Chuyên gia: Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu là do chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Lý Cường vừa tổ chức một hội nghị chuyên gia nhằm cứu vớt nền kinh tế Trung Quốc, nhưng ông sẽ khó có thể làm được gì.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tổ chức một cuộc họp với các nhà kinh tế Trung Quốc đại lục vào ngày 06/07 để thu thập các đề xuất về cách cứu trợ nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân sâu xa của suy thoái kinh tế Trung Quốc nằm ở hệ thống chính trị của nước này, được chỉ đạo bởi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện do ông Tập Cận Bình lãnh đạo.

Theo các nhà phân tích, với nhiều cuộc khủng hoảng hiện đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc và sự phân tách đang diễn ra với phương Tây, không có giải pháp nào cho ĐCSTQ.

Ông Lý đã chủ trì hội nghị chuyên gia về tình hình kinh tế với Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường và tám học giả từ các tổ chức tài chính, kinh tế chính trị và ngân hàng của Trung Quốc.

Trong cuộc họp, đầu tiên, ông Lý rêu rao rằng dưới sự lãnh đạo của ông Tập, “nền kinh tế đã cho thấy xu hướng phục hồi tích cực”. Sau đó, ông đổ lỗi cho nước ngoài đã gây ra các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, nói rằng “tình hình kinh tế và chính trị thế giới rất phức tạp và đã gây ra nhiều tác động đến sự phát triển của đất nước chúng ta”, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Ông Lý cũng nói rằng ông hy vọng các chuyên gia và học giả sẽ đưa ra nhiều hơn những gợi ý mang tính xây dựng về nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Zheng Xuguang, một học giả kinh tế chính trị độc lập và là người dẫn chương trình của “Xuguang Times Commentary”, nói với The Epoch Times vào ngày 07/07 rằng, ông Lý chủ yếu tìm kiếm một số học giả ủng hộ ĐCSTQ để giúp thống nhất tư tưởng trong giới học thuật. “Ông Tập Cận Bình là người thực sự quyết định mọi việc, và ông ấy chỉ quan tâm đến ổn định chính trị”, ông Zheng nói.

“Các vấn đề kinh tế hiện nay thực sự bắt nguồn từ chính trị, và ông ấy [ông Lý] không thể động đến các vấn đề chính trị. Ông ấy đã gửi một thông điệp tới giới học thuật: ‘Các bạn nên đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng hơn, đó là để giúp đỡ chế độ chứ không phải để gây rắc rối’, ông Zheng nói thêm.

Khó có thể đảo ngược tình thế

Chuyên gia tài chính Đài Loan Edward Huang nói với The Epoch Times vào ngày 06/07 rằng ông Lý chủ trì hội nghị kinh tế chủ yếu là do thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong gần đây lao dốc và đồng Nhân dân tệ cũng đang mất giá. Nền công nghiệp đang có tâm lý khá bi quan đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Liu Yuanchun, hiệu trưởng Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, đã công bố “Báo cáo Dự báo và Phân tích Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc năm 2023” vào tháng 6, trong đó đưa ra “5 vấn đề 20%” mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Đó là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vượt quá 20%, lợi nhuận hàng năm của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc giảm hơn 20%, doanh thu chuyển nhượng đất của chính quyền địa phương giảm 20%, diện tích xây dựng bất động sản mới giảm 20% và khoảng cách chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cao tới 20%.

Chuyên gia: Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu là do chính trị
Những người tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Ông Liu Xiaoguang, đồng tác giả của báo cáo và là giáo sư tại Viện Chiến lược và Phát triển của Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết những hiện tượng “5 vấn đề 20%” này là cực kỳ bất thường, cho thấy áp lực trong các lĩnh vực liên quan của Trung Quốc đã vượt qua giới hạn tự phục hồi. Chúng ta không chỉ khó có thể mong đợi bất kỳ sự phục hồi kinh tế tự động nào; hơn nữa, nó sẽ tạo thành một vòng tròn ác tính trong một số lĩnh vực kinh tế nhất định, ông Liu viết.

Ông Lý chỉ ra tại hội nghị rằng tất cả các lĩnh vực của xã hội Trung Quốc cần chú ý đưa ra các chính sách tập trung vào ổn định tăng trưởng, việc làm và ngăn ngừa rủi ro, đồng thời nhanh chóng đưa ra và thực hiện một loạt các chính sách được nhắm mục tiêu, kết hợp và phối hợp.

Đáp lại tuyên bố của Thủ tướng, ông Huang cho biết, “Nền kinh tế của Trung Quốc hiện không được quyết định bởi các chính sách. Cho dù họ có tổ chức bao nhiêu cuộc họp thì cũng vô ích. Ông Lý nói về các chính sách kết hợp, nhưng không có điều gì cụ thể trong đó. Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ chính sách nào có thể thay đổi hiện trạng”.

Ông Huang tin rằng, Thủ tướng Lý không thể đưa ra các quyết định có thể đối phó với các vấn đề ẩn giấu thực sự của nền kinh tế, chẳng hạn như xung đột giá trị giữa Trung Quốc và Mỹ, hoặc việc các tổ chức nhà nước của ĐCSTQ tiến lên trong khi khu vực tư nhân của Trung Quốc thụt lùi, những thứ mà ông tin là nguyên nhân sâu xa của suy thoái kinh tế của Trung Quốc hiện nay.

“Đó là điều mà chỉ ông Tập Cận Bình mới có thể quyết định, và những người khác sẽ không thể làm gì nếu ông Tập không làm bất cứ điều gì đối với điều đó”, ông Huang nói.

“Thị trường chứng khoán Trung Quốc năm nay khá tệ. Đồng nhân dân tệ vẫn mất giá. Thị trường chứng khoán Hong Kong đã lao dốc rất nặng trong những ngày qua cho thấy niềm tin của toàn thị trường vào nền kinh tế Trung Quốc khá mong manh. Ông Lý Cường không có khả năng đảo ngược tình thế”, ông Huang nói.

“Nhu cầu nội địa của Trung Quốc và thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu. Ông Lý Cường đã không đạt được bất kỳ thành tựu nào kể từ khi ông ấy nhậm chức Thủ tướng, và nền kinh tế tiếp tục trượt dốc”.

Ảnh hưởng từ mối quan hệ Mỹ - Trung

Ông Wu Jialong, một nhà kinh tế vĩ mô ở Đài Loan, tin rằng vấn đề hiện tại đang tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc là sự bùng phát đồng thời của nhiều cuộc khủng hoảng.

“Tôi so sánh nó với suy đa tạng”, ông nói.

Ông Wu nói với The Epoch Times vào ngày 07/07: “Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng việc làm ở Trung Quốc là do xuất khẩu và sản xuất, bởi vì các đơn đặt hàng đã bị rút khỏi Trung Quốc và đầu tư nước ngoài đã rút đi".

Ông Wu đồng ý với ông Zheng rằng gốc rễ của các vấn đề kinh tế của Trung Quốc cũng nằm ở chính trị.

“Nếu truy tìm xa hơn, đó là do mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi. Như vậy nguyên nhân sâu xa là chính trị chứ không phải ở kinh tế. Vì vậy, khi họ tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia kinh tế, những gì họ có thể nhận được là hạn chế”.

“Do ông Tập Cận Bình quyết định các chính sách lớn, đó là thách thức Mỹ, cạnh tranh với Mỹ để lãnh đạo thế giới hoặc làm bá chủ, nên Mỹ đã phản công. Hơn nữa, nhu cầu trong nước của Trung Quốc không đủ để hấp thụ năng lực sản xuất dư thừa của khu vực xuất khẩu. Các vấn đề kinh tế hiện nay không dễ giải quyết”.

Ông nói thêm rằng, không có giải pháp nào cho các vấn đề kinh tế của Trung Quốc ngay cả khi ông Tập từ chức, vì đó là vấn đề mang tính cấu trúc đối với ĐCSTQ.

Chuyên gia: Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu là do chính trị
Các container hàng hóa được xếp chồng lên nhau tại cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vào ngày 21/06/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông Wu nói rằng, Mỹ đã thực hiện các biện pháp nghiêm túc để chống lại các hoạt vi kinh tế không công bằng của ĐCSTQ. “Và sau đó họ cử một quan chức cấp bộ [Yellen] đến thăm Trung Quốc. Điều này có nghĩa là có một cuộc đối thoại trong khi tiếp tục đối đầu. Mỹ hoàn toàn không có ý định đạt được thỏa thuận với ĐCSTQ. Đó chỉ là để thể hiện sự đồng thuận rằng chúng ta đang đối thoại và sẽ tiếp tục thảo luận vào lần tới, đó là đàm phán mà không có thỏa thuận”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu là do chính trị