Lần đầu tiên, một cơn bão Mặt trời tấn công Trái đất, Mặt trăng và sao Hỏa cùng một lúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đã lần đầu tiên quan sát thấy vụ phun trào Mặt trời khổng lồ lao vào Trái đất, Mặt trăng và sao Hỏa cùng lúc.

Một đội tàu vũ trụ quốc tế đã phát hiện ra vụ phun trào, và nhận ra rằng các hạt do nó phát ra đủ năng lượng để xuyên qua từ trường của Trái đất, thứ bảo vệ hành tinh của chúng ta khỏi những sự kiện như vậy.

Trong khi đó, do thiếu vắng từ trường, Mặt trăng và sao Hỏa đã bị cơn bão Mặt trời cũng đã đập mạnh vào. Điều này khiến các nhà thiên văn học lo ngại về khả năng bức xạ từ mặt trời gây tử vong cho con người trong hoạt động thám hiểm tương lai.

Con người đang cân nhắc quay trở lại Mặt trăng và cuối cùng là sao Hỏa trong những thập kỷ tới.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc: “Chúng ta vẫn đang đối mặt với một trở ngại lớn, 'bức xạ không gian', đây là một mối nguy hiểm đáng kể và không thể tránh khỏi đối với sức khỏe của phi hành đoàn, đặc biệt là khi ở lại lâu dài trên các trạm Mặt trăng hoặc sao Hỏa trong tương lai”.

“Đặc biệt, các hạt năng lượng Mặt trời lẻ tẻ (SEP) được tạo ra thông qua các vụ phun trào Mặt trời cực đoan có thể nâng mức bức xạ bề mặt của Mặt trăng hoặc sao Hỏa lên các giá trị nguy hiểm tiềm ẩn”.

Cơn bão Mặt trời này được phát hiện vào ngày 28/10/2021, nhưng các nhà khoa học gần đây mới công bố phát hiện của họ trên tạp chí Geophysical Research Letters.

Sự kiện này đã được ghi lại bởi Tàu quỹ đạo ExoMars Trace Gas (TGO) của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity của NASA, tàu đổ bộ Mặt trăng của Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng (LRO) của NASA và tàu quỹ đạo Trái đất Eu:CROPIS của Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR).

Nhóm nghiên cứu tuyên bố rằng sự kiện này là một ví dụ về ‘ground-level enhancement’ (Tạm dịch: tăng cường mức độ cơ bản) hiếm gặp, có nghĩa là các hạt được giải phóng trong vụ phun trào đủ năng lượng để xuyên qua bong bóng từ trường bao quanh Trái đất, thứ bảo vệ chúng ta khỏi các vụ nổ năng lượng Mặt trời yếu hơn.

Tuy chỉ là lần tăng cường mức độ cơ bản thứ 73 kể từ năm 1940, khi các ghi chép được bắt đầu thực hiện, nhưng đây vẫn là lần đầu tiên một cơn bão Mặt trời tấn công ba bề mặt hành tinh cùng một lúc.

Do Mặt trăng và sao Hỏa không được bảo vệ trong một bong bóng từ trường như Trái đất nên các hạt từ Mặt trời có thể tương tác với mặt đất tại đó để tạo ra hạt thứ cấp.

Tuy nhiên, sao Hỏa vẫn có một bầu khí quyển mỏng ngăn chặn hầu hết các hạt Mặt trời có năng lượng thấp và làm chậm các hạt năng lượng cao.

ESA đã cho biết trong một tuyên bố rằng “liều lượng bức xạ trên 700 miligray - đơn vị đo hấp thụ bức xạ - có thể gây ra bệnh về phóng xạ thông qua việc phá hủy tủy xương, dẫn đến các triệu chứng như nhiễm trùng và chảy máu trong”.

Nếu một phi hành gia phải hấp thụ hơn 10 gray, họ rất khó có thể sống sót quá hai tuần.

Cơn bão Mặt trời năm 2021 không giải phóng đủ bức xạ để gây hại cho các phi hành gia trên quỹ đạo Mặt trăng do Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng của NASA chỉ đo được liều lượng bức xạ là 31 miligray.

Nhà khoa học Jingnan Guo đã nghiên cứu về sự kiện Mặt trời cho biết: “Tính toán của chúng tôi về các sự kiện tăng cường mức độ cơ bản trong quá khứ cho thấy trung bình cứ 5,5 năm lại có một sự kiện có thể vượt quá liều lượng an toàn trên Mặt trăng nếu không có biện pháp bảo vệ bức xạ. Hiểu được những sự kiện này là rất quan trọng đối với các sứ mệnh phi hành đoàn trong tương lai tới bề mặt của Mặt trăng”.

Do cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của cơn bão Mặt trời này, các sứ mệnh bên trong hệ Mặt trời của ESA, Solar Orbiter, SOHO và BepiColombo, đã cung cấp nhiều điểm quan sát hơn để nghiên cứu sự kiện Mặt trời này.

Marco Pinto, một nhà nghiên cứu của ESA đang làm việc với các máy dò bức xạ, cho biết: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ hoàng kim của vật lý hệ Mặt trời”.

Theo Dailymail

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lần đầu tiên, một cơn bão Mặt trời tấn công Trái đất, Mặt trăng và sao Hỏa cùng một lúc