Guinea ghi nhận thêm 8 trường hợp nhiễm virus Marburg, giới chức lo ngại virus có dấu hiệu lan rộng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 9 ca tử vong hồi tháng trước do virus Marburg, Guinea Xích đạo vừa ghi nhận thêm 8 trường hợp nhiễm bệnh khác, theo nguồn tin từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm 23/3.

Các chuyên gia y tế cho rằng virus Marburg đang có dấu hiệu lây lan rộng, khi vị trí phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh cách nhau khoảng 150km.

Cụ thể, trong 8 ca bệnh mới nhất: có hai người ở tỉnh Kie-Ntem, bốn người ở tỉnh Litoral và hai trường hợp còn lại ở Centre-Sur.

Tính từ đợt bùng phát hồi tháng Hai đến nay, số ca nhiễm được xác nhận trong phòng thí nghiệm tăng lên 9 ca, trong khi số trường hợp nghi nhiễm tăng lên 20. Cũng trong giai đoạn này, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 20 trường hợp tử vong do virus Marburg, theo Reuters.

Virus Marburg được phát hiện lần đầu vào năm 1967. Kể từ đó, chủng virus chết người này còn xuất hiện tại Uganda, Kenya, cũng như Cộng hòa Dân chủ Congo và Angola ở Trung Phi.

Chủng virus này có tỷ lệ tử vong rất cao, lên tới 88%. Thời gian ủ bệnh dao động từ 2-21 ngày. Người nhiễm bệnh thường đột ngột đau đầu dữ dội, ớn lạnh, đau cơ, khó chịu, thân nhiệt tăng cao, buồn nôn và nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy…

Khi tình trạng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị sốc và mất máu nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp tử vong đều xảy ra sau một tuần, tính từ thời điểm phát hiện bệnh.

Trong những năm gần đây, virus Marburg có mật độ xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Thực tế cho thấy, một số đợt bùng phát virus có liên quan đến hoạt động của con người trong khu vực trú ngụ của dơi ăn quả Ai Cập.

Dơi ăn quả Ai Cập có phạm vi hoạt động trải khắp khu vực Châu Phi cận Sahara, đồng bằng sông Nile và một phần ở Trung Đông. Vì vậy, bất kỳ nơi nào trong số này cũng đều có nguy cơ lây lan virus, (theo The Conversation).

Hiện tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận bất kỳ một trường hợp nghi nhiễm nào liên quan đến chủng virus này.

Mặc dù virus chỉ lây truyền khi có sự tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của động vật hoặc dùng chung đồ vật của người bệnh, nhưng điều này không đồng nghĩa rằng chúng ta có thể chủ quan. Những người đi lại và nhập cảnh từ nước ngoài rất có thể mang theo mầm bệnh một cách không tự biết.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có công văn số 1452 nhằm yêu cầu các địa phương trên cả nước triển khai biện pháp giám sát và phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ. Đối với những người có biểu hiện bất thường hoặc hành khách nhập cảnh từ các nước có dịch Marburg, cần cách ly và theo dõi trong 21 ngày.

Nhật Duy tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Guinea ghi nhận thêm 8 trường hợp nhiễm virus Marburg, giới chức lo ngại virus có dấu hiệu lan rộng