Ho mạn tính có nguy hiểm và khó điều trị không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ho mạn tính có thể hiểu một cách đơn giản là tình trạng ho kéo dài, ho 4 tuần ở trẻ em và 8 tuần ở người lớn không khỏi gọi là ho mạn tính. Các cơn ho có thể xuất hiện cả ngày hoặc về đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống… Sổ mũi, đau rát cổ họng, chóng mặt, khàn tiếng, ợ nóng hay ợ chua,… là những triệu chứng đi kèm khi người bệnh bị ho mạn tính.

Ho gây cảm giác khó chịu, tìm ra chính xác nguyên nhân gây ho sẽ giúp điều trị ho mạn tính lâu năm hiệu quả.

Tổng quan

    • Ho là phản ứng bảo vệ cơ thể, nó giúp khai thông đường thở khỏi đàm và những dị vật có khả năng cản trở hô hấp. Mọi trường hợp ho kéo dài trên hai tháng hoặc hơn, dù chỉ xuất hiện vào buổi sáng, về đêm, hoặc bất cứ thời điểm cụ thể nào trong năm, đều được định nghĩa là ho mãn tính và cần chăm sóc y tế.
    • Ho mãn tính liên quan đến các vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng hô hấp, chảy dịch mũi sau, hen, trào ngược dịch vị, dị vật, khối u đường hô hấp và do thuốc. Những trường hợp ho như thế này chỉ có thể thuyên giảm khi giải quyết được bệnh căn. Tuy vậy, một số trường hợp ho dai dẳng mãn tính rất khó xác định nguyên nhân, gây khó khăn cho chẩn đoán dẫn đến sai lầm trong điều trị.

Ho mạn tính có nguy hiểm không?

Trên thực tế đã có những trường hợp bệnh nhân bị nôn mửa, chóng mặt hay thậm chí ảnh hưởng nặng đến xương sườn do tình trạng ho mạn tính. Có một số ít bệnh nhân còn có biểu hiện ho ra máu…

Có thể nói ho mạn tính được xem là dấu hiệu nhận biết của rất nhiều căn bệnh nguy hiểm. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng ho mạn tính như bệnh: Hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, trào ngược dạ dày hay viêm phế quản mạn tính, ung thư phổi, lao phổi, suy tim,... Bệnh nhân có thể đã bị mắc phải một hoặc một số bệnh lý kể trên nên dẫn tới tình trạng ho kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng hay còn gọi là ho mạn tính.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho mạn tính

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho mạn tính rất khó để xác định. Các nguyên nhân thường gặp nhất là:

Hen suyễn

Một trong những triệu chứng thường gặp của hen suyễn là ho. Trong một số thể hen, ho là triệu chứng chính. Tình trạng ho ở hen suyễn sẽ nghiêm trọng hơn khi trời lạnh, tiếp xúc với một số loại hóa chất hoặc dị nguyên gây dị ứng.

Bệnh đường hô hấp

Viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm cũng có thể dẫn tới triệu chứng ho.

Trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh lý này khá phổ biến hiện nay, là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích thích thực quản và có thể gây ho.

Chảy nước mũi

Dịch mũi tiết ra quá nhiều, có thể chảy xuống vùng hầu họng và kích thích gây ho.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân gây ho mạn tính ít gặp hơn là:

    • Giãn phế quản.
    • Ung thư phổi.
    • Viêm xoang.
    • Dùng thuốc huyết áp.
    • Hít phải dị vật.

Ho mạn tính chỉ có ở người già?

Nhiều quan niệm cho rằng tình trạng ho mạn tính chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, khi sức đề kháng đã bị suy giảm đáng kể vì tuổi tác. Tuy nhiên, nhận định này hoàn toàn sai lầm dẫn đến hậu quả tiềm tàng cho đối tượng trẻ em và người trưởng thành vì chủ quan.

Theo các chuyên gia y tế thì đối với từng độ tuổi tình trạng ho mạn tính sẽ báo hiệu những căn bệnh khác nhau và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Ho mạn tính có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, bất kì ngành nghề hay sắc tộc nào, thậm chí bởi tình hình phát triển của xã hội đã vô tình kéo theo các tác nhân gây bệnh nhiều hơn như ô nhiễm môi trường, yếu tố công việc hay các chất kích thích,… Ho mạn tính cũng có thể bắt gặp ở trẻ em.

Ho mạn tính cũng có thể bắt gặp ở trẻ em. (Ảnh: Examination/unsplash.com)
Ho mạn tính cũng có thể bắt gặp ở trẻ em. (Ảnh: Examination/unsplash.com)

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi bị ho kéo dài trên 4 tuần kèm theo các triệu chứng sau thì tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cụ thể các triệu chứng là:

    • Đau họng.
    • Chảy nước mũi, nghẹt mũi.
    • Khan tiếng.
    • Khó thở.
    • Ợ hơi, ợ chua,...

Thăm khám và điều trị ho mạn tính

Đầu tiên phải xác định nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng ho mạn tính là gì? Tất nhiên không phải lúc nào ho mạn tính cũng chỉ do một bệnh lý gây ra, vì vậy việc xác định nguyên nhân được coi là bước quan trọng nhất để điều trị ho mạn tính.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ thường sử dụng những phương pháp để chẩn đoán tình trạng ho mạn tính thông qua:

    • Sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang tim phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực.
    • Đo chức năng hô hấp.
    • Xét nghiệm các chất dịch, chất nhầy mà người bệnh ho ra.

Tùy vào việc đánh giá tình trạng phổi của bệnh nhân trên lâm sàng và các kết quả thăm dò khác mà bác sĩ có thể đưa ra các thăm dò chuyên sâu hơn như: nội soi phế quản, sinh thiết màng phổi, sinh thiết xuyên thành ngực,...

Khói thuốc lá sẽ khiến tình trạng ho mạn tính nặng hơn. (Ảnh: Cigarettes/unsplash.com)

Việc điều trị ho mạn tính cũng cần sự hợp tác và ý thức tuân thủ phác đồ điều trị của người bệnh, tránh tình trạng bệnh lý nặng hơn do không biết kiêng cữ giữ gìn sức khỏe bản thân. Trong thời gian tìm hiểu nguyên nhân gây ho mạn tính người bệnh nên làm những việc sau để giúp tình trạng ho mạn tính thuyên giảm hơn:

    • Tránh các loại khí độc, khí ô nhiễm từ xe cộ, môi trường đặc biệt là từ khói thuốc lá và các chất kích thích. Khói thuốc lá sẽ khiến tình trạng ho mạn tính nặng hơn.
    • Luôn giữ ẩm cho không khí xung quanh người bệnh bằng cách sử dụng các loại máy tạo ẩm, tắm vòi sen,…
    • Bảo vệ khu vực cổ họng bằng cách vệ sinh sạch sẽ, súc miệng nước muối tầm 3 lần/ngày. Tránh ăn những đồ quá nóng hoặc quá lạnh để niêm mạc họng không bị tổn thương. Giữ ấm đường thở bằng cách quấn khăn quanh cổ, đeo khẩu trang ở nơi công cộng hoặc nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi, ăn uống đồ ấm nóng, tránh các đồ lạnh và đặc biệt là kiêng rượu, bia, đồ uống có cồn, có ga,...
    • Ăn một số loại kẹo cũng có thể giúp giảm ho khan, làm dịu cổ họng.

Điều trị ho mạn tính lâu năm bằng thuốc

Để điều trị triệt để ho cần dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Việc sử dụng thuốc nào sẽ cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, các loại thuốc cơ bản được kê đơn là:

    • Thuốc kháng histamin, thuốc glucocorticoid, thuốc giúp thông mũi nếu nguyên nhân gây ho do dị ứng, chảy nước mũi.
    • Thuốc điều trị hen nếu nguyên nhân gây ho do hen.
    • Thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân gây ho là do nhiễm khuẩn.
    • Thuốc kháng tiết axit nếu nguyên nhân gây ho do trào ngược dạ dày thực quản.

Ngoài ra, nếu ho quá nhiều, người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm thuốc giảm ho.

Hỗ trợ điều trị ho mạn tính tại nhà hiệu quả

Chế độ dinh dưỡng đúng cách ở nhà cùng kết hợp một số thảo dược tự nhiên cũng giúp giảm tình trạng ho hiệu quả.

Chế độ sinh hoạt

Trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, bạn cần chú ý:

    • Uống nhiều nước để giúp dịch nhầy ở cổ họng loãng hơn. Ngoài nước lọc, các loại nước bạn có thể bổ sung cho cơ thể là nước ép hoa quả, nước ép rau củ.
    • Sử dụng máy tạo ẩm để giữ ẩm cho không khí.
    • Tránh xa khói thuốc lá và các tác nhân có thể gây dị ứng.
    • Giữ ấm cho cơ thể.
    • Vệ sinh mũi, họng sạch sẽ hàng ngày.

Hỗ trợ giảm ho bằng các thực phẩm trong nhà bếp

Với các thực phẩm quen thuộc sau, bạn có thể sử dụng để hỗ trợ giảm ho hiệu quả:

Lá hẹ: Từ xa xưa Hẹ đã được dùng để hỗ trợ điều trị đái són, di mộng tinh và giảm ho hiệu quả. Sử dụng lá hẹ giảm ho rất đơn giản, bạn có thể áp dụng các cách sau đây:

    • Lá hẹ hấp đường phèn: uống 2 - 3 lần/ngày, mỗi lần uống khoảng 2 thìa cà phê.
    • Canh lá hẹ, chả trứng lá hẹ: bạn có thể nấu canh trứng lá hẹ, chả trứng lá hẹ, ăn 1 tuần khoảng 2 - 3 lần cũng có tác dụng giảm ho rất hiệu quả.
Sử dụng lá hẹ giảm ho rất tốt. (Ảnh:ST)

Diếp cá: Ngoài giảm ho, diếp cá còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống viêm cho cơ thể, được sử dụng như một loại kháng sinh tự nhiên. Cách sử dụng diếp cá giảm ho:

    • Giã nát lá diếp cá, cho nước vo gạo đặc vào rồi đun sôi.
    • Khi hỗn hợp sôi, đun nhỏ lửa trong 15 phút đến khi lá diếp cá nhừ.

Uống hỗn hợp này khoảng 2 - 3 lần/ngày cũng sẽ giúp giảm ho.

Húng chanh: Lá húng chanh có vị cay, tính ấm, thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng tiêu đờm, tiêu độc rất tốt. Bạn có thể dùng lá húng chanh để trị ho bằng các cách sau:

    • Giã nát lá húng chanh, hãm với nước sôi và uống 2 lần/ngày.
    • Hấp lá húng chanh với đường phèn, uống liên tục 2 lần/ngày cho đến khi hết ho.

Lá tía tô: Tía tô có tác dụng trị ho rất tốt. Có thể kết hợp cùng các thảo dược khác như hoa khế, hoa đu đủ đực. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần cho lá tía tô, hoa đu đủ đực, đường phèn hấp cách thủy trong khoảng 30 phút, dùng 2 - 3 lần/ngày đến khi hết ho.

Quả phật thủ: Loại quả này có tác dụng giảm ho rất tốt, đặc biệt là cho trẻ em. Cách làm như sau:

    • Rửa sạch quả phật thủ, thái thành từng lát mỏng.
    • Trộn phật thủ với mạch nha và hấp cách thủy khoảng 45 phút.
    • Để hỗn hợp trong tủ lạnh và dùng dần. Chú ý khi dùng cần hâm ấm để phát huy tối đa tác dụng.

Thuốc Đông dược trong điều trị ho mạn tính

Y học cổ truyền có nhiều kinh nghiệm phong phú trong điều trị ho, không chỉ “trị triệu chứng” mà còn “trị gốc bệnh”. Thuốc Đông dược và lý luận cổ truyền song hành cùng nhau trong điều trị các vấn đề có tính căn bản.

Theo lý luận Y học cổ truyền, ho mãn tính liên quan đến bất thường hoạt động của tạng phủ. Ví dụ, bệnh có thể ở bản thân tạng Phế hoặc các tạng phủ có quan hệ biểu lý với nó. Ho mãn tính là một bệnh lý phức tạp cần thời gian để phục hồi. Các nguyên lý để điều trị ho mãn tính theo Y học cổ truyền (YHCT) gồm:

    • Dùng phương pháp bổ Tỳ/Thận, dưỡng Phế hoặc bình Can để điều hòa chức năng tạng Phế và các tạng phủ có liên quan.
    • Nếu vì tạng phủ vận hành bất thường mà sinh ra nội tà, cần loại bỏ tà bằng các phương pháp như: thanh nhiệt, tả hỏa, trừ thấp và hóa đàm.
    • Làm dịu họng và đường dẫn khí, và giúp phục hồi chức năng tiết các chất tiết sinh lý.

Không có một bài thuốc duy nhất nào có thể điều trị được mọi chứng ho. Mỗi bài thuốc phù hợp với một đối tượng bệnh nhân cụ thể, và được gia giảm trong quá trình điều trị. Các bài thuốc đông dược thường được dùng dưới dạng thuốc sắc (thang thuốc) và có thể điều chỉnh các vị thuốc, tăng hoặc giảm liều theo từng ngày, nhằm điều trị phù hợp với diễn biến bệnh của bệnh nhân.

Thông qua bốn phương pháp khám bệnh (Tứ chẩn), Bác sĩ YHCT sẽ phát hiện ra các chứng hậu (hội chứng) phản ánh sự thay đổi về bệnh lý để đưa ra pháp điều trị và bài thuốc thích hợp. Dưới đây là các chứng hậu thường gặp trong ho mãn tính.

Đàm ẩm làm tổn thương Phế

Triệu chứng: Ho kéo dài, nhiều đàm trắng, đặc. thường kèm theo các triệu chứng khác gồm như: cảm giác tức ở ngực và vùng thượng vị, chán ăn, mệt mỏi, đôi khi đại tiện lỏng. Rêu lưỡi trắng, nhờn, mạch nhu hoạt.

Liệu pháp điều trị: Kiện Tỳ, táo thấp, hóa đàm và giảm ho.

Bài thuốc: Nhị trần thang gia giảm.

Đây là bài cổ phương kinh điển để trừ đàm thấp, trong đó Bán hạ phối hợp với Phục linh có công dụng táo thấp hóa đàm. Trần bì và Cam thảo điều hòa và thúc đẩy công năng tạng Tỳ. Gia thêm các vị thuốc nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn.

Đàm nhiệt uất Phế

Triệu chứng: Ho kéo dài có đàm vàng dính, nặng mùi hoặc ho máu; thường kèm các triệu chứng khác như thở nhanh thô, tức ngực, khi ho đau ngực nhiều hơn, đắng miệng, khát, ngây ngấy sốt. Chất lưỡi vàng nhầy; mạch hoạt sác hoặc huyền hoạt.

Liệu pháp điều trị: Thanh nhiệt, hóa đàm, thông lợi phế khí.

Bài thuốc: Thanh kim hóa đàm thang

Trong thang này, Tang bạch bì, Hoàng cầm, Chi tử và Tri mẫu có tác dụng thanh Phế nhiệt. Xuyên bối mẫu, Qua lâu nhân và Cát cánh trừ Phế đàm. Quất hồng và Phục linh kiện Tỳ để chặn nguồn hóa sinh đàm. Mạch đông và Cam thảo dưỡng Phế và thúc đẩy sự hồi phục của các tạng phủ.

Can hỏa phạm Phế

Triệu chứng: Ho thường xuyên, từng cơn, kèm theo đau ngực do ho, mặt đỏ, miệng họng khô. Các triệu chứng thay đổi tùy thuộc vào tình chí. Lưỡi đỏ, rêu vàng khô; mạch huyền sác.

Liệu pháp điều trị: thanh Phế, bình Can, thuận khí, giáng hỏa.

Bài thuốc: Tả bạch tán hợp Đại cáp tán gia giảm.

Trong phương này, Thanh đại và Cáp xác có tác dụng thanh tán uất hỏa của Can và hóa đàm. Hoàng cầm, Tang bạch bì và Địa cốt bì trừ Phế nhiệt. Ngạch mễ và Cam thảo hòa vị sinh tân.

Phế âm hư

Triệu chứng: Ho khan, ho ra máu. Các triệu chứng khác gồm sốt nóng về chiều, gò má đỏ, lòng bàn tay – bàn chân nóng, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, mệt mỏi, cáu gắt. Lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Liệu pháp điều trị: Dưỡng Phế, thanh Phế nhiệt, trừ đàm, chỉ khái.

Bài thuốc: Sa sâm Mạch đông thang gia giảm.

Trong phương này, Sa sâm, Ngọc trúc, Mạch đông, Thiên hoa phấn có tác dụng dưỡng Phế, sinh tân. Tang diệp thanh nhiệt trừ đàm ở phần biểu. Cam thảo và Bạch biển đậu kiện Tỳ giúp vận hóa thủy cốc tinh vi từ đó thúc đẩy công năng tạng Phế.

Trường hợp ho mãn tính có xu hướng bùng phát thành từng đợt, điều trị liên tục ở thời kỳ ngoài đợt cấp có hiệu quả trong việc làm giảm các cơn ho cũng như làm giảm nhẹ triệu chứng, thầy thuốc YHCT thường chú trọng bổ can thận trọng thời kì này.

Khuyến cáo: Nội dung bài viết chỉ mang tính tham khảo, không khuyến khích tự điều trị. Người bệnh cần đến bác sĩ thăm khám và nhận đơn thuốc điều trị.

Cẩn Du (Tổng Hợp)

THÔNG TIN ĐẶC BIỆT - HƯỚNG ĐI MỞ RA KỶ NGUYÊN MỚI:

    • ‘Ganjing World’ (Thế Giới Kiền Tịnh) - Một Công ty Công nghệ cao có trụ sở chính tại Middle Town, New York, ra mắt nền tảng tích hợp thông tin nghe nhìn trực tuyến thế hệ mới nhiều tính năng phong phú với công nghệ đám mây mới nhất.
    • ‘Ganjing World’ cam kết trải nghiệm thoải mái và bảo mật, phục vụ tất cả những nhà sáng tạo nội dung, có thể trình chiếu đồng thời hàng triệu video và phục vụ hàng trăm triệu lượt xem. ‘Ganjing World’ đảm bảo an toàn và lợi nhuận cao.
    • Nền tảng này không liên quan tới chính trị, không thiên vị và trung lập. ‘Ganjing World’ kiên quyết tránh xa các nội dung không phù hợp dựa trên bốn tiêu chí: “không bạo lực, không nội dung khiêu dâm, không tội phạm và không ma túy hoặc gây hại”.
    • Sứ mệnh của ‘Ganjing World’ hướng đến “Truyền thông xã hội” và “Truyền thông cá nhân” thân thiện với mọi gia đình. Một nền tảng số rộng lớn cho phép mọi lứa tuổi tự do chia sẻ kiến thức, ý tưởng, quan điểm và giải trí về nhiều chủ đề… mà không sợ bị kiểm duyệt. ‘Ganjing World’ mang đến trải nghiệm phong phú và trong sạch.



BÀI CHỌN LỌC

Ho mạn tính có nguy hiểm và khó điều trị không?