Hỏa hoạn: Hiểm họa khói độc và cách bảo vệ bản thân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quá trình ngạt khí diễn ra một cách từ từ và khó lường. Vào thời điểm nạn nhân bị sốc do thiếu oxy, cảm thấy ngột ngạt khó thở thì đã bắt đầu rơi vào trạng thái hôn mê. Chỉ trong vòng 3-5 phút ngắn ngủi, người đó có thể tử vong.

Liên tiếp các vụ cháy

Rạng sáng ngày 17/2, một vụ cháy đã bất ngờ xảy ra tại một căn nhà trong hẻm 623 Cách Mạng Tháng 8 (phường 15, quận 10, Sài Gòn).

Đến trưa cùng ngày, nhà chức trách quận 10 đã tiến hành phong tỏa khu hẻm để điều tra vụ cháy.

Nạn nhân tử vong trong vụ cháy là 3 anh em trong gia đình và một người bạn đến chơi, gồm có:

  • Nguyễn Thị Hồng Xuân (46 tuổi)
  • Lê Thị Hồng Tuyết (47 tuổi)
  • Trần Quốc Cường (38 tuổi)
  • Lê Hoàng Dũng (56 tuổi).

Trong số này, ông Dũng và bà Tuyết là anh em ruột, bà Xuân là em dâu của ông Dũng còn ông Cường là bạn của bà Tuyết ghé chơi.

Theo lời kể của bà T. - nhân chứng vụ việc, khoảng hơn 3h sáng, nhà bên cạnh có nhiều tiếng nổ kèm theo khói. Gần như ngay sau đó, ngọn lửa nhanh chóng bốc lên, bà vội kéo con gái chạy ra khỏi nhà.

Một nhân chứng khác cũng ở hẻm 623, bà Th. (sinh năm 1970) cho biết người dân xung quanh nghe thấy tiếng la hét thất thanh phát ra từ ngồi nhà bị cháy. Mặc dù đã nỗ lực dập lửa nhưng bất thành.

Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an cho biết, chỉ trong năm vừa qua, toàn quốc đã xảy ra 3.440 vụ cháy, dẫn đến 255 trường hợp thương vong. Tổng thiệt hại tài sản ước tính khoảng 898 tỷ đồng.và 236 ha rừng.

Trong số này, có những vụ cháy thương tâm khiến nhiều người thiệt mạng:

  • 23h22 ngày 12 tháng 9 năm 2023: Hỏa hoạn kinh hoàng tại chung cư mini số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 56 người chết.
  • Ngay sau đó một ngày, 7h45 ngày 13 tháng 9 năm 2023: Căn nhà 4 tầng tại Thành Công (Hà Đông, Hà Nội) đột ngột bốc cháy, khiến 4 bà cháu tử vong.
  • 18h30 ngày 31 tháng 8 năm 2023: Cháy nhà, chập điện ở Phan Thiết khiến 4 người tử vong.
  • 2h ngày 19 tháng 7 năm 2023: Cửa hàng xe máy điện ở Hoài Đức (Hà Nội) bùng cháy khiến 3 người trong cùng một gia đình thiệt mạng.

Vì sao hít nhiều khói từ đám cháy có thể gây tử vong?

Nguyên nhân gây cháy của rất nhiều vụ việc thường liên quan đến sự cố chập điện, thời điểm diễn ra bất ngờ hoặc trong đêm tối, khiến nhiều nạn nhân không trở tay kịp.

Khi bị mắc kẹt trong đám cháy, ngoài các nguyên nhân tử vong do bỏng hoặc chấn thương, thì ngạt khí cũng là một tác nhân chủ yếu.

Đám khói dễ phát tán và len lỏi vào các khe hở nhỏ, nên một người dù ẩn nấp trong phòng đóng kín vẫn có thể chịu ảnh hưởng. Đám khói dày đặc gây cản trở tầm nhìn, khiến con người mất phương hướng, khó tìm lối thoát.

Thiếu tá, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Vĩnh Tăng, Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viên Quân y 7A, Cục Hậu cần Quân Khu 7 TPHCM cho biết một người hít phải khói sẽ gặp nhiều tổn thương trong cơ thể, bao gồm khó thở, mất định hướng, chảy nước mắt, viêm kết mạc, thở khò khè, mất tri giác…

  • Khi lượng khói hít phải chưa đủ lớn và tình trạng vẫn tương đối nhẹ, người đó sẽ thở dốc, cảm thấy buồn nôn và nhức đầu.
  • Khi tình trạng nặng hơn, nạn nhân bị đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh và ngất xỉu.
  • Nếu nghiêm trọng, nạn nhân sẽ bị ngất, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong.

Quá trình ngạt khí diễn ra một cách từ từ và khó lường. Vào thời điểm nạn nhân bị sốc do thiếu oxy, cảm thấy ngột ngạt khó thở thì đã bắt đầu rơi vào trạng thái hôn mê. Chỉ trong vòng 3-5 phút ngắn ngủi, người đó có thể tử vong.

Theo Hiệp hội Chống Hỏa hoạn Quốc gia Mỹ, các thành phần trong khói hỏa hoạn có thể gây tử vong bao gồm:

  • Các hạt nhỏ không bị đốt cháy, cháy một phần hoặc cháy hoàn toàn. Chúng có kích thước rất nhỏ, có khả năng xâm nhập vào phổi, gây bỏng hoặc nhiễm độc.
  • Các loại hơi giống sương mù có thể gây độc nếu vô tình hít phải hoặc thẩm thấu qua da.
  • Các loại khí độc, đặc biệt là carbon monoxide (CO). Loại khí này gây thiếu hụt oxy, làm tổn thương thần kinh, gây hôn mê, bất tỉnh hoặc tử vong.
  • Vật liệu vinyl được dùng để sản xuất đồ gia dụng khi cháy cũng có thể sinh ra phosgene, khi hít với lượng lớn có khả năng gây tử vong do sưng phổi.

Mặt khác, lượng oxy trong không khí sẽ giảm xuống nhanh chóng khi hỏa hoạn xảy ra, khiến nạn nhân cảm thấy khó thở. Nghiên cứu cho thấy, khi nồng độ oxy giảm xuống chỉ còn 6%, cơ thể sẽ mất khả năng thở, tim ngừng đập và tử vong.

Ngoài những yếu tố nói trên, nhiệt độ cũng là một tác nhân nguy hiểm. Khi độ nóng của không khí đạt đến một ngưỡng nhất định, con người sẽ tử vong chỉ bằng một hơi thở do bỏng phổi và hệ hô hấp.

Một số lưu ý khi có cháy

Nếu hỏa hoạn xuất hiện, người bị mắc kẹt trong đám cháy nên kiểm soát cảm xúc, hạn chế hoảng loạn. Vì càng lo lắng thì thời gian phản ứng càng ít, hơi thở sẽ trở nên gấp gáp, dẫn đến hít phải nhiều khói hơn, làm tăng nguy cơ hôn mê và tử vong.

Do đó, chuyên gia Trần Vĩnh Tăng khuyến nghị rằng người dẫn nên bình tĩnh tìm cách dập lửa. Các phương án có thể nghĩ đến bao gồm: bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước…

Nếu đám cháy quá lớn, cần lưu ý bấm chuông báo động để những người khác cùng biết và gọi cho cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, khi tình huống này xảy ra, thoát hiểm là phương án khả thi nhất

Để tránh hít phải nhiều khói, cần xác định vị trí cháy và nguồn phát khí, từ đó di chuyển theo chiều ngược lại của khói.

Tránh xa phòng kín, các nơi dễ cháy nổ như bình ga, tủ lạnh, máy điều hòa…

Cúi thấp di chuyển hoặc trườn bò theo lối thoát hiểm. Trong quá trình này, có thể dùng vải tẩm nước để bịt mũi, miệng để hạn chế lượng khói độc gây ngạt.

Nếu quần áo bắt lửa, hãy che mặt và nằm xuống đất, lăn tròn cho đến khi lửa tắt. Tuyệt đối không nên chạy vì lửa sẽ bùng to hơn nhờ gió thổi.

Chấn Hưng tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Hỏa hoạn: Hiểm họa khói độc và cách bảo vệ bản thân