Bằng kinh nghiệm thực tế, Đài Loan đề nghị hỗ trợ Canada chống lại can thiệp từ Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đài Loan muốn chia sẻ với Canada kinh nghiệm của chính nước này trong việc chống lại sự can thiệp không ngừng nghỉ từ Trung Quốc.

Theo The Bureau, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Jaushieh Wu) đã đưa ra lời đề nghị trên trong cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao nước này tổ chức vào ngày 6/9.

Dựa trên kinh nghiệm của Đài Loan, ông Ngô đã nhấn mạnh vào vấn đề rằng Bắc Kinh luôn không ngừng tìm cách gây ảnh hưởng, đặc biệt là thông qua Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) - cơ quan được biết đến với vai trò tiến hành các hoạt động can thiệp nước ngoài. Ông lưu ý rằng UFWD đã tận dụng một cách chiến lược các nguồn lực - bao gồm con người, các kênh nhập cư và cộng đồng người Hoa hải ngoại, không chỉ ở Canada mà còn ở các quốc gia khác - để đạt được mục tiêu của họ.

Ông cho hay Trung Quốc từ lâu đã muốn thâm nhập xã hội Đài Loan thông qua các chiến dịch thông tin sai lệch và chiến tranh nhận thức. Họ thường sử dụng các phương tiện truyền thông có thiện cảm với Bắc Kinh.

“Chúng tôi đã nói với những người bạn Canada rằng, nếu họ cho rằng chiến dịch thông tin này [UFWD của Trung Quốc], hoặc những điều tương tự như vậy, đang trở nên quá nghiêm trọng ở Canada, thì chúng tôi muốn làm việc với các quan chức chính phủ Canada để có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người bạn Canada, và không chỉ giới hạn ở Canada", Ngoại trưởng Ngô nói.

Các nhà phân tích về Trung Quốc đã nhiều lần vạch trần việc Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát và sử dụng nhiều phương tiện truyền thông để quảng bá hình ảnh cũng như đẩy mạnh các mục tiêu toàn cầu của họ.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, ông Victor Ho - cựu tổng biên tập của tờ Sing Tao Daily, người đã bị Bắc Kinh nhắm đến do dám thẳng thắn chỉ trích chế độ - đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang làm điều đó ở Canada.

Ông Victor Ho cho biết Bắc Kinh đang sử dụng 3 loại phương tiện truyền thông để mở rộng ảnh hưởng của họ ra nước ngoài, đồng thời để kiểm soát cộng đồng người Hoa hải ngoại. Chúng bao gồm (i) các chi nhánh ở nước ngoài của các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, (ii) các cơ quan truyền thông có nguồn gốc ở Hong Kong vốn chịu tác động từ Bắc Kinh, và (iii) các phương tiện truyền thông ở nước ngoài được thành lập bởi các nhóm Trung Quốc có lợi ích sát sườn với Bắc Kinh.

Một ví dụ gần đây về chiến dịch thông tin của Trung Quốc là việc họ nhắm mục tiêu vào Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te). Nhân chuyến quá cảnh Hoa Kỳ chóng vánh của ông Lại vào tháng 8, Trung tâm Cộng đồng Người Hoa Thống nhất Montréal (MCCUC) đã góp sức vào nỗ lực lăng mạ ông Lại.

Ngoại trưởng Đài Loan cho hay bằng cách tác động đến báo mạng và báo in, Bắc Kinh đã làm méo mó quan điểm của nhiều thành viên trong cộng đồng người Hoa hải ngoại. Trích dẫn các trường hợp ở New Zealand và Malaysia, ông Ngô tiết lộ rằng một phần đáng kể cộng đồng người hải ngoại hiện tin rằng cuộc xung đột ở Ukraine là do Hoa Kỳ khởi xướng.

Lời đề nghị dành cho Canada của ông Ngô được đưa ra sau khi phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc bắt đầu diễn ra, trong đó Đài Loan không được tham dự. Các quan chức và người đại diện của Đài Loan liên tục phải đối mặt với việc bị loại khỏi các tổ chức và các cuộc đối thoại quốc tế, phần lớn là do áp lực từ Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn luôn khẳng định chủ quyền lãnh thổ đối với hòn đảo dân chủ, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ cai trị Đài Loan.

Các chiến thuật

Ông Jyh-horng Jan - Phó Chủ nhiệm Hội đồng các vấn đề về đại lục của Đài Loan (cơ quan hành chính được giao nhiệm vụ quản lý các mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Ma Cao) - đánh giá rằng các chiến thuật can thiệp nước ngoài của Trung Quốc liên tục biến hóa, liên tục được nâng cấp.

Phát biểu trước các nhà báo ở Đài Loan vào ngày 5/9, ông Jan cho hay Bắc Kinh đã và đang triển khai các hoạt động can thiệp nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan vào ngày 13/1/2024, theo The Bureau. Ông cho biết các chiến thuật của Bắc Kinh gồm cả việc thuê các “cộng tác viên”, chẳng hạn như các trùm cờ bạc bất hợp pháp và các doanh nhân Đài Loan, từ đó tác động đến cuộc bầu cử tại Đài Loan.

Bắc Kinh cũng được cho là đã thực hiện các chiến thuật tương tự đối với chính trường Canada. Trong cuộc bầu cử năm 2019 ở Canada, Bắc Kinh bị cáo buộc đã cố gắng can thiệp bằng cách bí mật tài trợ cho ít nhất 11 ứng cử viên khu vực Toronto thông qua một mạng lưới các nhóm cộng đồng. Hoạt động này được Global News đưa tin vào tháng 12/2022, viện dẫn một tài liệu an ninh quốc gia năm 2020 từ Văn phòng Hội đồng Cơ mật của Canada.

Vào tháng 2 năm nay, The Globe and Mail cũng đưa tin về các chiến lược của Bắc Kinh nhằm can thiệp cuộc bầu cử liên bang năm 2021 của Canada. Trích dẫn các tài liệu bị rò rỉ từ Cơ quan Tình báo An ninh Canada, The Globe and Mail chỉ ra rằng, Bắc Kinh đã gây áp lực lên các lãnh sự quán của họ, từ đó tác động đến một số thành viên cộng đồng người Hoa hải ngoại - những người có động cơ chính trị. Các chiến thuật khác bao gồm bí mật quyên góp tiền mặt cho các chiến dịch chính trị; hay yêu cầu các chủ doanh nghiệp thuê du học sinh Trung Quốc, sau đó để những du học sinh này làm tình nguyện viên toàn thời gian trong các chiến dịch bầu cử.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bằng kinh nghiệm thực tế, Đài Loan đề nghị hỗ trợ Canada chống lại can thiệp từ Bắc Kinh