Phát hiện hành tinh mới kích thước bằng Trái đất có thể hỗ trợ sự sống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đã phát hiện một hành tinh mới có kích thước bằng Trái đất và cách chúng ta chỉ 90 năm ánh sáng. Đối với thiên văn học, khoảng cách này giống như là nó ở ngay cạnh chúng ta. Hơn nữa, nó có thể hỗ trợ sự sống.

Được đặt tên là LP 791-18d, các nhà thiên văn học đã phát hiện ngoại hành tinh này thông qua các quan sát trên mặt đất và trên không gian bằng kính viễn vọng Transiting Exoplanet Survey Satellite (TESS) của NASA và Kính viễn vọng Không gian Spitzer hiện đã ngừng hoạt động.

LP 791-18d quay quanh một ngôi sao lùn đỏ nhỏ cách chúng ta khoảng 90 năm ánh sáng trong một chòm sao có tên là Miệng núi lửa (Crater) ở bầu trời phía nam. Nhóm nghiên cứu đã ước tính khối lượng của hành tinh này bằng cách đo sự khác biệt về thời gian hành tinh quay quanh ngôi sao chủ.

Dựa trên tính toán, các nhà thiên văn kết luận rằng LP 791-18d chỉ lớn hơn và nặng hơn Trái đất một chút. Ngoài ra, hành tinh này bị khóa thủy triều, nghĩa là một mặt của nó luôn hướng về phía ngôi sao chủ.

Mặt đối diện ngôi sao của LP 791-18d sẽ là quá nóng để nước tồn tại. Tuy nhiên, các nhà khoa học nghi ngờ rằng hoạt động núi lửa trên toàn hành tinh này có thể giúp duy trì bầu khí quyển và cho phép nước ngưng tụ ở mặt tối của nó.

Karen Collins, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Chỉ có một số ít các ngoại hành tinh được phát hiện cho đến nay được cho là có thể hỗ trợ sự sống. Phát hiện của chúng tôi về LP 791-18d đem đến hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta có thể tìm thấy dấu hiệu sự sống trên một hành tinh khác”.

LP 791-18d nằm ở rìa trong của vùng có thể ở được gọi là 'vùng Goldilocks', nơi không quá nóng và không quá lạnh để nước lỏng tồn tại trên bề mặt của hành tinh. Trước khi phát hiện ra LP 791-18d, các nhà thiên văn học đã biết về một hành tinh khác trong hệ thống, LP 791-18c, một hành tinh vòng ngoài lớn hơn và nặng hơn nhiều so với hành tinh d.

Khi hành tinh c đi sát hành tinh d, nó tạo ra một lực hấp dẫn, làm cho quỹ đạo của hành tinh d có hình elip. Quỹ đạo elip làm biến dạng hành tinh d một chút, tạo ra ma sát nội tại làm nóng đáng kể phần bên trong hành tinh này và gây ra hoạt động núi lửa trên bề mặt của nó. Mặt trăng của sao Mộc, Io , cũng bị ảnh hưởng theo cách tương tự.

Các nhà nghiên cứu đã nhận được sự chấp thuận để nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh c bằng Kính viễn vọng Không gian James Webb và họ hy vọng sẽ được đưa thêm hành tinh d vào danh sách.

Collins cho biết: “Khám phá này chỉ là bước đầu tiên. Với khả năng tiếp tục nghiên cứu hành tinh này bằng Kính viễn vọng Không gian James Webb, chúng tôi sẽ có thể tinh chỉnh các quan sát của mình và tìm hiểu thêm về bầu khí quyển được cho là kết quả từ hoạt động núi lửa của hành tinh. Các phát hiện trong tương lai sẽ giúp chúng ta hiểu làm thế nào các thành phần của sự sống có thể hình thành trên các hành tinh khác ngoài hành tinh của chúng ta”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.

Theo New Alats

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện hành tinh mới kích thước bằng Trái đất có thể hỗ trợ sự sống