Loại gỗ đứng số một thế giới của Việt Nam: ‘Gỗ của các vị Thần’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàng ngàn năm nay, trầm hương được biết đến như là "Gỗ của các vị thần", là một trong những loại gỗ đắt nhất thế giới. Trong khi đó, trầm hương Việt Nam có chất lượng tốt nhất thế giới.

Trầm hương thiên nhiên được tạo ra từ aquilaria malaccensis - cây dó bầu - một loại cây có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á. Nhưng để loại cây này tạo ra trầm hương, trước tiên nó phải bị nhiễm nấm mốc.

Trước khi bị nhiễm bệnh, lõi gỗ khỏe mạnh bên trong cây dó bầu nhạt màu, không mùi và không có nhiều giá trị. Tuy nhiên, trong tự nhiên, khi cây bị thương do chịu lực tác động bên ngoài thường dẫn đến sự phát triển của một loại nhiễm nấm bên trong thân cây có tên là Phialophora parasitic.

Đặc tính phòng thủ của cây dó bầu trước sự tấn công này là tạo ra một loại nhựa thơm màu sẫm và ẩm, được gọi là aloes. Trong vài năm, aloes từ từ ăn sâu vào lõi gỗ để tạo ra trầm hương.

Sự quý hiếm của trầm hương

Ông Trương Thanh Khoan, một chuyên gia trầm hương tại Việt Nam cho biết “Gỗ trầm hương là một loại gỗ nổi tiếng tại Việt Nam. Đối với một người thợ rừng có kinh nghiệm, họ có thể nhìn vào cây dó bầu và đoán được nó có gỗ trầm hương bên trong hay không”, theo Business Insider.

Theo ông, công việc "ngậm ngải tìm trầm" rất nguy hiểm, các phu trầm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như mưa gió, rừng sâu, thú dữ, nhiều khi phải đánh đổi bằng tính mạng. Chưa kể, trầm hương tự nhiên càng ngày càng hiếm nên thị trường định giá nào cũng được.

Cây Dó bầu là một loại cây thân gỗ, thuộc họ Trầm đang được cấy tạo trầm. Ảnh: Tramhuongbaoloc

Loại gỗ này thường được sử dụng làm hương liệu, đặc biệt là ở Trung Đông, trầm hương được sẽ được đốt khi tiếp đón khách để thể hiện lòng hiếu khách hay được tẩm vào quần áo như một loại nước hoa. Khi sự phổ biến của nó tiếp tục phát triển ở phương Tây, trầm hương đã trở thành một thành phần phổ biến trong một số loại nước hoa đắt tiền.

Trầm hương cũng được chưng cất thành tinh dầu. Và ở dạng tinh khiết nhất, dầu trầm hương lâu năm có thể có giá lên đến 80.000 USD/lít, được các nhà kinh doanh đặt cho biệt danh là "vàng lỏng".

Theo Dantri, trầm hương được mô tả như một sản phẩm của sự giàu có và sang trọng trong một văn bản lâu đời nhất thế giới, kinh Veda bằng tiếng Phạn, có niên đại 1.400 trước Công nguyên. Hương thơm tạo ra từ trầm hương đã được đánh giá cao trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo xuyên suốt quá trình lịch sử.

Trong Kinh Niết Bàn, tinh dầu trầm hương được nhắc đến như một loại "gỗ trời" được dùng trong việc hỏa táng Đức Phật. Trong Tân Ước, cơ thể của Chúa Giê-su được xức bằng hỗn hợp của một dược liệu và dầu trầm hương sau khi ngài bị đóng đinh.

Trầm hương Việt Nam đứng đầu thế giới

Do sản xuất không bền vững và nạn săn trộm, tất cả các giống cây tạo ra trầm hương hiện được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp. Các chuyên gia ước tính số lượng cây toàn cầu đã giảm 80% trong 150 năm qua.

Ngoài ra, ngay cả đối với những cây còn sống sót, tần suất nhiễm nấm tự nhiên là rất thấp. Một số ước tính cho biết chỉ có 2% số cây dó bầu hoang dã bị nhiễm bệnh đủ mức cần thiết để tạo ra trầm hương tự nhiên, có nghĩa là việc săn tìm trầm hương tự nhiên là vô cùng gian nan.

Theo markettimes, hiện nay, trên giới có khoảng 25 loài cây dó bầu nhưng chỉ khoảng 15 loài có khả năng tạo trầm hương. Trong đó, theo Giáo sư Gishi Honda từ Đại học Tokyo, Nhật Bản, trầm hương Việt Nam có chất lượng tốt nhất thế giới.

Ở nước ta, trầm hương phân bố nhiều tại các khu rừng nhiệt đới, rừng nguyên sinh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa. Đặc biệt là từ tỉnh Quảng Bình đi vào phía Nam cho đến đảo Phú Quốc.

Hiện nay, bên cạnh trầm hương tự nhiên, Việt Nam đang phát triển nhiều vùng trồng cây dó bầu trên khắp cả nước để cấy trầm nhân tạo.

Được mệnh danh báu vật của rừng già, không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam, trầm hương đều gây sốt thị trường. Theo Business Insider, thị trường trầm hương toàn cầu được ước tính trị giá 32 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm 2029 sẽ tăng gấp đôi giá trị, lên mức 64 tỷ USD.

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Loại gỗ đứng số một thế giới của Việt Nam: ‘Gỗ của các vị Thần’