Con gái, hãy giữ vững thiện lương

Giúp NTDVN sửa lỗi

(Radio) - Em hiểu suy nghĩ của ba khi dặn em qua tấm kính rằng, không được oán hận cảnh sát. Em hiểu được sự kiên định của ba, một loại kiên định đối với Thiện lương.

Nghe thêm: Radio Đời sống

Hoài niệm về một gia đình hạnh phúc

Ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, có một gia đình nhỏ trong 38 gia đình của Trang trại đường sắt Tây Hải Lâm, nơi có một cặp vợ chồng trẻ và cô con gái duy nhất của họ. Một gia đình nhỏ hạnh phúc gồm ba, mẹ và con gái. Bé gái được gọi là "Minh Huệ", nhưng các cặp vợ chồng trẻ thường không gọi con cái bằng tên mà chỉ trìu mến gọi là "Em bé".

Trong cặn hộ này có một không gian nhỏ dùng rèm vải để ngăn cách, bên trong, có một chiếc bàn nhỏ, một chiếc ghế nhỏ, còn có một chiếc đèn bàn nhỏ, đây là nơi đọc sách, vẽ tranh của “Em bé” Minh Huệ. Bé Minh Huệ thường ngồi đó tập trung đọc những các cuốn sách thiếu nhi mà mỗi tuần ba em làm việc trong thư viện đều mang về.

Bé Minh Huệ họ Vu, bố em tên là Vu Tông Hải, anh làm thiết kế mỹ thuật trong thư viện, là một họa sĩ rất có khí chất nghệ sĩ, đặc biệt anh rất giỏi thư pháp. Đã từng có một nhà thư pháp sau khi đọc câu đối do Vu Tông Hải viết cho đơn vị của mình, ngạc nhiên nói với mọi người: Tôi không ngờ ở Mẫu Đơn Giang lại có một cao nhân như vậy! Nhà thư pháp này đã lưu luyến trước câu đối này đến nỗi không muốn ra về.

Vu Tông Hải, người vừa tài năng vừa hài hước, chỉ cần nhìn thấy con gái là anh đã thấy rất vui vẻ ôn hòa: “Em bé”, Vu Tông Hải yêu thương gọi bé Minh Huệ, sau đó anh kể chuyện một lúc, dạy vẽ một lúc. Ăn cơm xong là anh có thể cầm một chiếc đũa lên để chỉ huy dàn nhạc giống như một nhạc trưởng. Hai cha con thân thiết từ nhỏ, tình cảm rất sâu nặng.

Mẹ của bé Minh Huệ, Vương Mi Hoằng, có đôi mắt rất đẹp, cô là kỹ sư cấp cao của Viện khảo sát địa chất Mẫu Đơn Giang. Bé Minh Huệ nhớ như in mỗi khi mẹ nhìn cô, trong mắt mẹ xuất hiện một loại ánh sáng rất đặc biệt. Mỗi buổi sáng, Minh Huệ đều cùng mẹ đến nhà trẻ, phía trước xe đạp có đặt một chiếc ghế nhỏ, đó chính là ‘ngai vàng’ của Minh Huệ. Sáng sớm em ngồi trên ‘ngai vàng’ để đi học, chiều tối em lại ngồi lên ngai vàng với mẹ để về nhà.

Mùa đông ở miền Bắc rất lạnh, trước khi đi ra ngoài, mẹ luôn mặc cho bé Minh Huệ ba lớp áo, sau đó dùng đôi tay mảnh khảnh đội mũ cho Minh Huệ, rồi lại quấn một chiếc khăn quàng cổ, và cuối cùng là đeo găng tay nhỏ cho bé Minh Huệ. Mẹ mỗi ngày đều cẩn thận chăm sóc cho bé Minh Huệ như vậy.

Lúc đó, trước khi đi ngủ vào buổi tối, bên tai bé Minh Huệ là các giai điệu của nhạc Mozart; sớm thức dậy bên tai em là tiếng nhạc luyện công Pháp Luân Đại Pháp.

Ba mẹ của bé Minh Huệ đều là hình mẫu trong đơn vị công tác, bản thân Minh Huệ cũng là hình mẫu trong trường học. Em thông minh, ham học, được thầy cô khen ngợi, các bạn trong lớp quý mến. Em là lớp trưởng ở trường tiểu học. Tiểu học là lớp trưởng, vào trung học cơ sở em vẫn là lớp trưởng, thậm chí còn nhận được gần như toàn bộ phiếu bầu làm lớp trưởng. Lúc đó, sau khi Minh Huệ đi học về, ba thường hỏi em: Hôm nay con đã đạt được “Chân - Thiện - Nhẫn” chưa? Sau đó, Minh Huệ bắt đầu kể với ba mẹ về những chuyện đã xảy ra ở trường. Bé Minh Huệ rất yêu quý ba mẹ, lớn lên hạnh phúc dưới sự nuôi dạy chu đáo của ba mẹ.

Nhưng, Minh Huệ không thể ngờ rằng sau này em lại hoài niệm về những năm tháng này nhiều đến vậy.

Người bệnh hoại tử xương khiến mọi người bất ngờ

Khi Minh Huệ được khoảng ba tuổi, ba của em vì công việc nặng nhọc, lại làm việc quá sức nên bị hoại tử chỏm xương đùi. Vị lãnh đạo từng đưa ba em đi khám bệnh ở Thiên Tân, nhìn thấy xương của anh bị đóng bánh giống như than tổ ong. Sau đó, ba của Minh Huệ yếu đến mức không thể nhấc nổi một chậu than nhỏ, đã đi đến các bệnh viện lớn để khám bệnh, điều trị nhưng đều không hiệu quả. Bác sĩ còn khuyên anh là nên cắt bỏ chân đi. Tại bệnh viện thấp khớp Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ chỉ vào một người đàn ông có thân hình ốm yếu, hai cánh tay gập vào trong, ngón tay và móng tay thì bị biến dạng, ngồi trước mặt anh, rồi nghiêm trọng nói: "Nửa năm nữa anh sẽ như anh ấy. Căn bệnh này không thể chữa khỏi”.

Đó là năm 1994, vào cuối tháng Tư, không lâu sau khi bác sĩ nói, cha của Minh Huệ đã tham gia một lớp giảng Pháp của ông Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Công ở Trường Xuân. Sau đó, anh Vu Tông Hải không những không bị tàn tật mà còn có thể gánh một hơi một trăm ki-lô-gam gạo từ tầng một lên tầng năm. Thì ra lúc đó thư viện phát gạo, mỗi bao tải là một trăm ki-lô-gam, sinh viên vừa vào đại học vác bao tải lên vai còn loạng choạng, làm bao tải rơi xuống đất vì quá nặng. Toàn đơn vị chỉ có một người làm được việc này, Vu Tông Hải biết chuyện, anh liền chủ động xuống tầng dưới nói với giám đốc văn phòng: “Để tôi khiêng gạo với anh ấy”.

Giám đốc nghe vậy trợn tròn mắt nhìn anh nói: “Anh định vác gạo ư?"

Cuối cùng, Vu Tông Hải vác liên tục ba bao gạo lên! Lần đó, cả đơn vị đều ngạc nhiên.

Trước đây, Vu Tông Hải đến bệnh viện, vừa tiêm thuốc vừa kê đơn, vừa châm cứu vừa vật lý trị liệu, thậm chí không thể nâng nổi một chậu than nhỏ, sắp trở thành người tàn tật, lại vác cả trăm ki-lô-gam gạo? Thậm chí còn vác nó từ tầng một lên tầng năm? Lại còn vác ba bao liên tục? Ngay cả bác sĩ ở bệnh viện chỉ định của đơn vị, vì lâu ngày không gặp Vu Tông Hải, khi nhìn thấy đồng nghiệp của mình đã hỏi: “Anh ấy đi được rồi à?”

Đồng nghiệp của Vu Tông Hải cũng rất hài hước trả lời bác sĩ: “Không phải đi, mà là chạy".

Tận mắt nhìn thấy sự biến đổi của Vu Tông Hải, nhiều người thân, bạn bè và đồng nghiệp của anh cũng tham gia tu luyện Pháp Luân Công. Vào thời điểm đó, khi đơn vị tổ chức họp đại hội đảng viên thì một nửa trong số họ đeo huy hiệu Pháp Luân Đại Pháp.

Sau khi tu luyện, Vu Tông Hải và vợ không chỉ yêu cầu bản thân tuân theo "Chân - Thiện - Nhẫn", mà còn dạy Minh Huệ trở thành người tốt sống theo "Chân - Thiện - Nhẫn". Một lần, sau khi bé Minh Huệ đi học về, kể với ba mẹ rằng hôm nay em giành giải nhất môn chạy. Khi xếp hàng nhận giải, nhìn thấy một chiếc cặp tóc màu hồng rất đẹp, em định nhặt thì một bạn học từ phía sau bước tới giật lấy, không ngờ khi bạn ấy nhìn lại thì phát hiện chiếc cặp tóc này bị gãy. Bạn đó đã trách Minh Huệ, nói: “Bạn biết nó hỏng rồi mà tại sao không nói với tớ!”

Các bạn học khác có mặt lúc đó cảm thấy thật bất công thay cho Minh Huệ, nhưng bản thân Minh Huệ chỉ mỉm cười, không nói gì.

Khi Minh Huệ học năm đầu trung học cơ sở, bố mẹ một bạn cùng lớp ly hôn, mẹ bạn ấy không có tiền đóng học phí, nên bắt bạn phải bỏ học. Thấy bạn cùng lớp rất buồn nên Minh Huệ lấy hết số tiền tiêu vặt mà mình đã tiết kiệm được đóng học phí cho bạn. Mẹ của Minh Huệ nghe xong chuyện này rất vui mừng, bởi vì nếu là mẹ Minh Huệ thì cô cũng sẽ làm như vậy.

Ông nội của Minh Huệ đưa cho mẹ của Minh Huệ hai album tem, trong đó có nhiều con tem quý, trị giá hơn 500.000 nhân dân tệ, nhưng khi ba của Minh Huệ đến công ty thẩm định giá yêu cầu ước tính giá trị của hai album tem này thì các con tem đã không cánh mà bay.

Chỉ có một người biết nhưng lúc đó vợ của người ấy đang bị bệnh cần được điều trị. Sau khi ba của Minh Huệ suy nghĩ kỹ, anh ngập ngừng nói với mẹ của Minh Huệ liệu có thể đừng tố cáo ông ấy hay không, bởi vì nếu làm như thế ông ta sẽ bị kết án hơn mười năm tù, như vậy thì gia đình họ sẽ tan nát. Sau khi mẹ của Minh Huệ nghe thấy, cô chỉ nói một từ duy nhất: “Được!”

Kể từ đó, cô không bao giờ nhắc đến chuyện này nữa. Bạn biết đấy, vào thời điểm đó ở một thị trấn nhỏ, bạn có thể mua một tòa nhà chỉ với khoảng vài chục nghìn nhân dân tệ.

Tai họa ập xuống thình lình

Minh Huệ lớn lên trong một gia đình như thế, khi đó Minh Huệ là một cô bé mũm mĩm luôn luôn vui vẻ, không biết đến phiền muộn là gì. Nhưng, những ngày đó hoàn toàn thay đổi kể từ năm 1999.

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, anh Vu Tông Hải là trạm trưởng trạm tư vấn hỗ trợ Pháp Luân Công, anh và một số người khác đã bị ĐCSTQ bắt giữ không có lý do ngay từ ngày 18/7. Sau đó, Vu Tông Hải đến Bắc Kinh để kêu oan, khi trở về nhà, người anh rách rưới, đầy thương tích, sau đó anh bị đưa vào trại cải tạo lao động.

Minh Huệ lúc đó mới chỉ là một học sinh trung học cơ sở, đã rất sốc trước những gì xảy ra. Em hồn nhiên viết trong tác phẩm của mình: Trong suy nghĩ của tôi, cảnh sát bắt những người xấu, và cảnh sát là những người hiểu rõ luật pháp. Nhưng ba tôi là một người rất tốt bụng, thật thà, chăm chỉ và giản dị, ở nhà rất yêu thương con, dạy con trở thành một người tốt theo “Chân - Thiện - Nhẫn”. Trong đơn vị ba là lao động tiên tiến của tỉnh, chỉ vì làm người tốt mà bị bắt đi bắt lại, tôi không hiểu! Cảnh sát tại sao lại đi bắt người tốt? Những gì đang xảy ra ở đây? Vậy thì cảnh sát là tốt hay xấu?...

Sau khi ba em bị đưa vào trại lao động, vào năm 2000 một nhóm cảnh sát xông vào nhà của Minh Huệ, trưởng đồn cảnh sát Vũ Nhân Tài chỉ vào Minh Huệ lúc đó mới 12 tuổi nói: "Nó cũng tu luyện Pháp Luân Công, đưa nó đi”

Vì thế Minh Huệ và mẹ em bị bắt đưa đến lớp tẩy não. Bé Minh Huệ trở thành "tù nhân" bé nhất bị nhốt trong lớp tẩy não. Cái gọi là lớp tẩy não là một nhà tù phi pháp, nơi các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải từ bỏ việc tu luyện của họ với mọi thủ đoạn mà không có bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Bé Minh Huệ, một học sinh giỏi trong mắt giáo viên và là một cán bộ lớp gương mẫu trong lòng bạn bè cùng lớp, đã bị đe dọa, uy hiếp, sỉ nhục trong lớp tẩy não. Tâm hồn non nớt của em đã bị tổn thương rất nhiều.

Sau khi được trả tự do, đồn trưởng Vũ Nhân Tài còn đến nhà buộc Bé Minh Huệ phải nộp 900 nhân dân tệ tiền chi phí cho lớp tẩy não. Ở nhà một mình, lại quá sức, Minh Huệ buộc phải đưa cho hắn 300 nhân dân tệ từ số tiền sinh hoạt ít ỏi mà mẹ em để lại. Sau khi đồn trưởng cảnh sát rời đi, Minh Huệ sống một mình ở nhà trong sự lo lắng, sợ hãi.

Sau đó, ba mẹ của Minh Huệ lần lượt được thả về nhà, gia đình họ được đoàn tụ thêm một lần. Tuy nhiên, những ngày đoàn tụ thật ngắn ngủi. Tháng 9 năm đó, cảnh sát lại muốn bắt giữ ba của Minh huệ, để tránh cảnh sát, Vu Tông Hải buộc phải chuyển đi nơi khác. Không tìm thấy ba của Minh Huệ, cảnh sát thường xuyên đến nhà quấy rối mẹ con Minh Huệ, thậm chí còn đột nhập vào nhà. Năm sau, vào tháng Sáu năm 2001, cảnh sát thậm chí còn đến đơn vị của mẹ và bắt giữ mẹ của Minh Huệ, chúng đe dọa khi nào bắt được ba Vu Tông Hải chúng mới thả mẹ em về.

Kết quả, Minh Huệ là người duy nhất còn lại trong gia đình. Tuy nhiên, đến lúc này cảnh sát vẫn không tha cho Minh Huệ, một học sinh chỉ mới học cấp hai, họ liên tục đập cửa vào lúc nửa đêm, khiến Minh Huệ sợ hãi đến mức không thể sống nổi ở nhà. Tuy nhiên, không chỉ có mẹ em mà bác cả, cô hai và chị họ của Minh Huệ cũng bị giam giữ trái phép vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà nội thì bị bệnh nặng. Trong lúc tuyệt vọng, Minh Huệ đành phải một mình thuê một phòng trọ ở một nơi rất hẻo lánh với giá thuê nhà rẻ nhất.

Phòng trọ nhỏ này rất đơn sơ, cửa cũng không chắc, trong khu trọ còn có một số đàn ông độc thân, chủ phòng trọ rất sợ một cô gái nhỏ như Minh Huệ sẽ bị những người này ức hiếp, ông đã rất nhọc công để đi tìm, tình cờ tìm thấy cô của Minh Huệ vừa được thả ra, rồi đưa Minh Huệ về nhà. Tuy nhiên, cô của Minh Huệ cũng bị cảnh sát khủng bố nghiêm trọng, sau đó, mẹ của một người bạn cùng lớp nghe được câu chuyện của Minh Huệ rất thương cảm, nên đã đưa Minh Huệ về sống cùng.

Cuộc sống của Minh Huệ cuối cùng đã ổn định chưa? Đáng tiếc, cuộc sống của Minh Huệ vẫn không hề bình yên. Không tìm thấy Minh Huệ ở nhà, cảnh sát thường xuyên đến trường để quấy rối. Một ngày nọ, Minh Huệ không thể chịu đựng nổi nữa, một mình đến thành phố Mẫu Đơn Giang để tìm phòng 610 chuyên bức hại Pháp Luân Công. Em đã dũng cảm nói với đồn trưởng Lý Trường Thanh: "Tôi là một học sinh vị thành niên, tôi đang đi học, cảnh sát luôn đến trường tìm tôi và hỏi tung tích của ba tôi. Ba tôi không có ở nhà, các ông còn không tìm thấy ba tôi, làm sao mà tôi có thể tìm thấy ba tôi chứ? Các ông cứ như vậy mãi làm sao tôi có thể đi học được!"

Sau Minh Huệ dùng lý lẽ tranh luận, cảnh sát mới ngừng đến trường để quấy rối Minh Huệ.

Tháng 9 năm đó, sau khi ba của Minh Huệ bị xét xử bất hợp pháp, mẹ của Minh Huệ, người bị bắt giữ vô cớ, được thả ra. Từ khi mẹ bị bắt vào tháng 6 đến khi mẹ được thả vào tháng 9, chỉ trong vài tháng, Minh Huệ phải trải qua những ngày tháng ngoài sức tưởng tượng đối với một đứa trẻ bình thường. Giáo viên nhà trường tìm gặp mẹ của Minh Huệ, người vừa được thả ra, lo lắng nói: "Thành tích học tập của Minh Huệ sa sút quá nhiều. Trước đây em đứng trong top 10 toàn trường, nhưng bây giờ em đã đứng ở vị trí thứ bảy mươi, chị phải tìm biện pháp nhé".

Sau đó, mẹ Vương Mi Hoằng của Minh Huệ mới nói với cô giáo những gì đã xảy ra với em trong khoảng thời gian vừa qua. Họ chuyển nhà, chuyển trường học cho Minh Huệ rồi đổi tên cho em, mới tạm thời tránh được sự quấy rối của cảnh sát phòng 610.

Vào tháng 10 năm 2003, mẹ em, cô Vương Mi Hoằng và cô hai lại bị bắt giữ bất hợp pháp tại nhà của cô hai. Từ đó, Minh Huệ trở thành một cô nhi.

Vào tháng 6 năm 2013, Vu Minh Huệ đứng trước bức tranh "Nước mắt của một đứa trẻ mồ côi" tại "Triển lãm nghệ thuật quốc tế Chân - Thiện - Nhẫn", cầm một tấm bưu thiếp cứu cha cô. (Minghui.org)

Bây giờ Minh Huệ nhớ về lần cuối cùng gia đình được đoàn tụ là vào nửa đầu năm 2001. Khi đó, ba đang bị truy nã bất hợp pháp, phải bỏ trốn một thời gian dài. Một hôm, mẹ dẫn Minh Huệ ra bờ sông, vừa đến sông Mẫu Đơn, Minh Huệ đột nhiên nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc, em vui sướng nhào đến, em nắm chặt tay ba, dán mắt vào ba … Và, ngày này cũng đã trở thành ký ức hạnh phúc về ba mà Minh Huệ không ngừng hồi tưởng trong nhiều năm qua. Trong ký ức có ba, có mẹ, còn có cả sông Mẫu Đơn. Năm đó em mười ba tuổi.

Ba Vu Tông Hải bị kết án bất hợp pháp 15 năm tù vì treo biểu ngữ "Pháp Luân Đại Pháp hảo" trên tường, và bị giam tại nhà tù Mẫu Đơn Giang. Mẹ em bị kết án bất hợp pháp 11 năm tù, vì nói cho mọi người biết sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bị giam trong nhà tù nữ ở Hắc Long Giang. Trong khi những đứa trẻ con một khác được lớn lên dựa vào sự chăm sóc của ba mẹ, cô gái vị thành niên Minh Huệ lại phải oằn mình qua lại giữa hai nhà tù ở hai địa điểm khác nhau. Bắt tàu hỏa, bắt ô tô, trải qua cả một quãng đường dài mong có cơ hội được thăm ba mẹ. Nhưng, trại giam thường không cho Minh Huệ gặp ba mẹ em, bởi ba mẹ em kiên định tu luyện Pháp Luân Công, và họ không chịu bị chuyển hóa.

Bất đắc dĩ, Minh Huệ lần lượt gõ cửa các cơ quan khác nhau, kể cho họ nghe em đã phải rất vất vả đi gần 20 tiếng đồng hồ mới đến được đây muốn gặp ba mẹ bị giam giữ, em đã phải chờ đợi lâu như thế nào. Em còn đi đến gõ cửa từng nhà, mong gặp được người có lòng tốt giúp đỡ. Thỉnh thoảng em cũng gặp những người tốt bụng, nhưng hầu hết là “đến trong hy vọng và đi trong nước mắt”. Một lần, Minh Huệ ngồi ở phòng chờ đợi của nhà tù Mẫu Đơn Giang từ sáng đến tối, cả một ngày, trại giam vẫn không cho ba em ra để gặp mặt. Cho đến khi người ta quét dọn và bắt đầu xua đuổi, thế là, Minh Huệ đáng thương lại phải cúi đầu lặng lẽ từng bước rời đi.

Những khoảnh khắc hiếm hoi được gặp ba, mẹ, ba mẹ Minh Huệ không hẹn mà đều cùng mỉm cười với em, động viên em, không nói gì về cuộc bức hại mà họ phải chịu đựng. Nhưng, qua lớp kính dày, Minh Huệ vẫn có thể thấy được dấu vết của cuộc bức hại mà ba mẹ em phải chịu đựng.

Thực tế là, tại đồn cảnh sát, ba mẹ của Minh Huệ đã bắt đầu bị đầu độc. Trong phòng thẩm vấn, cảnh sát đã đổ dầu mù tạt vào miệng và mũi của ba Minh Huệ là ông Vu Tông Hải, đồng thời để những tên côn đồ chuyên nghiệp đánh liên tục vào đầu ông, làm rách má, chảy rất nhiều máu.

Chúng thậm chí còn quấn một chai Sprite lớn chứa đầy một lít nước, trong một chiếc khăn tắm, rồi xoay tròn và đập nó lên đỉnh đầu của Tông Hải. Bằng cách này, người bị đánh không có vết thương bên ngoài nhưng sẽ bị ngất xỉu, cổ còn có thể bị đánh tụt vào khoang ngực. Cảnh sát sau đó sẽ kéo cổ người này ra và quay cổ... Họ gọi kiểu tra tấn này là "Nện đầm". Không chỉ phải chịu đựng sự tra tấn "Nện đầm", ba Vu Tông Hải của em còn bị còng chân, hai tay bị quặt ra sau lưng, còng lại, rồi chúng dùng ba thanh sắt găm chặt vào ngực anh, trói trên ghế sắt chín ngày tám đêm. Một nghệ sĩ tài hoa đã bị biến dạng bởi sự tra tấn như vậy kể từ đó.

Khi mẹ em, cô Vương Mi Hoằng bị bắt, cũng bị nhiều cảnh sát nam đánh đập, họ kéo cô từ tầng bảy xuống tầng một, lôi cô lên xe rồi túm tóc kéo cô từ ô tô lên tầng hai. Mặt của cô bị sưng vù, quần áo thì rách nát. Các nhân viên của Đội an ninh Quốc gia thay phiên nhau ép cung, không cho cô ngủ. Mẹ của em, một kỹ sư cao cấp, bà Vương Mi Hoằng, lúc đó cũng bị nhốt trên ghế sắt ba ngày ba đêm, toàn chân bị sưng tấy.

Ba Vu Tông Hải bị "quản lý nghiêm ngặt cấp độ một" trong nhà tù Mẫu Đơn Giang bởi không từ bỏ đức tin của mình. Ông bị điện giật, bị đánh đập nhiều lần. Trong thời tiết âm mười mấy độ C, cai ngục cho người giữ chặt mũi, đổ thẳng nước vào, khiến Tông Hải gần như chết ngạt. Ông bị tra tấn như vậy trong hơn mười giờ.

Trong nhà tù Mẫu Đơn Giang, nơi được mệnh danh là "Trại tử thần" này, cảnh sát buộc các tù nhân phải làm việc hơn 11 giờ mỗi ngày, không có ngày lễ hay ngày nghỉ. Một lần, Vu Tông Hải ở trong xưởng lao động bị thương bầm tím mắt trái, nhưng trại giam trốn tránh và trì hoãn việc điều trị, với lý do đợi gia đình gửi tiền vào, khiến tuyến lệ của Vu Tông Hải bị đứt vĩnh viễn. Nhà tù không những không chịu trách nhiệm về việc này mà còn dùng nó để chấn chỉnh Vu Tông Hải. Trong nhà xưởng mù mịt bụi bặm, cai ngục còn cử người theo dõi Vu Tông Hải, cấm anh nhắm mắt. Bụi rơi vào hai tròng mắt khô của anh, cảm giác như thể bị một nắm cỏ khô nhét vào mắt, khô khốc cực độ, đau đớn tột cùng, khiến Vu Tông Hải hai tay ôm chặt đầu gối quỳ trên giường cả đêm.

Sau nhiều năm bị bức hại trong tù, xương ức của anh Vu Tông Hải bị nhô hẳn ra ngoài, hai chân của ông tập tễnh, hàm răng thì bị đánh gãy, rụng và sứt mẻ, chỉ còn lại vài cái.

Còn mẹ em, cô Vương Mi Hoằng, phải làm công việc mệt nhọc nhất trong xưởng lao động ở nhà tù nữ Hắc Long Giang. Mỗi ngày cô phải làm việc 14 tiếng bên cạnh hai cỗ máy có nhiệt độ tối đa 180 độ C hoạt động cùng lúc, một Vương Mi Hoằng mới hơn 40 tuổi, mái tóc đen của cô đã nhanh chóng bạc trắng.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ không chỉ gây tổn thương trực tiếp cho các học viên Pháp Luân Công, mà còn gây tổn hại lớn cho người thân và bạn bè của họ. Ông nội của Minh Huệ, cha của anh Vu Tông Hải, một người đàn ông lớn tuổi khỏe mạnh, đã qua đời trong sự bàng hoàng, lo lắng và buồn bã, vì phải ngày này qua ngày khác chứng kiến ​​cảnh con trai, con dâu và hai cô con gái của mình lần lượt phải chịu đau đớn. Còn Minh Huệ thì sao? Từ một gia đình hạnh phúc nhưng bây giờ, em phải chịu đựng và đối mặt như thế nào khi còn non trẻ như vậy?

"Đừng oán hận cảnh sát"

Trong một lần gặp gỡ với ba, Minh Huệ từng biểu lộ ánh mắt thù hận với cảnh sát, ba em đã nhìn thấy ánh mắt này. Vu Tông Hải, người bị giam cầm và bức hại, viết thư cho Minh Huệ, mong em luôn nhìn vào mặt tích cực, nhìn về phía có ánh sáng. Ông nói với Minh Huệ: "Đừng oán hận cảnh sát".

Tuy nhiên, Minh Huệ khi đó không thể hiểu được lời khuyên và sự những sự lo lắng của ba, cho đến vài năm sau, khi em được trao học bổng sang Anh du học.

Tờ báo địa phương của Anh "North London Today" đã đăng một bài báo vào ngày 13 tháng 1 năm 2013, trong đó giới thiệu toàn diện câu chuyện cha mẹ của Vu Minh Huệ bị ĐCSTQ bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. (Ảnh chụp màn hình Internet)

Năm 2010, Minh Huệ được nhà trường chọn cử đi du học theo ngành thiết kế thời trang ở khoa Thiết kế thời trang của trường Cao đẳng Nghệ thuật Cambridge, Vương quốc Anh.

Ba mẹ em vẫn ở trong tù, khi em đến nước Anh, vào ban đêm, Minh Huệ thường buồn đến mức không kìm được nước mắt. Một mình nơi đất khách quê người, những bức thư của ba là niềm an ủi duy nhất của Minh Huệ, em mang theo bên mình tất cả những bức thư của ba, nhưng không dám đọc nhiều. Cứ như thể là nếu em đọc quá nhiều, những bức thư này sẽ không cánh mà bay. Chỉ khi thực sự không vui, em mới lấy lá thư của ba ra đọc, rồi em cảm thấy dễ chịu hơn.

Trong máy tính xách tay của Minh Huệ còn có một bộ sưu tập những bức tranh sơn dầu mà ba em trước đây đã vẽ. Có một bức ảnh vẽ người mẹ đang dạy con gái chơi đàn Saz của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tranh, hai mẹ con hơi cúi đầu, một tay người mẹ nâng cây vĩ cầm, tay kia nắm tay con gái gảy dây đàn, trong khi cô con gái nhỏ đang rúc vào ngực mẹ. Cùng một màu tóc nâu, mẹ nhẹ nhàng dạy dỗ, trong khi em bé nghiêm túc, chăm chú học hành.

Minh Huệ ngắm bức tranh sơn dầu của ba, và không khỏi nghĩ về thời thơ ấu của mình. Khi đó, trong thế giới nhỏ bé được ngăn cách bởi tấm rèm, có một bộ bàn ghế nhỏ, ba đã dạy bé Minh Huệ vẽ tranh và viết chữ.

Một ngày nọ, Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế về Chân - Thiện - Nhẫn đến Cambridge, Minh Huệ đã đi xem. Triển lãm nghệ thuật này tập hợp những sáng tác của các học viên Pháp Luân Công, đồng thời gửi gắm lòng nhân ái và hy vọng qua nét vẽ của các nghệ sĩ. Minh Huệ vô cùng chấn động về buổi triển lãm, trong đó, tác phẩm gây ấn tượng lớn nhất đối với em là bức tranh có tên "Vô gia cư". Trong bức tranh sơn dầu này, một cô bé đi học về, thấy cánh cửa ngôi nhà có dòng chữ "Chân - Thiện - Nhẫn" đã bị niêm phong, và, cô bé bỗng nhiên trở thành vô gia cư. Cô bé trong tranh có ánh mắt bối rối, không hiểu vì sao lại xảy ra chuyện như vậy. Trên khuôn mặt ngây thơ của em còn lã chã những giọt nước mắt trong suốt.

Minh Huệ theo ba mẹ tập Pháp Luân Công từ bé, lớn lên vui vẻ, quen biết nhiều tiểu đệ tử hạnh phúc khác. Kể từ năm 1999, nhiều bạn bè của Minh Huệ, cũng giống em, rơi vào cảnh vô gia cư. Minh Huệ nhìn bức tranh "Vô gia cư", liền nghĩ đến mình và em bé trong tranh. Em vẫn có thể cảm nhận được rõ ràng những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt em bé, em cảm nhận rõ dưới khuôn mặt đầy nước mắt đó là một đứa trẻ ngây thơ, một đứa trẻ chưa hiểu chuyện…. Khi đó, Minh Huệ và các bạn của em không hề biết rằng, kỳ thực cuộc sống của họ đã bị đảo lộn.

Hạnh phúc đang ở rất xa, cuộc khủng bố không thể tưởng tượng được đang diễn ra. Khi ba bị kết án 8 năm tù, Minh Huệ cảm thấy cuộc sống thực sự chán nản.

Những đồng nghiệp của ba Minh Huệ mà Minh Huệ từng biết rất rõ, nhiều người trong số các cô chú ấy cũng bị bắt giữ bất hợp pháp vì tu luyện Pháp Luân Công, một số người thậm chí còn bị tra tấn đến chết! Từ trước đến nay, Minh Huệ luôn nghĩ rằng chỉ cần thấy em lớn lên ngoan ngoãn, khỏe mạnh, đợi đến ngày ba mẹ được thả ra, là gia đình em có thể đoàn tụ. Rồi thì Minh Huệ có thể chăm sóc cho ba mẹ.

Nhưng lúc này đây, Minh Huệ không biết liệu ba mẹ em có thể sống sót thoát khỏi nhà tù hay không, liệu gia đình em có được đoàn tụ hay không? Nỗi lo đè nặng khiến Minh Huệ cảm thấy mất phương hướng, bởi vì kẻ đáng lẽ phải giữ vững công lý thì lại là kẻ thủ ác gây ra án mạng? Em ôm mối hận với cảnh sát, hoang mang về cuộc sống, tại sao thiện lương lại bị tổn thương, tại sao sự chân thành lại không được đền đáp?

Khi đó, em đã từ bỏ niềm tin của mình...

"Hãy giữ vững thiện lương"

Sau đó, Minh Huệ được đi xem buổi biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Shen Yun nổi tiếng thế giới. Có hai bài hát trong buổi biểu diễn, trong đó có lời một bài hát: "Hãy giữ vững thiện lương".

Lời bài hát này ngay lập tức làm chấn động trái tim em! Hóa ra đây là thứ em đã đánh mất. Em nhớ lại những gì ba đã nói với em: “Khi đứng ở lan can nhìn ra, có người nhìn thấy bùn trên mặt đất, có người nhìn thấy các vì sao trên bầu trời”.

Em hiểu suy nghĩ của ba khi dặn em qua tấm kính rằng, không được oán hận cảnh sát. Em hiểu được sự kiên định của ba, một loại kiên định đối với Thiện lương.

Hóa ra “Chân - Thiện - Nhẫn” không chỉ là trong môi trường vui vẻ và hạnh phúc. Nếu một người có thể kiên định với “Chân - Thiện - Nhẫn” ngay cả trong khó khăn và đau khổ, cho dù hoàn cảnh ra sao, vậy thì sinh mệnh mới càng trân quý.

Một lần nữa, Minh Huệ mới thực sự hiểu về ba mẹ. Em nhớ lại những điều ba mẹ từng hỏi lúc em còn nhỏ, mỗi khi em tan trường về. Em lấy lại đức tin của mình, một lần nữa lấy "Chân - Thiện - Nhẫn" để đốc thúc bản thân. Trong môi trường tự do ở nước Anh, Minh Huệ càng hiểu rõ ràng hơn về hoàn cảnh thực tế của ba mẹ, lý do mà ba mẹ kiên định với niềm tin trong môi trường khắc nghiệt đó.

Khi ba của Minh Huệ, ông Vu Tông Hải bị giam ở trại giam Hải Lâm, trong trại giam có một loại sinh hoạt gọi là “truyền điện”: mọi người ngồi thành một hàng, người ngồi sau buộc phải đấm vào thắt lưng người ngồi trước, người ngồi trước lại đánh vào thắt lưng của người phía trước, cứ như thế truyền nhau mà đánh…

Bị đánh vô cớ như thế sẽ khiến con người càng đánh càng trở nên hung ác và tàn nhẫn hơn. Mỗi lần Vu Tông Hải bị đánh, anh không bao giờ đánh người phía trước, vì vậy hoạt động "truyền điện" bị "mất điện". Mất điện rồi lại bắt đầu lại từ đầu, nhưng cho dù Vu Tông Hải có bị nhận bao nhiêu cú đánh, anh cũng sẽ không đánh người trước mặt. Cuối cùng, phòng giam phải dừng trò "truyền điện" độc ác này.

Khi Vu Tông Hải ở trong trại lao động, để tù nhân ăn ít đi, cháo trên bếp lửa đang sôi sùng sục, và một bát dưa chua được ném trên bàn, để những ai cướp được thì có ăn, những ai không cướp được thì không có gì để ăn. Trong hoàn cảnh không thể đảm bảo sự sống sót, và để an toàn, chỉ vì một chiếc bánh chua, người ta buộc phải bò ra đất như một con chó. Vu Tông Hải luôn là người xếp hàng cuối cùng, anh không tranh giành với ai, nên thường không được húp cháo hay ăn rau gì cả.

Ở trong tù, việc tù nhân được uống một ngụm nước đường là điều xa xỉ. Mỗi lần Vu Tông Hải mua một thứ gì đó từ số tiền ít ỏi mà nhà tù khấu trừ còn lại, ngoài việc mua cho bản thân, anh còn mua cho cả những tù nhân không có ai quan tâm khác nữa. Có một tù nhân không có tiền, mắc bệnh ung thư dạ dày, Vu Tông Hải lại đem cho anh ấy nửa gói đường.

Trong các trung tâm giam giữ, trại lao động và nhà tù của ĐCSTQ, chỉ có các học viên Pháp Luân Công mới phân phát thực phẩm hơn một chút của mình cho những người không có ai quan tâm. Vì thế, cũng có không ít tù nhân và cảnh sát vẫn còn lương tâm được đánh thức thiện niệm, họ bí mật bảo vệ và giúp đỡ các học viên Pháp Luân Công. Nhà tù mấy lần định tổ chức một "cuộc đấu tố" để đấu tố Vu Tông Hải, nhưng tất cả đều bị bỏ vì không ai phát biểu. Bởi vì Vu Tông Hải kiên trì tín ngưỡng của mình, tu luyện theo "Chân - Thiện - Nhẫn", anh trở thành một vấn đề nan giải đối với trại giam.

Vào ngày 10 tháng 6 năm 2013, The Press, một tờ báo lớn ở York, đã đăng một bài báo có tiêu đề "Triển lãm nghệ thuật (Chân - Thiện - Nhẫn) tiết lộ nhân quyền", phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ và trải nghiệm của Vu Minh Huệ. (Ảnh chụp màn hình Internet)

Có lần nhà tù cử một tù nhân tên là Dương Khánh Hoa đến để "giải quyết" Vu Tông Hải. Dương Khánh Hoa là người như thế nào? Hắn là một đại ca xã hội đen ở thành phố Triệu Đông, đồng thời là tổng quản phạm nhân trong trại tập trung. Hắn thường mặc áo khoác đen bên ngoài đồng phục tù nhân, khuôn mặt lạnh lùng. Có vài người đi theo phía sau hắn, có người cầm ấm trà, có người ôm mèo và có người ôm quần áo.

Hắn đi đến đâu đều mang theo áp lực khó diễn tả bằng lời. Chỉ cần hắn bước vào phòng, những người trong phòng đều không dám thở mạnh. Lúc này, Dương Thanh Hoa đang muốn được giảm từ án tử hình hai năm chờ thi hành án thành án chung thân, nên được trại giam lựa chọn vì hắn đang khẩn cấp cần lập công.

Đầu tiên, Dương Thanh Hoa gửi một lá thư cho Vu Tông Hải để hẹn gặp, sau đó khi họ gặp nhau, hắn nói thẳng với Tông Hải: Pháp Luân, hôm nay lãnh đạo đã giao nhiệm vụ cho tao. Cứ giao cho tao, là tao phải hoàn thành nhiệm vụ, mày nghĩ thế nào? Mày làm cái gì tao không cần biết, chậm trễ là không được! Đừng có mà cản đường tao! Nếu hôm nay mày không viết tứ thư (về chuyển hóa), thì tao sẽ cho mày khi vào thì đứng, khi ra thì nằm!

Vừa nói những lời này, mặt mày Dương Thanh Hoa biến sắc, mắt hắn lóe lên hung quang, sau đó đeo đôi găng tay màu trắng vào, chuẩn bị động thủ.

Vu Tông Hải gầy gò ốm yếu, mở miệng bình tĩnh nói: Xưa nay, Đạo Chính nói vào trước, ra sau, đều chia đều như nhau, đạo tặc xưa cũng có đạo. Hồ Diệu Bang là một nhà lãnh đạo lớn, trong hồi ký của mình, ông nói về điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời của mình, đó là khi biết rõ rằng Bành Đức Hoài bị oan uổng nhưng ông vẫn giơ tay đồng ý xử lý. Người làm điều trái với lương tâm, lương tâm sẽ bị lên án mãi mãi.

Tôi, một người mắc bệnh nan y, không còn khả năng sống, đã được Sư phụ Đại Pháp chữa khỏi, mà không đòi hỏi tôi một xu nào. Khi tôi vẽ tranh và làm việc cá nhân, tôi lấy những thứ từ đơn vị làm việc của mình. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã tính số tiền của những thứ mà tôi đã lấy, mua lại các thứ, mang trả chúng lại cho đơn vị làm việc. Không ai bảo tôi phải làm điều đó, tôi cũng không nói với ai. Khi đơn vị mua đồ, một mình tôi đi mua, họ hỏi xuất hóa đơn là bao nhiêu? Tôi nói rằng, tôi tu luyện Pháp Luân Công, viết thật thanh toán thật. Chính Sư phụ đã dạy tôi cách trở thành một người tốt.

Chị gái tôi, Vu Chân Khiết, là kế toán của viện kiểm sát, chị ấy được phép copy trong các bài thi nâng bậc, nhưng chị gái tôi không sao chép. Chúng tôi tu “Chân”! Cuối cùng, Viện trưởng nghe chuyện, tìm gặp chị tôi và nói: "Trong xã hội vẫn còn những người như chị, viện kiểm sát nếu chỉ dùng một người thì sẽ dùng chị!"

Vu Tông Hải nói xong liền hỏi Dương Thanh Hoa: “Nếu anh là tôi, anh có chịu để mất lương tâm mà mắng Sư phụ của mình không?”

Dương Thanh Hoa không nói gì, Vu Tông Hải nói tiếp: “Ngày hôm nay, nếu như anh đánh chết tôi, tôi cũng không oán trách anh đâu. Kể từ ngày tôi bị bắt, tôi đã không tính đến chuyện được sống sót trở về. Tứ thư, tôi không thể viết, tôi không cần một lối thoát nào đâu."

Đại ca xã hội đen này đã đi từ kiêu ngạo đến ngạc nhiên, từ bạo ngược đến cảm động, cuối cùng Dương Thanh Hoa nói với Tông Hải: "Pháp Luân, làm người nên làm như vậy!"

Còn có đại ca xã hội đen ở Tuy Phân Hà, là tổng quản của khu trại giam số 6, anh ta học Vu Tông Hải viết thư pháp, và luyện được chữ rất đẹp. Anh ta cũng trở nên ôn hòa và thiện lương, dám bảo vệ công lý, quản lý khu trại giam anh ta phụ trách thành khu trại giam văn minh nhất trong toàn trại, các phạm nhân gọi anh ta là “Đại ca Nhân Nghĩa”.

Khi Vu Tông Hải ở trong trại giam, anh gặp một "vua giết người", kẻ đã bị kết án tử hình vì liên tiếp giết năm người. Vị "vua giết người" này vốn là một nông dân hiền lành, vì bị ức hiếp nên đã lấy ác trị ác. Vu Tông Hải đã dạy anh ấy các đạo lý làm người, dạy anh ấy học thuộc các bài thơ của Sư phụ Đại Pháp. Sau đó, trước khi người nông dân lầm lạc này bị xử tử, anh ấy buồn bã nói với Tông Hải: "Tôi biết anh muộn quá!"

Bản chất con người ta có cả thiện và ác, nhưng ĐCSTQ luôn lôi kéo con người phát triển theo chiều hướng xấu xa. Khi đối mặt với những người kiên định với Thiện, ĐCSTQ dùng mọi thủ đoạn, bức hại, tra tấn… để buộc họ phải từ bỏ đức tin. Tất cả những điều này có thể là hiện tượng kỳ lạ nhất trong xã hội hiện đại!

Sau khi ra nước ngoài, Minh Huệ càng nhận ra sự cao quý của ba mẹ mình. Những tâm hồn cao thượng càng không đáng để bị bức hại. Kể từ năm 2011, ở Anh quốc, Minh Huệ đã tích cực giải cứu ba mẹ thông qua nhiều cách thức. Em đi đến các thành phố lớn khác nhau ở Vương quốc Anh, đi đến Triển lãm nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn. Tại lễ khai mạc Triển lãm nghệ thuật, em đã nói về việc ba mẹ bị bức hại, đặc biệt là việc tính mạng của họ đang gặp nguy hiểm; tình trạng của ba em, một nghệ sĩ tài ba, tính mạng đang bị đe dọa.

Cuối mỗi bài phát biểu, Minh Huệ đều chân thành và chắc chắn kết luận rằng: "Tôi tự hào về ba mẹ tôi, những người đặt niềm tin vào "Chân - Thiện - Nhẫn", họ là những người trung thực và dũng cảm, sống theo nguyên lý "Chân - Thiện - Nhẫn". Đối mặt với sự tra tấn bức hại đến chết, họ vẫn không từ bỏ niềm tin của mình, như vậy, họ đã làm gương cho toàn thế giới".

Lúc em sắp tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, ông Vu Tông Hải, ba của Minh Huệ, sau song sắt cửa sổ đã nghẹn ngào nói với Minh Huệ: “Con gái, ba không giúp gì được cho con.”

Lúc đó, Minh Huệ mở to mắt, xua tay và nói với một nụ cười: “Ba ơi, không phải như vậy đâu!”

Sau đó em nghiêm túc nói rõ từng chữ: “Ba, ba đã cho con, thứ quý giá nhất, đó là giá trị tinh thần!

Vu Tông Hải cuối cùng cũng sống sót ra khỏi nhà tù Mẫu Đơn Giang vào năm 2016, còn mẹ em, cô Vương Mi Hoằng ra tù sớm hơn ba em hai năm, nhưng họ vẫn bị ĐCSTQ sách nhiễu, giám sát liên tục. Cho đến nay gia đình ba người của họ vẫn chưa được đoàn tụ, và thậm chí Vương Mi Hoằng lại bị bắt cóc, bị giam giữ một lần nữa vào cuối năm 2020! Mặc dù Minh Huệ và ba mẹ em vẫn ở xa nhau, bất kể họ ở bên bờ sông Mẫu Đơn hay bên bờ sông Thames, nhưng họ được kết nối chặt chẽ bởi "Chân - Thiện - Nhẫn".

(Bài viết được ghi lại từ Đài phát thanh Minh Huệ: 100 câu chuyện về gia đình Trung Quốc – Con gái, hãy giữ vững thiện lương).

Đức Nhã
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Con gái, hãy giữ vững thiện lương