Göbekli Tepe, ngôi đền cổ nhất thế giới, xây dựng theo một sơ đồ hình học chính xác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo phát hiện mới, con người vào thời kỳ săn bắt và hái lượm có thể đã xây dựng ngôi đền cổ nhất thế giới theo một sơ đồ hình học chính xác.

Địa điểm thời kỳ đồ đá mới này, được biết đến với tên gọi là Göbekli Tepe, nằm trên đỉnh một ngọn núi đá vôi ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Các cột hình chữ T tại đây, với các hình chạm khắc thần bí về động vật, biểu tượng trừu tượng và bàn tay, được sắp xếp thành các vòng tròn và hình bầu dục khổng lồ. Mỗi cấu trúc được tạo thành từ hai cột trụ lớn ở trung tâm bao quanh bởi các cột nhỏ hơn hướng vào bên trong.

Göbekli Tepe (có nghĩa là "đồi bụng" trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ) được xây dựng cách đây khoảng 11.000 đến 12.000 năm - sớm hơn hàng trăm năm so với bất kỳ bằng chứng nào về việc trồng trọt hoặc thuần hóa động vật trên hành tinh của chúng ta. Vì vậy người ta cho rằng công trình khổng lồ này là do con người thời săn bắt hái lượm tạo ra.

Tác giả cấp cao Avi Gopher, giáo sư tại Khoa Khảo cổ học và các nền văn minh Cận Đông cổ đại tại Đại học Tel Aviv, cho biết, công trình xây dựng ấn tượng này có trước Stonehenge 6.000 năm, cho thấy một “sự chuyển hướng từ lối sống săn bắt và hái lượm”.

Nhà khảo cổ học người Đức Klaus Schmidt đã phát hiện ra địa điểm này - nơi dường như là nơi thờ cúng hoặc tụ họp tôn giáo cổ xưa - vào năm 1994. Phát hiện này đã làm chấn động giới khảo cổ và thách thức giả thuyết lâu đời cho rằng tôn giáo có tổ chức chỉ xuất hiện sau khi các nền văn hóa bắt đầu thực hành nông nghiệp.

Các nhà khảo cổ mới chỉ khai quật được một phần nhỏ của các khối đá lớn và các cuộc khảo sát trên mặt đất cho thấy có ít nhất 15 khu vực vòng tròn khác ẩn dưới lòng đất. Vì vậy, vẫn còn nhiều bí ẩn về địa điểm này và những người nguyên thủy đã xây dựng nó.

Một câu hỏi lớn khác là những vòng tròn khác nhau này liên hệ với nhau như thế nào. Tất cả chúng đều được sử dụng cùng một lúc hay một cái được xây dựng trước rồi bỏ đi và lấp lại trước khi cái tiếp theo được xây dựng?

Tam giác đều bí ẩn

Để tìm ra điều này, Gopher và nghiên cứu sinh tiến sĩ Gil Haklay, cũng tại Đại học Tel Aviv ở Israel, đã sử dụng thuật toán máy tính để phân tích kiến ​​trúc cơ bản của địa điểm. Nhóm đã đo khoảng cách trong các khu vực vòng tròn và giữa các khu vực này, trong đó khu vực lớn nhất có đường kính hơn 20 mét.

Họ phát hiện ra rằng hai cột trụ ở giữa được căn chỉnh sao cho chúng nằm tại điểm chính giữa của cấu trúc hình tròn. Hơn nữa, khi họ vẽ các đường tưởng tượng nối các điểm chính giữa của ba cấu trúc, họ phát hiện ra rằng chúng tạo thành một tam giác đều gần như hoàn hảo.

Điều này cho thấy ba cấu trúc này đã được lên kế hoạch từ trước và được xây dựng theo một “thiết kế hình học”, Gopher nói. Các nhà khảo cổ tin rằng những người nguyên thủy chắc chắn đã khai quật và di chuyển những tảng đá vôi từ một mỏ đá gần đó.

Gopher nói với Live Science: “Xây dựng một trong những cấu trúc này là một dự án lớn, nhưng cả ba công trình được lên kế hoạch cùng nhau có nghĩa là những người này đã điều động được rất nhiều sức lao động [và] rất nhiều năng lượng”.

Ngoài ra, ông cho biết thêm, mặc dù ba khu vực vòng tròn có thể được lên kế hoạch như một dự án duy nhất, các phương pháp xác định niên đại không thể cho biết liệu chúng được xây dựng cùng thời điểm hay có lẽ cách nhau vài tháng hay vài năm.

Các tác giả viết: “Sự phức tạp của thiết kế kiến ​​trúc” chắc chắn đòi hỏi phải có sơ đồ hoặc biểu đồ mà các nhà xây dựng sử dụng như một hướng dẫn để tái tạo các cấu trúc lớn hơn. Điều đó có nghĩa là tổ tiên xa xưa của chúng ta đã hiểu biết về việc khái niệm hóa một sơ đồ mặt bằng phức tạp và tái tạo nó ở bất kỳ kích thước nào.

Gopher cho biết, ý tưởng rằng địa điểm này đã được lên kế hoạch cẩn thận trên một quy mô nhỏ và sau đó được xây dựng trên quy mô lớn hơn có nghĩa là có một nhóm lãnh đạo nào đó đã khởi xướng, lập kế hoạch và điều hành các dự án này.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng có một vài kiến ​​trúc sư bậc thầy đã lên kế hoạch cho cả ba công trình. Tristan Carter, một chuyên gia về địa điểm này và là Phó giáo sư tại Khoa Nhân chủng học tại Đại học McMaster ở Canada, người không tham gia nghiên cứu, cho biết đây không phải là một "lý lẽ hoàn toàn rõ ràng", nhưng các nhà nghiên cứu "đã tạo ra một lượng kiến ​​thức có thể thúc đẩy chúng ta đi theo hướng đó".

Những điều kỳ lạ khác

Một số khối đá lớn của Göbekli Tepe, có thể cao tới 5,5 mét và nặng tới 45 tấn, và trần trụi, trong khi một số khác được bao phủ bởi những hình chạm khắc ấn tượng về các biểu tượng trừu tượng và động vật như cáo, sư tử, bò, rắn và côn trùng.

Carter cho biết, mỗi khu vực vòng tròn dường như có một con vật thống trị được miêu tả nhiều lần. Điều này có thể có nghĩa là các nhóm người săn bắt và hái lượm khác nhau có một loài vật đại diện riêng để thờ cúng. Những người săn bắt và hái lượm được cho là phần lớn là những người theo thuyết vật linh - tin rằng mọi thứ từ động vật đến thực vật đều có linh hồn. Trong các nền văn hóa theo thuyết vật linh, hình ảnh đại diện của động vật thường liên quan đến các nhóm văn hóa cụ thể.

Tuy nhiên, Carter cho biết, khu vực lớn nhất, được gọi là khu vực D, lại có rất nhiều biểu tượng động vật chứ không chỉ có một. Hơn nữa, theo nghiên cứu, hai cây cột trung tâm của khu vực D có những hình chạm khắc có thể tượng trưng cho “thực thể” giống con người. Như Schmidt đề xuất lần đầu, điều này có thể có nghĩa là khu vực vòng tròn này rất đặc biệt - hoặc có lẽ là công trình chính.

Carter cho biết, dù câu chuyện về nguồn gốc của Göbekli Tepe là gì thì đó vẫn “là nơi đáng kinh ngạc nhất, Con người có lẽ không có ý định làm những việc vĩ đại và phức tạp sớm như vậy”. Có thể trong thời kỳ các kiến ​​trúc sư của Göbekli Tepe sinh sống, đã có một sự thay đổi lớn xảy ra.

Trong khi một số nhà khảo cổ học cho rằng những thay đổi tự nhiên trong môi trường hay khí hậu đã đẩy xã hội đến với nông nghiệp thì những người khác lại cho rằng đó là sự thay đổi trong nhận thức.

Gopher nói: “Đó là một khoảng thời gian rất bất ổn, mọi thứ đang diễn ra trong tâm trí mọi người”. Ông nói, con người đang thay đổi hệ tư tưởng và mối quan hệ của họ với thiên nhiên, và những thay đổi này có thể cho phép họ tạo ra một địa điểm như Göbekli Tepe và cuối cùng chuyển sang làm nông nghiệp.

Những phát hiện mới đã được công bố trên Cambridge Archeological Journal.

Theo Livescience



BÀI CHỌN LỌC

Göbekli Tepe, ngôi đền cổ nhất thế giới, xây dựng theo một sơ đồ hình học chính xác