Trái ngược với Mỹ, Canada vẫn rất thân thiện với Trung Quốc về kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mối liên kết kinh tế của Canada với Trung Quốc không hề suy giảm, cho dù đồng minh thân cận nhất của họ là Mỹ đang tích cực làm như vậy.

Sự tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc đã tích lũy được động lực trong thời kỳ đại dịch khi công chúng chú ý tới tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng.

Cho dù nó được gọi là tách rời hay tìm nguồn cung ứng ở các nước lân cận hay thân thiện, chuyên gia thương mại quốc tế Eric Miller nói rằng tất cả chủ yếu nhằm giảm thiểu rủi ro - de-risking - trong thương mại với Trung Quốc và điều chỉnh để thích ứng với các tác động của quá trình này.

“Điểm mấu chốt là có một quá trình tách rời chậm chạp mà không phải do các chính phủ thúc đẩy. Nhưng chính sách của chính phủ có xu hướng nặng về những lời hùng biện và nhẹ về mặt thực tiễn”, ông Miller, chủ tịch của Rideau Potomac Strategy Group, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 01/08.

Một số nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích ủng hộ mạnh mẽ việc cắt giảm hoặc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, trong khi những người khác nói rằng điều đó về cơ bản là không thể và sẽ rất có hại về mặt kinh tế. Trong thời kỳ lạm phát tăng cao, các chính phủ nhận ra rằng việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng sẽ làm trầm trọng thêm áp lực chi phí.

Ông Adam Slater, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics (OE), viết trong một bài phân tích ngày 24/07 rằng bằng chứng cho thấy việc tách rời Trung Quốc của phương Tây đang diễn ra nhanh chóng.

Ông Slater cho biết: “Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các cuộc khảo sát đối với các công ty phương Tây có trụ sở tại Trung Quốc cho thấy sự tách rời có thể ngày càng rõ ràng trong những năm tới”.

“Ngoài Mỹ, bằng chứng về sự tách rời thương mại là khó tìm thấy hơn”.

Một biểu đồ OE về tỷ lệ nhập khẩu (theo % tổng lượng nhập khẩu) từ Trung Quốc của các nền kinh tế tiên tiến cho thấy sự sụt giảm đáng kể từ năm 2016 đến năm 2022 của Mỹ và Nhật Bản, trong khi Canada, trong số những nước khác (như Anh, Đức, Pháp), giữ nguyên hoặc tăng lên.

Khác biệt giữa Canada và Mỹ

Trái ngược với Mỹ, Canada vẫn rất thân thiện với Trung Quốc về mặt kinh tế
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (phải) gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland tại Bộ Tài chính ở Washington, D.C., Mỹ, vào ngày 10/01/2023. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Những lý do ủng hộ cho việc tách rời khỏi Trung Quốc là rất thuyết phục, đặc biệt là đối với Canada trước những cáo buộc về sự can thiệp của nước ngoài như trong các cuộc bầu cử cùng với những bức xúc như lệnh cấm thương mại ba năm của Bắc Kinh đối với cải dầu của Canada.

Canada đã cắt đứt quan hệ với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á do Bắc Kinh dẫn dắt và đã ra lệnh cho Trung Quốc thoái vốn khỏi một số khoản đầu tư khoáng sản quan trọng. Nhưng ở một số khía cạnh, quan hệ kinh tế của Canada với Trung Quốc vững mạnh hơn nhiều so với các nền dân chủ phương Tây khác.

“Canada có thể làm nhiều hơn nếu họ muốn. Ví dụ, họ có thể xem xét làm thế nào để có được nhiều hàng tiêu dùng hơn chẳng hạn từ Đông Nam Á với Việt Nam, nơi họ có hiệp định thương mại tự do”, ông Miller nói.

Ông nói thêm rằng quan điểm của Canada về việc tách rời là hợp tác với các đồng minh trong các sáng kiến chọn lọc.

“Canada, với tư cách là một quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo tỷ lệ so sánh với GDP [tổng sản phẩm quốc nội]... Và do đó, bạn gặp phải tình huống Canada chưa phát triển một chiến lược để thực sự sản xuất nhiều thứ từ quê nhà hơn", ông Miller nói.

Ông đưa ra ví dụ rằng Canada đã không chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Trung Quốc do thiếu nguồn thay thế và Mỹ không thực sự gặp phải vấn đề này.

Mối quan hệ với Trung Quốc

Vào năm 2022, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ.

Từ năm 2016 đến 2018, Canada đã nhập khẩu nhiều hơn 40 tỷ CAD (đô la Canada) so với xuất khẩu sang Trung Quốc. Con số này đã tăng lên hơn 50 tỷ CAD từ năm 2019 đến năm 2021 và vào năm 2022, thâm hụt thương mại lên tới 70 tỷ CAD.

Vào năm 2022, Trung Quốc cũng đầu tư trực tiếp vào Canada nhiều hơn so với chiều ngược lại từ Canada sang Trung Quốc.

Ông Miller nói rằng việc tách rời sẽ trở thành một hiện tượng tự nhiên khi các công ty ngày càng lo ngại về các chính sách kinh tế tập trung của Bắc Kinh và khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, trong lúc bất kỳ hoạt động thương mại nào liên quan đến công nghệ tiên tiến đều bị hạn chế.

Các nhà đầu tư Canada, mặc dù có ít khoản đầu tư quốc tế hơn so với nhiều quốc gia giàu có khác, nhưng nhìn chung sở hữu nhiều tài sản ở Trung Quốc hơn so với các nhà đầu tư ở các quốc gia khác, theo một phân tích ngày 23/07 của The Globe and Mail về các quỹ hưu trí lớn của Canada, những tổ chức đang xoay trục khỏi Trung Quốc.

Tỷ trọng trái phiếu và cổ phiếu của Trung Quốc trong tài sản nước ngoài của Canada tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, vượt xa các nước G7 khác như Nhật Bản, Pháp hoặc Đức, tờ Globe đưa tin.

'Món hời dành cho kẻ ngốc'

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, cựu đại sứ thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nói về việc đánh bại Trung Quốc trong trò chơi của chính họ thông qua việc tách rời chiến lược, điều mà Trung Quốc đã và đang làm với Mỹ.

Ông nói: “Chúng ta đang mua những chiếc áo phông này và những chiếc tivi thứ ba và thứ tư rẻ hơn, nhưng chúng ta đang trả tiền cho nó bằng cách chuyển tài sản của đất nước chúng ta ra nước ngoài". Ông Lighthizer gọi đó là “món hời dành cho kẻ ngốc”.

Trái ngược với Mỹ, Canada vẫn rất thân thiện với Trung Quốc về mặt kinh tế
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tham gia thảo luận tại Hội nghị Doanh nghiệp Trung Quốc lần thứ 9 tại Phòng Thương mại Mỹ ở Washington, Mỹ, vào ngày 01/05/2018. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Nhưng việc tách khỏi Trung Quốc không phải là ưu tiên được nhất trí giữa G7 và không rõ liệu điều đó có thể được thực hiện hay không và nó có thể đi được bao xa.

Pháp phản đối ý tưởng tách rời, theo Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, người đã nói với các phóng viên vào ngày 30/07 rằng đó là một “ảo tưởng”. Ông Le Maire đưa ra ý kiến khi phát biểu tại Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh trong một chuyến thăm chính thức.

Ông Le Maire tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro. Pháp muốn độc lập hơn và không muốn tạo ra bất kỳ rủi ro nào đối với chuỗi cung ứng của mình, theo Reuters.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Washington không tìm cách tách rời khỏi Trung Quốc, bất chấp lời khuyên của một số đảng viên đảng Cộng hòa và các chuyên gia, vì làm như vậy sẽ là “thảm họa cho cả hai nước và gây bất ổn cho thế giới”.

Ông Miller nói: “Janet Yellen bác bỏ ý tưởng tách rời vì bà ấy đang ở Trung Quốc và nhiệm vụ của bà ấy là cố gắng tỏ ra lịch thiệp và tìm ra một con đường chung phía trước".

Cảnh báo

Ông Miller cho biết việc kinh doanh ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn vì chi phí không còn thấp như trước đây và một số giám đốc điều hành doanh nghiệp không muốn tới Trung Quốc.

“Kỷ nguyên tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt ở Trung Quốc đang dần kết thúc và các công ty không cảm thấy an toàn khi kinh doanh ở Trung Quốc”.

Ông Slater chỉ ra rằng, Trung Quốc dường như cũng đang làm gia tăng thêm động lực tách rời bằng cách địa phương hóa chuỗi cung ứng, “mặc dù khi xét đến tầm quan trọng của thị trường và công nghệ phương Tây, vẫn có giới hạn về mức độ mà phương pháp này có thể được thúc đẩy mà không phát sinh chi phí đáng kể”.

Ông Miller đưa ra lời cảnh báo cho cả Canada và Mỹ về việc giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng của họ nếu xung đột về Đài Loan diễn ra giống như cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

“Có năng lực nào ở Bắc Mỹ, ở Canada, ở Mỹ, để có thể tồn tại bền vững qua các thời kỳ bất ổn nghiêm trọng không? Tôi sợ rằng trong nhiều lĩnh vực, câu trả lời là đương nhiên là không”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trái ngược với Mỹ, Canada vẫn rất thân thiện với Trung Quốc về kinh tế