Cựu Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ từng gặp các quan chức nội các Canada vào năm 2018

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong chuyến thăm Canada năm 2018, cựu Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cơ quan phụ trách liên hệ với các đảng chính trị nước ngoài, đã gặp gỡ nhiều bộ trưởng nội các liên bang và cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Canada. Cơ quan này của ĐCSTQ vừa được cơ quan tình báo liên bang Đức chỉ định là “cơ quan gián điệp”.

Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương của ĐCSTQ, còn được gọi là Ban Liên lạc Quốc tế (ILD), hoạt động "trên thực tế như một cơ quan tình báo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và do đó là một bộ phận của bộ máy tình báo Trung Quốc", theo một "Thông báo An toàn về Chính trị và Hành chính" bằng tiếng Đức.

“Do đó, cần phải đặc biệt cẩn trọng”, thông báo được Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp Đức, hay BfV, đưa ra vào ngày 28/7, cho biết. Cơ quan này có nhiệm vụ tìm cách ngăn chặn các hành động cực đoan và gián điệp của các quốc gia khác trên lãnh thổ nước Đức.

ILD được thành lập năm 1951 để điều phối các mối liên hệ giữa ĐCSTQ và các đảng cộng sản quốc tế, chủ yếu với Liên Xô và các đảng cộng sản thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Cơ quan này hoạt động cùng với Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và thường được gọi là cơ quan đối ngoại chuyên trách của ĐCSTQ.

Theo một bài báo tháng 10/2019 được xuất bản bởi Theory China, viện nghiên cứu trung ương của ĐCSTQ về lịch sử và văn học Đảng, cơ quan này sau đó đã mở rộng sứ mệnh của mình ngoài việc củng cố mối quan hệ với các đảng cộng sản khác trên toàn thế giới.

Bài báo lập luận rằng ILD đang nỗ lực phát triển mối quan hệ liên đảng với “tất cả các đảng chính trị trên thế giới sẵn sàng liên kết với ĐCSTQ”, đồng thời nói rằng ĐCSTQ đã thiết lập và duy trì mối quan hệ với hơn 500 đảng phái chính trị và tổ chức tại hơn 160 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới.

Bài báo cũng dẫn lời ông Tống Đào (Song Tao), người đứng đầu ILD từ năm 2015 đến 2022, nhấn mạnh trong một bài báo năm 2017 rằng các nỗ lực đối ngoại của ĐCSTQ thể hiện “một mặt trận quan trọng” đối với Đảng và cũng là một thành phần quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Trung Quốc.

Chuyến thăm Canada

Trong chuyến thăm Toronto hồi tháng 1/2018, ông Tống Đào đã gặp một số bộ trưởng Canada, trong đó có ông François-Philippe Champagne, Bộ trưởng Thương mại quốc tế vào thời điểm đó.

Theo thông cáo báo chí của Đại sứ quán Trung Quốc, tại cuộc gặp, ông Tống Đào đã phát biểu về những “đóng góp lịch sử” của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ. Đại hội này được tổ chức 5 năm một lần và quy tụ các quan chức cấp cao của ĐCSTQ.

Theo thông cáo báo chí, ông Champagne đã bày tỏ sự lạc quan về hợp tác kinh tế và thương mại song phương, đồng thời nhắc lại cam kết của Canada đối với mối quan hệ với Trung Quốc.

Thông cáo báo chí riêng từ Đại sứ quán Trung Quốc cho biết ông Tống Đào đã gặp ông Daniel Jean, khi đó là Cố vấn Tình báo và An ninh Quốc gia của Thủ tướng Justin Trudeau; bà Bardish Chagger, lúc đó là lãnh đạo chính phủ tại Hạ viện và là Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhỏ và Du lịch Canada; và ông Matt DeCourcey, lúc đó là Thư ký Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada.

Theo thông cáo báo chí, ông Tống đã tặng ông Champagne, bà Chagger và ông DeCourcey một bản sao của cuốn sách “Xi Jinping: The Governance of China” (tạm dịch: Tập Cận Bình về quản lý đất nước Trung Quốc). Cuốn sách này tập hợp hàng chục bài phát biểu và chỉ thị của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi nhậm chức vào tháng 11/2012.

The Epoch Times đã yêu cầu bình luận từ ông Champagne, hiện là Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học và Công nghiệp Liên bang; Bà Chagger, Nghị sĩ Đảng Tự do, hiện không giữ chức vụ nào; và ông Jean, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Ottawa. Tại thời điểm bài viết này được xuất bản, vẫn chưa có ai phản hồi. The Epoch Times cũng đã liên hệ với ông DeCourcey nhưng chưa nhận được phản hồi.

Canada từ chối cấp thị thực cho nhà ngoại giao Trung Quốc

Việc cơ quan tình báo Đức chỉ định ILD là cơ quan gián điệp vào tháng 7 diễn ra trong bối cảnh Canada ngày càng lo ngại về các hành động gây ảnh hưởng nước ngoài của chế phủ Trung Quốc trên lãnh thổ Canada trong năm qua.

Trong một diễn biến liên quan trực tiếp đến ILD, tờ The Globe and Mail hôm 8/3 đưa tin rằng Bộ Ngoại giao Canada (GAC) đã từ chối cấp thị thực cho một nhà ngoại giao Trung Quốc vào mùa thu năm 2022, với lý do thị thực này là dành cho một vị trí mới tại Đại sứ quán Trung Quốc có liên hệ với ILD.

Trong lời khai trước Ủy ban Thường trực về Thủ tục và Nội vụ (PROC) hôm 9/3, Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly xác nhận rằng GAC đã từ chối cấp thị thực ngoại giao cho một thành viên của chính phủ Trung Quốc vào mùa thu năm ngoái.

Bà Joly nói: “Khi Trung Quốc muốn cử một đặc vụ chính trị vào mùa thu năm ngoái, chúng tôi đã quyết định từ chối cấp thị thực, đó rõ ràng là điều đúng đắn”.

Tờ The Globe and Mail trích dẫn một nguồn tin chính phủ liên bang nói rằng GAC kết luận rằng vị trí mới này "rõ ràng không phải là một vị trí ngoại giao", mà có nhiều khả năng vị trí này được tạo ra để xử lý các hoạt động can thiệp và chính trị bí mật.

Trong những tháng dẫn đến việc từ chối cấp thị thực nêu trên, các phương tiện truyền thông trích dẫn nhiều nguồn tin an ninh quốc gia cáo buộc Bắc Kinh tham gia vào nhiều hành động gây ảnh hưởng của nước ngoài ở Canada và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Các hoạt động này bao gồm hoạt động của các đồn cảnh sát bất hợp pháp của Trung Quốc ở hải ngoại, bao gồm ít nhất 7 đồn ở Canada, đặt tại các thành phố như Ontario và Quebec, bao gồm Toronto, Montreal và Vancouver.

Trung Quốc cũng bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang Canada năm 2019 và 2022, cũng như phóng khinh khí cầu do thám và phao gián điệp trên lãnh thổ Canada và vùng biển Bắc Cực.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cựu Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ từng gặp các quan chức nội các Canada vào năm 2018