Sự sống cổ đại từng tồn tại trên sao Hỏa? NASA đo được các dấu hiệu carbon bất thường trên hành tinh Đỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

NASA đã phát hiện ra các dấu hiệu carbon đáng chú ý trên sao Hỏa sau khi phân tích các mẫu đá dạng bột do tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity thu thập được. 

Trong một bài báo được đăng trên trang web chính thức của NASA vào ngày 17 tháng 1, các nhà khoa học “đã thông báo rằng một số mẫu được thu thập bởi tàu thăm dò rất giàu một loại carbon trên Trái đất có liên quan đến các quá trình sinh học”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nhanh chóng lưu ý rằng khám phá không “nhất thiết” chỉ ra tồn tại sự sống cổ đại trên sao Hỏa, nói rằng họ “chưa tìm thấy bằng chứng hỗ trợ thuyết phục về sinh học cổ đại hoặc hiện tại ở đó, chẳng hạn như các thành tạo đá trầm tích do vi khuẩn cổ đại tạo ra, hoặc sự đa dạng của các phân tử hữu cơ phức tạp”.

Paul Mahaffy, nghiên cứu viên chính về phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm hóa học trên sao Hỏa cho biết: "Chúng tôi đang tìm thấy những thứ trên sao Hỏa thú vị đến khó tin, nhưng chúng tôi thực sự cần thêm bằng chứng để nói rằng chúng tôi đã xác định được sự sống”.

Phát hiện của NASA sẽ được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nơi các nhà khoa học dự kiến ​​sẽ đưa ra một số lời giải thích cho các dấu hiệu carbon bất thường. Các giả thuyết của họ một phần được rút ra từ các dấu hiệu carbon được quan sát trên Trái đất; tuy nhiên, các nhà khoa học đang cảnh báo rằng vì hai hành tinh này quá khác nhau nên họ sẽ không thể đưa ra kết luận chính xác dựa trên các mẫu Trái đất.

“Điều khó nhất là buông bỏ hiểu biết về Trái đất và từ bỏ thành kiến ​​mà chúng ta có và thực sự cố gắng đi sâu vào các nguyên tắc cơ bản của các quá trình hóa học, vật lý và môi trường trên sao Hỏa”, nhà thiên văn học Goddard Jennifer L. Eigenbrode cho biết.

Một giả thuyết cho các dấu hiệu carbon bất thường là các vi khuẩn cổ đại trên bề mặt có thể đã tạo ra các dấu hiện này khi chúng giải phóng khí mê-tan vào bầu khí quyển sao Hỏa. Khi ở trong bầu khí quyển, khí mê-tan này sẽ tiếp xúc với tia cực tím và có thể biến thành “các phân tử lớn hơn, phức tạp hơn”. Những phân tử này, với đặc điểm carbon riêng biệt của chúng, sẽ rơi xuống bề mặt hành tinh và có thể được lưu giữ trong đất đá trên sao Hỏa.

Mặc dù việc xác nhận có sự sống cổ đại trên sao Hỏa sẽ là một khám phá làm chấn động toàn thế giới, các nhà khoa học cũng đang đưa ra những lời giải thích phi sinh học cho các dấu hiệu carbon bất thường.

Một giả thuyết đưa ra ý tưởng rằng dấu hiệu carbon có thể là kết quả "từ sự tương tác của tia cực tím với khí carbon dioxide trong khí quyển sao Hỏa, tạo ra các phân tử chứa carbon mới có thể lắng xuống bề mặt”.

Một giả thuyết khác cho rằng carbon có thể đã bị bỏ lại sau một sự kiện hiếm hoi hàng triệu năm trước, khi một đám mây phân tử khổng lồ giàu carbon đi qua hệ Mặt trời, lắng đọng carbon trên bề mặt sao Hỏa.

Christopher House, một nhà khoa học thuộc dự án Curiosity đến từ Đại học bang Pennsylvania, người đứng đầu nghiên cứu carbon tin rằng “cả ba lời giải thích đều phù hợp với dữ liệu”, để ngỏ khả năng rằng các dấu hiệu carbon được phát hiện có thể là kết quả của sự sống cổ đại trên hành tinh.

Nhóm của House đã sử dụng thiết bị Quang phổ kế Laser có thể điều chỉnh được (TLS) đặt tại phòng thí nghiệm SAM để phân tích các mẫu. TLS có thể phân biệt giữa các dạng carbon khác nhau. Ví dụ, nguyên tử cacbon 12 được tự nhiên sử dụng để chuyển hóa thức ăn hoặc được các dạng sống sử dụng để quang hợp. Mặt khác, nguyên tử cacbon 13 là một dạng cacbon nặng hơn được tìm thấy trong đá cổ. Đây là hai dạng carbon duy nhất mà con người biết đến không phải chất phóng xạ hoặc sản phẩm phụ của phản ứng hạt nhân.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng gần một nửa số mẫu được phân tích có "lượng carbon 12 lớn đáng kinh ngạc so với những gì các nhà khoa học đo được trong khí quyển và thiên thạch trên sao Hỏa", ủng hộ giả thuyết ​​cho rằng các mẫu này là kết quả của sự sống cổ đại.

Andrew Steele, một nhà khoa học thuộc dự án Curiosity tại Viện Khoa học Carnegie ở Washington, DC lưu ý rằng các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu hiểu cách chu trình carbon hoạt động trên sao Hỏa và cách giải thích các tỷ lệ đồng vị và các quá trình phi sinh học có thể dẫn đến các tỷ lệ đó.

Steele nói: “Việc xác định chu trình carbon trên sao Hỏa là chìa khóa quan trọng để cố gắng hiểu làm thế nào sự sống có thể phù hợp với chu trình đó. Chúng ta đã thực hiện việc đó thực sự thành công trên Trái đất, nhưng chúng tôi mới bắt đầu xác định chu trình đó cho sao Hỏa”.

Trong tương lai, các nhà khoa học NASA sẽ thu thập các mẫu từ các địa điểm khác trên hành tinh Đỏ để xem liệu họ có thể phát hiện ra một dấu hiệu carbon tương tự hay không để kiểm tra thêm giả thuyết sinh học.

Khám phá này sẽ được sử dụng làm "hướng dẫn cho nhóm nghiên cứu thuộc dự án Perseverance của NASA về các loại mẫu tốt nhất cần thu thập để xác nhận dấu hiệu carbon và xác định chắc chắn liệu nó có đến từ sự sống hay không”.

Văn Thiện

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Sự sống cổ đại từng tồn tại trên sao Hỏa? NASA đo được các dấu hiệu carbon bất thường trên hành tinh Đỏ