Vì sao virus Marburg được mệnh danh là ‘cơn ác mộng toàn cầu’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, lên tới 88%. Ở các quốc gia có hệ thống y tế tốt, tỷ lệ tử vong cũng không hề thấp, khoảng 30%. Hầu hết các trường hợp tử vong diễn ra sau một tuần nhiễm virus và thường đi kèm với sốc mất máu nghiêm trọng.

Virus Marburg đặt theo tên của địa danh, nơi nó được phát hiện lần đầu vào tháng 8 năm 1967. Khi đó, các triệu chứng của bệnh lạ đã xuất hiện trên 30 người ở thị trấn Marburg và Frankfurt của Tây Đức, cùng hai người khác ở Belgrade và Nam Tư (Serbia ngày nay).

Căn bệnh chết người đã khiến 7 trong số 32 trường hợp nhiễm virus tử vong, tỷ lệ ước tính 23%.

Trước khi nhập viện, các bệnh nhân đột ngột có biểu hiện đau đầu dữ dội, đau cơ, khó chịu và thân nhiệt cao (lên tới 39°C hoặc hơn). Trong số này, 25% trường hợp bị sốc và mất máu nghiêm trọng.

Truy ngược lại nguồn gốc của đợt bùng phát bí ẩn, người ta phát hiện các bệnh nhân đầu tiên ở thị trấn Marburg là nhân viên của một nhà sản xuất huyết thanh và vaccine, có tên là Behringwerke; bệnh nhân ở Frankfurt là nhân viên của viện Paul Ehrlich, một viện kiểm soát huyết thanh và vaccine. Trong khi đó, trường hợp nhiễm bệnh ở Belgrade là một nhân viên tham gia thử nghiệm vaccine sống. Tất cả đều có tiếp xúc với máu, nội tạng và nuôi cấy tế bào từ loài khỉ xanh Châu Phi, (nguồn: The Journal of Infectious Diseases).

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vật chủ chứa virus Marburg là dơi ăn quả Châu Phi - Rousettus aegyptiacus. Khi nhiễm virus, dơi ăn quả không có dấu hiệu bệnh rõ ràng, trong khi các loài linh trưởng và con người có thể phát triển thành bệnh nghiêm trọng.

Kể từ lần xuất hiện đầu tiên vào năm 1967, virus Marburg thi thoảng tái bùng phát vào các năm 1975, 1980, 1987, 1990, 1998-2000, 2004-2005, 2007, 2008, 2017, 2021, 2022 và mới nhất là 2023.

Cộng đồng y tế bày tỏ sự lo ngại khi mật độ xuất hiện của virus ngày càng trở nên thường xuyên hơn trong những năm gần đây.

Virus Marburg gây triệu chứng nguy hiểm

Theo CDC, Marburg là một loại RNA virus độc nhất về mặt di truyền thuộc họ filovirus. Nó gây sốt xuất huyết nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể và chảy máu.

Virus lây truyền từ động vật sang người thông qua dịch tiết, hoặc từ người sang người khi dùng chung vật dụng có chứa dịch tiết mang theo virus, chẳng hạn như ga trải giường, cốc chén, đũa, khăn mặt…

The Conversation cho hay, nó thậm chí có thể lây truyền qua thủ tục chôn cất truyền thống, khi vô tình tiếp xúc trực tiếp với da của người chết do virus.

Tuy nhiên, điều quan trọng là virus không lây qua đường không khí, nên khả năng lan truyền của nó sẽ kém hơn so với virus corona (COVID-19).

Thời gian ủ bệnh của virus kéo dài từ 2 đến 21 ngày. Các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột: sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ. Đến ngày thứ 5 sau khi khởi bệnh, cơ thể bệnh nhân (ngực, lưng, bụng) thường xuất hiện các nốt ban sẩn.

Còn có các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, đau họng, đau ngực, đau bụng và tiêu chảy.

Theo WHO, virus Marburg cũng gây chảy máu nướu răng, mũi và cơ quan sinh dục. Nó có khả năng lan đến hệ thần kinh, khiến bệnh nhân trở nên hung dữ, cáu gắt và lú lẫn.

Khi tình trạng nghiêm trọng, người bệnh có thể bị vàng da, sụt cân, viêm tụy, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan.

Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, lên tới 88%. Ở các quốc gia có hệ thống y tế tốt, tỷ lệ tử vong cũng không hề thấp, khoảng 30%. Hầu hết các trường hợp tử vong diễn ra sau một tuần nhiễm virus và thường đi kèm với sốc mất máu nghiêm trọng.

Trước đó, từ 7/1 - 21/2, giới chức y tế ở Guinea Xích Đạo (Tây Phi) cũng phát hiện 9 trường hợp nghi nhiễm virus Marburg, tất cả đều đã tử vong.

Chưa có cách đối phó với virus Marburg

Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một phương pháp chữa trị hay vaccine nào để đối phó với các trường hợp nhiễm virus Marburg, theo CDC.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có thể cải thiện khả năng sống sót cho bệnh nhân bằng cách chăm sóc sớm, bù nước và điều trị triệu chứng. Hơn nữa, một loạt các biện pháp điều trị bằng thuốc và liệu pháp máu cũng đang được phát triển.

Trước mối đe dọa của chủng virus chết người, mới đây, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đề nghị giám sát 21 ngày đối với những trường hợp nghi mắc.

Zing dẫn lời TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay, để xác định trường hợp nghi nhiễm virus, có thể dựa vào hai yếu tố chính:

  • Yếu tố dịch tễ: Người đi về từ khu vực Tây Phi, hoặc người từng tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm virus (hoặc đã nhiễm virus).
  • Triệu chứng lâm sàng: Người có các biểu hiện bệnh kể trên nhưng không lý giải được nguyên nhân dẫn đến bệnh lý.

WHO khuyến cáo, các trường hợp tử vong do nhiễm virus Marburg cần được chôn cất nhanh chóng và an toàn. Trong khi đó, những ai đã tiếp xúc với người chết cần phải theo dõi trong 21 ngày.

Chấn Hưng tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao virus Marburg được mệnh danh là ‘cơn ác mộng toàn cầu’?