Tại sao các ngôi sao ‘lấp lánh’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào một đêm quang đãng, khi nhìn lên bầu trời, chúng ta thường thấy những vì sao lấp lánh. Và bạn có thể sẽ tự hỏi điều gì khiến chúng lấp lánh?

Thực ra, sự lấp lánh mà chúng ta nhìn thấy không liên quan gì đến bản thân các ngôi sao. Đúng hơn, điều đó là do chúng ta nhìn thấy chúng từ Trái đất.

Theo Live Science, Ryan French, một nhà vật lý năng lượng mặt trời tại Đại học College London, Anh, cho biết: “Ánh sáng sao truyền đi một khoảng cách rất xa để đến mắt chúng ta vào một đêm quang đãng”.

Ngôi sao gần hệ Mặt trời chúng ta nhất là Proxima Centauri, cách Trái đất hơn 4 năm ánh sáng. Trên đường đến mắt chúng ta, ánh sáng từ những ngôi sao xa xôi này sẽ đi qua bầu khí quyển của Trái đất - nguyên nhân chính của hiệu ứng lấp lánh.

French cho biết: "Ánh sáng từ ngôi sao này đến bầu khí quyển, nó đi qua các lớp không khí đang dao động trước khi đến mắt chúng ta, khiến nó trông có vẻ lấp lánh".

Nếu nhìn từ không gian, các ngôi sao sẽ không lấp lánh chút nào. Đây là một lý do tại sao Kính viễn vọng Không gian Hubble được đưa vào quỹ đạo: Nó có thể thu được hình ảnh sắc nét hơn về không gian mà hình ảnh không bị nhiễu loạn trong bầu khí quyển làm biến dạng.

Tại sao một số ngôi sao lấp lánh nhiều hơn những ngôi sao khác?

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ lấp lánh của một ngôi sao. Một yếu tố trong đó là vị trí của ngôi sao trong trường nhìn của chúng ta.

French nói: "Các ngôi sao sẽ lấp lánh nhiều hơn nếu ánh sáng của chúng truyền qua nhiều không khí hơn trước khi đến mắt chúng ta".

Các ngôi sao gần đường chân trời dường như lấp lánh hơn vì quãng đường ánh sáng của chúng di chuyển qua bầu khí quyển dài hơn.

French cho biết thêm, thời tiết cũng đóng một vai trò quan trọng. "Đêm ẩm ướt thì không khí dày hơn”, khiến các ngôi sao dường như lấp lánh hơn.

Những nguyên nhân nói trên chính là các yếu tố giúp các nhà thiên văn chọn ra nơi đặt kính thiên văn.

French nói: "Các đài quan sát thường được đặt ở những nơi cao, khô ráo, để loại bỏ càng nhiều không khí giữa ngôi sao và kính thiên văn càng tốt”.

Các điểm lý tưởng bao gồm sa mạc Atacama khô cằn ở Chile, cũng như các đỉnh núi lửa ở Hawaii và quần đảo Canary ở Tây Ban Nha. Các địa điểm này là những ví dụ điển hình về những nơi mà các nhà thiên văn gọi là "khả năng nhìn" tốt.

Khi bạn nhìn lên bầu trời đêm, bạn cũng có thể nhận thấy rằng một số ngôi sao dường như chuyển đổi giữa các màu sắc khác nhau khi chúng lấp lánh. Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm của Trái đất, là một ví dụ điển hình.

French giải thích: "Việc ánh sáng sao bị bầu khí quyển khúc xạ [bẻ cong] một chút, có thể khiến nó đổi màu". Hiệu ứng này dễ nhận thấy hơn với các ngôi sao sáng hơn.

Bạn cũng có thể nhận thấy một vài "ngôi sao" không lấp lánh chút nào. Đó là bởi vì chúng thực ra là hành tinh. French cho biết: “Không giống như các ngôi sao, các hành tinh không phải là nguồn điểm trên bầu trời, nhưng có độ rộng. Điều này là do chúng ở gần chúng ta hơn”. Nói cách khác, chúng quá lớn trên bầu trời đêm so với bầu khí quyển.

Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào các hành tinh, hoặc thậm chí Mặt trăng, qua kính thiên văn, bạn vẫn sẽ thấy chúng có vẻ lung linh hơn, vì ánh sáng bạn đang thấy đã đi qua bầu khí quyển trước khi đến mắt bạn.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao các ngôi sao ‘lấp lánh’?