Lo sợ phát ngôn đắc tội, cựu Phó thị trưởng Trung Quốc bỏ trốn sang Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Tôi dùng tên thật để thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Hôm 19/8, The Epoch Times đã có cuộc phỏng vấn với ông Lý Truyền Lương (Li Chuanliang), cựu Phó thị trưởng thành phố Kê Tây (Jixi), tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Hồi đầu năm nay, ông Lý đã chạy trốn khỏi Trung Quốc và vừa đặt chân đến Los Angeles trong thời gian gần đây.

Ông Lý cho biết ông muốn thoái xuất các tổ chức đảng, đoàn, đội của ĐCSTQ bằng tên thật của mình. Trên thực tế, ông Lý đã chủ động xin từ chức Phó thị trưởng và các chức vụ công khác vào năm 2014, và từ chối đóng đảng phí trong nhiều năm, tự động từ bỏ tư cách đảng viên ĐCSTQ.

Vào ngày 14/2/2020, ông Khổng Lệnh Bảo (Kong Lingbao), người trước đây công tác dưới quyền ông Lý Truyền Lương tại Cục Tài chính và sau đó được thăng chức làm Bí thư Quận ủy Hằng Sơn của thành phố Kê Tây, vì đưa ra bình luận về việc chính quyền trung ương Trung Quốc che giấu đại dịch viêm phổi Vũ Hán nên đã bị báo cáo và cách chức. Buổi chiều cùng ngày, ông Khổng đã bị cảnh sát bắt giữ, nhà và văn phòng cũng bị khám xét toàn diện. Sau khi biết được thông tin này, ông Lý Truyền Lương lo lắng sẽ bị liên lụy vì những nhận xét và quan điểm trong quá khứ của mình. Với sự giúp đỡ của các nhà hoạt động phong trào dân chủ ở nước ngoài, ông Lý đã phải thông qua rất nhiều người, gặp nhiều trắc trở và chạy trốn trong lo sợ trong tình hình đại dịch, ông chỉ mới đặt chân đến Los Angeles gần đây.

"Không còn cách nào khác, tôi thực sự không thể làm tiếp được nữa"

Không ít người đặt câu hỏi tại sao ông Lý Truyền Lương phải từ chức công vụ? Ngay cả khi không là Phó thị trưởng, ông vẫn là cán bộ cấp sở và được hưởng nhiều lợi ích cũng như đãi ngộ đặc biệt ở Trung Quốc. Nhưng ông nói: "Những người bạn tốt chân chính, bất cứ ai hiểu tôi đều cảm thấy rằng tôi đang làm điều đúng đắn. Không còn cách nào khác, tôi thực sự không thể làm tiếp được nữa”.

Ông Lý bắt đầu công tác từ năm 1983. Ông có Chứng chỉ kế toán viên công chúng được cấp phép (CPA), Chứng chỉ Kiểm toán Nội bộ (CIA) và Chứng chỉ đại lý thuế (CTA). Ông tốt nghiệp thạc sĩ EMBA tại Học viện Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa và đạt được chứng nhận kế toán viên cao cấp. Sau 4 - 5 năm công tác, ông Lý đã được kết nạp đảng. Ông cho biết, nhiều năm qua ông đều tham gia vào công việc quản lý thu chi ngân sách, thuộc về nhân viên kỹ thuật, và luôn không hợp với giới chính trị.

Cuối năm 2011, do điều chỉnh đơn vị công tác, ông Lý Truyền Lương được bổ nhiệm làm Phó Thị trưởng thành phố Kê Tây. Trong ba năm làm Phó thị trưởng, ông đã từng bước thâm nhập vào hạch tâm chính trị của thành phố và nhận thấy nhiều phương thức quyết sách mang tính tham nhũng và các công trình lừa đảo dối trá. Ông nói: "Việc tiêu tốn các khoản công quỹ cho các dự án và đất đai, ở tất cả các thành phố lớn đều có những trường hợp này”. Nhưng vì vị thế thấp cổ bé họng, ông Lý chỉ có thể cố gắng ngăn chặn hoặc không thực hiện một số vụ nhất định. "Tôi cũng đã từng rất thẳng thừng và báo cáo, nhưng kết quả là hình phạt rất nhẹ, các quan chức đều bảo vệ nhau". Ông Lý cũng từng bị cấp trên đe dọa và dụ dỗ, ám thị rằng chỉ cần anh hợp tác, anh sẽ có cơ hội được thăng chức.

Cuối cùng, ông Lý quyết định chủ động từ chức, đơn vị cũng nhận thấy thái độ tiêu cực của ông nên đến năm 2014 ông được điều làm Phó thị trưởng Hạ Cương (Hegang). Ông Lý nói: "Vì có nỗi ưu tư nên tôi không muốn làm việc đó. Vậy nên sau đó tôi đã không được phát lương, chế độ nghỉ hưu và bảo hiểm cũng bị chấm dứt".

Các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin rằng ông Lý Truyền Lương chính thức được bổ nhiệm làm Phó Thị trưởng Kê Tây vào tháng 5/2012. Ông nói rằng điều này là do một hoạt động mang tính thủ tục và có độ trễ về thời gian. Việc bổ nhiệm các quan chức của ĐCSTQ không phải do bầu cử, hầu hết đều được tổ chức chỉ định và sắp xếp. ĐCSTQ muốn ai lên thì người ấy sẽ lên. Vì vậy các công bố nhậm chức chính thức của quan chức sẽ có sự chênh lệch thời gian một tháng, thậm chí hơn nửa năm. Ông Lý cho biết: “Tuyên bố chính thức chỉ mang tính chất tham khảo một phần”. Trên thực tế, ông chính thức trở thành Phó thị trưởng thành phố Kê Tây từ cuối năm 2011.

Năm 2017, ông Lý Truyền Lương chính thức hoàn toàn rời khỏi ĐCSTQ cùng thể chế chính phủ đó, trở thành một "người tự do". Ông nói: “Khi tôi nhận được hộ chiếu, tôi mới cảm thấy mình thực sự được tự do, và tôi vui vẻ gọi điện cho bạn bè của mình để thông báo cho họ”. Kể từ đó, ông Lý đã làm tư vấn thuế doanh nghiệp và kinh doanh cá nhân.

Rất lo lắng rằng Trung Quốc sẽ trở lại thời kỳ Cách mạng Văn hóa

Trước khi xảy ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán, ông Lý thường bình luận về tình hình hiện tại và việc ra quyết định của chính phủ với một số người bạn cùng chí hướng. Ông nói: "Thực ra trước đây không phải không lo lắng, nhưng tôi không ngờ nó lại nghiêm trọng như vậy". Trong các cuộc trò chuyện nhóm nhỏ và dùng bữa, ông và bạn bè đều nói về vấn đề của thể chế ĐCSTQ và thảo luận về các tệ nạn của “đảng”. Tuy nhiên, ông cho rằng với tình hình hiện tại ở Trung Quốc, có lẽ sẽ không ai dám nói ra. Bởi vì ĐCSTQ khuyến khích giám sát và báo cáo, đồng thời thắt chặt quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là “Dự án Thiên nhãn”, các loại giám sát trên trời, dưới đất, hầu hết mọi người đều phẫn uất nhưng không dám nói. Ông rất lo lắng Trung Quốc sẽ trở lại thời kỳ Cách mạng Văn hóa, vì báo cáo nhau mà vợ chồng trở mặt, cha con trở thành kẻ thù.

Ông Lý Truyền Lương nói: “Tất cả chúng tôi đều dám nói, nhưng chúng tôi nói thật quá”. Một trong những cáo buộc cho bắt giữ ông Khổng Lệnh Bảo là “có ngôn luận không đúng đắn”, nhưng rốt cuộc thì “ngôn luận không đúng đắn” là gì? Với tư cách là Bí thư cấp 4 đương nhiệm của Đảng Cộng sản, ông Khổng đã nói: “Không thể tiếp tục bán mạng sống của mình cho Đảng Cộng sản được nữa, không thể tiếp tục làm việc cho Đảng Cộng sản nữa”. Cuộc trò chuyện riêng tư này đã được ghi âm và bị báo cáo, ông Khổng cũng vì vậy mà bị kết án.

Ông Lý cho biết vào đầu tháng 2 năm nay, dịch bệnh ở Trung Quốc đã lây nhiễm nghiêm trọng nhưng chính quyền không cho phép các quan chức địa phương báo cáo lên trên. Là người đứng đầu khu vực thuộc quyền quản lý của mình, ông Khổng đã tận mắt chứng kiến cảnh các công nhân thất nghiệp ở các mỏ than đã bị khai thác sạch ở địa phương, hết người này đến người khác bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán. Do dịch bệnh lây lan quá nghiêm trọng nên ông quyết định báo cáo lên cấp trên, nhưng cuối cùng ĐCSTQ đã liệt ông vào tội “thất trách trong công tác phòng chống dịch”. Ông Lý nói: "ĐCSTQ bắt giữ bất cứ ai mà nó muốn bắt. Bản án của Khổng Lệnh Bảo thực sự là một cuộc đấu tranh phe phái trong nội bộ ĐCSTQ. Người báo cáo ông ấy cũng là một người trong nội bộ, sau khi ông Khổng bị rớt đài, ông ta đã lên thay thế".

Ông Lý cho biết: "Đây là một trò gánh tội điển hình. Những ai thực sự lên tiếng cho người dân thì sẽ phải chịu tội". Ông cho rằng khi đó ĐCSTQ đã thông báo về dịch viêm phổi và ông Khổng cũng không phải là người tố cáo [về dịch bệnh]. "Ông ấy cấp báo lên vậy là rất chậm rồi, nếu mà sớm hơn một ngày thôi thì số người chết đã có thể ít đi”. Nhưng ĐCSTQ vẫn muốn ông Khổng Lệnh Bảo làm “dê thế tội”.

Sau khi đại dịch bùng phát, mọi người dân Trung Quốc đều được cấp mã y tế, thực tế là đeo máy theo dõi toàn diện 24h. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có suy nghĩ là có thể cứu sống bản thân là tốt rồi, không cách nào nghĩ quá nhiều đến những điều khác. Ông Lý nói: "Tôi chưa bao giờ đọc dữ liệu do ĐCSTQ đưa ra, và tôi cũng không tin. Nó quá không minh bạch, dữ liệu không chính xác. Ai tin chứ? Nhưng ai dám nói?".

Hãy can đảm lên tiếng, để nhiều người hơn nữa cùng đứng lên

Theo những gì ông Lý Truyền Lương biết, ông thực sự đã nghe nói rằng các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đang sử dụng thuốc Hydroxychloroquine, nhưng đại đa số người dân Trung Quốc không biết điều đó trừ khi họ là người trong nội bội thể chế, hoặc là những người có chính kiến tự vượt tường lửa Internet rồi lấy được thông tin từ nước ngoài. Khi còn ở Trung Quốc, ông Lý cũng đã dò hỏi về loại thuốc này nhưng không thể mua được.

Ông nói: "Môi trường xã hội hiện tại ở Trung Quốc là trên bề mặt thì xuất bản khá nhiều bài báo nhưng kỳ thực chẳng có là bao; tin giả cũng nhiều, tin thật thì rất ít". Ông còn cho biết hầu hết những người bị sa thải không có thu nhập, mọi người đều lo lắng không biết tương lai phải làm sao, đều sống trong tình cảnh tồn trữ được bao nhiêu lương thực thì qua ngày được thêm chút ấy.

Ông Lý cũng cho rằng chế độ độc tài ĐCSTQ đã nằm ngoài tầm giám sát của người dân, xã hội và quốc tế, nó đã đưa ra rất nhiều chính sách không phù hợp với lòng dân và cũng không thực tế. Ông nói: "Làm thế nào mà một ngôi nhà mới xây được vài năm đã cong vẹo rồi? Ở đây có lợi ích của các chủ đầu tư xây dựng!". Đây là lý do dẫn đến tham nhũng chính sách. Trung Quốc không có chính sách công bằng, chỉ có các chính sách được thiết lập cho các nhóm lợi ích.

Ông Lý đã từng bị tố cáo là thất trách, không làm tròn trách nhiệm. Ông nói rằng vụ án đó là do các quan chức tham nhũng Phòng Xây dựng Đô thị và Nông thôn thuộc khu vực quản lý của ông làm, nhưng dân chúng điền tên trong thư tố cáo là Phó thị trưởng để nâng cấp vấn đề và được dư luận chú ý hơn. Ông Lý nói: "Căn bản là tôi không có làm mấy chuyện ấy. Cuối cùng, chính tôi đã giúp người tố cáo giải quyết vấn đề. Vì người dân muốn tìm ai đó để giải quyết vấn đề, vậy nên họ đã kéo tôi vào". Ông cho rằng hầu hết các việc "khiếu nại lên chính quyền cấp trên" ở Trung Quốc không phải là vô duyên vô cớ. Một người, hai người thì có thể là vấn đề cá nhân, nhưng nếu có nhiều người kiến ​​nghị, thì ắt là vấn đề rất lớn của các quan chức đại diện cho chính phủ. Thể chế ĐCSTQ là vấn đề lớn nhất ở Trung Quốc.

Ông Lý Truyền Lương cho rằng ở Trung Quốc, cho dù bạn là quan chức cấp cao, doanh nhân hay phần tử trí thức, chỉ cần bạn có lương tâm một chút, bạn sẽ gặp rất nhiều áp lực về tinh thần. Ngoài việc đối mặt với các chính sách đàn áp của chính quyền ĐCSTQ, bạn còn phải lo lắng cho sự an toàn cá nhân của mình. Ông nói: “Bây giờ làm quan chức của ĐCSTQ cũng là một công việc có nguy cơ và rủi ro cao”.

Sau khi thoát khỏi Trung Quốc, ông Lý quyết định dũng cảm lên tiếng, bởi vì chỉ có đứng lên thì mới có thể khuyến khích nhiều người hơn nữa cùng đứng lên, như vậy thì mới thực sự là đang bảo vệ người thân, bạn bè và gia đình của mình.

Đông Phương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lo sợ phát ngôn đắc tội, cựu Phó thị trưởng Trung Quốc bỏ trốn sang Mỹ