Đừng chủ quan nếu thường xuyên bị đau đầu âm ỉ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ (56 tuổi) bị đột quỵ chảy máu não do phình động mạch.

Người nhà cho biết, bệnh nhân chưa có tiền sử bệnh lý mạn tính, nhưng thường xuyên bị đau đầu âm ỉ. Thay vì đi bệnh viện kiểm tra sức khoẻ, nữ bệnh nhân đã tự dùng thuốc để giảm đau tại nhà.

Trước thời điểm nhập viện khoảng một tiếng, bệnh nhân đột ngột bị đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã khám lâm sàng và chụp cộng hưởng từ sọ não cho bệnh nhân. Kết quả chẩn đoán cho thấy, nữ bệnh nhân bị đột quỵ chảy máu não do vỡ túi phình động mạch thông trước và chỉ định can thiệp nút túi phình mạch não.

Đến nay, sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại, bớt đau đầu, không còn bị nôn sốt, yếu liệt tay chân. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân có thể xuất viện trong 1-2 ngày tới.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Lưu Văn Thìn, Trung tâm Đột quỵ cho biết, trường hợp đột quỵ chảy máu não do vỡ túi phình mạch não hoàn toàn có thể phát hiện và điều trị sớm hơn nếu bệnh nhân đến khám và tầm soát ngay khi có hiện tượng đau đầu.

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thế Phi, Khoa Thần kinh - Đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) cho biết chứng đau đầu hay đau nửa đầu có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể chia thành hai dạng: đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát. Trong đó:

  • Đau đầu nguyên phát thường do căng thẳng, mất ngủ cấp tính, lối sống, sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi chưa phù hợp gây ra.
  • Còn đau đầu thứ phát có thể do một số bệnh lý nhất định.

Theo bác sĩ Phi, nếu một người thường xuyên bị đau đầu, họ không nên chủ quan, vì chứng đau đầu này có thể là do mắc các bệnh liên quan đến đột quỵ như tăng huyết áp, thiếu máu não, dị dạng, hẹp hoặc phình mạch máu não.

Do đó, bất kể là đau đầu nguyên phát hay thứ phát, miễn là chứng đau đầu kéo dài, thì đều nên đi khám càng sớm càng tốt, đặc biệt là người từ 30 tuổi trở lên.

Nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu ở vị trí khác nhau

- Đau đỉnh đầu

Triệu chứng từ nhẹ đến dữ dội, cảm giác như có vật nặng đè lên, có lúc kèm theo biểu hiện khác như buồn nôn và nôn, chóng mặt, khó thở, hoa mắt, nhìn mờ, sụp mí, các vị trí khác như cổ / vai / gáy đau nhức…

Nó có thể xuất hiện chớp nhoáng, tự hết sau một vài phút. Trong một số trường hợp, con đau kéo dài và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, có nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân có thể là do các bệnh lý như cao huyết áp, thiếu máu lên não, hội chứng co mạch não…; vận động quá sức; mất ngủ kéo dài; thời tiết thay đổi; dùng quá nhiều thuốc giảm đau; thường xuyên căng thẳng…

- Đau nửa đầu

Đau nửa đầu kèm theo triệu chứng buồn nôn và nôn mửa, uể oải, mệt mỏi, thay đổi vị giác và tâm trạng, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng thì đây chính là các triệu chứng của bệnh đau nửa đầu Migraine.

Một số yếu tố được cho là có liên quan đến tình trạng này đó là do sử dụng nhiều bia rượu và caffeine, mất ngủ triền miên, lo lắng kéo dài, sử dụng các thuốc làm thay đổi nội tiết tố hay thời tiết thay đổi...

- Đau đầu sau gáy

Đau đầu sau gáy, vai và cổ, có thể lan lên vùng thái dương và đỉnh đầu, dẫn đến đau âm ỉ, kéo dài hoặc đau thành từng cơn.

Mức độ của cơn đau có thể từ nhẹ tới nặng, thậm chí là biểu hiện đau bó thắt, điện giật, kèm theo cứng cổ, buồn nôn, khó ngủ, chóng mặt và kiệt sức.

Nguyên nhân gây đau đầu sau gáy phần lớn là do: ngồi hoặc nằm sai tư thế; chấn thương trong khi vận động thể dục thể thao, tổn thương vùng cổ vai gáy do sinh hoạt hay lao động; mang vác vật nặng hay căng thẳng quá độ; hoặc có thể là do một số bệnh lý như tăng áp lực nội sọ, cao huyết áp, viêm màng não, hội chứng nhiễm siêu vi, bệnh lý hố sau, các bệnh về đốt sống cổ.

- Đau toàn bộ đầu

Cơn đau lan ra cả đầu, không xác định được vị trí cụ thể, đôi khi còn lan xuống cổ và vai. Mức độ từ nhẹ đến trung bình, có khả năng liên quan tới hội chứng đau đầu thứ phát và là dấu hiệu cảnh báo hết sức nguy hiểm. Nếu thường xuyên gặp tình trạng này, thì bạn nên đi khám ngay.

Nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng kéo dài và thường gặp ở phụ nữ đang mang thai.

- Đau đầu phía sau tai

Xuất hiện ở phía sau tai với triệu chứng giật một hoặc cả hai bên tai, da đầu tăng nhạy cảm, đau tăng khi cử động cổ.

Tình trạng này có thể là hệ quả của các bệnh lý như viêm xương chũm, rối loạn khớp thái dương hàm, viêm thần kinh chẩm, một số vấn đề răng miệng...

- Đau nhức thái dương

Cơn đau buốt diễn ra âm ỉ, xuất hiện vào buổi sáng và có thể kéo dài trong vài phút, thậm chí là vài giờ làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Nguyên nhân có thể xuất phát từ chấn thương vùng đầu, viêm màng não, khối u, viêm xoang, thiếu máu não, viêm động mạch thái dương, đau nửa đầu, bệnh về răng miệng...

- Đau đầu vị trí trán, mắt, má

Nếu bạn cảm thấy bị đau đầu vùng trán (khởi nguồn từ hai bên thái dương tới giữa hai bên lông mày) thì có khả năng là triệu chứng của bệnh mạch máu não, hội chứng giao cảm cổ, rối loạn thần kinh chức năng, viêm xoang trán, khối u chèn ép não hoặc do căng thẳng quá mức gây ra.

Đây cũng là một trong các vị trí nguy hiểm bạn cần đề phòng.

Trong trường hợp người bệnh bị đau bên trong, đằng sau hoặc đau quanh mắt, cơn đau lan lên má cùng những vị trí khác trên mặt, kèm theo đó là các dấu hiệu bất thường khác như buồn nôn, hào quang thị giác thì rất có thể bệnh nhân đang gặp phải chứng đau đầu cụm.

Đặc điểm của nó là gây đau đầu dữ dội, xuất hiện vào ban đêm, thời lượng kéo dài từ vài phút cho tới vài tiếng khiến người bệnh vô cùng đau đớn và kiệt sức.

Bảo Vy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Đừng chủ quan nếu thường xuyên bị đau đầu âm ỉ