Đài Loan ghi nhận 68 máy bay chiến đấu Trung Quốc, 10 tàu chiến áp sát hòn đảo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đài Loan hôm thứ Năm (14/9) ghi nhận có tổng cộng 68 máy bay chiến đấu và 10 tàu chiến Trung Quốc hiện diện gần lãnh thổ của họ trong vòng 24 giờ.

Lực lượng phòng vệ Đài Loan hôm 14/9 cho biết: "Trong 24 giờ qua, 68 máy bay và 10 tàu hải quân của Quân đội Trung Quốc (PLA) đã được phát hiện xung quanh hòn đảo".

Bộ Quốc phòng Đài Loan nói thêm rằng các lực lượng vũ trang của họ đã "theo dõi tình hình" và "giao nhiệm vụ cho máy bay [tuần tra trên không], tàu Hải quân và các hệ thống tên lửa trên đất liền để đáp trả [các] hoạt động này".

Bộ Quốc phòng Đài Loan sau đó nói thêm rằng 40 máy bay Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan và tiến vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phía Tây Nam hoặc Đông Nam của Đài Loan, một khu vực nằm trong không phận chủ yếu trên Biển Hoa Đông nhưng vượt ra ngoài không phận quốc gia của Đài Loan.

Trong số 40 chiếc trên, có 12 máy bay chiến đấu Thành Đô J-10 và 4 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 tiến vào khu vực phía nam.

Con số này đánh dấu bước nhảy vọt so với hôm thứ Tư (13/9) khi Đài Loan báo cáo 35 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã được phát hiện xung quanh hòn đảo này, trong đó 28 chiếc vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan và bay vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo.

Ngoài ra, một số máy bay đã bay về phía Tây Thái Bình Dương để tiến hành cuộc tập trận chung với tàu sân bay Sơn Đông.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết thêm, một số máy bay của Trung Quốc đã vượt qua Kênh Bashi bay về phía Tây Thái Bình Dương để tiến hành cuộc tập trận chung với tàu sân bay Sơn Đông.

Bất chấp nền dân chủ tự trị lâu đời của Đài Bắc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi Đài Loan là một phần lãnh thổ tương lai của mình. Đài Loan kịch liệt phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trong năm qua, ĐCSTQ đã gia tăng áp lực quân sự và chính trị lên hòn đảo này, đặc biệt là bằng cách điều động tàu chiến và máy bay chiến đấu gần như hàng ngày.

Hôm thứ Hai (11/9), Trung Quốc đã điều động đội hải quân do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu cách Đài Loan khoảng 70 dặm (110 km) về phía đông nam. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tàu này dự kiến ​​sẽ tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng máy bay, tàu ngầm, tàu chiến và tấn công trên bộ.

Theo truyền thông nhà nước, đây là lần thứ hai Trung Quốc triển khai tàu Sơn Đông tới Tây Thái Bình Dương. Hồi tháng 4, tàu sân bay này đã tham gia cuộc tập trận vây quanh Đài Loan, ngay sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến thăm Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở tiểu bang California, Mỹ. Vào ngày cuối cùng của cuộc tập trận, ĐCSTQ đã điều động kỷ lục 91 máy bay và 12 tàu hải quân vây quanh Đài Loan.

ĐCSTQ coi bất kỳ sự tương tác nào giữa chính quyền Đài Loan và quốc tế đều là những thách thức đối với tuyên bố quyền lực của họ đối với hòn đảo và tuyên bố rằng các cuộc tập trận quân sự của họ gần Đài Loan là để đáp lại nghi ngờ có sự thông đồng giữa Hoa Kỳ và các lực lượng đòi độc lập của Đài Loan.

Bên cạnh những cuộc xâm nhập gần đây, hồi tháng 8/2022, ĐCSTQ cũng tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan để đáp trả chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lúc bấy giờ.

Chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đến hòn đảo tự trị vào thời điểm đó đã khiến Trung Quốc tức giận. Ngay lập tức, nước này đã đáp trả bằng các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo quanh hòn đảo, cũng như đình chỉ các cuộc đối thoại với Mỹ về một loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu cho tới quốc phòng.

Trung Quốc nói rằng, mối quan hệ của họ với Đài Loan là vấn đề nội bộ và Bắc Kinh có quyền đưa hòn đảo này vào tầm kiểm soát của mình bằng vũ lực nếu cần thiết. Đài Loan bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc, nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của chính họ.

Trung Quốc cũng đã cảnh báo Hoa Kỳ không nên "hành động hấp tấp" và tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Tàu chiến Mỹ, Canada đi qua Eo biển Đài Loan

Việc triển khai máy bay quân sự và tàu hải quân của Trung Quốc gần Đài Loan diễn ra sau khi một tàu chiến của Hoa Kỳ và một tàu chiến của Canada đi qua Eo biển Đài Loan vào ngày 9/9 nhằm thách thức rõ ràng các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.

Theo Hải quân Hoa Kỳ, hoạt động quá cảnh thường lệ này “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Đây là hoạt động chung giữa Mỹ và Canada lần thứ hai kể từ tháng 6, khi lãnh đạo của cả hai nước tham dự tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ.

Theo Hải quân Mỹ trong tuần này Hải quân Mỹ và Canada cũng tiến hành một loạt cuộc tập trận ở Biển Đông.

Đài Loan công bố báo cáo quốc phòng

Hôm thứ Ba (12/9), Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một báo cáo (pdf) rằng Trung Quốc đang liên tục củng cố các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển đối diện với Đài Loan và đã hoàn tất việc xây dựng sân bay ở đó để có được “sức mạnh không quân vượt trội” chống lại hòn đảo này.

Thiếu tướng Huang Wen-chi, Trợ lý Phó tổng tham mưu trưởng phụ trách tình báo quân đội Đài Loan, cho biết trong cuộc họp báo công bố báo cáo hai năm một lần: “Năm nay, ĐCSTQ đã mạnh tay mở rộng kho vũ khí và tiếp tục chế tạo nhiều loại máy bay chiến đấu và máy bay không người lái”.

Ông nói thêm: “Thông tin chúng tôi nhận được là tất cả các căn cứ quân sự quan trọng dọc bờ biển… đang được cập nhật liên tục”.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Đài Loan ghi nhận 68 máy bay chiến đấu Trung Quốc, 10 tàu chiến áp sát hòn đảo