Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào trong chiến tranh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vấn đề vũ khí hạt nhân chiến thuật đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trên trường quốc tế khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, đối mặt với những tổn thất trên chiến trường ở miền đông Ukraine, đã cảnh báo rằng Nga sẽ “sử dụng tất cả các hệ thống vũ khí có sẵn” nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa. Ông Putin đã mô tả cuộc chiến ở Ukraine như một cuộc chiến chống lại phương Tây, các quốc gia mà ông cho rằng muốn làm suy yếu, chia rẽ và tiêu diệt nước Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích những lời đe dọa hạt nhân công khai của Putin đối với châu Âu. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hạ thấp lời đe dọa, nói rằng ông Putin “biết rất rõ rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ nên nổ ra và không thể chiến thắng”. Đây không phải là lần đầu tiên Putin nói về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong nỗ lực răn đe NATO.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật, đôi khi được gọi là vũ khí hạt nhân chiến trường hoặc phi chiến lược, được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Chẳng hạn như trong việc chống lại các lực lượng truyền thống áp đảo như đội hình lớn gồm bộ binh và thiết giáp. Chúng nhỏ hơn vũ khí hạt nhân chiến lược mà đầu đạn mang trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tuy các chuyên gia hiện chưa thống nhất về định nghĩa chính xác, nhưng các đặc điểm như đương lượng nổ thấp hơn, được đo bằng kiloton, và phương tiện vận chuyển tầm ngắn hơn thường được cho là của vũ khí hạt nhân chiến thuật. So với vũ khí hạt nhân chiến lược, có đương lượng nổ từ ​​khoảng 100 kiloton đến hơn 1 megaton (1000 kiloton), vũ khí hạt nhân chiến thuật có đương lượng nổ chỉ từ 1 kiloton đến khoảng 50 kiloton.

Như vậy, nếu so với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima có đương lượng nổ 15 kiloton, thì có thể thấy rằng một số vũ khí hạt nhân chiến thuật có khả năng gây hủy diệt trên diện rộng. Quả bom thường có kích cỡ lớn nhất, “Mẹ của các loại bom” (Mother of All Bombs hay MOAB), mà Mỹ từng thả xuống chỉ có đương lượng nổ 0,011 kiloton.

Các hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có tầm hoạt động ngắn hơn, thường dưới 310 dặm (500 km) so với vũ khí hạt nhân chiến lược, thường được thiết kế để di chuyển xuyên lục địa.

Do lực nổ của vũ khí hạt nhân chiến thuật không lớn hơn nhiều so với vũ khí thông thường ngày càng mạnh, nên quân đội Mỹ đã giảm bớt sự phụ thuộc vào chúng. Phần lớn kho dự trữ còn lại của nước này, khoảng 150 quả bom trọng lực B61, được triển khai ở châu Âu. Anh và Pháp đã loại bỏ hoàn toàn kho dự trữ chiến thuật của mình. Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên đều có một số loại vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Nga đã sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật hơn, ước tính khoảng 2.000, và phụ thuộc nhiều hơn vào chúng trong chiến lược hạt nhân so với Mỹ, chủ yếu là do nước này có năng lực quân sự và vũ khí thông thường kém tiên tiến hơn.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể được triển khai trên tàu, máy bay và lực lượng mặt đất. Hầu hết được triển khai trên tên lửa đất đối không, tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bom trọng lực và đáy biển sâu bởi máy bay ném bom chiến thuật và tầm trung, hoặc ngư lôi chống hạm và chống ngầm của hải quân. Các tên lửa này chủ yếu được dự trữ tại các kho trung tâm ở Nga.

Nga đã cập nhật hệ thống phân phối để có thể mang bom hạt nhân hoặc thông thường. Người ta càng lo ngại về các hệ thống phân phối khả năng kép này vì Nga đã sử dụng nhiều hệ thống tên lửa tầm ngắn này, đặc biệt là Iskander-M, để bắn phá Ukraine.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật về cơ bản có sức công phá lớn hơn so với các loại vũ khí thông thường ngay cả ở cùng một năng lượng nổ. Các vụ nổ hạt nhân mạnh hơn từ 10 triệu đến 100 triệu so với các vụ nổ hóa học và để lại bụi phóng xạ chết người có thể gây ô nhiễm không khí, đất, nước và nguồn cung cấp thực phẩm, tương tự như vụ thảm họa lò phản ứng hạt nhân Chernobyl năm 1986. Bạn có thể vào trang web NUKEMAP của Alex Wellerstein để xem mô tả về tác động của các vụ nổ hạt nhân.

Nhưng tấn công hạt nhân có thể coi là ‘chiến thuật’?

Không giống như vũ khí hạt nhân chiến lược, vũ khí chiến thuật không tập trung vào khả năng hủy diệt lẫn nhau thông qua trả đũa áp đảo hoặc răn đe bằng vụ nổ hạt nhân để bảo vệ đồng minh.

Ngoài ra, trong khi vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa được đưa vào các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, vũ khí tầm trung đã được đưa vào Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty) (1987-2018), nhằm giảm vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Cả Mỹ và Nga đều giảm tổng số kho vũ khí hạt nhân của họ từ khoảng 19.000 và 35.000 vào cuối Chiến tranh Lạnh xuống còn khoảng 3.700 và 4.480 vào tháng 1/2022. Việc Nga không thích đàm phán về vũ khí hạt nhân phi chiến lược đã cản trở các nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân hơn nữa.

Câu hỏi cơ bản là liệu vũ khí hạt nhân chiến thuật có “dễ sử dụng hơn” và do đó có khả năng gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện hay không?

Thực ra, sự phát triển của vũ khí hạt nhân chiến thuật là một phần trong nỗ lực nhằm khắc phục những lo ngại về việc các vũ khí hạt nhân chiến lược đang mất dần giá trị như một biện pháp răn đe chiến tranh giữa các siêu cường, do các cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn được nhiều người coi là không thể có. Về lý thuyết, các cường quốc hạt nhân sẽ có nhiều khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hơn, và do đó vũ khí này sẽ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của một quốc gia.

Tuy nhiên, bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nào cũng sẽ dẫn đến các chiến lược hạt nhân phòng thủ. Trên thực tế, vào năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là James Mattis đã có một tuyên bố đáng chú ý rằng: “Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ thứ gì gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào bất kỳ lúc nào cũng là một yếu tố thay đổi cuộc chơi chiến lược”.

Trong khi các chuyên gia còn bất đồng, các chiến lược hạt nhân của Nga và Mỹ tập trung vào khả năng răn đe và do đó liên quan đến các cuộc tấn công hạt nhân trả đũa quy mô lớn khi đối mặt với bất kỳ vụ tấn công trước nào bằng vũ khí hạt nhân. Điều này có nghĩa là việc Nga cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe đối với chiến tranh thông thường là một hành động mà theo học thuyết chiến tranh hạt nhân, sẽ mời gọi một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa nếu nhằm vào Mỹ hoặc NATO.

Văn Thiện

Theo The Conversation

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào trong chiến tranh?