Động đất ở Maroc: Do dịch chuyển của các mảng kiến tạo - cần có quy chuẩn xây dựng công trình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nguyên nhân của trận động đất tại Maroc là do hoạt động dịch chuyển của các mảng kiến tạo, đã bắt đầu từ hàng triệu năm trước. Cần có quy chuẩn xây dựng toà nhà cho khu vực trên đới đứt gãy này.

Hơn 2.500 người thiệt mạng khi trận động đất mạnh 6,8 độ richter xảy ra ở Maroc hôm 8/9. Tâm chấn nằm ở dãy núi High Atlas, cách Marrakesh 71 km về phía Tây Nam.

Moina Spooner, từ The Conversation Africa, đã hỏi Giáo sư địa vật lý học José A. Peláez, người đã thực hiện nghiên cứu về hoạt động địa chấn ở Maroc, về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Những yếu tố địa chất nào góp phần gây ra trận động đất này?

Bề mặt Trái đất được tạo thành từ một số mảng kiến tạo, những mảng lớn của lớp ngoài của hành tinh, chúng di chuyển ngược chiều nhau. Chuyển động này gây ra nhiều hiện tượng địa chất khác nhau, chẳng hạn như động đất, núi lửa và sự hình thành các ngọn núi và lưu vực đại dương.

Trận động đất ở Maroc chủ yếu liên quan đến sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo Eurasian và Nubian (Châu Phi). Mảng Eurasian trượt vào mảng Nubian là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành dãy núi Atlas, chạy qua Maroc, Algeria và Tunisia. Ngọn núi này chính là nơi có tâm chấn của trận động đất gần đây.

Các mảng kiến tạo tại khu vực xảy ra trận động đất tại Maroc. Ảnh: Shutterstock

Hiện tại, sự va chạm giữa các mảng đang khiến dãy núi Atlas bị ngắn lại, đó chính là lý do để giải thích cho tình trạng địa chấn phức tạp hiện nay tại khu vực này. Các nhà khoa học biết điều này nhờ dữ liệu từ các phép đo GPS cho thấy chúng đang di chuyển gần nhau hơn khoảng 1 milimet mỗi năm.

Sự rút ngắn và nén này đang gây ra hiện tượng được gọi là đứt gãy, do ma sát rất lớn giữa các mảng kiến tạo. Những đứt gãy này có thể là nguyên nhân gây ra trận động đất vừa qua tại Maroc. Các nhà khoa học cho rằng những đứt gãy này đã hoạt động từ rất lâu, cách đây vài triệu năm.

Ngoài ra, như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, Dãy núi High Atlas có một đặc điểm địa chất độc đáo là lớp vỏ cứng ngoài cùng của Trái đất, được gọi là thạch quyển, mỏng hơn bình thường; kết hợp với sự nhô lên bất thường của lớp phủ. Tất cả những đặc điểm này có thể đã ảnh hưởng đến sự xuất hiện của trận động đất cường độ cao này.

Lịch sử động đất của Maroc

Hoạt động địa chấn và các hiện tượng của nó, như động đất, không phải là điều bất thường ở Maroc.

Trong hàng nghìn năm qua, các trận động đất ảnh hưởng đến Maroc có xu hướng diễn ra chủ yếu ở hai khu vực. Ngoài khơi, dọc theo đứt gãy biến dạng Azores-Gibraltar và biển Alboran, và một địa điểm khác trên bờ, dọc theo dãy núi Rif ở phía bắc Maroc và dãy núi Tell Atlas ở tây bắc Algeria. Các trận động đất dọc theo Vành đai Atlas có số lượng nhỏ hơn nhưng không phải là bất thường.

Dãy núi Atlas. Ảnh: Wikipedia

Các trận động đất gần đây, đáng kể nhất ảnh hưởng đến Maroc là vào các năm 1994, 2004 và 2016, với cường độ từ 6,0 đến 6,3 độ richter. Những điều này xảy ra ở khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhất ở Maroc và cả ở khu vực phía tây Địa Trung Hải.

Trước đó nữa trong lịch sử, đã xảy ra trận động đất Agadir tàn khốc vào tháng 2 năm 1960, với cường độ 6,3 độ richter. Nó nằm xung quanh ranh giới giữa High Atlas phía tây và Anti Atlas ở phía nam. Dữ liệu hiện có chỉ ra rằng có khoảng 12.000 đến 15.000 người chết vì sự kiện này. Ngoài ra, gần địa điểm xảy ra trận động đất này còn xảy ra một trận động đất khác vào năm 1955 với cường độ ước tính khoảng 5,8 độ richter.

Trước đó nữa, trước khi có các thiết bị đo địa chấn, một số sự kiện quan trọng đã được ghi lại ở Maroc. Trong số đó có trận động đất Fès năm 1624, với cường độ ước tính là 6,7 và trận động đất Agadir năm 1731, với cường độ 6,4.

Có thể dự báo trước các trận động đất?

Động đất không thể dự báo trước được, ngay cả với kiến thức hiện tại về địa chấn. Trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng điều đó cũng sẽ không thể thực hiện được trong tương lai. Những gì các nhà địa chấn học có thể làm là xác định những khu vực có nhiều khả năng xảy ra động đất nhất, thậm chí xác định xác suất xảy ra và sự bất ổn định của khu vực.

Điều đó được gọi là dự báo dài hạn, được thực hiện từ các nghiên cứu nguy cơ địa chấn cụ thể trong khu vực. Chúng dựa trên kiến thức về địa chấn trong quá khứ trong khu vực, cả về mặt lịch sử lẫn công cụ đo địa chấn, cũng như kiến thức về các cấu trúc kiến tạo mảng đang hoạt động (đới đứt gãy) có thể tạo ra động đất. Càng có nhiều kiến thức về hai chủ đề – địa chấn và các đứt gãy hoạt động trong khu vực – thì người ta sẽ càng có nhiều kiến thức hơn về địa chấn trong tương lai có thể xảy ra trong khu vực.

Các nghiên cứu về nguy cơ địa chấn cũng bao gồm việc nghiên cứu các điều kiện lớp phủ gần bề mặt Trái đất và đặc điểm của các tòa nhà. Điều này giúp đánh giá thiệt hại có thể xảy ra từ những trận động đất tiềm ẩn này.

Có thể làm gì để giảm bớt tác động của các trận động đất trong tương lai ở Maroc?

Công cụ tốt nhất mà chúng ta có để giảm thiểu tác động của động đất là tiến hành các nghiên cứu cẩn thận về nguy cơ địa chấn. Kết quả của những nghiên cứu này sau đó phải được tích hợp thành các quy chuẩn xây dựng quốc gia. Bằng cách này, các kỹ sư có thể kết hợp các tiêu chuẩn an toàn địa chấn vào thiết kế tòa nhà.

Quy chuẩn xây dựng cần phải tính đến một số yếu tố, bao gồm đặc điểm của lớp phủ Trái đất, hướng dịch chuyển của sóng địa chấn và cách lớp phủ chuyển động gây ra các trận động đất. Ngoài ra còn có sự rung lắc dự kiến của mặt đất, ảnh hưởng đến kết cấu của các tòa nhà. Những yếu tố này khác nhau giữa các thành phố và trong một số trường hợp từ quận này sang quận khác.

Các nhà địa chấn học cho biết rằng những tòa nhà thiếu tiêu chuẩn kết cấu chống động đất sẽ gây ra mối nguy hiểm cho người dân ở những khu vực có nguy cơ địa chấn cao. Do đó, quy chuẩn xây dựng phải là bắt buộc và phải được cập nhật định kỳ. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ chúng ta trước những hiện tượng thảm khốc này.

Theo The Conversation



BÀI CHỌN LỌC

Động đất ở Maroc: Do dịch chuyển của các mảng kiến tạo - cần có quy chuẩn xây dựng công trình