Hết kiên nhẫn với Bắc Kinh, doanh nghiệp quốc tế tháo chạy khỏi Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau thời gian dài chịu đựng những hành vi hung hăng và xấu xa của chính quyền Trung Quốc, quan điểm của giới doanh nghiệp quốc tế về môi trường kinh doanh tại đất nước này đã thay đổi rõ rệt. Xu hướng tháo chạy đang diễn ra không phải xuất phát từ những áp đặt chính trị mà là vì những lý do thị trường.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và những nhân vật khác trong chính quyền Trung Quốc thường xuyên liên kết họ với sự nổi tiếng của văn hóa Trung Quốc về tính kiên nhẫn và quan điểm lâu dài trong tương tác của con người. Danh tiếng văn hóa đó có thể là đúng, nhưng nó dường như không đúng với chính quyền Bắc Kinh. Những gì mà giới lãnh đạo Trung Quốc thực hiện không hề thể hiện sự kiên nhẫn hoặc quan điểm dài hạn. Điều này đặc biệt chắc chắn đúng trong lĩnh vực kinh tế.

Ngược lại, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện sự thiếu kiên nhẫn chưa chín chắn trong việc kéo mọi đòn bẩy sức mạnh nhanh nhất có thể. Và hơn thế nữa, hành vi khá phi Trung Quốc này đã bắt đầu làm suy yếu cơ sở kinh tế của sức mạnh của họ.

Quá trình phát triển tự nhiên của nền kinh tế

Không phải tất cả các vấn đề của Trung Quốc đều liên quan tới sự thiếu kiên nhẫn nhằm thể hiện quyền lực. Một số xuất phát từ kết quả tự nhiên của sự phát triển của nền kinh tế. Khi Trung Quốc bắt đầu sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc vào cuối những năm 1970, khả năng cung cấp cho các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản một lực lượng lao động có kỷ luật, được giáo dục hợp lý và không tốn kém là một tài sản lớn của quốc gia này. Ngay cả tới năm 2000, khi Trung Quốc lần đầu tiên gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức lương trung bình hàng năm của nó chỉ có hơn 3% mức của Mỹ. Nguồn lao động giá rẻ đó đã mang lại hàng tỷ đầu tư từ phương Tây và Nhật Bản, đem tới thu nhập và cơ hội cho nền kinh tế Trung Quốc.

Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, tiền lương của người Trung Quốc đã tăng nhanh hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới phát triển. Đến năm 2021, năm cuối cùng có sẵn dữ liệu hoàn chỉnh, mức lương trung bình của Trung Quốc lên tới gần một phần ba của mức của người Mỹ - vẫn là một khoảng cách lớn nhưng khác hẳn quá khứ và cũng không hấp dẫn như cũ.

Những chính sách, hành vi tồi tệ

Nhưng ngoài vấn đề với diễn biến không thể tránh khỏi này, Bắc Kinh còn đưa ra một số chính sách không hợp lý. Ví dụ, trong đại dịch Covid, Bắc Kinh đã chặn hàng xuất khẩu thiết yếu đến phần còn lại của thế giới, chẳng hạn như mặt nạ phẫu thuật. Tất cả đều có thể hiểu được mong muốn cung ứng cho người dân trong nước của Bắc Kinh, nhưng dù sao hành động này đã thúc đẩy các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản đánh giá lại độ tin cậy của nguồn cung ứng Trung Quốc. Theo sau kinh nghiệm đó, các đợt phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt của các chính sách zero-Covid của Bắc Kinh đã củng cố những nghi vấn về độ tin cậy.

Thiếu đi hai điểm hấp dẫn này - nguồn lao động giá rẻ và độ tin cậy - các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản đã tìm thấy lý do để bực bội hơn trước đây về các đặc điểm không hấp dẫn khác của việc kinh doanh tại Trung Quốc. Bắc Kinh, chẳng hạn, nhấn mạnh rằng bất kỳ công ty nào kinh doanh ở Trung Quốc đều phải chia sẻ bí mật công nghệ và thương mại của mình với một đối tác Trung Quốc. Nếu điều đó vẫn còn chưa đủ, chế độ này đã thường xuyên đánh cắp tài sản trí tuệ được cấp bằng sáng chế và có bản quyền từ các công ty nước ngoài.

Trong khi Trung Quốc còn nhỏ bé và cung cấp những lợi thế hấp dẫn khác, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài và chính phủ của họ có thể bỏ qua hành vi xấu xa đó. Nhưng khi Trung Quốc đã phát triển và mất đi các điểm hấp dẫn khác, việc bỏ qua hành vi đó đã trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là vì Bắc Kinh, bất chấp các khiếu nại quốc tế, không cho thấy dấu hiệu thay đổi phương thức cũ.

Và sau đó là những hành vi bắt nạt và thù hận mà Bắc Kinh đã ngày càng dấn thân vào. Nó đã duy trì sự hiện diện của hải quân ở Biển Nam và Đông Trung Quốc bất chấp các tuyên bố hợp pháp của Nhật Bản và Philippines. Bắc Kinh đã lờ đi những phát hiện của các tòa án quốc tế. Nó thường xuyên đe dọa có hành động quân sự chống lại Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng cả công cụ chính thức và không chính thức để trả đũa chống lại lợi ích kinh doanh của Hàn Quốc khi chính phủ của họ thiết lập hệ thống chống tên lửa Thaad. Chính quyền này đã cắt giảm doanh số bán rượu của Úc để trừng phạt Canberra chỉ vì đã đặt câu hỏi về nguồn gốc của Covid-19. Bắc Kinh đã thực hiện các hành động tương tự với Ericsson của Thụy Điển, các siêu thị Lotte của Hàn Quốc, và tất cả hoạt động sản xuất của Litva chỉ đơn giản vì đã giao dịch với Đài Loan.

Và nếu những hành động như vậy chưa đủ để khiến các doanh nghiệp suy nghĩ lại về mối liên hệ với Trung Quốc, thì xu hướng của các chính phủ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nhằm phản ứng lại những sự bắt nạt và các hành vi nhức nhối lâu đời hơn đã khiến các doanh nghiệp phải lo lắng về việc bị cuốn vào giữa các tranh chấp ngoại giao.

Hết kiên nhẫn với Bắc Kinh, doanh nghiệp quốc tế tháo chạy khỏi Trung Quốc
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có bài phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh kinh doanh vào ngày 01/11/2015 tại Seoul, Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tập trung tại Seoul để tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên sau ba năm. (Ảnh: Jung Yeon-Je-Pool/Getty Images)

Bằng chứng về thay đổi thái độ kinh doanh

Các cuộc khảo sát và bình luận kinh doanh phương Tây gần đây là bằng chứng cho sự thay đổi thái độ. Một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 6 năm ngoái bởi Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc lưu ý rằng một phần tư các thành viên hiện đang hoạt động tại Trung Quốc đang xem xét đóng cửa và chuyển hoạt động của họ sang nơi khác. Một nửa phàn nàn rằng việc kinh doanh ở Trung Quốc đã trở nên quá chính trị. Những phản ứng này tương phản rõ rệt với những thái độ trước đó. Ngay như năm 2019, một cuộc thăm dò tương tự cho thấy sự nhiệt tình rộng rãi đối với triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc.

Ngoài ra, dấu hiệu cho lối suy nghĩ mới nằm ở những nhận xét của Tổng giám đốc của Liên minh công nghiệp Anh Tony Danker. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông tuyên bố rằng mọi công ty mà ông đã nói chuyện với đều đang xem xét một sự thay đổi đối với trọng tâm Trung Quốc của chuỗi cung ứng của mình.

Bà Bettina Schoen-Behanzin, Phó chủ tịch Phòng châu Âu, đã lưu ý rằng "điều duy nhất có thể dự đoán được về Trung Quốc là sự không thể đoán trước của nó, và điều đó là độc hại đối với môi trường kinh doanh".

Công ty bảo hiểm Anh-Mỹ, Willis Towers Watson, báo cáo rằng 95% các công ty đa quốc gia lo ngại về nguy cơ kinh doanh ở Trung Quốc, tăng từ 62% chỉ hai năm trước.

Một số công ty nổi bật đã bắt đầu di chuyển hoặc đang nghiêm túc xem xét làm như vậy. Apple đã lên kế hoạch sản xuất Airpod Pro 2 cho Việt Nam chứ không phải Trung Quốc. Samsung đang đưa ra quyết định tương tự liên quan đến sản xuất Trung Quốc. Volvo đã từ chối mở một nhà máy mới ở Trung Quốc và sẽ xây dựng nó ở Slovakia. Adidas và các nhà sản xuất giày và may mặc khác từ lâu đã rời Trung Quốc đến Việt Nam và các địa điểm khác. Các công ty Nhật Bản đã bắt đầu mang một số hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc về nước. Và danh sách này vẫn còn rất dài.

Bất chấp tất cả các xu thế, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn đóng vai trò lớn. Nền kinh tế đó chỉ đơn giản là quá lớn và quá quan trọng. Nhưng sự tách rời mà Washington nói đến không ngừng nghỉ rõ ràng đã bắt đầu, đáng chú ý chủ yếu là vì lý do thị trường mà không phải do sự ép buộc bị áp đặt bởi Mỹ hoặc bất kỳ chính phủ phương Tây nào khác.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Hết kiên nhẫn với Bắc Kinh, doanh nghiệp quốc tế tháo chạy khỏi Trung Quốc