Đầy rẫy mâu thuẫn và lãng phí trong các chính sách kinh tế của ông Biden

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu ông Biden tham gia một kỳ thi cho khóa kinh tế cơ bản, hẳn ông sẽ nhận được điểm F. Các kế hoạch và chính sách kinh tế của ông Biden chứa đầy mâu thuẫn, cản trở sự hoạt động lành mạnh của nền kinh tế, gây lãng phí, làm tăng nợ và khiến lạm phát trở nên tồi tệ hơn.

Việc làn sóng đỏ [làn sóng ủng hộ đảng Cộng hoà] không thể quét qua cuộc bầu cử giữa kỳ là điều đáng lo ngại, bởi vì điều đó có nghĩa là nước Mỹ sẽ chi tiêu liều lĩnh trong ít nhất hai năm nữa.

Tổng chi tiêu trong ba kế hoạch kinh tế tiêu biểu của Tổng thống Joe Biden đạt xấp xỉ 5 nghìn tỷ USD. Con số đó lớn hơn GDP của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc.

Ba kế hoạch kinh tế nổi bật của ông Biden - Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ năm 2021, Đạo luật Phân bổ Ngân sách Hợp nhất năm 2021 và Đạo luật Giảm Lạm phát năm 2022 - tiêu tốn tổng cộng gần 5 nghìn tỷ USD. Chúng chứa đựng những chính sách và mục tiêu trái ngược nhau, điều sẽ gây lãng phí tiền bạc, làm tăng nợ, làm tăng thâm hụt và làm cho lạm phát trở nên tồi tệ hơn.

Làm tăng chi phí và đẩy giá dầu lên cao

Ngay sau khi nhậm chức vào năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã đóng cửa Đường ống Keystone. Khoảng một năm sau, kế hoạch đối phó với giá xăng tăng vọt của ông Biden là thúc giục các chủ trạm xăng giảm giá. Ngay cả những sinh viên sơ đẳng ngành kinh tế cũng biết rằng giá của bất cứ thứ gì cũng phụ thuộc vào cung và cầu. Việc đóng cửa các đường ống làm giảm nguồn cung dầu và đẩy giá lên cao. Các đảng viên Đảng Dân chủ lập luận rằng vì Đường ống Keystone chưa bắt đầu hoạt động nên nguồn cung dầu không bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa đó. Nhưng họ đang bỏ sót một điểm: khi OPEC cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên, Keystone có thể đã giúp giữ giá nhiên liệu ở Bắc Mỹ thấp xuống - nếu nó hoạt động.

Đầy rẫy mâu thuẫn và lãng phí trong các chính sách kinh tế của ông Biden
Hàng dặm đường ống không sử dụng, được chuẩn bị cho đường ống Keystone XL, tại một địa điểm bên ngoài Gascoyne, North Dakota, Mỹ, vào ngày 14/10/2014. (Ảnh: Andrew Burton/Getty Images)

Đảng Dân chủ đã thúc đẩy mức lương tối thiểu 15 USD một giờ, điều sẽ hủy hoại các doanh nghiệp nhỏ. Tiền lương tiêu tốn 20 đến 35% doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp và việc tăng hơn gấp đôi mức lương tối thiểu sẽ làm tiêu tan hoàn toàn bất kỳ khoản lợi nhuận nào. Điều này có thể khiến tất cả, trừ những nhà bán lẻ lớn nhất, như Walmart, phải đóng cửa. Những công ty vẫn mở sẽ phải tăng giá đáng kể để bù đắp cho chi phí cao hơn. Đồng thời, kế hoạch chống lạm phát của Biden là yêu cầu các doanh nghiệp “giảm chi phí, chứ không giảm lương”.

Liệu có khả năng Tổng thống Biden không biết rằng tiền lương là một loại chi phí? Hay ông không hiểu cách tính lợi nhuận cơ bản là doanh thu trừ đi chi phí? Ông không nhận ra rằng vì các công ty đang cố gắng kiếm thêm lợi nhuận, nên họ liên tục cắt giảm chi phí và cố gắng tìm cách hoạt động hiệu quả hơn? Thật khó để tin rằng một người nào đó nghe được thông điệp của ông Biden sẽ quay trở lại công ty của họ và đưa ra các biện pháp cắt giảm chi phí mà trước đây không ai nghĩ tới.

Một chính sách làm tăng chi phí khác của ông Biden nằm ở mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm khí nhà kính được ban hành vào tháng 04/2021, kêu gọi giảm ô nhiễm từ 50–52% vào năm 2030. Ông Biden tuyên bố rằng việc sử dụng tiền liên bang để hạn chế ô nhiễm sẽ tạo ra “các việc làm nằm trong công đoàn, được trả lương cao”. Không rõ làm thế nào ông Biden biết rằng những công việc được tạo ra sẽ là công việc nằm trong công đoàn hoặc thậm chí là “được trả lương cao”. Những gì chúng ta biết từ kinh nghiệm trong quá khứ là các yêu cầu gia tăng đối với ô nhiễm sẽ làm tăng chi phí cho hầu hết các doanh nghiệp. Những chi phí này sẽ được chuyển cho người tiêu dùng, cũng như bất kỳ khoản nợ nào của chính phủ phát sinh khi thực hiện các chính sách này.

Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ

Vào năm 2021, ông Biden đã thông qua Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD để khôi phục một số doanh nghiệp và thu nhập cá nhân, những thứ đã bị các lệnh phong tỏa COVID và các mệnh lệnh tiêm vaccine của ông phá hủy. Việc đóng cửa khiến gần 10 triệu người Mỹ mất việc làm, trong khi các doanh nghiệp nhỏ phải chịu thêm gần 200.000 vụ đóng cửa. Vào tháng 06/2021, 6,2 triệu người Mỹ vẫn không thể đi làm vì nơi làm việc của họ đã bị đóng cửa.

Đầy rẫy mâu thuẫn và lãng phí trong các chính sách kinh tế của ông Biden
Những người biểu tình từ Reopen NC phản đối việc phong tỏa COVID-19 ở Raleigh, North Carolina., Mỹ, ngày 14/04/2020. (Ảnh: Logan Cyrus / AFP qua Getty Images)

Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ, chính sách có mục đích tạo công ăn việc làm, bao gồm các khoản trợ cấp thất nghiệp kéo dài. Những thứ này sẽ không cần thiết nếu chính quyền thực sự có thể tạo ra việc làm hoặc nếu ông Biden không phá hủy việc làm ngay từ ban đầu.

Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ cũng tiếp tục các lệnh cấm trục xuất và tịch thu nhà - điều cũng sẽ không cần thiết nếu ông Biden để mọi người đi làm. Ngoài ra, chương trình này đã trợ cấp cho các chương trình tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, trong nhiều trường hợp, đã trở thành một yêu cầu để tham gia vào đời sống kinh tế và công cộng, làm giảm thêm nữa khả năng phục hồi kinh tế của đất nước.

Đạo luật Phân bổ Ngân sách Hợp nhất & Đạo luật Giảm Lạm phát

Khoản chi tiêu trong Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ đã bổ sung vào gần 900 tỷ USD kích thích được bao gồm trong Đạo luật Phân bổ Ngân sách Hợp nhất trị giá 2,3 nghìn tỷ USD năm 2021. Trợ cấp thất nghiệp nâng cao (EUB) được đề cập trong đạo luật này đã bổ sung thêm 300 USD mỗi tuần từ tiền liên bang, ngoài séc thất nghiệp tiểu bang, trong tối đa 79 tuần. Trợ cấp thất nghiệp có thay đổi giữa các tiểu bang, nhưng hầu hết các tiểu bang trả trợ cấp tối đa bằng 50% thu nhập trong tối đa 26 tuần. Với 300 USD bổ sung, những người lao động có thu nhập thấp sẽ nhận được nhiều hơn những gì họ có thể nhận được nếu họ đi làm. Thêm nữa, họ đã nhận được các khoản thanh toán kích thích. Mọi người được trả tiền để ở nhà trong một thời gian dài: lý do khiến các doanh nghiệp hiện đang thiếu lao động.

Đạo luật Giảm Lạm phát năm 2022 sẽ tiêu tốn hơn 700 tỷ USD. Nó có mục đích làm giảm lạm phát bằng cách tăng chi tiêu của chính phủ. Lạm phát được gây ra bởi chi tiêu của chính phủ, nợ của chính phủ và việc in tiền của chính phủ, vì vậy không rõ chi tiêu nhiều tiền hơn từ phía chính phủ sẽ khắc phục lạm phát như thế nào.

Vào năm 2021, chính quyền Biden đã thâm hụt 2,8 nghìn tỷ USD. Đây là số tiền sẽ được bổ sung vào khoản nợ quốc gia hiện ở mức hơn 31 nghìn tỷ USD. Vào năm 2022, mức thâm hụt dự kiến ​​sẽ bằng khoảng một nửa so với năm 2021 - một thành công mà ông Biden đang rêu rao. Tuy nhiên, mặc dù ông Biden đã giải quyết được một phần vấn đề mà về cơ bản chính ông đã tạo ra vào năm ngoái, nền kinh tế lại đang ở trong tình trạng ảm đạm hơn so với trước đây. Mức thâm hụt năm nay sẽ vào khoảng 1,4 nghìn tỷ USD, vượt quá bất kỳ khoản thâm hụt nào từ năm 2009 (dưới thời Obama) đến năm 2020.

Nếu ông Biden tham gia kỳ thi cho khóa kinh tế cơ bản, ông sẽ nhận được điểm F cho câu trả lời của mình về cách chống lạm phát.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Antonio Graceffo - The Epoch Times

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc)



BÀI CHỌN LỌC

Đầy rẫy mâu thuẫn và lãng phí trong các chính sách kinh tế của ông Biden