Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực tăng lên gấp ba lần diện tích Brazil

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dữ liệu vệ tinh cho thấy lỗ thủng tầng ozone phía trên Nam Cực năm nay là một trong những lỗ thủng lớn nhất từng được ghi nhận. Theo các chuyên gia, vụ phun trào núi lửa dưới nước ở Tonga vào đầu năm 2022 có thể là nguyên nhân gây ra khoảng trống khổng lồ trong lớp khí quyển che chở Trái đất. 

Tầng ozone là một lớp khí quyển của Trái đất nằm ở độ cao từ 15 đến 30 km so với bề mặt, nơi có nồng độ cao của ozone - một loại phân tử oxy có ba nguyên tử thay vì hai. Tầng ozone rất cần thiết cho các dạng sống khác nhau, bao gồm cả con người, vì nó ngăn chặn tia cực tím (UV) có hại từ Mặt trời.

Năm 1985, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các lỗ thủng lớn xuất hiện ở tầng ozone phía trên các vùng cực của Trái đất, và chlorofluorocarbons (CFC) - một loại hóa chất phổ biến được sử dụng trong bình xịt, vật liệu đóng gói và tủ lạnh vào thời điểm đó - đã phản ứng với ozone trong bầu khí quyển Trái đất để làm suy giảm tầng ozone. Kết luận này dẫn đến việc cộng đồng quốc tế cấm sử dụng CFC vào năm 1989 để giúp nồng độ ozone phục hồi theo thời gian.

Tuy nhiên, các khoảng trống trong tầng ozone vẫn hình thành phía trên các vùng cực trong những tháng mùa đông ở mỗi bán cầu khi không khí lạnh tạo ra các đám mây tầng bình lưu vùng cực (PSC), thứ càng làm giảm lượng ozone phía trên các cực vốn đã hạn chế.

Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), lỗ thủng tầng ozone năm nay ở Nam Cực đã đạt kích thước tối đa vào ngày 16/9 với diện tích khổng lồ 26 triệu km vuông. Diện tích này gần bằng diện tích của Bắc Mỹ, gấp ba lần diện tích của Brazil, tương đương với Nga và Trung Quốc cộng lại hoặc gấp đôi diện tích của Nam Cực.

Antje Inness, nhà nghiên cứu tại European Center for Medium-Range Weather Forecasts, cho biết trong tuyên bố: “Lỗ thủng tầng ozone năm 2023 đã bắt đầu sớm và phát triển nhanh chóng kể từ giữa tháng 8”. Bà nói thêm rằng đây là "một trong những lỗ thủng tầng ozone lớn nhất từng được ghi nhận".

Các nhà nghiên cứu cho rằng lỗ thủng khổng lồ trong tầng ozone có thể là do vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai có sức mạnh hơn 100 quả bom ở Hiroshima vào năm 2022.

Vào tháng 8/2022, một nhóm nhà khoa học riêng biệt cảnh báo rằng vụ phun trào có thể làm mất ổn định tầng ozone khi nó phun vào tầng trên của bầu khí quyển hơn 50 triệu tấn nước. Điều này tương đương với việc tăng thêm 10% lượng nước trong bầu khí quyển. Các nhà khoa học cho rằng hơi nước có thể còn làm mất ổn định tầng ozone hơn nữa sau khi phân hủy thành các ion hoặc phân tử tích điện phản ứng với ozone theo cách tương tự như CFC. Theo ESA, hơi nước cũng làm tăng khả năng hình thành PSC ở các vùng cực .

Hiện tại có vẻ như những nhà khoa học đó đã đúng, Inness nói. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận mối liên hệ giữa lỗ thủng tầng ozone năm nay và vụ phun trào.

Sự biến đổi khí hậu tự nhiên cũng có thể đóng một vai trò nào đó trong lỗ thủng khổng lồ năm nay. Năm 2019, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đã xuống đến kích thước nhỏ kỷ lục, do nhiệt độ ấm bất thường đã ngăn cản PSC hình thành. Nhưng từ năm 2020 đến năm 2022, lỗ thủng tầng ozone ngày càng lớn hơn so với cùng kỳ năm trước khi nhiệt độ lạnh hơn quay trở lại.

Sự kiện El Niño năm nay cũng có thể đóng một vai trò nhỏ trong việc làm thay đổi nhiệt độ ở các cực, nhưng hiện tại mối liên hệ này vẫn chưa rõ ràng.

Các nhà nghiên cứu của ESA cho biết, mặc dù lỗ thủng tầng ozone hiện tại là một trong những lỗ lớn nhất từng được ghi nhận nhưng không có lý do gì để hoảng sợ. Khu vực bên dưới lỗ thủng tầng ozone phần lớn không có người ở và nó sẽ đóng lại hoàn toàn trong vòng vài tháng. Họ nói thêm rằng nếu mức CFC vẫn ở mức thấp thì tầng ozone sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2050.

Theo Livescience



BÀI CHỌN LỌC

Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực tăng lên gấp ba lần diện tích Brazil