Khám phá 5 địa danh kỳ lạ nhất thế giới mà khoa học không thể giải thích

Giúp NTDVN sửa lỗi

‘Cổng địa ngục’ do con người vô tình mở ra, vẫn cháy rực lửa suốt 50 năm qua. Dòng sông nước ngọt trong lòng đại dương, hay có 3 hồ nước đổi màu liên tục cứ như trong xứ xở thần tiên của các câu chuyện cổ tích. Dưới đây là 5 địa danh kỳ lạ nhất thế giới.

Dòng sông nước ngọt trong lòng đại dương

Ở bán đảo Yucatan, Mexico có một con sông ngầm nằm dưới lòng biển sâu. Con sông kỳ lạ này được đặt tên là ‘Cenote Angelita’ có nghĩa là ‘Thiên thần nhỏ’. Những dòng sông này không khác gì trên đất liền, nhưng lại tồn tại trong lòng đại dương.

Những du khách đến đây được phép lặn xuống biển để ‘mục sở thị’ con sông thần kỳ này, nếu đáp ứng được các điều kiện của nhà chức trách sở tại như: phải có kinh nghiệm lặn ít nhất 20 lần, chỉ được lặn tối đa ở độ sâu 60m, không được phép lấy bất kỳ thứ gì từ dưới đáy biển lên…

Có một con sông thật sự dưới đáy Biển Đen, có dòng chảy riêng biệt, có đoạn uốn khúc giống hệt các con sông trên cạn.
Có một con sông thật sự dưới đáy Biển Đen, có dòng chảy riêng biệt, có đoạn uốn khúc giống hệt các con sông trên cạn. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Con sông ngầm ‘Cenote Angelita’ này không phải là dòng sông duy nhất nằm trong lòng biển sâu, các chuyên gia đến từ Đại học Leeds, Anh cũng đã phát hiện một con sông thật sự dưới đáy Biển Đen, có dòng chảy riêng biệt, có đoạn uốn khúc giống hệt các con sông trên cạn.

Tiến sĩ Dan Parsons - chuyên gia khoa Trái Đất và Môi trường của Đại học Leeds cảm thán nói: “Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng minh được sự tồn tại của sông dưới đáy biển và đo được trực tiếp dòng chảy của nó”.

Các chuyên gia nhận định rằng nếu con sông dưới đáy biển Đen này mà ở trên cạn thì nó sẽ là con sông có lưu lượng dòng chảy lớn thứ 6 trên thế giới.

Cổng địa ngục

Câu chuyện trên xảy ra vào năm 1971 ở giữa sa mạc Karakum, thuộc địa phận Turkmenistan ngày nay. Năm đó, giới khoa học Liên Xô đang gấp rút truy tìm các mỏ dầu, và họ đã tìm được một khu vực nghi là nguồn cung cấp dầu mỏ dồi dào tại sa mạc Karakum. Vì một sai lầm trong tính toán khi khai thác dầu mỏ, các nhà khoa học Liên Xô đã vô tình mở ra một chiếc hố này được mệnh danh là "Cổng Địa ngục".

Họ nhanh chóng kéo những thiết bị cỡ lớn đến, bao gồm một giàn khoan khổng lồ. Nhưng chỉ ít lâu sau khi tiến hành khoan, họ nhận ra đó là một sai lầm. Thay vì khoan dầu, họ đã chọc thủng một mỏ khí tự nhiên.

Miệng núi lửa Darvaza.
Miệng núi lửa Darvaza. (Ảnh: Wikipedia)

Toàn bộ khu vực nhanh chóng sụp đổ, tạo ra một cái hố khổng lồ - đến nay vẫn được biết đến với cái tên "miệng núi lửa Darvaza". Chiếc hố ấy có kích cỡ 70,1m bề ngang, sâu 20,1m. Nó tạo ra một hiệu ứng domino khiến nền đất xung quanh sụp đổ, và lượng khí tự nhiên (chủ yếu là methane) bắt đầu ồ ạt tuôn ra.

Do lo sợ lượng khí ấy sẽ tạo thành thảm họa, giới chuyên gia quyết định phải sửa chữa sai lầm đó, và thế là: Họ châm lửa. Đây là một hiệu ứng hết sức nguy hiểm, bởi khí metan có đặc tính hấp thụ toàn bộ oxy xung quanh.

Các chuyên gia và kỹ sư tính toán rằng, lượng khí tự nhiên này cũng không lớn lắm, và ngọn lửa sẽ tự tắt trong vòng 1 đến 2 tuần để trả lại không khí trong lành cho sa mạc Karakum.

Nhưng ngọn lửa vẫn cháy suốt từ đó cho đến nay - đã hơn 50 năm, tạo ra một hố lửa khổng lồ trông không khác gì cánh cổng dẫn vào Địa ngục. Thậm chí, với kiến thức khoa học hiện có, người ta còn chưa biết được ngọn lửa này sẽ cháy trong bao lâu nữa.

Ngày nay, Darvaza còn được biết đến với tên gọi "Cổng Địa ngục", là địa điểm cực kỳ thu hút khách du lịch tại Turkmenistan.

Ba hồ nước đổi màu

Trên đỉnh ngọn núi lửa Kelimutu thuộc vườn quốc gia đảo Flores (Indonesia) có ba hồ nước đổi màu độc đáo và được gắn với những truyền thuyết bí ẩn.

Cùng nằm trên đỉnh của một ngọn núi lửa, nhưng nước trong các hồ này lại thay đổi màu sắc khác nhau. Cứ sau một khoảng thời gian nhất định màu nước trong ba hồ lại thay đổi. Từ xanh lục nhạt đến màu đen, xanh lục thẫm, xanh dương, ngọc lam, thậm chí là màu đỏ và nâu.

Hồ Kelimutu.
Hồ Kelimutu. (Ảnh: wikipedia)

Hồ Kelimutu được phát hiện đầu tiên vào năm 1915 và sau đó ngày càng trở nên nổi tiếng bởi vẻ đẹp đặc biệt và đầy ấn tượng.

Theo các nhà khoa học thì sự thay đổi màu sắc của nước trong hồ là do sự phản ứng hóa học của trữ lượng khoáng sản hay ảnh hưởng của loài sinh vật, rong rêu và đá trong miệng núi lửa gây ra.

Tuy nhiên, đối với người dân địa phương, sự thay đổi màu sắc này mang một ý nghĩa riêng. Họ tin rằng Kelimutu là nơi linh hồn người chết lui tới. Do đó, ba hồ trên núi Kelimutu lần lượt được gọi bằng những cái tên rất đáng sợ.

Đầu tiên là hồ Tiwi Ata Mbupu có nghĩa là hồ của những người già, thứ 2 là Tiwu Nưa Muri Kooh Tai nghĩa là hồ của các trinh nữ và thanh niên, và cuối cùng là Tiwu Ata Polo, là hồ của những hồn ma độc ác hay hồ mê hoặc.

Hồ Ba Màu là địa điểm du lịch trọng yếu trên đảo Flores, từng được in trên tờ tiền giấy rupiah, một đơn vị tiền tệ của Indonesia.

Ngôi làng 100 năm không có một con muỗi

Nằm ở độ cao 700 mét so với mực nước biển, làng Ding Wuling, Phúc Kiến, Trung Quốc là nơi sinh sống của dân tộc thiểu số Hakka. Những ngôi nhà ở đây được xây bằng đá, khi đến đây sẽ không thể tìm thấy bất cứ ngôi nhà nào xây bằng xi măng.

Được bao quanh bởi rừng cây tươi tốt, rải rác trong làng là các ao nước tù đọng, Ding Wuling đáng lý sẽ có nhiều muỗi, đặc biệt vào mùa hè. Tuy nhiên, những sinh vật hút máu nhỏ bé được cho là đã biến mất gần một thế kỷ qua, khiến Ding Wuling trở thành một trong những ngôi làng bí ẩn nhất Trung Quốc.

Năm 2016, khi tờ People’s Daily lần đầu đưa tin về Ding Wuling, sự kỳ lạ của nó đã nhanh chóng thu hút khách thập phương nô nức đổ xô tới đây để tận mắt chứng kiến điều kỳ lạ này.

Nhiều năm qua, người dân đều mong muốn các nhà khoa học tới đây nghiên cứu, thực hiện các cuộc điều tra để đi đến tận cùng của sự bí ẩn. Nhưng đến nay, lý do Ding Wuling không có muỗi vẫn là một bí mật thú vị.

Cầu Ram Setu

Cây cầu vượt biển dài nhất thế giới mà chúng ta biết hiện nay là cây cầu nối liền 3 thành phố: Hong Kong - Vũ Hải - Macao (Trung Quốc), dài 55km. Cây cầu này được thiết kế để có thể đứng vững 120 năm. Ít ai biết rằng có một cây cầu trên biển khác nhưng đã tồn tại hơn 5000 năm?

Cây cầu Rama khi nhìn từ trên cao xuống.
Cây cầu Rama khi nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Wikipedia)

Đó là cây cầu Rama, hay còn có tên khác là cầu Ram Setu, nằm giữa Ấn Độ và Sri Lanka. Ngày nay, khi nhìn từ trên cao xuống, chúng ta vẫn có thể thấy rõ ràng cây cầu này trên biển.

Theo truyền thuyết, hoàng tử Rama, người cai trị xứ Sri Lanka, đã bị buộc phải từ bỏ quyền lên ngôi của mình và đi lưu đày trong mười bốn năm. Thời gian này, vợ ông, Sita, đã bị bắt cóc bởi vua quỷ Ravana và bị đưa đến Sri Lanka. Hoàng tử Rama sau đó đã lập nên một đội quân gồm những con khỉ và dẫn chúng đến Sri Lanka, nơi đây xảy ra một cuộc chiến kéo dài. Cuối cùng, Ravana đã bị đánh bại, hoàng tử Rama trở về nhà với vợ của mình và giành lại ngôi vua.

Tiến sĩ Badrinarayanan, nguyên giám đốc Cục Địa chất Ấn Độ và nhà điều phối cục khảo sát của Viện Công nghệ Hải dương Quốc gia ở Chennai, đã nghiên cứu các mẫu vật chính thu thập từ cây cầu.

Ông cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện thấy các lớp cát biển trên cùng và bên dưới, ở giữa là hỗn hợp san hô, đá cát chứa canxi, và các chất liệu giống đá mòn. Điều đáng ngạc nhiên là bên dưới đó đến 4 - 5 m, chúng tôi lại phát hiện được cát lỏng và sau đó là các lớp kết cấu cứng ở đó”.

Dưới góc độ khoa học, nhiều nhà địa chất học khẳng định rằng, cây cầu thực sự là một công trình nhân tạo dài khoảng 35km, rộng 3,5 km. Mặc dù hiện nay, phần lớn dải đất này chìm dưới nước, nhưng hàng thế kỷ trước đây, nó tạo thành một dải đất trải dài liên tục trên mặt biển, nối liền Tamil Nadu, Ấn Độ và Mannar, Sri Lanka.

Theo hồ sơ lưu tại đền Rameswdaan, con đường nối hai khu vực này tồn tại vào cuối thế kỷ 15 và người dân có thể đi bộ được cho đến khi nó bị ngập lụt bởi các cơn bão.

Ngọc Mai

(Theo Ngẫm radio)



BÀI CHỌN LỌC

Khám phá 5 địa danh kỳ lạ nhất thế giới mà khoa học không thể giải thích