Tác dụng của sữa chua đối với người bệnh tiểu đường loại 2 và người béo phì

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bài báo mới trên tạp chí Nature Communications cho biết, sữa chua có tác dụng rất tốt đối với người bệnh tiểu đường loại 2 và người béo phì.

Theo mô hình nghiên cứu những con chuột bị tiểu đường loại 2 do mập phì, chúng được chia thành 2 nhóm. Một nhóm được thiết kế khẩu phần ăn có thêm nhiều sữa chua và nhóm còn lại duy trì chế độ ăn như bình thường.

Nhóm những con chuột ăn nhiều sữa chua có độ nhạy bén với insulin tốt hơn, cho phép các tế bào của cơ thể sử dụng glucose trong máu hiệu quả hơn, làm giảm lượng đường trong máu. Tình trạng tiểu đường của chúng đã thực sự được cải thiện so với nhóm không ăn sữa chua.

Các nhà nghiên cứu xác định những con chuột ăn sữa chua có gan khỏe mạnh hơn, ít nhiễm mỡ hơn. Đáng chú ý, bệnh gan nhiễm mỡ thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Tuy nhiên, phát hiện ban đầu và nổi bật nhất của nhóm nghiên cứu liên quan đến ba chất cơ bản chuyển hóa ở gan.Trong đó có axit hydroxy (BCHA), một axit tự nhiên có nguồn gốc thực vật giúp đẩy nhanh chu kỳ tế bào và tăng tốc độ thay tế bào.

Giáo sư y khoa André Marette, ông từng giảng dạy tại trường đại học Laval, Canada và là nhà nghiên cứu tại Viện Tim Phổi Québec cho biết: “BCHA là kết quả từ quá trình hoạt động của vi khuẩn lactic trong sữa chua đối với các axit amin sản sinh tự nhiên trong sữa”.

Những con chuột ăn sữa chua có mức BCHA cao hơn so với những con chuột không ăn sữa chua. Trong khi tình trạng béo phì làm giảm BCHA thì việc ăn sữa lại giúp cải thiện sản sinh BCHA.

Điều này khiến các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi: “Liệu có phải BCHA làm tăng quá trình trao đổi các chất mong muốn hay không?”. Các nhà khoa học đi tìm câu trả lời bằng cách nghiên cứu tác động trực tiếp của BCHA lên mô gan và mô cơ của động vật (trong ống nghiệm). BCHA điều chỉnh chuyển hóa glucose trong cả hai loại mô, củng cố cho lý thuyết BCHA giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất.

Các nhà nghiên cứu bổ sung thêm thông tin: “Đây là nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi cho biết béo phì có liên quan đến việc giảm BCHA trong huyết tương và trong các mô chuyển hóa. Ngoài ra, mức độ của các chất chuyển hóa này có tác dụng giảm glucose huyết tương cũng như chất béo trung tính ở gan, điều này cho thấy kết quả nghiên cứu là những dấu ấn sinh học mới về chuyển hóa và sức khỏe của gan”.

Hana Koutnikova, đồng tác giả của bài báo và là nhà nghiên cứu của công ty thực phẩm Danone Nutricia chia sẻ: “BCHA được tìm thấy trong các sản phẩm sữa lên men và đặc biệt có nhiều trong sữa chua. Cơ thể chúng ta sản xuất BCHA một cách tự nhiên nhưng việc dư thừa cân nặng dường như có tác động tiêu cực đến quá trình này”.

Thời báo The Epoch Times đã kết nối với các nhà nghiên cứu khác để lấy ý kiến nhận xét về kết quả nghiên cứu này.

Tiến sĩ Elena Barengolts, một nhà nội tiết học tại Los Angeles, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email: “Nghiên cứu được các nhà khoa học lên kế hoạch và thực hiện tốt. Xác định được bước chuyển hóa trung gian mới trong cơ thể có liên quan đến sữa chua. Tuy nhiên, đây là một trong nhiều cơ chế phức tạp đã từng nghiên cứu hoặc chưa nghiên cứu về lợi ích của sữa chua đối với sức khỏe”.

Tiến sĩ Barengolts trước đây đã từng cộng tác với Đại học Illinois Chicago, tại đây bà phụ trách một phân tích tổng hợp các thử nghiệm được kiểm soát ngẫu nhiên, phân tích cho ra kết quả sữa chua probiotic và sữa chua thông thường đều có tác dụng đối với bệnh nhân tiểu đường và người béo phì.

Bradley W. Bolling, phó giáo sư tại khoa Khoa học Thực phẩm thuộc Đại học Wisconsin, Madison, Hoa Kỳ cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email: “Đây là một nghiên cứu rất thú vị. Cần phải có những công việc tiếp theo để đưa dữ liệu cơ học mới này thành những phương pháp điều trị cho người bệnh béo phì và người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, sữa chua và các sản phẩm sữa lên men khác như kefir, có thể được khuyên dùng như một phần của chế độ ăn nhằm ngăn ngừa, điều trị bệnh béo phì và bệnh tiểu đường type 2”.

Phó giáo sư Bolling đã thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ giữa sữa chua, bệnh béo phì và sức khỏe đường ruột.

Ông nói thêm: “Chúng tôi hiện vẫn chưa biết kết quả nghiên cứu trên chuột này sẽ ứng dụng trên con người như thế nào. Nhưng tôi nghĩ nên có những khuyến nghị an toàn cho việc thêm sữa chua dựa trên từng khẩu phần dinh dưỡng. Chúng tôi chưa có bất kỳ hứa hẹn nào vì cần có thêm kết quả nghiên cứu”.

Ngày nay, bệnh tiểu đường và nhiều bệnh mãn tính khác đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới.

Năm 1980, thế giới có 108 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, con số này đã tăng gấp 4 lần (tương đương 422 triệu người) vào năm 2014, số người mắc bệnh tiểu đường vượt xa mức tăng dân số nói chung trong thời gian này. Theo Worldometer, năm 1980 dân số thế giới đạt 4,46 tỷ người và tăng lên 7,3 tỷ vào năm 2014.

Cũng theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên khắp thế giới. Ở Hoa Kỳ, bệnh tiểu đường đã cướp đi sinh mạng của 102.188 người trong năm 2020.

Tác giả: Nathan Worcester

Theo The Epoch Times

May May biên dịch.



BÀI CHỌN LỌC

Tác dụng của sữa chua đối với người bệnh tiểu đường loại 2 và người béo phì