Dải Ngân Hà đang bị một ‘thiên hà lùn’ bên cạnh bóp méo - và tương lai của Trái đất?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đám mây Magellan Lớn (LMC), một thiên hà lùn có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở Nam bán cầu Trái đất, đang có tác động mạnh mẽ và bí ẩn vào rìa của Dải Ngân Hà. 

Người bạn đồng hành lớn nhất ở gần thiên hà của chúng ta là một thiên hà lùn có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở Nam bán cầu. Trong những năm gần đây, nghiên cứu lý thuyết mới và khả năng quan sát tốt hơn đã cho phép các nhà thiên văn học hiểu biết thêm rất nhiều về người hàng xóm (không quá nhỏ) của chúng ta.

Ngày càng rõ ràng rằng LMC đang có tác động nhất định vào Dải Ngân hà, theo Universetoday.

Đám mây Magellan Nhỏ và Lớn (LMC), được nhìn thấy trên Đài quan sát Paranal ở sa mạc Atacama, Chile. Ảnh: ESO/J. Colosimo.

Eugene Vasiliev của Đại học Cambridge cho biết: “Từ lâu, người ta đã cho rằng thiên hà của chúng ta sống một cuộc sống yên bình với người hàng xóm 'lớn' gần nhất là Andromeda (Thiên hà Tiên Nữ) cách nó khoảng 800 kiloparsec. Nhưng với nhận thức rằng LMC khá lớn và do một 'thời điểm lịch sử' đặc biệt (khi nó ở gần tâm quỹ đạo, nơi mà vận tốc và hiệu ứng của nó gây ra cho Dải Ngân hà là cao nhất), chúng ta không thể bỏ qua những nhiễu loạn mà nó gây ra cho Thiên hà của chúng ta.”

LMC vốn là thiên hà vệ tinh của Dải Ngân Hà, có kích thước chỉ khoảng 10-20% thiên hà chứa Trái Đất. Nó đang ngày một áp sát Dải Ngân Hà, bước đầu cho một quá trình sáp nhập sẽ diễn tiến trong vòng 2 tỷ năm tới.

Nghiên cứu mới cho thấy Dải Ngân Hà cũng bị thay đổi bởi sự tương tác này, chẳng hạn các ngôi sao và các luồng sao gần LMC nhất có quỹ đạo bị lệch, một số thay đổi cấu trúc khác cũng dược phát hiện. Các phần ở càng gần LMC càng bất thường, càng chỉ rõ thủ phạm.

Hình ảnh minh hoạ về ba trong số các luồng sao đi qua Dải Ngân hà. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/R)

Điều khó khăn là các bằng chứng về những thay đổi này tuy có thể quan sát được, nhưng không phải là nhiệm vụ dễ dàng, do chúng ta không thể chụp nhanh toàn bộ thiên hà để kiểm tra tổng thể theo cách chụp các thiên hà xa xôi. Các ngôi sao của Dải Ngân Hà cũng chặn tầm nhìn của chúng ta. Do đó nghiên cứu phải dựa một phần vào mô hình mà các nhà khoa học đã tạo ra.

Các thiên hà hợp nhất với nhau trong vũ trụ đã được NASA quan sát thấy và công bố hình ảnh của nó. Hệ Ngân Hà dự kiến sẽ sáp nhập với LMC, sau đó vài tỉ năm nó sẽ tiếp tục đụng độ với thiên hà lớn hơn là Andromeda (thiên hà Tiên Nữ).

Nếu có một bài học nào cho câu chuyện này, thì đó là không có thiên hà nào là một hòn đảo. Các thiên hà láng giềng của Dải Ngân hà đang giúp định hình quá khứ, hiện tại và tương lai của nó, và các nhà thiên văn học đang nỗ lực tính đến những tác động đó khi họ nghiên cứu về thiên hà ngôi nhà của chúng ta.

Theo Universetoday



BÀI CHỌN LỌC

Dải Ngân Hà đang bị một ‘thiên hà lùn’ bên cạnh bóp méo - và tương lai của Trái đất?