Cơ hội xem nguyệt thực nửa tối và mưa sao băng tại Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đêm nay (05/5), người dân trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam có thể xem được hiện tượng thiên văn thú vị gồm nguyệt thực nửa tối và trăng tròn, sau đó, vào cuối tuần lại xem được mưa sao băng.

Nguyệt thực nửa tối

Nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra lúc 22h15 và đạt cực đại với tỷ lệ đi vào vùng nửa tối là 96,4% lúc 00h23 ngày 6/5. Hiện tượng sẽ kết thúc sau đó hơn 2 tiếng. Các địa điểm khác tại Việt Nam có thời gian tương tự với độ chênh không đáng kể.

Nguyệt thực nửa tối là hiện tượng Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái đất. Tương tự nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, thời điểm diễn ra hiện tượng này cận ngày Trăng tròn, khi Mặt Trăng vào phía bên kia của Trái đất so với Mặt trời và ba thiên thể gần như thẳng hàng.

Tuy nhiên nguyệt thực nửa tối khác biệt ở chỗ Mặt Trăng chỉ đi vào vùng nửa tối của Trái Đất, do đó nó vẫn nhận được một lượng lớn ánh sáng Mặt Trời. Phần Mặt Trăng được bao phủ bởi bóng nửa tối có tối đi một chút và chuyển sang sắc đỏ nhạt.

Việc theo dõi nguyệt thực nửa tối rõ nhất phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết. Người quan sát dễ dàng xác định được Mặt trăng nếu trời ít mây, ít mù, không mưa. Nếu có ô nhiễm ánh sáng hoặc bụi ở nơi quan sát, ngay cả vào lúc cực đại, sắc đỏ của Mặt Trăng cũng khó nhận rõ sự khác biệt.

Lần này, việc quan sát sẽ khá thuận lợi vì diễn ra gần nửa đêm, khi Mặt Trăng lên rất cao trên bầu trời. Nên chọn vị trí ít ô nhiễm ánh sáng để việc quan sát hiệu quả hơn.

Với nguyệt thực, mắt thường hoàn toàn có thể quan sát dễ dàng và an toàn mà không cần dụng cụ nào để bảo vệ mắt. Người xem có thể sử dụng một chiếc kính thiên văn, ống nhòm hoặc máy ảnh có zoom quang học tương đối cao để thưởng thức tốt nhất hiện tượng thú vị này.

Mưa sao băng

Bên cạnh nguyệt thực, trong tháng 5 tại Việt Nam còn xuất hiện mưa sao băng Eta Aquarids, hoạt động từ ngày 19/4 đến ngày 28/5 và sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 6 đến sáng sớm ngày 7/5.

Eta Aquarids là một trong hai trận mưa sao băng được tạo ra bởi các mảnh vỡ của sao chổi Halley.

Sao chổi Halley mất khoảng 76 năm để thực hiện một vòng quay hoàn chỉnh quanh Mặt Trời và lần tiếp theo nó có thể được quan sát từ Trái Đất là vào năm 2061.

Người dân Việt Nam có thể quan sát sao băng theo hướng của chòm sao Bảo Bình nằm ở Nam Bán Cầu, vĩ độ giữa dương 65⁰ và âm 90⁰.

Cụ thể, nếu chúng ta quan sát khu vực này, mưa sao băng này có thể đạt tần suất lên tới 60 vệt/giờ.



BÀI CHỌN LỌC

Cơ hội xem nguyệt thực nửa tối và mưa sao băng tại Việt Nam