Chuyên gia: Bà Liz Truss không phải thủ phạm tạo hỗn loạn tài chính ở Anh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thời gian ngắn nắm quyền, bà Liz Truss đã chứng kiến Vương Quốc Anh rơi vào hỗn loạn tài chính. Nhiều người đổ lỗi sự hỗn loạn này cho kế hoạch "ngân sách nhỏ" và việc cắt giảm thuế của bà Truss. Nhưng tất cả thật ra chỉ là hệ quả tất yếu của quãng thời gian in tiền và tăng chi tiêu ở mức khổng lồ của Vương quốc Anh.

Vậy là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh sau khi cả hai đối thủ của ông đều bỏ cuộc trong cuộc đua lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Ông Sunak chính là người đã thua bà Liz Truss trong cuộc tranh cử lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh gần đây nhất chỉ 6 tuần trước.

Tạm biệt bà Liz Truss. Đối với nhiều người, hẳn bà Truss vẫn còn là một nhân vật xa lạ.

Bà Liz Truss đã đưa ra thông báo về việc từ chức Thủ tướng Anh chỉ 44 ngày sau khi nhậm chức. Đó là một kỷ lục mới về thời gian tại vị của Thủ tướng ở Vương quốc Anh.

Thật là quãng thời gian đầy biến động của Vương quốc Anh. Nhiều người đổ lỗi cho bà Truss vì đã gây ra rối loạn trong ngành tài chính tại Anh. Nhưng cụ thể bà đã thực hiện những chính sách kinh tế gì? Chúng ta hãy tìm hiểu về các chính sách của bà, cũng như những lời chỉ trích nhằm vào bà, để đánh giá xem chúng có phải là những đánh giá xác đáng hay không.

Chính sách kinh tế của bà Truss

Đầu tiên, bà công bố kế hoạch Đảm bảo giá năng lượng nhằm tạo ra mức trần 2.500 GBP (bảng Anh) giá năng lượng cho các hộ gia đình, với tổng ước tính chi phí của biện pháp này lên tới 100 tỷ GBP. Điều này khiến nhiều người Anh tức giận. Nhưng đặc biệt được chú ý là kế hoạch "ngân sách nhỏ" (mini-budget). Kế hoạch này đưa ra các khoản cắt giảm đối với thuế thu nhập cơ sở và thuế pháp lý, loại bỏ tăng thuế đối với doanh nghiệp và bãi bỏ mức thuế thu nhập cao nhất 45%. Cả kế hoạch mức trần giá năng lượng và "ngân sách nhỏ" đều được tiếp nhận một cách tồi tệ. Sau đó, bà Truss chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng thay đổi hướng đi đối với việc cắt giảm thuế thu nhập cao nhất, sau đó là thuế doanh nghiệp và cuối cùng là sa thải ông Kwarteng. Người thay thế, ông Jeremy Hunt, nỗ lực đảo ngược hầu hết đề xuất trong "ngân sách nhỏ" và giảm chương trình Đảm bảo giá năng lượng xuống còn 6 tháng. Chẳng bao lâu sau, bà Truss tuyên bố từ chức.

Khủng hoảng tài chính

Trong thời gian ngắn nắm quyền, bà Truss đã chứng kiến đất nước Anh trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, thứ mà với nhiều người, bà là người phải chịu trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng đã buộc Ngân hàng Anh BOE (Ngân hàng Trung ương Anh) phải cứu trợ, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của các kế hoạch hưu trí ở Anh. Như đã nói ở trên, bà Truss đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwarteng.

Tất cả các sự kiện này được kết nối với nhau theo trình tự như sau:

Ngày 23/09, Bộ trưởng Tài chính (Chancellor of the Exchequer) Kwasi Kwarteng công bố các khoản cắt giảm thuế lớn, thứ phải được tài trợ thông qua khoản vay lớn hơn của chính phủ - vì chính phủ của bà Truss không có kế hoạch rõ ràng về cách tài trợ cho chúng. Điều này được các thị trường nợ hiểu nghĩa là thâm hụt ngân sách sẽ lớn hơn. Tiếp đó, đồng GBP lao dốc, thị trường trái phiếu lao dốc và lợi suất trái phiếu Anh có niên hạn dài hơn tăng vọt. Khi lợi tức tăng đột biến, giá trị của trái phiếu sẽ bị sụt giảm. Ngược lại, giá trái phiếu lao dốc sẽ có hại cho các danh mục đầu tư nắm giữ những trái phiếu đó. Khi đòn bẩy và các công cụ phái sinh tham gia vào các danh mục trái phiếu đó, thiệt hại sẽ tăng lên.

Đến ngày 28/09, tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ Anh (TPCP Anh) đã trở nên quá nghiêm trọng đến mức BOE phải can thiệp và bắt đầu mua TPCP Anh với quy mô lên tới hàng tỷ USD để khiến lợi tức suy giảm và nâng giá trái phiếu lên - bất chấp lạm phát đang tăng vọt tại Vương quốc Anh.

Ngày 14/10, bà Truss sa thải ông Kwarteng và từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế. Sáu ngày sau, bà ra thông báo sẽ từ chức.

Chuyên gia: Bà Liz Truss không phải thủ phạm tạo hỗn loạn tài chính ở Anh
Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng và Thủ tướng Anh Liz Truss tham dự hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ vào ngày 02/10/2022 tại Birmingham, Anh. (Ảnh: Leon Neal / Getty Images)

Đó là những gì đã diễn ra. Nhưng bà Truss có thực sự là nguyên nhân của hỗn loạn tài chính tại Anh? Trên tờ The Epoch Times, tác giả Daniel Lacalle đã có bài bình luận chỉ vài ngày sau khi chính quyền Truss phải thay đổi lập trường về "ngân sách nhỏ", khẳng định không nên đổ lỗi cho bà Truss vì những biến động kinh tế đã diễn ra.

Sự đổ lỗi ác ý

Ông Lacalle cho rằng, con người hiện nay đang sống trong những thời kỳ đầy lạ thường. Cũng chính những người đã mạnh mẽ bảo vệ việc chi tiêu thâm hụt và in tiền ở quy mô khổng lồ như là giải pháp cho nền kinh tế toàn cầu, giờ đây lại đổ lỗi cho một kế hoạch ngân sách thâm hụt rằng nó đã gây ra hỗn loạn lớn trên thị trường trái phiếu và tiền tệ ở Anh.

Ông Lacalle thấy thật ngạc nhiên là không một ai trong những người được gọi là chuyên gia - những người ngay lập tức quy kết nguyên nhân của sự biến động thị trường Anh là do kế hoạch ngân sách của bà Liz Truss - đã nói bất cứ điều gì về sự sụp đổ của đồng JPY (đồng yên Nhật) và sự cần thiết của sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ. Tại sao nhiều người cho rằng kế hoạch "ngân sách nhỏ" của bà Truss là nguyên nhân gây ra biến động của thị trường, trong khi đồng EUR, đồng JPY, đồng NOK (đồng krone Na Uy) và hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi đều chịu sự sụt giá tương tự hoặc tệ hơn so với đồng USD trong năm nay? Còn thị trường trái phiếu thì sao? Đây là năm tồi tệ nhất kể từ năm 1931 đối với trái phiếu trên toàn thế giới; và sự sụt giảm giá trái phiếu chính phủ và trái phiếu tư nhân ở các nền kinh tế thị trường đã phát triển và mới nổi cũng tương tự như các trái phiếu trả lãi suất cố định ở Anh.

Cũng chính các nhà kinh tế nói rằng thâm hụt không thành vấn đề và các quốc gia có chủ quyền có thể chi tiêu và in tiền theo ý họ (“các chính sách mở rộng”, họ gọi như vậy) giờ đây lại nói rằng một ngân sách theo trường phái Keynes của Vương quốc Anh, tăng chi tiêu nhưng cắt giảm thuế, có thể phá hủy nền kinh tế. Tuy nhiên, họ quên rằng Nhật Bản đã phải can thiệp mạnh mẽ để cứu giúp đồng JPY mà không có bất kỳ sự cắt giảm thuế nào và vẫn duy trì chính sách tài khóa sai lầm về chi tiêu và vay nợ.

Chuyện gì xảy ra với các quỹ hưu trí?

Theo ông Lacalle, các quỹ hưu trí của Anh không bán trái phiếu chính phủ một cách ồ ạt vì thiếu tin tưởng vào kế hoạch ngân sách của chính phủ này hay một kế hoạch ngân sách nào khác. Họ đang bán trái phiếu chính phủ có lợi suất âm vì họ đã toàn tâm toàn ý lao vào bong bóng nợ được tạo ra bởi tiền rẻ giả tạo với niềm tin rằng các Ngân hàng Trung ương sẽ giữ giá của trái phiếu có lãi suất cố định tăng cao với việc mua lại liên tục.

Các nghĩa vụ nợ chưa hoàn thành của quỹ hưu trí (số tiền mà quỹ đó phải trả so với số tiền mà quỹ hưu trí đó có) của Anh không phải là vấn đề do "ngân sách nhỏ" gây ra, đồng thời cũng không chỉ là vấn đề của Vương quốc Anh. Đó là một vấn đề lớn trong năm 2019–2020 ẩn giấu đằng sau việc in tiền điên cuồng. Theo Reason Foundation, các nghĩa vụ nợ chưa được hoàn thành trên toàn cầu của các quỹ hưu trí nhà nước ở Mỹ đã là 783 tỷ USD vào năm 2021 và tăng lên 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Tỷ lệ nghĩa vụ được đảm bảo của quỹ hưu trí nhà nước chỉ là 85% vào năm 2021 và đã giảm xuống dưới 75% vào năm 2022.

Điều gì đã xảy ra trong những năm tỷ giá âm và tiền được in ồ ạt? Các quỹ hưu trí đã sử dụng chiến lược đầu tư theo nợ (LDI). Hầu hết các chiến lược LDI đều sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro lạm phát và lãi suất. Và điều gì sẽ xảy ra khi lạm phát gia tăng và tỷ giá tăng?

“Khi lãi suất tăng, giá trị danh nghĩa của một số công cụ phái sinh được nắm giữ trong danh mục đầu tư LDI đã giảm. Kết quả là: xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc gọi liên quan tới tài sản thế chấp. Tốc độ tăng lãi suất [hiện nay] có nghĩa là một số chương trình hưu trí đã phải thanh lý danh mục đầu tư để đáp ứng các cuộc gọi tài sản thế chấp, theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Đầu tư vào tháng 9”, ông Brian Croce và các đồng nghiệp tại hãng tin Pensions & Investment cho biết.

Tổng tài sản trong các chiến lược LDI đã tăng gần gấp 4 lần lên 1,6 nghìn tỷ GBP (1,8 nghìn tỷ USD) trong 10 năm tính đến năm 2021. “Gần 2/3 các chương trình lương hưu xác định trợ cấp của Anh sử dụng quỹ LDI, theo [The Pensions Regulator]”, Reuters đưa tin.

BlackRock và chiến lược LDI

Theo lẽ tự nhiên, nơi nào có tình trạng hỗn loạn, thị trường lao dốc và cứu trợ của Ngân hàng Trung ương, cái tên BlackRock sẽ xuất hiện.

Chuyên gia: Bà Liz Truss không phải thủ phạm tạo hỗn loạn tài chính ở Anh
Giám đốc điều hành BlackRock Larry Fink phát biểu tại diễn đàn khai mạc Sáng kiến ​​Toàn cầu Clinton (CGI), một cuộc họp của các nhà lãnh đạo quốc tế nhằm giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu, vào ngày 19/09/2022 tại New York, Mỹ. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Trung tâm của sự hoảng loạn bán ra trên các thị trường nợ quốc gia ở Anh là một chiến lược của quỹ hưu trí được gọi là LDI. LDI về cơ bản là cái tên nghe có vẻ lành tính, dùng để gọi một thứ, trên thực tế, là một hỗn hợp nguy hiểm - các phái sinh và đòn bẩy. Hỗn hợp nguy hiểm này trong các quỹ hưu trí ở Anh có quy mô lên tới gần 1,8 nghìn tỷ USD. Khi các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới duy trì lãi suất ở mức thấp hết mức có thể, đã không có sự đổ vỡ nào và không có sự bán tháo trong hoảng sợ nào. Nhưng bây giờ các Ngân hàng Trung ương đang tăng lãi suất, mọi thứ đang tan vỡ, như mọi người đều nhận ra.

Trang web của BlackRock cho thấy công ty này quản lý “hơn 400 tỷ USD tài sản LDI trên toàn cầu”. Theo tin tức từ các phương tiện truyền thông, các nhà quản lý LDI khác bao gồm Schroders và Legal & General Group.

Có nhiều video khác nhau trên trang web của BlackRock giải thích tư duy của họ về các chiến lược LDI khác nhau. Trong một video với Matt Nili, Giám đốc điều hành và người đứng đầu Bộ phận đầu tư theo nợ của Mỹ và Canada, ông Nili nói:

“Chúng tôi nghĩ rằng các chương trình [hưu trí] có thể được hưởng lợi từ sự linh hoạt hơn trong rổ trái phiếu với lãi suất cố định của họ và rằng họ nên xem xét kỹ một lần nữa các công cụ Kho bạc [chỉ trái phiếu chính phủ] hiệu quả về vốn để phù hợp với phơi nhiễm rủi ro tỷ lệ nợ của họ. Một chương trình mà chúng tôi hợp tác gần đây đã khám phá việc sử dụng các quỹ Kho bạc có đòn bẩy, và họ nhận thấy rằng họ có thể tăng tỷ lệ phòng hộ của chương trình từ 35% lên tới 65%… và việc đó được thực hiện mà không cần điều chỉnh sự phân chia tỷ lệ tài sản có thu nhập tăng trưởng so với tài sản có thu nhập cố định trong danh mục đầu tư”.

Trong một video khác, bà Candice Mogg, Giám đốc danh mục đầu tư chính trong lĩnh vực kinh doanh LDI của BlackRock, tiết lộ điều này:

“Hôm nay, tôi sẽ tập trung vào một số động lực thị trường tác động đến tài sản chính phủ và các công cụ phái sinh theo các khía cạnh đó, và khi phòng ngừa rủi ro lãi suất, chúng ta thường tìm kiếm ba điều: hiệu suất dài hạn, giá trị và tính thanh khoản. Ở bên trái của trang trình bày này, như nhiều người đã biết, quỹ hưu trí đã có một quá trình hoạt động khá đáng kinh ngạc trong năm qua, đạt đến mức mà chúng ta chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và sự tăng trưởng này đã dẫn đến việc tách rời lợi tức và khoản tiền gốc mang tính kỷ lục của trái phiếu chính phủ, đáng chú ý nhất là đối với các trái phiếu kỳ hạn dài nhất …”.

Trái phiếu Kho bạc Mỹ Strips (có lợi tức và khoản tiền gốc được tách rời để bán) dài hạn sẵn có là một trong những công cụ nợ dễ biến động nhất trong thời kỳ lãi suất tăng nhanh. Không giống như trái phiếu kho bạc hoặc các trái phiếu kho bạc trả lãi nửa năm một lần (có thể được tái đầu tư với lãi suất cao hơn khi lãi suất tăng lên), trái phiếu kho bạc Strips không thanh toán lãi suất định kỳ. Trái phiếu kho bạc Strips có ngày đáo hạn cố định và được bán chiết khấu so với toàn bộ mệnh giá. Nếu đòn bẩy được thêm vào các công cụ vốn đã biến động này, điều đó sẽ chắc chắn sẽ giải thích thành công cho tình trạng khó khăn trong các quỹ hưu trí của Vương quốc Anh.

Cho đến ngày hôm nay, không có hãng truyền thông nào có thông tin rõ ràng về chiến lược LDI cụ thể nào đang được triển khai mạnh mẽ nhất trên thị trường lương hưu của Vương quốc Anh; các loại phái sinh cụ thể đang được sử dụng; và những ngân hàng toàn cầu hoặc các tổ chức tài chính khác nào là đối tác của các công cụ phái sinh này. Cho đến khi thông tin đó được công khai, chúng ta có rất ít thông tin có ý nghĩa về những gì đã xảy ra và những gì có thể bị ảnh hưởng tiếp theo.

Nguyên nhân của sự điên rồ LDI

Theo ông Lacalle, bà Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng không phải là nguyên nhân gây ra sự điên rồ LDI. Chính sách tỷ giá thực âm và việc bơm thanh khoản ồ ạt của Ngân hàng Trung ương Anh BOE chính là nguyên nhân. Ông Kwarteng và bà Truss chỉ đáng trách vì tin rằng các chính sách chi tiêu và in tiền được hầu hết các nhà kinh tế học Keynes chính thống bảo vệ sẽ tiếp tục hoạt động khi bữa tiệc đã tàn.

Trong những năm qua, chính phủ Anh và các quốc gia phát triển không chú ý đến sự mất cân bằng tài khóa vì tiền rất rẻ và dồi dào. Thâm hụt tăng vọt, chi tiêu không được kiểm soát và vấn đề nằm ẩn giấu trong bảng cân đối kế toán của các Ngân hàng Trung ương. Chẳng hạn, BOE đã mua hơn 100% số nợ ròng chính phủ phát hành. Sau nhiều năm in tiền và tăng nợ lên mức cao nhất mọi thời đại, lạm phát cao kéo dài liên tục xuất hiện, giờ đây các Ngân hàng Trung ương cần tăng lãi suất và giảm tốc độ tăng cung tiền ngay khi các quỹ dựa trên tài sản có thu nhập cố định đang phải gánh các khoản nợ độc hại với lợi suất thực và danh nghĩa âm. Việc tăng lãi suất có nghĩa là các cuộc gọi ký quỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn và thua lỗ sẽ là không thể chịu đựng được.

Các quỹ hưu trí của Vương quốc Anh cần phải bán đi các tài sản thanh khoản mà họ sở hữu khi các cuộc gọi ký quỹ tăng lên. Lạm phát xuất hiện sau nhiều năm in tiền với quy mô lớn và tiền tệ hóa nợ, và các quỹ đầu tư trên toàn thế giới - đặc biệt là ở khu vực đồng EUR, Anh và Nhật Bản - đang chứng kiến ​​danh mục đầu tư của họ sụp đổ với những khoản lỗ khổng lồ trên thực tế và danh nghĩa. Khi các cuộc gọi ký quỹ bắt đầu, nhiều bên sẽ cần bán tài sản có tính thanh khoản cao nhất của họ, TPCP ở Anh, hoặc trái phiếu chính phủ ở nơi khác.

Trách nhiệm của bà Truss

Ông Lacalle cho rằng, bà Truss và ông Kwarteng không nên bị đổ lỗi cho sự điên rồ trong những năm qua hoặc ngân sách siêu Keynes của cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak trước đó. Họ chỉ đáng trách vì tin rằng một liều điên rồ thâm hụt Keynes khác sẽ không gây hại gì.

Chuyên gia: Bà Liz Truss không phải thủ phạm tạo hỗn loạn tài chính ở Anh
Ông Rishi Sunak tham dự buổi ra mắt vở nhạc kịch Matilda, trong Liên hoan phim BFI London 2022, ở London, Vương quốc Anh, ngày 05/10/2022. (Ảnh: Daniel Leal / AFP qua Getty Images)

Sự thất bại của ông Kwarteng chỉ là một tai nạn do đám đông ủng hộ lý thuyết tiền tệ hiện đại tạo ra để biện minh rằng vấn đề nằm ở việc cắt giảm thuế một cách lố bịch chứ không phải là do những năm in tiền và tăng thâm hụt.

Những gì đã xảy ra ở Anh hoặc Nhật Bản có thể sẽ sớm xảy ra trong khu vực đồng EUR, nơi tích lũy hơn 12 tỷ EUR trái phiếu có lợi tức âm trong những năm tiền rẻ và các kế hoạch kích thích liều lĩnh.

Bà Truss không nên bị đổ lỗi cho 20 năm điên rồ về tiền tệ và thiếu trách nhiệm về tài chính. Bà ấy chỉ phải chịu trách nhiệm về một ngân sách tăng chi tiêu mà không cắt giảm các khoản chi không cần thiết.

Khoản cắt giảm thuế 'ma quỷ'

Theo ông Lacalle, điều trớ trêu sau tất cả là những người bảo vệ cho những khoản thâm hụt khổng lồ và sự vay mượn, nếu nó xuất phát từ việc làm phình to quy mô của chính phủ, cảm thấy được minh oan. Tất cả lỗi lầm đã được đổ cho khoản cắt giảm thuế 'ma quỷ' của bà Truss!

Ông Lacalle nhận thấy phân tích chính trị về kế hoạch "ngân sách nhỏ" thật đáng kinh ngạc. Dường như không ai trong Quốc hội Anh cho rằng cần phải cắt giảm chi tiêu, những khoản chi đó được chất đống và tổng hợp lại hàng năm. Điều này có nghĩa là bất kỳ sự thay đổi nào trong chu kỳ kinh tế đều dẫn đến sự mất cân đối tài khóa lớn hơn, cùng với đó là việc in tiền nhiều hơn. Giả định rằng việc tăng thuế sẽ tạo ra sự gia tăng doanh thu hàng năm lâu dài bất kể điều gì xảy ra với chu kỳ kinh tế chỉ có thể được bảo vệ bởi một quan chức quan liêu.

Thâm hụt luôn là một vấn đề của chi tiêu. Phân tích của Bloomberg Economics cho thấy rằng nếu việc quay đầu chính sách trong cắt giảm thuế không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nếu nó tạo ra các khoản thu được ước tính và chi phí đi vay được giảm bớt - ba cái “nếu” rất lớn và không thể xảy ra - thì khoản lỗ tài chính trong ngân sách Anh vẫn sẽ là 24 tỷ GBP, điều chỉ nhằm để giữ tỷ lệ nợ trên GDP ổn định.

Mỗi khi chính phủ Anh thừa nhận lập luận rằng thuế suất cao hơn tài trợ cho chi tiêu tổng hợp và hàng năm cao hơn, họ sẽ tiến thêm một bước để rời xa vị thế nền kinh tế hàng đầu toàn cầu và tiến gần hơn đến việc đưa Vương quốc Anh trở lại những năm 1970.

Ngay cả khi giả định không ảnh hưởng đến nền kinh tế, "việc giữ mức tăng thuế doanh nghiệp theo kế hoạch lên 25% từ 19% từ tháng 04/2023, mà người tiền nhiệm của [Jeremy] Hunt, Kwasi Kwarteng, dự định hủy bỏ trong "ngân sách nhỏ", tiết kiệm được khoảng 19 tỷ GBP", ông Jamie Rush viết trên Bloomberg. Tuy nhiên, con số tiết kiệm đó có thể là quá lạc quan khi xem xét mức thu nhập và lợi nhuận ở Vương quốc Anh. Đây là điều gây tranh cãi vì chúng ta đang chứng kiến ước tính được đồng thuận của thu nhập doanh nghiệp giảm tháng này qua tháng khác.

Làm dịu thị trường

Theo ông Lacalle, Bộ trưởng Tài chính thay thế Jeremy Hunt dường như tin rằng việc tăng thuế và tăng chi tiêu ồ ạt sẽ làm dịu thị trường. Tại sao ông ấy lại nghĩ như vậy? Sẽ là không hiệu quả khi đi theo mô hình hợp nhất tài chính của Nhật Bản và khu vực đồng EUR. Nhiều thuế hơn và chi tiêu nhiều hơn có nghĩa là tăng trưởng ít hơn, ít việc làm hơn, lương thực tế thấp hơn và nợ nhiều hơn. Hơn nữa, nó cũng không làm dịu thị trường ở những quốc gia đó, bởi vì tình trạng hỗn loạn đến từ căn bệnh dư thừa tiền rẻ, chứ không phải từ một khoản cắt giảm thuế khiêm tốn. Quan trọng hơn, việc gia tăng mức thuế và gánh nặng chi tiêu về lâu dài sẽ làm tổn hại đến khả năng trở thành một quốc gia thu hút đầu tư và vốn từ phần còn lại của thế giới của Vương quốc Anh.

Ông Lacalle cho rằng, bà Truss lẽ ra phải đưa ra một ngân sách mà bà ấy tin tưởng, chứ không phải một ngân sách mà bà ấy nghĩ rằng sẽ có được sự đồng thuận. Bằng cách trình bày một ngân sách chi tiêu "mở rộng" mà có lẽ bà ấy thậm chí còn không tin vào, đi kèm theo một vài khoản cắt giảm thuế khiêm tốn, bà ấy đã trao cho đối thủ của mình cái rìu để sử dụng chống lại bà. Cơ hội tấn công bà đã đến từ sự sụp đổ thị trường toàn cầu và những sự ưu đãi thuế nhỏ bé đã bị quy trách nhiệm cho toàn bộ vấn đề.

Trong khi đó, đảng Lao động ở Anh đang đòi có được nhiều sự điên rồ hơn về tiền tệ và tài khóa với một chương trình kinh tế nhằm tăng chi tiêu thậm chí còn nhiều hơn và tài trợ cho các khoản thâm hụt bằng cách kiếm tiền từ nợ. Và một số người gọi đó là “làm dịu thị trường”.

Theo ông Lacalle, bài học duy nhất cho Vương quốc Anh là hãy nhớ rằng nếu quý vị đi theo các chính sách kinh tế của Hy Lạp, quý vị sẽ có nợ Hy Lạp, thất nghiệp và tăng trưởng của Hy Lạp. Chính phủ Vương quốc Anh nên làm mọi thứ để tránh lạm phát tăng cao và kinh tế trì trệ của thập niên 70, chứ không phải cố gắng sao chép lại chúng một cách mạnh mẽ.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Bà Liz Truss không phải thủ phạm tạo hỗn loạn tài chính ở Anh