Mắt cửa Hội An: Những bí ẩn về ‘Linh thần' đang chờ được khám phá

Giúp NTDVN sửa lỗi

‘Mắt cửa Hội An’ là hình tượng của đôi mắt trên khung cửa ra vào, được xem như là linh hồn canh giữ những ngôi nhà cổ ở Hội An. Mắt cửa này vừa huyền bí, ấn tượng lại vừa có cảm giác như gần gũi, quyến luyến lạ lùng với du khách đến thăm.

Mắt cửa Hội An không chỉ là một kiến trúc trang trí bình thường, nó mang một dấu ấn rất riêng về đời sống tâm linh của con người phố Hội.

‘Linh thần’ phố Hội

Ông Võ Đăng Phong, kiến trúc sư, chuyên viên của Ban Quản lý và bảo tồn di tích Hội An cho biết: “Có rất nhiều loại mắt cửa với các kiểu chạm khắc khác nhau, có thể được trang trí bằng lụa đỏ trên khung cửa trên của cửa. Đa số các mắt cửa đều được chạm khắc tinh xảo hình âm dương lưỡng cực của phương Đông. Họa tiết trang trí bên ngoài có thể đơn giản là một hình bát giác, cầu kỳ hơn là tám cánh hoa cúc”.

Có trên 20 kiểu mắt cửa khác nhau. Một số mắt cửa được chạm khắc đẹp, cầu kỳ và rất ấn tượng như hình đôi rồng chầu mặt trời, đôi giao long chầu mặt trăng tại Hội quán Phúc Kiến, hình mặt hổ phù tại miếu Quan Công...

Mắt cửa Hội An tại Miếu Quan Công. Ảnh: Wikipedia CC BY 1.0

Theo những bậc cao niên thì: "Mắt cửa Hội An được xem như là linh hồn của ngôi nhà cổ, 2 linh thần để giữ cửa và trừ tà. Người phố cổ thường có tập tục thắp hương thờ cúng 2 linh thần này, đồng thời cứ đến dịp năm mới, chủ nhà sẽ hạ tấm vải điều của 2 mắt cửa xuống giặt hoặc thay mới để thay đổi thần sắc, sinh khí cho ngôi nhà”.

Còn đối với du khách trong và ngoài nước thì "mắt cửa" đã làm cho những ngôi nhà cổ ở Hội An vừa huyền bí, ấn tượng lại vừa có cảm giác như gần gũi, quyến luyến lạ lùng…

Nguồn gốc ‘Mắt cửa Hội An'

Hỏi về nguồn gốc của những đôi mắt cửa này, kiến trúc sư Đăng Phong cho biết: "Cho đến nay, hầu như chưa có công trình khảo cứu nào khẳng định ý nghĩa của mắt cửa trong đời sống văn hoá phi vật thể của vùng đất này".

Ảnh: Du Lịch Quốc Anh

Theo giải thích dân gian thì cho rằng: Hội An trước đây là một thương cảng, nơi tập trung các thuyền buôn, ngư dân, thương nhân sinh sống và buôn bán.

Từ việc tin ở tác dụng của những đôi mắt thuyền đã dẫn lối đưa đường cho những con thuyền vượt qua phong ba, bão táp hiểm nguy để đến được những bến bờ an toàn cho nên họ cũng đã tạo mắt cho những ngôi nhà của mình để bảo vệ ngôi nhà tránh những tai ương, rủi ro…

Có người cho rằng đây là hình thức thờ “Môn thần” (Thần cửa) trong tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Hoa. Mắt cửa thể hiện cho khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh được hoạn nạn, rủi ro, tránh không cho tà ma xâm phạm vào nhà, gây nên bệnh tật, gia đình xào xáo, việc làm ăn bị thất bại…

Cần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc

Dẫu cho dù xuất phát nguồn từ đâu, những đôi mắt cửa hiển linh bao đời như linh hồn của phố Hội. Với hơn 1.100 di tích, 3 dãy phố cổ, 1.068 ngôi nhà cổ cùng với những đôi mắt cửa đã làm đô thị cổ Hội An trở thành một quần thể di tích sống đáng chiêm ngưỡng.

Tồn tại nhà cổ, tức là những "Linh thần" của ngôi nhà vẫn sống. Chính những "mắt cửa" linh thiêng và độc đáo này đã chứng kiến những đổi thay, thăng trầm của cuộc sống người dân phố Hội.

Đôi mắt ấy như dõi theo, như nhắc nhở người Hội An, những chủ nhân của một di sản văn hóa đầy nhân văn: Hãy sống, yêu quý, lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời của những ngôi nhà cổ đã làm nên một Hội An di sản, một Hội An cổ kính ngàn năm, sống mãi với thời gian…

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Mắt cửa Hội An: Những bí ẩn về ‘Linh thần' đang chờ được khám phá