Nghiên cứu cho thấy dấu chân cổ nhất của con người ở Bắc Mỹ là 23.000 năm tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới cho thấy, dấu chân của người tiển sử rải rác ở Công viên Quốc gia White Sands ở New Mexico, Hoa Kỳ, có niên đại từ 21.000 đến 23.000 năm tuổi. Điều này khiến chúng trở thành những dấu chân hóa thạch lâu đời nhất được biết đến do người dân ở Bắc Mỹ để lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với kết quả mới.

Nhóm nghiên cứu sử dụng hai kỹ thuật xác định niên đại để xác minh tuổi của các dấu chân, nhằm đáp trả cho những chỉ trích cho rằng một nghiên cứu trước đó được công bố vào năm 2021 của họ đã sử dụng vật liệu không đáng tin cậy.

Giờ đây, cả ba kết quả - kết quả gây tranh cãi trước đóvà hai kết quả mới từ các kỹ thuật xác định niên đại khác nhau - đều chỉ ra rằng các dấu chân có niên đại từ 21.000 đến 23.000 năm tuổi. Điều đó có nghĩa là chúng có niên đại vào khoảng thời gian Cực đại Băng hà Cuối cùng (26.500 đến 19.000 năm trước), thời điểm lạnh nhất của kỷ băng hà cuối cùng.

Niên đại sớm của các dấu chân là một kết quả có ý nghĩa rất lớn. Trước đây, các nhà khảo cổ cho rằng người Clovis là những người đầu tiên đến châu Mỹ khoảng 13.000 năm trước. Cho đến vài thập kỷ gần đây, các nhà khảo cổ học mới phát hiện ra bằng chứng chắc chắn về sự tồn tại của những người có mặt ở châu Mỹ trước cả người Clovis. Tuy nhiên, nhiều địa điểm mới được phát hiện có bằng chứng không chắc chắn hoặc chỉ cách thời điểm của người Clovis vài nghìn năm.

Dấu vết ở White Sands hiện là địa điểm lâu đời nhất ở Bắc Mỹ với bằng chứng trực tiếp về sự tồn tại của con người và nó đã đẩy lùi đáng kể thời điểm con người bắt đầu có mặt ở châu Mỹ.

Jeffrey Pigati, một trong các tác giả bài báo, nhà nghiên cứu địa chất đến từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ tại Trung tâm Khoa học về Địa chất và Biến đổi Môi trường ở Denver, cho biết: “Bây giờ chúng tôi có bằng chứng chắc chắn về con người ở đây trong thời kỳ Cực đại Băng hà Cuối cùng”.

Nhưng vào năm 2022, một nhóm các nhà khảo cổ học đã chỉ trích rằng, vật liệu xác định niên đại bằng carbon phóng xạ được sử dụng trong bài báo đầu tiên – hạt của loài thực vật thủy sinh Ruppia cirrhosa – là không đáng tin cậy.

Các nhà khoa học đã tìm thấy những hạt giống bị vùi lấp trong dấu chân, cung cấp tàn dư hữu cơ có thể xác định niên đại bằng cách kiểm tra sự phân rã phóng xạ của carbon-14.

Nhưng Loren Davis, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Bang Oregon, một trong những người chỉ trích, nói với Live Science rằng, ai cũng biết Ruppia là một nguồn thông tinh không chính xác về niên đại. Không giống như các sinh vật sống hít thở carbon-14 từ khí quyển, Ruppia ưu tiên lấy carbon từ nước hồ hơn. “Và khi làm như vậy, nếu có carbon có niên đại sớm được đưa vào nước ngầm, thì bạn sẽ thấy niên đại sớm hơn ở thực vật dù chúng chưa già đến mức đó".

Trong bài phản biện, Davis và các đồng nghiệp của ông đề nghị nhóm White Sands sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng phát sáng kích thích quang học (OSL), một kỹ thuật ước lượng thời gian đã trôi qua kể từ lần cuối cùng các hạt thạch anh hoặc tràng thạch tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc ánh sáng Mặt trời.

Vì vậy, trong bài báo mới được xuất bản trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu đã thực hiện như vậy.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các hạt thạch anh dưới dấu chân bằng phương pháp xác định niên đại OSL. Họ phát hiện ra rằng các lớp chứa dấu chân có niên đại tối thiểu khoảng 21.500 năm.

Nhóm nghiên cứu cũng phân lập và sau đó xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của ba mẫu đất, mỗi mẫu chứa 75.000 hạt phấn hoa cây lá kim từ cùng các lớp dấu chân như hạt Ruppia. Cây lá kim lấy carbon-14 từ khí quyển, nghĩa là chúng không gặp phải những vấn đề giống như Ruppia. Họ phát hiện niên đại phấn hoa cũng vào khoảng 23.000 năm, phù hợp với độ tuổi của cả hạt Ruppia và thạch anh.

Pigati cho biết, nếu độ tuổi của hạt cây, phấn hoa và hạt thạch anh mà đo theo phương pháp OSL giống nhau, thì vấn đề đã được giải quyết. “Chúng ta có thể dừng cuộc tranh cãi về niên đại”.

Tuy nhiên, Davis cho biết, trên thực tế thì các tranh cãi vẫn chưa kết thúc.

Một bản đồ cho thấy nơi nhóm White Sands lấy các mẫu OSL, "rõ ràng là có ba độ tuổi OSL đến từ các trầm tích có địa tầng bên dưới bên mặt chứa dấu vết", Davis nói với Live Science trong email. Vì vậy, có thể các hạt thạch anh đã được lắng đọng trước tiên và dấu chân đã đặt lên trên chúng vào một thời điểm sau đó, có thể là từ 19.800 đến 16.200 năm trước, như một mẫu OSL đã chứng minh, ông nói.

Davis cho biết: “Đây là lý do tại sao điều quan trọng là các tác giả phải tiếp tục nỗ lực xác định tuổi OSL từ các lớp trầm tích thực sự chôn vùi dấu chân”. Ông nói thêm rằng có thể theo thời gian, các mẫu phấn hoa đã di chuyển qua các lớp trầm tích, có nghĩa là chúng cũng có thể cũ hơn dấu chân.

Nhưng những người khác lại bị ấn tượng bởi kết quả của nghiên cứu mới.

Thomas Higham, một nhà khoa học khảo cổ học và chuyên gia xác định niên đại bằng carbon phóng xạ tại Đại học Vienna, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Tôi nghĩ đó là một đóng góp thực sự to lớn và một trường hợp rất thuyết phục và chi tiết”. Ông không đồng ý với quan điểm của Davis rằng cần có thêm dữ liệu OSL. Higham cho biết: “Việc thu thập những mẫu đó không phải là một việc dễ dàng”.

Phát hiện đầu tiên vào năm 2021 là “một kết quả mang tính đột phá”, Higham nói với Live Science.

Theo Livescience



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu cho thấy dấu chân cổ nhất của con người ở Bắc Mỹ là 23.000 năm tuổi