Tỷ phú Elon Musk: Nga thà sử dụng vũ khí hạt nhân chứ không thể mất Crimea

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tỷ phú Elon Musk, Nga coi Crimea như một phần lãnh thổ không thể tách rời nên nếu Ukraine cố giành lại bán đảo này thì chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra.

“Nếu Nga phải đối mặt với việc mất Crimea hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường, thì họ sẽ chọn phương án thứ hai. Chúng ta đã trừng phạt, cắt đứt Nga bằng mọi cách có thể. Vậy họ còn gì để mất?”, tỷ phú Elon Musk - Giám đốc điều hành Space X và Tesla bình luận khi ông được hỏi rằng liệu xung đột Ukraine có thể phát triển thành một cuộc chiến tranh hạt nhân hay không.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky từng nhiều lần tuyên bố rằng ông có ý định giành lại quyền kiểm soát Crimea cùng với 4 khu vực của Ukraine vừa bỏ phiếu gia nhập Nga. Crimea sáp nhập Nga vào năm 2014, do đó nằm dưới sự bảo vệ của kho vũ khí hạt nhân Nga.

Tổng thống Nga Putin từng tuyên bố học thuyết hạt nhân Nga cho phép nước này tự vệ bằng “tất cả các phương tiện sẵn có” nếu sự tồn tại của quốc gia bị đe dọa.

“Dù muốn hay không, Crimea vẫn được Nga coi là một phần cốt lõi của Nga”, Elon Musk viết. “Crimea cũng có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia Nga, vì đây là căn cứ hải quân phía Nam của nước này. Theo quan điểm của họ, việc mất Crimea cũng giống như Mỹ mất Hawaii và Trân Châu Cảng.”

Crimea chính thức là một phần của Nga từ năm 1783 cho đến khi được lãnh đạo Liên Xô trao cho Ukraine vào năm 1954.

Hồi đầu tháng này, Elon Musk nói rằng đây là một quyết định sai lầm và gợi ý rằng Ukraine nên từ bỏ yêu sách của mình đối với bán đảo trong thỏa thuận hòa bình với Nga.

Gần đây, Elon Musk tuyên bố ông sẽ ngừng cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink miễn phí cho Ukraine. Tuy nhiên, quyết định này đã được tỷ phú lập tức rút lại.

Kho vũ khí hạt nhân của Nga có gì?

Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), hiện nay Nga có tổng cộng 5.977 đầu đạn hạt nhân, nhiều nhất trên thế giới. Trong số này có khoảng 1.500 đầu đạn không còn biên chế sử dụng.

Xe phóng tên lửa đạn đạo của Nga. Ảnh: Getty Images
Xe phóng tên lửa đạn đạo của Nga. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân, Pháp có 290 và Anh có 225. FAS cho biết khoảng 90% tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới do Nga và Mỹ sở hữu.

Trong trường hợp của Nga, trong số khoảng 4.500 đầu đạn hạt nhân còn sử dụng được, hầu hết được coi là "chiến lược".

Nga đã đầu tư vào nhiều vũ khí khác nhau để sử dụng những đầu đạn này. Trong đó có tên lửa đạn đạo phóng từ trên mặt đất có thể tiếp cận lãnh thổ Mỹ, tên lửa phóng từ tàu ngầm, tên lửa triển khai từ máy bay...

Các chuyên gia ước tính khoảng 1.500 đầu đạn của Nga đang được "triển khai", tức là chúng đang được lắp đặt tại các căn cứ tên lửa, trên máy bay ném bom hoặc trên các tàu ngầm. Cùng với đó là "khoảng 977 đầu đạn chiến lược và 1.912 đầu đạn phi chiến lược (tức chiến thuật)" đang được dự trữ, theo tổ chức Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists - BAS).

Tuy nhiên, theo Đài Sky News, các chuyên gia nhận định vẫn khó biết chính xác số lượng đầu đạn hạt nhân và vũ khí của Nga.

Hiện nay các chuyên gia quân sự vẫn đang phân tích khả năng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật như thế nào trong một cuộc xung đột thông thường, giống như cuộc chiến ở Ukraine.



BÀI CHỌN LỌC

Tỷ phú Elon Musk: Nga thà sử dụng vũ khí hạt nhân chứ không thể mất Crimea