NASA vô tình mất liên lạc với tàu thăm dò Voyager 2 khi nó cách Trái đất gần 20 tỷ km

Giúp NTDVN sửa lỗi

NASA đang nỗ lực tìm kiếm Voyager 2, một trong những tàu thăm dò nổi tiếng nhất trong lịch sử vũ trụ, sau khi mất liên lạc với nó do ai đó đã gửi sai lệnh.

Cơ quan này cho biết họ đã không thể liên lạc được với tàu thăm dò này kể từ ngày 21/7 sau khi vô tình chỉnh hướng ăng-ten của nó ra khỏi Trái đất.

"Nhóm sứ mệnh đã có thể phát hiện 'tín hiệu sóng mang' từ tàu vũ trụ này, về cơ bản đó là tín hiệu mà nó sử dụng để gửi dữ liệu trở lại Trái đất", một đại diện của Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA nói với Insider.

Tín hiệu mang quá yếu để truyền dữ liệu, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy tàu vũ trụ vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, do hướng của ăng-ten, các kỹ sư không tự tin rằng họ sẽ có thể điều khiển con tàu.

Voyager 2, đã du hành trong không gian gần 46 năm, dự kiến ​​NASA sẽ mất liên lạc với nó ít nhất cho đến tháng 10, khi một động thái tự động có thể đặt ăng-ten trở lại hướng về phía Trái đất.

Trong thời gian này, tàu thăm dò đang di chuyển với tốc độ 35.000 dặm/giờ (khoảng 56.300 km/giờ) và cách Trái đất 12,3 tỷ dặm (khoảng 19,9 tỷ km). Các nhà khoa học của NASA biết Voyager 2 đang ở đâu và vị trí nó sẽ đạt được vào tháng 10. Cho đến lúc đó, không có nhiều thứ trong khu vực có thể va phải nó, người đại diện cho biết.

Thông thường, Voyager 2 truyền dữ liệu thu thập được trong thời gian thực vì bộ nhớ trong của nó rất bé. Nếu NASA không thể truy cập dữ liệu của tàu thăm dò, thì điều đó có nghĩa là sứ mệnh này sẽ kết thúc sau 46 năm.

Đại diện của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA cho biết: “Mục đích của sứ mệnh là khoa học, vì vậy nếu chúng tôi không thể thu thập được dữ liệu khoa học, thì chúng tôi sẽ không tiếp tục duy trì nó”.

Trong những tuần tới, NASA sẽ phát lệnh sửa chữa vào khu vực không gian xung quanh Voyager 2 bằng cách sử dụng ăng-ten của Mạng lưới giám sát Không gian Sâu (Deep Space Network) của họ tại Canberra, Úc.

Mạng lưới này đã có thể bắt được tín hiệu từ tàu thăm dò, cho phép cơ quan biết rằng "tàu vũ trụ đang ở tình trạng tốt", theo một tweet của NASA Sun & Space hôm thứ Hai.

Đài ABC News của Australia đưa tin hy vọng tàu thăm dò sẽ bắt được tín hiệu và tiếp tục hoạt động như bình thường.

Nếu phương pháp này không thành công, NASA dự định thiết lập lại liên lạc vào ngày 15/10, khi tàu thăm dò được cài đặt để tự động điều chỉnh hướng của nó. Trong thời gian này, Voyager 2 sẽ tiếp tục đi theo con đường đã định trước, theo NASA.

Voyager 2 là một phần trong sứ mệnh kéo dài nhất của NASA, đã du hành trong không gian gần nửa thế kỷ. Trên đường đi, nó đã chụp được một số bức ảnh mang tính biểu tượng nhất về hệ Mặt trời.

Voyager 1 và 2 đã vượt xa tuổi thọ của chúng, khi theo dự tính ban đầu, chúng sẽ cạn kiệt năng lượng trong vòng bốn năm sau khi phóng.

Linda Spilker, nhà khoa học thuộc dự án Voyager tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Nam California, cho biết: “Dữ liệu khoa học mà các tàu Voyager truyền trở lại càng có giá trị hơn khi chúng đi càng xa Mặt trời”.

"Chúng tôi chắc chắn muốn giữ càng nhiều thiết bị khoa học hoạt động càng lâu càng tốt”, cô nói.

Các nhà khoa học đã có thể tìm ra những cách thông minh để kéo dài tuổi thọ của các tàu thăm dò bằng cách tắt các thiết bị một cách có chiến lược, nhưng chúng vẫn đang đến gần thời điểm kết thúc sứ mệnh khoa học.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi thiết bị cuối cùng tắt, các nhiệm vụ dài hạn hơn của tàu thăm dò vẫn sẽ tiếp tục. Chúng mang theo một đĩa ghi vàng chứa thông tin quan trọng về nhân loại. Nếu sự sống thông minh ngoài Trái đất tồn tại, các nhà khoa học cho biết họ có thể sử dụng thông tin đó để tiếp cận với nhân loại.

Voyager 2 cũng có một biện pháp an toàn cuối cùng. Nếu nó không liên lạc được với Trái đất trong một khoảng thời gian nhất định, nó sẽ bắt đầu tìm kiếm Trái đất. Tuy nhiên, biện pháp đó sẽ hết hiệu lực vào tháng 12, theo đại diện Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực.

Theo Businessinsider

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

NASA vô tình mất liên lạc với tàu thăm dò Voyager 2 khi nó cách Trái đất gần 20 tỷ km