Mỹ - Trung thiết lập diễn đàn trao đổi thường xuyên về kinh tế nhằm hạ nhiệt căng thẳng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai nhóm công tác kinh tế được coi là ‘bước tiến quan trọng' trong mối quan hệ song phương, thể hiện thái độ đối thoại và hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ đã thành lập hai nhóm làm việc với Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và tài chính nhằm cung cấp một diễn đàn trao đổi chính sách thường xuyên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bộ Tài chính Mỹ và Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ đảm nhận vai trò giám sát đối với Nhóm công tác kinh tế, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ là đối tác của Bộ Tài chính đối với Nhóm công tác tài chính.

Theo một tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ công bố vào ngày 22/9, họ sẽ “gặp nhau theo nhịp độ thường xuyên” và báo cáo lên Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng).

Thông cáo báo chí cho biết các nhóm này nhằm mục đích “cung cấp các kênh liên tục có cấu trúc để thảo luận thẳng thắn và thực chất về các vấn đề chính sách kinh tế và tài chính, cũng như trao đổi thông tin về sự phát triển tài chính và kinh tế vĩ mô”.

‘Một bước tiến quan trọng’

Bộ trưởng Tài chính trên nền tảng truyền thông xã hội X mô tả biện pháp này là “một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ song phương của chúng ta và được xây dựng dựa trên chuyến thăm Bắc Kinh của tôi vào tháng 7”.

Trong chuyến công du Trung Quốc kéo dài 4 ngày, chuyến công du thứ hai trong số bốn chuyến công du của các quan chức cấp cao của chính quyền Biden trong nhiều tháng, bà Yellen đã gặp Thủ tướng Lý Cường, Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, Thống đốc ngân hàng trung ương Dịch Cương (Yi Gang), Bí thư Đảng ủy ngân hàng trung ương Phan Công Thắng (Pan Gongsheng) và cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Tuy nhiên, bà Yellen không đạt được bất kỳ bước đột phá nào.

Mỹ - Trung thiết lập diễn đàn trao đổi thường xuyên về kinh tế nhằm hạ nhiệt căng thẳng
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trong cuộc họp ăn trưa với các nhà kinh tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 8/7/2023. (Ảnh: Mark Schiefelbein/Pool/AFP qua Getty Images)

Bà Yellen nói rằng các nhóm công tác sẽ đóng vai trò là kênh quan trọng để truyền đạt “lợi ích và mối quan tâm của Mỹ, thúc đẩy cạnh tranh kinh tế lành mạnh giữa hai nước chúng ta với một sân chơi bình đẳng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời thúc đẩy hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu”.

Bà viết: “Điều quan trọng là chúng ta phải nói chuyện, đặc biệt là khi chúng ta bất đồng quan điểm”.

Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đưa ra một tuyên bố ngắn gọn về việc thành lập các nhóm, nói rằng động thái này là để “tiếp nối những hiểu biết chung quan trọng đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước tại cuộc gặp ở Bali” năm ngoái.

Đối thoại và hợp tác là cách tiếp cận kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ với Trung Quốc cho đến khi chính quyền Trump áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Các nhóm làm việc với Trung Quốc cũng không phải là một khái niệm mới. Trong chính quyền Bush, Dân biểu Rick Larsen (Dân chủ - Washington) và Darin LaHood (Cộng hoà - Illinois) đã thành lập một nhóm làm việc vào năm 2005 nhằm liên kết các nhà lập pháp Mỹ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức các cuộc đối thoại thường niên với Trung Quốc trong một thập kỷ cho đến năm 2017 sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Vào cuối tháng 8, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết bà và các quan chức Trung Quốc đã đồng ý thành lập một nhóm làm việc về “các vấn đề thương mại” để thường xuyên thảo luận về việc thực thi kiểm soát xuất khẩu.

Cuộc gặp ở Bali vào tháng 11 đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021. Một kết quả từ cuộc gặp là hai bên đồng ý “trao quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt để duy trì liên lạc và tăng cường các nỗ lực mang tính xây dựng” về các vấn đề như biến đổi khí hậu, giảm nợ, an ninh y tế và an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời hoan nghênh việc sử dụng các nhóm làm việc chung để giải quyết các vấn đề song phương.

Chính quyền Biden đã nhiều lần nhắc lại rằng họ muốn cạnh tranh với Trung Quốc hơn là muốn xung đột với Trung Quốc.

“Thành thật mà nói, chúng tôi không muốn làm tổn thương Trung Quốc”, Tổng thống Biden nói với các phóng viên trong chuyến công du Việt Nam vào ngày 10/9. “Tất cả chúng ta sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc làm tốt - nếu Trung Quốc làm tốt theo các quy tắc quốc tế”.

Mỹ - Trung thiết lập diễn đàn trao đổi thường xuyên về kinh tế nhằm hạ nhiệt căng thẳng
Tổng thống Joe Biden tổ chức họp báo tại Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 10/9/2023. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)

Tranh chấp và căng thẳng

Thuế quan, công nghệ và vấn đề Đài Loan là một số lĩnh vực mà hai nước đang tranh chấp.

Vào tháng 4, bà Yellen đã lên án hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong và Tây Tạng, đồng thời khẳng định rằng bà lạc quan về việc hướng tới “một tương lai trong đó cả hai nước cùng chia sẻ và thúc đẩy tiến bộ kinh tế toàn cầu”.

Khi đến thăm Bắc Kinh vào tháng 7, bà nói rằng liên lạc trực tiếp có thể giải quyết những lo ngại xung quanh các hoạt động kinh tế cụ thể. Bà bảo vệ những nỗ lực của Mỹ nhằm bảo toàn lợi ích an ninh quốc gia nhưng nhấn mạnh rằng những biện pháp này không nên làm xấu đi mối quan hệ kinh tế song phương.

Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, đặc phái viên về khí hậu John Kerry và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, gần đây đã tổ chức các cuộc gặp với giới lãnh đạo Trung Quốc trong nỗ lực tiếp tục giảm bớt căng thẳng.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ - Trung thiết lập diễn đàn trao đổi thường xuyên về kinh tế nhằm hạ nhiệt căng thẳng