chuyển nhãn thập niên nhân sự biến
Trang liêm mại dữ biệt nhân gia”.

Tạm dịch:

"Hôn nhân nào chỉ thấy xa hoa
Nhà vàng trướng bạc hết lời ca
Chớp mắt mười năm thời thay đổi
Tư trang đành phải bán đi xa"

Đó là miêu tả những gì đã xảy ra với người con gái họ Ngô trong câu chuyện, và cũng để lại cho chúng ta như một lời cảnh báo.

Từ Tịnh
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cưới nhầm chồng, sai hay đúng?