Dân biểu Mỹ: Mọi công ty nước ngoài ở Trung Quốc đều phải coi Bắc Kinh là 'đối tác kinh doanh'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc đều phải chấp nhận một đối tác kinh doanh đôi khi im lặng, đôi khi ồn ào: Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là đối tác kinh doanh của mọi công ty nước ngoài kinh doanh tại Trung Quốc, một ủy ban của quốc hội đã cảnh báo hôm thứ 5 (13/07), khi các nhà lập pháp và chuyên gia đã nỗ lực hết sức để giải thích sự khác biệt to lớn của môi trường doanh nghiệp ở Trung Quốc.

“Không có thứ gọi là 'công ty tư nhân' ở Trung Quốc”, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng hòa - Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Tuyển chọn về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cho biết trong tuyên bố khai mạc phiên điều trần tập trung vào về những rủi ro đối với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.

Ông Gallagher nói rằng các luật khác nhau của Trung Quốc, bao gồm luật chống gián điệp và luật bảo mật dữ liệu được cập nhật gần đây của ĐCSTQ, đã “hệ thống hóa” một thứ đã luôn tồn tại. Đó là việc “Bắc Kinh có quyền đọc bất kỳ dữ liệu nào, thu giữ bất kỳ tài sản nào, và lấy cắp bất kỳ IP [tài sản trí tuệ[ nào mà nó muốn”.

Nhà lập pháp Wisconsin cũng đề cập đến thông lệ lâu đời của Bắc Kinh trong việc đưa các chi bộ đảng vào các công ty, tổ chức, trường học và các thực thể khác, cho phép các quan chức ĐCSTQ theo dõi các hoạt động kinh doanh và truy cập thông tin bí mật.

Chính sách hợp nhất quân sự - dân sự của Trung Quốc có nghĩa là bất kỳ công ty tư nhân nào cũng có thể trở thành một cánh tay của PLA hoặc bộ máy tình báo của ĐCSTQ, ông Gallagher nói thêm, đề cập đến tên chính thức của quân đội Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Chính sách của ĐCSTQ, liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, yêu cầu khu vực tư nhân hỗ trợ PLA nhằm đạt được tiến bộ công nghệ.

Nói cách khác, ông Gallagher nói rằng “mọi doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc đều phải chấp nhận một đối tác kinh doanh đôi khi im lặng, đôi khi ồn ào: Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh bắt đầu gây áp lực lên các công ty kiểm toán, tư vấn và thẩm định nước ngoài, bao gồm cả các cuộc đột kích vào ba công ty Mỹ: Bain & Co., Capvision và Mintz Group. Theo ông Gallagher, các cuộc đột kích cho thấy rõ ràng rằng ĐCSTQ “coi … thông tin kinh doanh chính xác trong tay các công ty nước ngoài hoạt động tại CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] là mối đe dọa đối với sự cai trị liên tục của nó”.

Ông Gallagher nói: “Đã đến lúc các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ cởi bỏ chiếc khăn bịt mắt bằng vàng và nhìn thẳng vào mối nguy hiểm ngày càng gia tăng khi kinh doanh ở Trung Quốc".

Dân biểu Mỹ: Mọi công ty nước ngoài ở Trung Quốc đều phải coi Bắc Kinh là 'đối tác kinh doanh'
Chủ tịch Ủy ban Tuyển chọn về Đảng Cộng sản Trung Quốc, Dân biểu Michael Gallagher (Cộng hòa - Wisconsin), phát biểu trong một hội nghị bàn tròn liên tôn giáo về mối đe dọa của ĐCSTQ đối với tự do tôn giáo ở Washington, vào ngày 12/07/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Môi trường nguy hiểm

Bà Piper Lounsbury, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Strategy Risks, một công ty giúp các công ty khác quản lý rủi ro ở Trung Quốc, đã làm chứng trong phiên điều trần rằng ĐCSTQ đã tạo ra một môi trường “nguy hiểm” cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc.

Bà Lounsbury nói: “Các mục tiêu của đảng được cấu trúc để thúc đẩy các mục tiêu đã nêu của Bắc Kinh nhằm cuối cùng thay thế các công ty và doanh nghiệp Mỹ trong khi lợi dụng, hoặc khuất phục chúng trong tương lai gần”, bà Lounsbury nói.

Theo bà Lounsbury, để đạt được những mục tiêu đó, Bắc Kinh đã dựa vào “hành vi trộm cắp, ép buộc và quyền tiếp cận qua hoạt động sáp nhập đối với các công nghệ, tài sản trí tuệ và dữ liệu của Mỹ”.

Từ kinh nghiệm trong quá khứ của mình, bà cho biết thị trưởng của một siêu thành phố nổi tiếng của Trung Quốc đã từng đe dọa trực tiếp một CEO người Mỹ trong danh sách Fortune 100. Vị thị trưởng yêu cầu giám đốc điều hành chuyển giao tài sản trí tuệ công nghệ cao mới nhất của công ty cho đối tác Trung Quốc, nếu không công ty Mỹ sẽ mất quyền tiếp cận thị trường đối với các hoạt động kinh doanh khác ở Trung Quốc.

Trong một trường hợp khác ở Trung Quốc liên quan đến liên doanh giữa một công ty Mỹ và một công ty Trung Quốc, bà Lounsbury cho biết công ty Trung Quốc “đã trắng trợn đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ” từ đối tác Mỹ và thành lập một nhà máy đối thủ cạnh tranh do nhà nước tài trợ tại địa phương, theo bà Lounsbury. Công ty Trung Quốc cũng đã lấy đi mạng lưới tiếp thị và phân phối của đối tác Mỹ và khiến công ty Mỹ gần như không thể tồn tại trong liên doanh.

Dân biểu Mỹ: Mọi công ty nước ngoài ở Trung Quốc đều phải coi Bắc Kinh là 'đối tác kinh doanh'
Người dân ghé thăm gian hàng Tesla tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 05/11/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Vào năm 2017, Ủy ban Chống Trộm cắp Sở hữu Trí tuệ Mỹ ước tính rằng nền kinh tế Mỹ phải chịu tổn thất hàng năm từ 225 đến 600 tỷ USD do hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ.

Trong lời khai của mình, bà Lounsbury cũng bày tỏ lo ngại rằng dữ liệu cá nhân ở Mỹ có thể rơi vào tay ĐCSTQ.

“Các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ nhận dạng mà chúng ta đang sử dụng ở đất nước này, có chuỗi cung ứng hoặc linh kiện sản xuất hoặc đối tác có liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc”, bà nói. “Tôi thực sự khuyên chúng ta nên xem xét cách chúng ta xử lý hoạt động thẩm định để đảm bảo rằng thông tin cá nhân và sinh trắc học của chúng ta được bảo mật an toàn”.

Trong lời khai bằng văn bản của mình, bà giải thích thêm rằng các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ nhận dạng này có quá khứ cung cấp thiết bị cho Bộ Công an Trung Quốc (MPS).

Vào tháng 4, FBI đã bắt giữ hai cá nhân bị cáo buộc điều hành một đồn cảnh sát bí mật ở thành phố New York. Hai bị cáo bị cáo buộc phối hợp với MPS trong khi thực hiện các kế hoạch đàn áp xuyên quốc gia của họ trên đất Mỹ.

Cân nhắc việc đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc

Rủi ro liên quan đến việc các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu Trung Quốc cũng được xem xét kỹ lưỡng trong phiên điều trần tại Hạ viện.

“Nhiều người Mỹ tin rằng họ ‘sở hữu’ cổ phiếu Trung Quốc trong kế hoạch nghỉ hưu và lương hưu của họ. Nhưng họ không 'sở hữu' bất cứ thứ gì", ông Gallagher cảnh báo. “Thay vào đó, những gì họ thường nắm giữ là quyền sở hữu đối với VIE hay còn gọi là các thực thể có lợi ích thay đổi, thứ không mang lại quyền kiểm soát truyền thống nào đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp hoặc quyền sở hữu đối với tài sản dưới dạng quyền sở hữu vốn cổ phần thực sự".

“VIE, ở mức tối đa, chỉ là các màn cá cược phụ tại một sòng bạc do ĐCSTQ điều hành”.

Theo cấu trúc VIE, các công ty Trung Quốc thành lập các thực thể nước ngoài để niêm yết ở nước ngoài, lách qua các quy tắc hạn chế đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Nói cách khác, các nhà đầu tư sở hữu cổ phần trong các công ty vỏ bọc và phải đối mặt với rủi ro như thiếu công cụ khắc phục pháp lý.

Theo một báo cáo từ Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc, 252 công ty Trung Quốc đã được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York, NASDAQ và NYSE American tính đến ngày 09/01. Trong số đó, 161 công ty Trung Quốc đã sử dụng cấu trúc VIE, bao gồm Tập đoàn Alibaba, Pinduoduo Inc., và JD.com.

Dân biểu Mỹ: Mọi công ty nước ngoài ở Trung Quốc đều phải coi Bắc Kinh là 'đối tác kinh doanh'
Một người phụ nữ đi ngang qua biển hiệu Alibaba bên ngoài văn phòng công ty ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 13/04/2021. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Dân biểu Andy Barr (Cộng hòa - Kentucky), một thành viên của Ủy ban Tuyển chọn, đã hỏi trong phiên điều trần làm thế nào Quốc hội có thể truyền đạt tốt hơn những rủi ro đối với người Mỹ khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc sử dụng cấu trúc VIE.

Ông Shehzad Qazi, CEO và giám đốc của China Beige Book International, phản hồi câu hỏi ông Barr: “Hãy bắt đầu với nhãn cảnh báo, theo cách bạn dán chúng trên bao thuốc lá".

“Chúng ta cần cảnh báo các nhà đầu tư, đặc biệt là người dân thường của Mỹ … về rủi ro theo một cách rất đơn giản, bằng cách đảm bảo rằng họ hiểu đầy đủ”, ông Qazi nói.

Vào tháng 3, Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng hòa - Florida) và Chris Van Hollen (Dân chủ - Maryland) đã đề xuất một dự luật yêu cầu gắn các chú thích đặc biệt với ký hiệu mã giao dịch của các công ty niêm yết qua VIE.

Ông Barr đề nghị Mỹ cấm đầu tư vào VIE của Trung Quốc.

Ông Barr nói: “Tôi nghĩ ủy ban này nên xem xét đề xuất cấm VIE đối với các công ty CHND Trung Hoa". “Đây là một cách rất khác thường khi mà các nhà đầu tư nắm giữ cổ phần trong một công ty mà họ không có bất kỳ quyền pháp lý đáng kể nào”.

Thao túng số liệu thống kê

Ông Qazi cũng nói với các nhà lập pháp của Ủy ban Tuyển chọn rằng không nên tin cậy vào dữ liệu kinh tế của nhà nước Trung Quốc.

“Ví dụ, vào năm 2020, Trung Quốc tuyên bố về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau khi trải qua đợt suy thoái lịch sử hồi đầu năm”, ông Qazi nói. “Các cơ quan thống kê của Trung Quốc đã tạo ra ảo tưởng về sức mạnh này bằng cách chỉ đơn giản là cắt giảm con số cơ sở năm 2019 - gần 7 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ), tương đương khoảng 1 nghìn tỷ USD hoạt động kinh tế đã bị xóa khỏi số liệu thống kê năm 2019 để chứng minh cho sự tăng trưởng vào năm 2020”.

Dân biểu Mỹ: Mọi công ty nước ngoài ở Trung Quốc đều phải coi Bắc Kinh là 'đối tác kinh doanh'
Biển hiệu Phố Wall được nhìn thấy tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York trong phiên giao dịch buổi chiều ngày 13/09/2022 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

Ông chỉ trích Phố Wall vì đã công bố các phân tích kinh tế bằng cách dựa “gần như hoàn toàn” vào dữ liệu kinh tế chính thức của Trung Quốc, cáo buộc rằng làm như vậy đã khiến nó trở thành “chiếc loa tuyên truyền về kinh tế và thường là chính trị của Bắc Kinh”.

“Ví dụ, những tuyên bố sai lệch của Bắc Kinh về sự phục hồi hình chữ V vào năm 2020… đã được các nhánh nghiên cứu của các ngân hàng đầu tư đưa đi khắp nơi, những người chỉ đơn giản là nhắm mắt làm ngơ trước sự thao túng nghiêm trọng đối trong các con số chính thức của Trung Quốc”, ông giải thích.

Theo ông Qazi, người Mỹ sau đó tiếp xúc với những phân tích đáng ngờ của Phố Wall thông qua các tờ báo và mạng truyền hình lớn.

“Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải chỉ ra rằng… Phố Wall đặt định ra thông tin công khai về Trung Quốc bởi vì các phân tích của nó được trích dẫn không ngừng trên các tờ báo lớn và được đưa tin trên các mạng truyền thông lớn toàn cầu”, ông nói thêm. “Do đó, ‘số liệu thống kê mờ ảo’ của Bắc Kinh, nếu bạn chấp nhận thuật ngữ này, được đóng dấu về độ tin cậy từ các ngân hàng đầu tư và chắc chắn định hình quan điểm về nền kinh tế Trung Quốc của hàng triệu người ở Mỹ và trên khắp thế giới phương Tây”.

Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, với bằng chứng là chi tiêu của người tiêu dùng yếu và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao.

Nhìn về tương lai, ông Qazi cho biết những năm nền kinh tế Trung Quốc có tỷ lệ tăng trưởng từ 6% trở lên đã qua.

Ông nói: “Trong vài năm tới, bạn có thể thấy Trung Quốc tăng trưởng trên thực tế gần 2%, 1%".

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Dân biểu Mỹ: Mọi công ty nước ngoài ở Trung Quốc đều phải coi Bắc Kinh là 'đối tác kinh doanh'