'Nam không ý chí giống như sắt, nữ không khí chất giống như vừng' nghĩa là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có lẽ nhiều người thoạt nghe câu này sẽ thấy thắc mắc tại sao “sắt” và “vừng” lại liên quan đến nam và nữ? Đặc biệt, tại sao nam không ý chí lại ví với sắt. Sắt không phải cứng lắm sao? Thực ra giữa mỗi câu chữ đều mang hàm ý, đạo lý thể hiện trí tuệ cao thâm của cổ nhân.

“Nam không ý chí giống như sắt”

Trong vế đầu tiên “Nam không ý chí giống như sắt”, đọc qua chúng ta chắc sẽ cần đọc lại và không khỏi thắc mắc “sắt” cứng cáp như thế, sao lại đi ví với một người đàn ông không có ý chí? Chắc là người xưa nhầm? Kỳ thực, nếu đem so sánh sắt với thép thì sẽ hiểu được dụng ý của cổ nhân.

So với thép, sắt là thứ kim loại cứng hơn nhưng lại dễ bị ăn mòn và dễ han gỉ. Đàn ông nếu không ý chí, thì cũng giống như “sắt” vậy, tuy cùng là kim loại nhưng sắt chính là trạng thái chưa hoàn hảo, mang nhiều khiếm khuyết, rất dễ bị bẻ cong và han gỉ-người đàn ông có hình thức bên ngoài, mang thân nam mà tâm hồn, tính cách mềm yếu, không có ý chí, không chịu đựng và vượt qua được những sóng gió, vấp váp trong cuộc sống. Còn thép do đã trải qua tôi luyện nên vô cùng rắn chắc.

Người xưa có câu nói so sánh giữa sắt và thép “Tiếc rằng sắt không thành thép” cho những ví dụ tương tự trong cuộc sống, cha mẹ luôn đặt kỳ vọng vào con cái, mong muốn con mình sau này có thể thành long, thành phụng trong cuộc đời nhưng không được như mong đợi.

Nếu người đàn ông không có bản lĩnh, lập trường vững vàng, sống không có chí hướng và khát vọng cao cả, không thể chịu được gian khổ, không có ý chí vượt qua thử thách, sẽ mất dần đi ý chí nỗ lực, cố gắng, thì giống như sắt dễ bị ăn mòn theo thời gian, các góc cạnh, sự cứng cáp sẽ bị mài mòn không thể trở thành thép-một người đàn ông trưởng thành, là chỗ dựa vững chắc cho vợ con.

Đàn ông là trụ cột trong gia đình, cần là người có ý chí, bản lĩnh để gánh vác. Vì vậy, người đàn ông cần có ý chí mạnh mẽ, dám dũng cảm đối mặt với trách nhiệm có thể vượt qua những thử thách để rèn luyện bản lĩnh-thép, tạo dựng cuộc sống cho bản thân và người thân.

Có thể thấy bất luận là thời cổ đại hay hiện đại, câu nói này đều mang một ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nam nhi đại trượng phu phải có chí khí cao, đội trời đạp đất, tính cách phải mạnh mẽ độc lập.

Đàn ông là trụ cột trong gia đình, cần là người có ý chí, bản lĩnh để gánh vác. (Ảnh pexels)

“Nữ không khí chất giống như vừng”

Vừng ở đây là chỉ vừng (mè) trong kẹo vừng dẻo (mè xửng). Loại kẹo này khi mới ăn thấy rất ngon, vị ngọt thanh mát, mùi vừng thơm ngậy, tuy nhiên ăn nhiều sẽ không còn cảm giác yêu thích như trước nữa. Cũng giống như một người phụ nữ không có khí chất, lúc mới đầu tiếp xúc sẽ được rất nhiều người yêu thích, sau một thời gian sẽ khiến đối phương cảm thấy nhàm chán, không thú vị.

Hàm ý ẩn sâu trong câu này còn chỉ tài đức của người phụ nữ, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nội tâm của một người con gái có giá trị hơn vẻ đẹp bề ngoài. Ví như nàng Chung Vô Diệm thời xưa, mặc dù vẻ ngoài tuy xấu xí, nhưng bà lại vô cùng thông minh, trí huệ tinh thông, trong nhà thì có thể giúp chồng dạy con. Đối với việc nước thì có thể giúp Tề Tuyên Vương quản lý tốt nước Tề, cuối cùng bà trở thành một liệt nữ thời đại ấy.

Người ta nói rằng người phụ nữ có khí chất, có tu dưỡng phải có một phần tình cảm ôn nhu, hai phần tao nhã, ba phần ý tứ, và bốn phần trí tuệ. “Tình cảm ôn nhu” đến từ lòng yêu thương, sự thiện giải ý nguyện của người khác. “Tao nhã” đến từ sự khoan dung, có chính kiến, sự thống nhất giữa vẻ đẹp bên trong và bên ngoài. “Ý tứ” đến từ vẻ đẹp tự nhiên, luôn ẩn mà không lộ liễu. “Trí tuệ” đến từ sự trau dồi, sự thực hành, sự không ngừng bồi dưỡng tâm hồn.

Nữ nhân cao quý không phải ở vẻ bề ngoài, không phải ở xuất thân trong gia đình giàu sang phú quý, cũng không phải ở địa vị cao, mà là sự cao quý từ trong tâm. Khí chất của người phụ nữ đến từ nội tâm được tu dưỡng hàng ngày, luôn học hỏi trau dồi kiến thức, làm mới bản thân bằng sự hiểu biết không ngừng về cuộc sống.

Đọc sách, mở mang tri thức, học từ cuộc sống đều khiến nội tâm của người phụ nữ phong phú hơn. Nếu có thể tìm hiểu các giá trị truyền thống, dần hoàn thiện bản thân thì sẽ khiến tâm cảnh thăng hoa, hiểu được Đạo, tiếp xúc được với nhiều điều kỳ diệu.

Con người sống trong xã hội phồn vinh thường dễ bị sa ngã, từ đó tinh thần sa sút, ý chí suy nhược. Nhiều người có thành tích cũng vì lý do này mà sự nghiệp hoặc tâm trạng sa sút, khó vực dậy.

Người xưa nói rằng: “Hoa sen mọc lên từ bùn mà không nhiễm bẩn, tắm trong nước mà không lẳng lơ; trong rỗng mà ngoài thẳng tắp, không cành lá lộn xộn. Hương càng xa càng tinh khiết, uy nghi ngay thẳng; chỉ ngắm được từ xa mà chẳng thể bỡn cợt”. Người phụ nữ cũng cần có vẻ đẹp của một đóa sen như thế.

Vì vậy bất luận là nam hay nữ, đều cần có tính cách của riêng mình, không nên “gió chiều nào, che chiều ấy”. Nam nhi phải mạnh mẽ, tự lực cánh sinh, không nên giống như sắt dễ bị thời gian ăn mòn. Nữ nhi cần có đức hạnh, không nên quá chú trọng ngoại hình mà quên đi tu dưỡng, những phẩm chất tốt đẹp bên trong như chiếc kẹo vừng chỉ ngon lúc ban đầu.

Câu nói của người xưa bao hàm đạo lý uyên thâm. Nếu chúng ta có thể phân tích và lý giải được nội hàm của những câu tục ngữ, là có thể học được nhiều điều thú vị bổ ích.

Ngọc Liên

(Tham khảo Tinhhoa & MUC)



BÀI CHỌN LỌC

'Nam không ý chí giống như sắt, nữ không khí chất giống như vừng' nghĩa là gì?